Đức Kitô Trong Thần Học Luân Lý

Bài viết này tìm hiểu vai trò Đức Kitô trong thần học luân lý qua hai văn kiện Huấn quyền:

I. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: A. Phẩm giá Kitô hữu. B. Đức Kitô trong các đề mục luân lý căn bản (1/ Tự do. 2/ Lương tâm. 3/ Các nhân đức. 4/ Lề luật. 5/ Ơn thánh)
II. Thông điệp Veritatis splendor: A. Đi theo Đức Kitô. B. Vài vấn đề riêng biệt (1/ Tự do và luật. 2/ Lương tâm và chân lý. 3/ Sự lựa chọn căn bản. 4/ Hành vi luân lý)

Đâu là đặc trưng của luân lý Kitô giáo? Nhiều câu trả lời đã được đưa ra: luân lý tình yêu, luân lý ân sủng, luân lý các mối phúc, luân lý hướng về Chúa Ba Ngôi… Một câu trả lời xem ra đơn giản nhưng lại súc tích hơn cả là: đặc trưng của luân lý Kitô giáo ở chỗ quy chiếu về Đức Kitô. Đây một hướng đi mới từ công đồng Vaticanô II, nhằm nêu bật ít là hai điểm sau đây: 1/ Luân lý Kitô giáo có những nét đặc trưng của nó, chứ không phải chỉ gồm những quy tắc về việc ăn ngay ở lành, gặp thấy hết các nền luân lý của các dân tộc hoặc các tôn giáo trên hoàn cầu. 2/ Những nét đặc trưng đó dựa trên mặc khải của Tân ước. Đức tin Kitô giáo không chỉ giới hạn vào việc chấp nhận những chân lý trừu tượng, nhưng còn cần phải được diễn tả ra cuộc sống thực tại nữa.

Sau những bước đi rụt rè vào thập niên 60, chiều hướng này đã trở thành phổ quát và được Huấn quyền đón nhận, qua hai văn kiện bàn về thần học luân lý căn bản, đó là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (= GL) và thông điệp Veritatis Splendor (= VS). Điều gây thú vị cho các học giả là khi đối chiếu hai bản văn đó, họ đã khám phá những điểm tương đồng cũng như những điểm khác biệt; hay nói đúng hơn, có hai cách thức khác nhau để trình bày cùng một đề tài.

I. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo


Trước tiên, chúng ta hãy xem cách trình bày của sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo.

Phần luân lý (tức là phần thứ Ba của sách Giáo Lý) mang tựa đề là Đời sống trong Đức Kitô, và được mở đầu với lời khuyên trích từ lời giảng của thánh Lêô cả mà phụng vụ đọc trong giờ Kinh Sách của Lễ Chúa Giáng Sinh như sau: “Hỡi người Kitô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn. Giờ đây, bạn đã được thông phần bản tính Thiên Chúa, đừng để mình bị thoái hoá qua việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua. Bạn hãy nhớ ai là đầu của bạn, và bạn là chi thể của thân mình nào.”

A. Phẩm giá người Kitô hữu


Lời mở đầu (số 1691) đã hé cho thấy tất cả hướng đi căn bản mà sách Giáo Lý muốn vạch ra, đó là: nền tảng của đời sống luân lý Kitô giáo dựa trên phẩm giá của người Kitô hữu. Số 1692 giải thích cho biết rằng phẩm giá đó nằm ở chỗ người tín hữu được trở thành con cái của Thiên Chúa, và thông phần bản tính Thiên Chúa. Đây là một chân lý không phải là do thần học bịa ra nhưng là dựa trên mặc khải, cụ thể là các bản văn Tân ước được trưng dẫn liền đó: Ga 1,12; 1Ga 3,1 và 2Pr 1,4. Phẩm giá ấy được trao ban nhờ bí tích Thánh tẩy. Cách đó vài hàng, số 1694 kê thêm một hậu quả nữa của bí tích Thánh tẩy là cho chúng ta được tham dự vào cuộc sống của Đức Kitô phục sinh (trích dẫn Rm 6,11). Như vậy ta thấy đời sống luân lý của người Kitô giáo dựa trên nền tảng bí tích Thánh tẩy, nhờ đó người tín hữu được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được chia sẻ điều kiện của Ngài là làm con Thiên Chúa. Toàn thể cuộc sống của người Kitô hữu phải gắng làm sao chiếu toả phẩm giá ấy, qua việc mặc lấy những tâm tình trong Đức Giêsu Kitô (xc Pl 2,5), hoà đồng tư tưởng, lời nói, hành động giống như Ngài. Dĩ nhiên, đây không phải chỉ là cố gắng riêng tư của con người, bởi vì con người được ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp để sống xứng đáng với thiên chức của mình. Mặt khác, ngay từ khi lãnh bí tích Thánh tẩy, con người đã được đổi mới nhờ Thánh Thần. Chúa Thánh Thần biến đổi con người trở nên “đền thờ” của Ngài (x. 1Cr 6,19), Ngài giúp cho con người hành động ngõ hầu phát sinh những “hoa trái của Thánh Thần” (một từ ngữ lấy từ Gl 5,22). Dù sao cũng nên biết là theo thánh Phaolô, Thánh Thần là Thần Khí của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, phú ban cho ta tinh thần con cái khi cầu nguyện (x. Gl 4,6), thưa với Chúa là Cha (GL 1695).

