Ý Nghĩa Lễ Trọng, Lễ Kính Và Lễ Nhớ

Lịch phụng vụ chia làm ba bậc lễ để kính nhớ các mầu nhiệm của Chúa, các đặc ân của Đức Maria và các thánh :

1) Lễ trọng chia làm hai loại : lễ trọng chung và lễ trọng riêng.

-Lễ trọng chung là các lễ trọng được xác định rõ trong sách phụng vụ mà toàn thể Hội Thánh phải mừng kính. Có 15 lễ trọng chung cho Giáo Hội toàn cầu: 10 lễ kính Chúa, 3 lễ kính Đức Maria và 4 lễ kính các thánh. Lễ Phục sinh và Giáng Sinh là hai lễ trọng đặc biệt, kéo dài trong 8 ngày gọi là tuần Bát Nhật, tuy nhiên tuần Bát Nhật Giáng Sinh không được ưu tiên như tuần Bát nhật Phục sinh.

-Lễ trọng riêng chỉ được mừng kính trong một Hội Thánh địa phương. Chẳng hạn lễ Các thánh tử đạo Việt Nam (24/11) là lễ trọng riêng đối với Hội ThánhViệt Nam vì là lễ bổn mạng Hội Thánh Việt Nam, còn đối với Hội Thánh toàn cầu chỉ là lễ nhớ.

Tất cả các lễ trọng chung hay riêng đều được bắt đầu từ Kinh Chiều I ngày hôm trước, nghĩa là ngày mừng lễ sẽ dài hơn một ngày bình thường. Vì thế thánh lễ chiều hôm trước (sau Kinh Chiều I) đều phải cử hành lễ trọng kính của ngày hôm sau, nghĩa là ngày chính lễ, ngọai trừ một vài lễ có lễ vọng thì phải cử hành lễ vọng (Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Maria lên trời, Sinh nhật Gioan Tiền Hô, Phêrô và Phaolô).

Ngoài ra,còn có thánh lễ được kính trọng thể, nghĩa là mừng kính cách đặc biệt hơn vào ngày Chúa Nhật thường niên trước hay sau đó vì lợi ích mục vụ của các tín hữu nơi đó (ví dụ: lễ Các Thánh tử đạo Việt Nam 24/11 được rời lên Chúa Nhật trước vì Chúa Nhật sau đó thường là lễ Chúa Kitô Vua; lễ Mân Côi tuy là lễ nhớ buộc nhưng được mừng kính trọng thể vào Chúa Nhật).

2) Lễ kính: Lễ kính đứng dưới lễ trọng và chỉ mừng trong giới hạn một ngày.

Lịch phụng vụ chung của Hội Thánh chia ba loại lễ kính như sau:

6 lễ kính Chúa: Thánh Gia Thất, Dâng Chúa trong Đền Thánh (2.2), Chúa chịu phép Rửa, Biến hình (6.8), Suy tôn Thánh giá (14.9), Cung hiền Đền thờ Latran (9.11). các lễ kính Chúa có bậc lễ ưu tiên trên các Chúa nhật Giáng sinh và thường niên, vì thế khi các lễ này trùng vào các Chúa nhật kể trên, thì năm đó thánh lễ và giờ kinh phải cử hành theo lễ kính Chúa.

2 lễ kính Đức Mẹ: Đức Maria thăm Bà Elisabet (31.5), Sinh nhật Đức Trinh nữ Maria (8.9).

17 lễ kính các thánh: Phaolô tông đồ trở lại (25.1), Lập Tông tòa Thánh Phêrô (22.2), Maccô, Tác giả Tin Mừng (25.4), Philipphê và Giacôbê Tông đồ (3.5), Matthia Tông đồ (14.5), Tôma Tông đồ (3.7), Giacôbê Tông đồ (25.7), Lôrensô Phó tế tử đạo (10.8), Batôlômêô Tông đồ (24.8), Matthêu Tông đồ Thánh sử (21.9), Các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabriel và Raphael (29.9), Luca Thánh sử (18.10), Simon và Giuđa Tông đồ (28.10), Anrê Tông đồ (30.11), Têphanô Tử đạo tiên khởi (26.12), Gioan Tông đồ Thánh sử (27.12), Các Thánh anh hài (28.12).

