Những Năm Tháng Sống Ẩn Dật Của Chúa Giêsu Khai Mở Điều Gì Về Công Việc Thường Ngày Của Chúng Ta?

30 trong số 33 năm Chúa Giêsu ở trên trần gian đã dành “sống ẩn dật” trong công việc thường ngày tại quê nhà. Những năm tháng đó như thế nào? Chúng ta có thể học được gì từ chúng?

Bạn có bao giờ dừng lại để suy nghĩ về sự thật hiển nhiên rằng Chúa Giêsu đã dành 30 trong số 33 năm trên trần gian này để “sống ẩn dật” trong tình thương gia đình, trong khi chỉ có 3 năm Người dành cho sứ vụ công khai?

Trong những năm tháng “ẩn dật,” Chúa Giêsu đã làm việc, cầu nguyện và tham gia vào đời sống cộng đoàn với tư cách là một người con, người hàng xóm, công dân và người bạn. Nhưng những năm tháng đó như thế nào? Và chúng ta có thể học được gì từ chúng?

Chúng ta có thể thấy từ những lời của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh rằng công việc thợ mộc hẳn đã chiếm một phần lớn trong cuộc đời Người. Người có sự hiểu sâu sắc công việc của nhân loại, đặc biệt là trong lĩnh vực thợ mộc và xây dựng: “Một số dụ ngôn của Chúa Giêsu diễn ra tại các công trường xây dựng. Có bao nhiêu kinh nghiệm cá nhân của Chúa Giêsu có thể được phản ánh trong những dụ ngôn này?” (Theo Jesus the Builder (Mark 6:1-6) – Bible Commentary / Produced by TOW Project)

Là một người thợ mộc, Chúa Giêsu đã làm việc chăm chỉ, cẩn thận và chính xác. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả Chúa Giêsu “học nghề thợ mộc từ Thánh Giuse trong xưởng của ngài ở Nazareth, chia sẻ với ngài sự tận tụy, nỗ lực, sự hài lòng và cả những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.”

Thánh Gioan Phaolô II đã viết rằng chúng ta có thể rút ra một “Tin Mừng về lao động” hùng hồn từ nhận thức rằng chính Thiên Chúa “đã dành phần lớn cuộc đời của Người trên trần gian để làm công việc chân tay tại xưởng thợ mộc.” (Thông điệp Laborem Exercens, số 25)

Tương tự như vậy, hầu hết chúng ta đều dành những ngày của mình cho “công việc thầm lặng” giống như Chúa Giêsu. Làm thế nào mẫu gương của Người có thể hướng dẫn công việc hằng ngày của chúng ta?

christinthecarpentersshopwooductmargeryallingtonroydswcpd
 “Chúa Kitô trong Xưởng mộc” Tranh khắc gỗ của Margery Allington Royds

Sau đây là một số điều cần học hỏi từ những năm tháng thầm lặng của Chúa Giêsu và áp dụng vào công việc thường ngày của chúng ta:

1. Công việc của chúng ta có thể là con đường dẫn đến sự thánh thiện

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy chúng ta rằng: “Lao động có thể là phương tiện thánh hóa và là cách làm sống động các thực tại trần thế bằng Thánh Thần của Chúa Kitô.” (số 2427)

Mở rộng ý tưởng này, Thánh Josemaria Escriva đã từng viết:

“Các hoạt động bình thường của chúng ta không phải là vấn đề tầm thường. Đúng hơn, chúng là bản lề mà sự thánh thiện của chúng ta xoay quanh, và chúng mang đến cho chúng ta những cơ hội liên tục để gặp gỡ Thiên Chúa, và để ca ngợi và tôn vinh Người thông qua công việc trí tuệ hoặc chân tay của chúng ta.”

Công việc thầm lặng và tận tụy của Chúa Giêsu trong xưởng Nazareth là thời gian chuẩn bị nội tâm cho sứ vụ của Người.

Tương tự như vậy, công việc hàng ngày của chúng ta, được thực hiện cách tốt đẹp và với tình yêu, có thể là sự chuẩn bị nội tâm cho ngôi nhà vĩnh cửu của chúng ta trên thiên đàng.

2. Không phải những gì chúng ta làm, mà là cách thức chúng ta làm

Chúng ta đừng nản lòng vì tính chất khiêm tốn trong phận vụ của mình. Cho dù công việc trước mắt chúng ta lớn hay nhỏ, tất cả đều có thể được dâng lên cho Thiên Chúa:

“[Lao động] cũng mang giá trị cứu chuộc. Bằng cách chịu đựng những khó khăn của lao động trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu, người thợ mộc ở Nazareth và là người bị đóng đinh trên đồi Calvariô, con người cộng tác theo một cách thức nhất định với Con Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc của Người. Họ cho thấy rằng mình là môn đệ của Chúa Kitô bằng cách vác thập giá, hàng ngày, trong công việc mà họ được kêu gọi để hoàn thành.” (GLHTCG, số 2427)

Đôi khi công việc của chúng ta có vẻ thú vị, và đôi khi chúng ta cảm thấy như thể mình đang vác thập giá vậy! Tuy nhiên, tất cả mọi thứ, dù khó khăn hay tẻ nhạt đến đâu, đều có thể được thực hiện bằng sự cẩn thận và tình yêu như một hành động để ca ngợi và hy sinh.

3. Công việc cho phép chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa

Một điều tuyệt vời cần suy ngẫm là công việc không phải là hậu quả của tội lỗi, vì nó đã tồn tại trước cả khi con người đầu tiên sa ngã. Khi chúng ta làm việc, thực ra chúng ta đang bắt chước Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo. Chúng ta thật may mắn khi được trở thành người cộng tác vào công trình sáng tạo với Người và tham gia vào công trình cứu chuộc của Người:

“Lời mặc khải của Thiên Chúa được ghi dấu ấn sâu đậm bởi chân lý căn bản rằng con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, chia sẻ công việc của mình trong hoạt động của Đấng Tạo Hóa…” (Thông điệp Laborem Exercens, số 25)

Suy ngẫm về tất cả những điều này, chúng ta sẽ tiếp cận công việc của mình như thế nào khi coi đó là “cơ hội để cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa”?

Công việc hàng ngày của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào nếu chúng ta giữ được cảm giác về sự hiện diện của Thiên Chúa trong những bổn phận bình thường của mình, giống như Chúa Giêsu trong những năm tháng sống ẩn dật của Người?

Và làm việc theo cách thức như thế sẽ làm biến đổi chúng ta ra sao?

Tác giả: Theresa Civantos Barber – Nguồn: Aleteia (19/10/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

(giaophanvinhlong.net)