Thiết tưởng một điểm quan trọng mà sách Giáo Lý muốn nêu bật là thành ngữ trong Đức Kitô được dùng làm tựa đề. Đây là một hạn từ mà thánh Phaolô rất ưa thích, bởi vì được sử dụng tới 165 lần trong các lá thư. Tuy nhiên, sách Giáo Lý không dừng lại ở chỗ sao chép từ ngữ, nhưng còn muốn đi vào nội dung thần học của nó nữa. Hạn từ “trong Đức Kitô” được hiểu theo nghĩa là được đồng hoá, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Đây không phải là kết quả của một cuộc tập tành thao luyện, nhằm hoạ lại một khuôn mẫu lý tưởng, nhưng là một thực tại phát sinh từ bí tích rửa tội, dựa trên đạo lý của Tân ước. Một khi đã lãnh nhận bí tích, con người được chia sẻ vào những điều kiện siêu việt của chính Đức Kitô, đó là thông hiệp vào bản tính Thiên Chúa (đạo lý của Phêrô) và làm con Thiên Chúa (đạo lý của Gioan).

Trong triết lý, người ta thường nói: “hành động đi theo bản thể” (operari sequitur esse: người làm sao thì chiêm bao làm vậy). Các Kitô hữu cần phải sống giống như Đức Kitô, tiên vàn là trong mối tình thảo hiếu với Thiên Chúa là Cha. Tâm tình này được biểu lộ trong lời cầu nguyện cũng như qua việc trở nên trọn lành giống như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Những điều vừa nói trên đây có thể coi như là lời giới thiệu tổng quát, và sẽ được quảng diễn khi đi vào chi tiết.

Chương thứ nhất mang tựa đề là Phẩm giá của nhân vị. Sách Giáo Lý đã thu nhập đạo lý của công đồng Vaticanô II, nói trong chương một của Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” về phẩm giá con người. Trưng lại số 22 của Hiến chế, tác giả của sách Giáo Lý muốn trình bày cho thấy rằng Đức Kitô đến trần gian không phải để mặc khải những chân lý siêu việt thuộc về thiên giới cho bằng mặc khải cho con người biết thiên chức cao quý của mình (số 1701). Lối trình bày này bao hàm hai lợi điểm như sau:

1) Thứ nhất, Kitô giáo bao hàm một học thuyết về con người (quen gọi là “nhân học”, anthropologia). Nói khác đi, Kitô giáo không phải chỉ chứa đựng những chân lý về Thiên Chúa mà còn chứa đựng những chân lý về con người nữa. Hơn thế nữa, Thiên Chúa và con người không phải là hai thế giới song song hay đối nghịch với nhau, nhưng rất là gắn bó với nhau. Thiên Chúa không phải chỉ là Hoá công tạo dựng vũ trụ mà còn là Tình yêu ôm ấp con người và là Sự thiện tuyệt đối, nơi mà con người tìm thấy được Hạnh phúc làm thoả mãn những ước nguyện sâu thẳm nhất của con tim.

