Lm. Robert J. Hater*
Một đường hướng mục vụ tập trung vào những người ở bên lề.
Triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô theo sát tinh thần của Công đồng Vaticanô II. Ngài tập trung vào sự cởi mở và đồng hành với người nghèo cũng như người thiếu thốn. Vào thời điểm Đức Phanxicô trở thành giáo hoàng, Giáo Hội đã có sự chuyển dịch sang chủ nghĩa truyền thống và xa rời những đường hướng tiến bộ hơn của Công đồng Vaticanô II.
Ngay từ đầu, dân chúng nói chung đã ngưỡng mộ lòng khiêm nhường và mối quan tâm của ngài đối với những người chịu thiệt thòi. Điều này thể hiện rõ vào đầu triều đại giáo hoàng của ngài khi ngài rời Vatican và vào thành phố Rome để phục vụ người nghèo. Ngài sống trong một căn hộ khiêm tốn bên trong Vatican, thay vì những khu nhà ở sang trọng mà những vị tiền nhiệm của ngài từng sống. Vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngài đã đến viếng thăm một nhà tù ở Rome và rửa chân cho các tù nhân, bao gồm cả người Hồi giáo và phụ nữ. Những hành động như thế phản ánh cách tiếp cận đầy cởi mở của ngài đối với người nghèo và người thiếu thốn, cũng giống như câu trả lời của ngài cho một câu hỏi về lối sống của người đồng tính nam và đồng tính nữ, khi ngài nói: “Tôi là ai mà phán xét.” Các bài viết, bài nói chuyện và bài giảng của ngài phác họa nên ngài như một vị mục tử đích thực với một định hướng mục vụ nhất định.
Đức Phanxicô là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên trở thành giáo hoàng trong lịch sử, và là người sinh ra ở Buenos Aires, Argentina. Cương vị giáo hoàng của ngài phản ánh xuất thân của ngài. Trong những năm với tư cách Hồng y Tổng giám mục của Buenos Aires, ngài nổi tiếng là người bảo vệ người nghèo và thường xuyên đến các khu ổ chuột để phục vụ những người túng thiếu. Điều này được thể hiện trong cương vị giáo hoàng của ngài, như được phản ánh trong các bài giảng và sách vở của ngài, kể cả Tông huấn hậu Thượng hội đồng, Evangelii Gaudium (2013) về niềm vui của Tin Mừng và Amoris Laetitia (2016) về tình yêu trong gia đình. Giọng điệu của các văn kiện này cho thấy Đức Phanxicô là một người vô cùng ân cần. Trọng tâm mục vụ này cũng được phản ánh trong sứ vụ của ngài đối với người di cư và người tị nạn, chăm sóc môi trường và cầu xin sự tha thứ từ người dân bản địa vì cách đối xử trong quá khứ đối với tổ tiên của họ.
Một sự chuyển đổi trọng tâm
Dưới thời Đức Phanxicô, sự cởi mở xuất hiện trong việc thảo luận về những vấn đề gây tranh cãi như các vấn nạn thần học, việc đối thoại về các vấn đề LGBTQ+, ly dị và tái hôn, và các vấn đề phụng vụ, bao gồm việc sử dụng hoặc không sử dụng Thánh lễ bằng tiếng Latin truyền thống. Ngoài ra, Đức Phanxicô đã trao nhiều trách nhiệm hơn cho phụ nữ trong bộ máy hành chính của Vatican và các vị trí khác trong Giáo Hội tại các giáo phận cũng như những nơi khác. Ngài khuyến khích thảo luận về việc phong chức phó tế cho phụ nữ.
Đức Phanxicô thừa nhận có sự sự chia rẽ trong Giáo Hội về nhiều vấn đề và nhu cầu cần phải cởi mở, minh bạch khi giải quyết các vấn đề trong Giáo Hội, như nạn lạm dụng của hàng giáo sĩ. Mong muốn của ngài trong việc cởi mở và tập hợp các tín hữu lại với nhau như một Thân thể của Chúa Kitô được phản ánh trong lời kêu gọi của ngài về một Giáo Hội hiệp hành, bao gồm và khuyến khích sự tham gia từ Giáo Hội trên toàn thế giới.
Những vị giáo hoàng trước đây đã triệu tập những thượng hội đồng với sự chuẩn bị, điều hành và bỏ phiếu chủ yếu bởi một số giám mục, các nhà thần học và các hồng y được Đức Giáo hoàng lựa chọn cẩn thận. Giáo dân được đại diện là những người dự thính và ở các vị trí khác thấp hơn.
Thượng hội đồng của Đức Phanxicô thì khác. Ngài đã biến “tính hiệp hành” thành khẩu hiệu cho cuộc đối thoại với toàn thể Giáo Hội về những vấn đề then chốt. Ngay từ đầu, trong các cuộc gặp gỡ của giáo dân trên toàn thế giới, thượng hội đồng của ngài đã được thực hiện theo chỉ thị của ngài về sự cởi mở và trung thực. Theo một nghĩa nào đó, thượng hội đồng này có thể được xem là điểm nhấn tiêu biểu nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài, một di sản lầu bền cho Giáo Hội.
Mỗi vị giáo hoàng đều mang đến những tài năng độc đáo cho triều đại giáo hoàng của mình và được Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Thánh Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô là những con người khác nhau và mang đến những tài năng khác nhau cho Giáo Hội. Khi noi theo đường hướng của các ngài, Giáo Hội được kêu mời nhận ra cách thức mà ba vị giáo hoàng này bổ túc cho nhau. Điều như thế cũng tương ứng với những vị sẽ đến sau các ngài, bất kể phong cách và mối bận tâm của các vị đó ra sao.
Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội đến Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa với những người trung thành. Trong thời đại đầy thay đổi này, Giáo Hội được kêu gọi trở thành ngọn hải đăng trên bờ biển mà chúng ta gọi là hành tinh trái đất. Ước mong rằng chúng ta hãy bước theo ánh sáng chỉ đường này, vì Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta theo cách thức khiêm nhường của Đức Phanxicô. Khi làm như thế, chúng ta có thể đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn bằng cách cởi mở với nhau và với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta.
Nguồn: The Priest (15/7/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
(giaophanvinhlong.net)
——————————-
* Cha Robert J. Hater, Tiến sĩ, một linh mục thuộc Tổng Giáo phận Cincinnati, là một tác giả và diễn giả nổi tiếng thế giới. Cha là giáo sư danh dự tại Đại học Dayton và cư trú tại Giáo xứ St. Clare ở Cincinnati.