Riêng Hội Thánh Việt Nam mừng thêm 2 lễ kính riêng: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu (1.10) và Thánh Phanxicô Xaviê (3.12).

Các lễ kính Đức Mẹ và các thánh khi trùng với Chúa nhật thường niên thì năm đó bỏ luôn, trừ trường hợp được nâng thành lễ trọng riêng (NP 60).

3) Lễ nhớ: Lịch phụng vụ chung của Hội Thánh chia hai loại lễ nhớ: buộc và tự do.

Lễ nhớ buộc đòi vị chủ tế phải cử hành đúng ngày lễ theo lịch phụng vụ đã ghi, trừ trường hợp gặp các lễ khác trùng vào lễ nhớ này có quyền ưu tiên hơn, còn lễ nhớ tự do thì chủ tế được quyền chọn lựa có thể cử hành hay không tùy nhu cầu mục vụ (NP 14).

Tuy nhiên, khi có nhu cầu hoặc lợi ích mục vụ đòi hỏi, vị phụ trách thánh đường và chính linh mục chủ tế có quyền cử hành thánh lễ ngoại lịch hoặc thánh lễ cho các nhu cầu khác nhau của dân Chúa, mà không buộc phải cử hành thánh lễ nhớ buộc hay lễ nhớ tự do; nhưng ngài không có quyền nay đối với các Chúa nhật, lễ trọng cũng như lễ kính (RM 376).

Như thế, lễ Tổng lãnh thiên thần Gabriel không thể dời vào ngày Chúa nhật. nếu trùng vào ngày Chúa nhật mà không được nâng lên bậc lễ trọng, cũng không được phép cử hành.

4) Lễ theo nhu cầu :

Có ba loại lễ theo nhu cầu :

Lễ có nghi thức riêng thường đi kèm với việc cử hành một bí tích nào đó: Hôn Phối, Truyền Chức, Thêm Sức …

Lễ do nhu cầu tùy theo hòan cảnh : lễ tạ ơn, lễ cầu mùa

Lễ ngoại lịch là do lòng đạo đức của giáo dân đòi hỏi : thứ Sáu kính Thánh Tâm, thứ Bảy kính Đức Mẹ …

Tuy nhiên, các lễ theo nhu cầu được cử hành hay không, còn tùy thuộc vào các mùa hoặc lịch phụng vụ.

Ví dụ :

* Không được cử hành bản văn và bài đọc thánh lễ Hôn Phối vào các lễ trọng, các Chúa Nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, thứ Tư lễ Tro, Tuần Thánh, lễ 2/11, tuần Bát nhật Phục Sinh, nhưng được cử hành nghi thức bí tích Hôn Phối trong các ngày lễ Chúa Nhật (sau bài giảng) và được phép đọc lời chúc hôn sau kinh Lạy Cha và ban phép lành riêng ở cuối lễ.

Trong các Chúa Nhật mùa Giáng Sinh và mùa thường niên : vẫn phải cử hành lễ Chúa Nhật nhưng có thể thay đổi bằng một bài đọc sách thánh về Hôn phối. Nếu không có cộng đoàn Giáo Xứ tham dự mà chỉ có gia đình hôn lễ thì được phép cử hành toàn bộ bản văn và bài đọc riêng của lễ Hôn phối.

* Thánh lễ an táng được cử hành bất cứ ngày nào, trừ ngày lễ trọng buộc, thứ Năm tuần thánh, Tam nhật Vượt Qua và các Chúa Nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục Sinh. Nếu cử hành an táng vào các ngày này, người ta buộc phải dùng bản văn và bài đọc của ngày lễ đó, và sau lời nguyện hiệp lễ được làm nghi thức từ biệt.

WGPKT(22/07/2021) KONTUM

Tổng hợp theo nguồn:

giaophannhatrang.org

-Báo Công giáo và Dân tộc: cgvdt.vn