2) Lợi điểm thứ hai là trình bày Đức Kitô như khuôn mẫu của con người tuyệt hảo. Ngài đã tái tạo nơi con người hình ảnh Thiên Chúa đã bị lu mờ vì tội lỗi. Từ đó, ta có thể áp dụng những gì mà Tân ước nói về phẩm giá của Kitô hữu cho toàn thể các phần tử của nhân loại. Nói cách khác, các Kitô hữu không phải là những siêu nhân, nhưng là những con người đã được tái tạo khỏi những vết thương tội lỗi để có khả năng sống trọn vẹn thiên chức làm người. Như vậy ta có thể khẳng định rằng: tuy dù luân lý Kitô giáo có những nét đặc trưng của nó so với luân lý của các tôn giáo khác, nhưng ta không nên coi những nét đặc trưng theo nghĩa là những cái gì lập dị! Không, Đức Kitô không muốn cho các môn đệ của Người trở nên những siêu nhân hay dị nhân, nhưng chỉ là những con người chân chính. Chính khi chiêm ngắm cuộc đời và lời dạy của Đức Kitô mà chúng ta có thể nhận thấy thế nào là sống cho ra người. Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã đặt Đức Kitô vào cuối mỗi chương bàn về thiên chức con người, dù là xét như cá thể hay xét như phần tử cộng đồng xã hội và thành phần của lịch sử (số 22; 32; 38; 41; 45) nhằm nói lên điều ấy. Như vậy, luân lý Kitô giáo chính là luân lý tự nhiên (chung cho hết mọi người), tuy rằng cần có Đức Kitô thì chúng ta mới nhận thấy các góc cạnh của luân lý tự nhiên.

Đang khi mà Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” được dành cho hết mọi người, dù là tín đồ Kitô giáo hay không, tác giả của sách Giáo Lý nhằm tiên vàn tới các Kitô hữu. Do đó, bên cạnh những suy tư của lý trí, sách Giáo Lý sử dụng kho tàng giáo huấn của Kinh Thánh và các Giáo phụ một cách dồi dào hơn. Trong bối cảnh đó, khi bàn tới phẩm giá của con người, sách Giáo Lý một đàng trưng lại các bản văn của Công đồng, lập luận từ các yếu tố cấu thành nhân vị, tức là hồn thiêng bất tử với những quan năng tinh thần (trí tuệ, ý chí), và những khả năng kèm theo (suy luận, tự do, lương tâm) – x. các số 1703-1706; đàng khác, sách Giáo Lý cũng cho thấy thân phận của con người trong lịch sử cứu rỗi, với những giai đoạn tạo dựng, sa ngã và được tái tạo trong Đức Kitô. Nói khác đi, trong giai đoạn hiện nay của lịch sử cứu rỗi, phẩm giá của con người phải được nhìn trong Đức Kitô: Ngài mới thực là hình ảnh nguyên tuyền của Thiên Chúa. Tuy vào lúc khởi đầu, con người đã được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; nhưng vì tội lỗi, hình ảnh đó đã bị méo mó lệch lạc. Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi, trả lại cho con người vẻ đẹp nguyên tuyền. Nhờ đức tin và bí tích Rửa tội, con người nhận được đời sống mới, ngõ hầu có thể thực hiện được thiên chức của mình. Đời sống mới của người Kitô hữu được đặt tên là đời sống trong Thánh Thần, đời sống của con cái Thiên Chúa (số 1708-1709).

Đức Kitô không những đã ban cho con người sức mạnh để hành động phù hợp với thiên chức của mình mà còn vạch cho con người một đường lối hành động nữa. Đó là sự liên hệ ý tưởng giữa Mục thứ nhất: Con người, hình ảnh của Thiên Chúa (số 1701-1715) và Mục thứ hai: Ơn gọi của chúng ta là đến hưởng hạnh phúc (số 1716-1729).

Trong mục thứ hai, chúng ta nhận thấy có một lối trình bày mới. Thần học cổ truyền, ít là theo trường phái của thánh Tôma Aquinô, mở đầu luân lý với chương bàn về hạnh phúc như là mục đích tối hậu của đời sống con người. Khác với loài động vật hành động theo bản năng, con người hành động nhằm đạt tới một mục tiêu nào đó. Mỗi hành vi có một mục tiêu riêng của nó (thí dụ ăn để sống), và đồng thời góp phần vào việc theo đuổi một mục tiêu chung của toàn thể cuộc đời (bữa ăn hôm nay không phải chỉ nhằm thoả mãn cơn đói lúc này, nhưng còn nhằm để bảo vệ sức khỏe ngõ hầu có thể làm việc). Mục tiêu cuối cùng mà con người mong mỏi đó là được hưởng hạnh phúc bất tận. Và tất cả các hành vi trên đời đều nhằm tới việc đạt tới mục tiêu đó. Sự phân biệt luân lý giữa hành vi tốt hay xấu dựa theo tiêu chuẩn hạnh phúc: nếu hành vi nào đưa tới hạnh phúc thì tốt; hành vi nào không mang lại hạnh phúc thì xấu. Dĩ nhiên, vấn đề là phải ấn định đâu là hạnh phúc thật, và đâu chỉ là hạnh phúc giả tạo.

Sách Giáo Lý cũng chấp nhận lối trình bày thần học luân lý của thánh Tôma Aquinô, cho nên đã đặt vấn đề hạnh phúc ngay từ đầu của phần luân lý tổng quát. Tuy nhiên, sách Giáo Lý thêm vài chi tiết không nhỏ nhằm nêu bật vai trò của Đức Kitô, bằng cách móc nối các mối phúc thật vào vấn đề hạnh phúc. Các mối phúc thật (hay chân phúc) là những con đường chắc chắn dẫn đưa chúng ta tới hạnh phúc đích thực. Hơn thế nữa, các chân phúc không phải chỉ là những lời tuyên bố suông, song chúng là những nét hoạ lại chân dung của Đức Kitô (số 1716). Cũng trong chiều hướng đó, khi bàn về bản chất của hạnh phúc dựa theo những suy tư thần học cổ truyền, sách Giáo Lý không quên thêm vào những yếu tố làm nên hạnh phúc mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta, tựa như: được thông phần vào bản tính của Thiên Chúa và được sự sống đời đời. Như vậy, con người đạt được hạnh phúc nhờ Đức Kitô, và khi hưởng được hạnh phúc thì cũng là chia sẻ vinh quang với Đức Kitô, và cùng với Ngài thông phần vào mối thông hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa (số 1721; x. 1877).

B. Đức Kitô trong các đề mục luân lý căn bản


Sau mục bàn về hạnh phúc, sách Giáo Lý cũng cố gắng xen thêm chiều kích Kitô vào các đề mục chính của thần học luân lý căn bản: tự do, lương tâm, các nhân đức, lề luật, ơn thánh.

1/ Tự do

Đây là một ưu phẩm của nhân vị. Con người là một chủ thể hành động tự do, quyết định sau khi đã cân nhắc suy nghĩ, chứ không bị bản năng thúc đẩy. Chính vì đã hành động tự do cho nên con người lãnh trách nhiệm về hành vi của mình, bởi vì nhìn nhận rằng mình là tác giả của nó. Tiếc rằng trên thực tế, tự do của con người bị hạn chế rất nhiều. Không kể những hạn chế từ bên ngoài (về phía các chủ thể khác), con người còn cảm thấy những hạn chế từ nội tại: do sự dốt nát, không biết đâu là phải đâu là trái; do sự bất lực, không thể kiềm chế các thúc đẩy của đam mê dục vọng. Nói cách khác, tự do của con người đã bị tổn thương chứ không còn được lành mạnh nữa. Chính trong bối cảnh hiện sinh đó mà số 1741 của sách Giáo Lý trình bày vai trò cứu chuộc của Đức Kitô. Nhờ thập giá, Ngài đã giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi (Gl 5,1), ban cho chúng ta được hưởng điều kiện tự do của con cái Chúa (Rm 8,21). Trong Đức Kitô, chúng ta được thông dự vào chân lý làm cho chúng ta được tự do đích thực (Ga 8,32). Thánh Thần tự do (x. 2Cr 3,17) được ban cho ta để hoàn tất công trình của Đức Kitô. Tóm lại, chính từ cuộc phục sinh của Đức Kitô mà con người đạt được tự do đích thực, sự tự do của các con cái Chúa.

2/ Lương tâm

Trước đây, thần học luân lý quen trình bày lương tâm như là những mệnh lệnh truyền buộc phải làm, hay là ngăn cấm không được làm một điều gì đó. Ở số 16 của Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, công đồng Vaticanô II trình bày lương tâm trong khung cảnh của một cuộc đối thoại. Lương tâm được coi như thâm cung của cõi lòng, nơi mà con người đối diện một mình với Thiên Chúa. Sách Giáo Lý đã lặp lại đạo lý đó ở số 1776, mở đầu cho mục về lương tâm. Đi xa hơn tí nữa, số 1778 đã hé mở sự hiện diện của Đức Kitô ở trong lương tâm của mỗi người, khi trích lại tư tưởng của Hồng y Newman (1801-1890) viết như sau: “Lương tâm là sứ giả của Đấng mà, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ơn thánh, nói với chúng ta cách kín đáo, dạy dỗ ta và dìu dắt ta. Lương tâm là người đại diện thứ nhất của Đức Kitô”. Nói khác đi, tiếng lương tâm cũng là tiếng của Đức Kitô nói với mỗi người.

3/ Các nhân đức

Các nhân đức tăng cường khả năng của ta để làm những việc lành. Thần học đã phân biệt hai loại nhân đức: các nhân đức nhân bản và các nhân đức đối thần. Tuy vẫn tiếp tục truyền thống ấy, nhưng sách Giáo Lý không quên thêm một chiều kích Kitô khi trình bày bản chất và tác dụng của các nhân đức. Các nhân đức nhân bản chuẩn bị cho con người đón nhận tình thương của Chúa (số 1804): chúng được thanh lọc và nâng cấp nhờ ơn thánh của Chúa (số 1810), nhờ sự cứu rỗi của Đức Kitô (số 1811).

Đối với các nhân đức đối thần, sách Giáo Lý nói như sau. Chúng chuẩn bị cho các Kitô hữu sống trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi (số 1812). Gọi là nhân đức đối thần, bởi vì động lực và đối tượng của chúng là Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng là nguồn mạch của chúng, bởi vì Ngài đã phú ban cho ta, ngõ hầu chúng ta có khả năng hành động như là con cái của Ngài và xứng đáng lãnh sự sống trường cửu (số 1812-1813). Cùng với các nhân đức cậy và mến, nhân đức tin liên kết người tín hữu với Đức Kitô, làm cho họ nên một phần tử sinh động của Thân thể của Đức Kitô (số 1815). Đức cậy được coi như là chiếc neo của linh hồn, buộc nó vào nơi mà Đức Kitô đã tiến vào trước để dọn chỗ cho chúng ta (số 1820). Đức ái khiến cho chúng ta, trong mối tương quan với Thiên Chúa, không sợ hãi khúm núm như nô lệ cũng không tính toán như kẻ làm công, nhưng như là con cái đáp lại tình thương của Đấng đã yêu ta trước (số 1828). Trong viễn ảnh đó, hết mọi người đều trở thành anh em của ta.

Các nhân đức được bổ túc và kiện toàn bằng các ơn của Thánh Thần. Số 1831 trích dẫn tư tưởng của thánh Phaolô (Rm 8,14.17), để cho thấy rằng Thánh Thần đến hỗ trợ cho chúng ta là những con cái Chúa, ngõ hầu được nên đồng thừa kế với Đức Kitô.

4/ Lề luật

Trên con đường thể hiện thiên chức của mình, con người cần được sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Ơn cứu độ của Đức Kitô được biểu lộ qua lề luật hướng dẫn và qua ân sủng nâng đỡ (số 1949).

Dựa theo lịch sử mạc khải, sách Giáo Lý lần lượt trình bày ba chặng của luật luân lý: luật tự nhiên, luật của giao ước cũ, luật của giao ước mới. Đức Kitô kiện toàn hết mọi lề luật. Số 1953 viết như sau: “Luật luân lý tìm thấy nơi Đức Kitô sự sung mãn và sự hợp nhất. Bản thân của Đức Giêsu Kitô là con đường của sự hoàn thiện. Ngài là tận điểm của Lề luật, bởi vì duy có Ngài mới dạy và ban sự công chính của Thiên Chúa”. Nội dung của lề luật sung mãn được trình bày trong luật Mới, luật của Phúc Âm, cách riêng là Bài giảng trên núi (số 1965). Bài giảng trên núi không xoá bỏ các lệnh truyền của giao ước cũ nhưng biểu lộ những nội dung súc tích của nó. Việc thi hành các giới răn không thể chỉ dừng lại ở các mệnh lệnh bên ngoài, nhưng phải đi sâu tận đáy lòng con tim. Mục tiêu của việc tuân giữ các giới răn phải là đạt tới sự trọn hảo giống như Cha trên trời (số 1968). Dựa theo các từ ngữ của thánh Phaolô, số 1972 đã gọi luật mới là: luật bác ái yêu thương, luật ân sủng, luật giải phóng (tự do). Sách Giáo lý đã dành các số 1965-1986 để giải thích các đặc trưng của luật mới. Ta có thể coi đây là cốt tủy của luân lý Kitô giáo

5/ Ân sủng

Trong mục nói về ân sủng, chúng ta đọc thấy giáo lý đã nói lúc đầu về phẩm giá của Kitô hữu. Ân sủng làm cho chúng ta được nên công chính, nghĩa là được nên nghĩa thiết với Thiên Chúa. Đây là một công hiệu phát sinh từ cuộc tử nạn của Đức Kitô (số 1992), và được ban cho ta qua bí tích thánh tẩy.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng tiến trình nên công chính được sách Giáo Lý đã phân tách ra thành hai chặng:

a/ Chặng thứ nhất, dưới tựa đề “việc nên công chính” (số 1987-1995), có tính cách tiêu cực, xét vì bàn đến việc xoá bỏ tội lỗi và thông ban sự công chính của Thiên Chúa, nghĩa là sự tha thứ và hoà giải. Đây là công hiệu trực tiếp của việc con người đón nhận đức tin và lãnh phép rửa. b/ Chặng thứ hai, dưới tựa đề “ân sủng” (số 1996-2005), trình bày mặt tích cực của nó. Số 1996 lặp lại giáo huấn của Tân ước, đó là: con người trở nên con Thiên Chúa (Ga 1,12-18), dưỡng tử (Rm 8,14-17), thông dự vào bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,3-4), tham dự vào đời sống bất diệt (Ga 17,3). Số 1997 thêm rằng những công hiệu đó bắt nguồn từ bí tích rửa tội, nhờ đó chúng ta được chia sẻ ân sủng của Đức Kitô là Đầu của thân thể. Thiên Chúa đón nhận chúng ta làm con cái trong Đức Kitô, Con của Ngài. Như vậy sống trong ân sủng có nghĩa là sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa, được biến đổi nên giống như Chúa. Tư tưởng “nên giống Chúa” vừa ám chỉ một tình trạng đã thành rồi (từ khi lãnh bí tích rửa tội) nhưng đồng thời cũng bao hàm một yêu sách phải nhắm tới: đó là yêu sách phải nên thánh (số 1999). Trước khi trưng dẫn những đoạn văn của công đồng Vaticanô II nói tới ơn gọi hết các tín hữu nên thánh, số 2012 muốn đặt nghĩa vụ nên thánh trên giáo huấn của chính Tân ước qua lời của thánh Phaolô: “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Ngài… Vì những ai Ngài đã biết từ trước, thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Ngài cũng kêu gọi; những ai Ngài đã kêu gọi thì Ngài làm cho nên công chính; những ai Ngài làm cho nên công chính thì Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,28-30). Nói cho cùng, đối với người Kitô hữu, việc nên thánh chẳng qua chỉ là sự thể hiện phẩm giá mà mình đã lãnh nhận khi được kết hợp với Đức Kitô nhờ bí tích rửa tội. Dĩ nhiên, Đức Kitô không phải chỉ là mẫu mực hoặc thầy dạy con đường nên thánh, mà còn là kẻ đồng hành với chúng ta trên con đường ấy. Do đó, việc cầu nguyện và sống thân mật với Ngài là một yêu sách không thể nào thiếu được.

Qua những dòng trên đây, ta thấy rằng sách Giáo Lý đã đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc trình bày thần học luân lý, theo ước nguyện của công đồng Vaticanô II nói ở số 16 của sắc lệnh Optatam Totius (về việc đào tạo linh mục): “thần học luân lý cần phải dựa vào Kinh Thánh nhiều hơn, nêu bật ơn gọi cao trọng của các tín hữu trong Đức Kitô và bổn phận mang lại hoa trái của đức ái hầu cho thế giới được sống”. Ngoài chuyện phương pháp giáo khoa, chắc hẳn khi đọc sách Giáo Lý, các tín hữu sẽ tìm thấy một kho tàng súc tích để nuôi dưỡng đời sống của mình và thể hiện ơn gọi của mình, nhờ những đoạn văn Tân ước được trưng dẫn rất dồi dào.

II. Thông điệp Veritatis Splendor


Thông điệp được ban hành sau sách Giáo Lý non một năm và nhiều lần trích dẫn sách Giáo Lý (xem VS số 5). Cả hai đều muốn lấy Đức Kitô làm trung tâm cho thần học luân lý, nhưng mỗi văn kiện sử dụng một đường lối riêng biệt.

Sách Giáo Lý khởi hành từ nhận định về phẩm giá của người tín hữu, đó là được thông dự vào chức vị con Thiên Chúa. Thiên chức này được ban cho họ nhờ bí tích Thánh tẩy, tháp nhập họ vào Đức Kitô và cho họ được thông dự vào những phẩm tính của Ngài. Vì thế mà họ phải cố gắng cư xử sao cho xứng với thiên chức đó. Chúng ta đã được kết hợp gắn bó với Đức Kitô rồi. Đây là đạo lý mà ta gặp thấy trong các thư của thánh tông đồ (Phaolô, Phêrô, Gioan). Đúng ra, đây là điều kiện dành riêng cho các Kitô hữu, chứ không phải là chung cho hết mọi người.

Còn thông điệp VS lại trình bày một cách khác. Ngay từ đầu (VS số 1), Đức Kitô được giới thiệu như là chân lý: Ngài là ánh sáng được sai đến để chiếu toả cho mọi người (x. Cl 1,15; Dt 1,3; Ga 1,14; 14,16). Dựa trên đạo lý “đi theo Chúa” của Phúc Âm nhất lãm, thông điệp muốn cho thấy rằng con người cần phải tiến tới Đức Kitô để tìm giải đáp cho các vấn đề luân lý. Như vậy, Đức Kitô được trình bày như là Kẻ đứng đối diện với ta, hơn là Đấng mà ta đã nên đồng hình đồng dạng nên một. Thông điệp đã sử dụng một quang cảnh Phúc Âm làm sườn, đó là cuộc đối thoại giữa một chàng thanh niên với Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc đời: “Thưa Thầy, tôi phải làm cái gì tốt để được sự sống đời đời?” (Mt 19,16). Anh ta đã biết những bổn phận luân lý rồi, nghĩa là các giới răn của Lề luật. Tuy nhiên, anh cảm thấy chưa thoả mãn. Anh muốn tìm cái gì cao thượng hơn, phong phú hơn. Anh tìm đến Đức Kitô để được soi sáng về ý nghĩa của cuộc đời. Chính qua cuộc đối thoại này mà Đức Kitô tỏ mình như là thầy dạy chân lý. Một đàng Ngài giải thích ý nghĩa thâm sâu của Lề luật; đàng khác, Ngài vạch ra những viễn ảnh mới khi đề nghị người thanh niên hãy “đi theo” Ngài. Như vậy, ta có thể nhận thấy hai chặng trong những câu trả lời của Đức Kitô.

1/ Trong chặng thứ nhất, Ngài giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của luật Maisen, tóm lại trong thập giới: “Nếu anh muốn đi vào sự sống thì anh hãy giữ các giới răn” (Mt 19,17). Dĩ nhiên, nguồn gốc của các giới răn không phải là ông Môsê mà là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng duy nhất tốt lành. Ngài muốn thông truyền sự tốt lành cho con người qua việc ban cho con người Lề luật, ngõ hầu khi thực hành lề luật con người được trở nên tốt lành. Hơn thế nữa, nhờ việc tuân hành các giới răn, con người có thể đạt tới hạnh phúc (sự sống đời đời). Tuy nhiên, để tránh rơi vào một não trạng vụ luật, Đức Kitô vạch cho chàng thanh niên thấy đâu là cốt tủy của lề luật: đó là tình yêu, được biểu lộ qua lòng kính trọng, bảo vệ, chia sẻ với tha nhân.

2/ Bước sang chặng thứ hai, Đức Kitô mời người thanh niên hãy đi theo tiếng gọi tình yêu cho tới tột đỉnh. Thực vậy, khi người thanh niên hỏi thêm rằng: “con đã giữ hết các điều này rồi, còn thiếu gì nữa?”, ngài đã đáp: “nếu anh muốn được hoàn hảo thì anh hãy về bán hết những gì anh có, phân phát cho những người nghèo và anh sẽ có kho tàng trên trời; rồi anh hãy đến đây đi theo tôi”.

Khi chú giải cuộc đối thoại vừa rồi, thông điệp đã cố gắng nêu bật ảnh hưởng của Đức Kitô đối với đời sống luân lý bằng nhiều suy tư rút từ Tân ước. Nói chung, Đức Kitô là “Thầy nhân lành”, theo như cách xưng hô của người thanh niên, bởi vì Ngài dạy cho chúng ta biết đường luân lý, phân biệt điều tốt điều xấu, nhất là đường đưa tới hạnh phúc tuyệt đối. Vai trò của Đức Kitô thầy dạy luân lý được trình bày dưới nhiều góc cạnh, dựa theo hai cấp độ vừa nói trên đây.

Ở chặng thứ nhất, Đức Kitô được giới thiệu như là Đấng đã đến để kiện toàn Lề luật. Đây là tư tưởng được Matthêu nhắc tới ở trong bài giảng trên núi. Đức Kitô kiện toàn Lề luật khi Ngài vạch cho thấy ý nghĩa thâm thúy của Lề luật, đi vào tận lõi cốt của nó chứ không phải chỉ dừng lại ở các công thức bên ngoài (số 12). Cốt tủy của toàn thể lề luật được tóm lại trong giới luật yêu thương. Đức Giêsu đã nhấn mạnh điểm này nhiều lần trong các bài giảng và dụ ngôn.

Ở chặng thứ hai, Đức Kitô được giới thiệu như là Luật sống. Những gì mà Ngài nói thì Ngài đã thực hành rồi. Ngài đã thực hiện giới răn yêu thương ở tột đỉnh nơi thập giá, nơi biểu lộ tình yêu dâng hiến cho Thiên Chúa và đồng loại (số 14). Cuộc sống của Ngài là bài giảng sống động của các mối phúc thật (số 16). Từ đó, những ai muốn sống Lề luật tới mức toàn hảo thì hãy “đi theo Đức Kitô”.

A. Đi theo Đức Kitô


Việc tuân giữ hết các giới răn (ở chặng một) đã là điều khó rồi! Việc tiến bước từ chặng thứ nhất sang chặng thứ hai lại càng khó gấp bội! Nhưng chính ở điểm này mà chúng ta thấy cao điểm của việc thực hiện ơn gọi cao quý của con người, nơi mà con người bày tỏ quyết định muốn nên trọn hảo. Đàng khác, ở chặng này, Đức Kitô không những chỉ khuyên ta hãy tiến tới sự trọn hảo, nhưng Ngài còn đến giúp đỡ ta bằng ơn thánh. Dựa vào những nhận xét vừa nói, thông điệp đã tóm lại hai đặc trưng chính của nền luân lý mà Đức Kitô đề nghị cho con người, đó là: 1/ đi theo Đức Kitô; 2/ hồng ân của Thánh Thần.

1) Đi theo Đức Kitô có nghĩa là gì? Từ sau công đồng Vaticanô II, đề tài “đi theo Đức Kitô” đã được khai triển rất nhiều trong các sách về thần học đời tu. Thông điệp VS mở rộng tầm áp dụng cho hết các Kitô hữu, thậm chí cho hết mọi nhân sinh nữa. Số 19 viết như sau: “Đi theo Đức Kitô là nền tảng cốt yếu và độc đáo của luân lý Kitô giáo: cũng như xưa kia dân tộc Israel đi theo Thiên Chúa dẫn dắt qua sa mạc tiến vào Đất hứa (x. Xh 13,21), thì nay người môn đệ đi theo Đức Giêsu, Đấng mà chính Chúa Cha đã lôi kéo họ tới (x. Ga 6,44). Thông điệp dành các số 19-21 để giải thích thế nào là “đi theo Đức Kitô”. Đi theo Đức Kitô không những là chú ý lắng nghe một lời dạy và tuân phục một mệnh lệnh, nhưng nhất là gắn bó với chính bản thân của Đức Giêsu, chia sẻ nếp sống và vận mạng với Ngài, nghĩa là vâng phục ý Chúa Cha trong tự do và yêu mến. Đi theo Đức Kitô là trở nên môn đệ, bắt chước Ngài, đặc biệt là ở chỗ yêu thương đến nỗi trao hiến mạng sống vì tha nhân. Người môn đệ bắt chước tình yêu của Đức Kitô: yêu như chính Ngài đã yêu (Ga 13,12.14-15. 34-35). Ngài đã để lại cho ta tấm gương tình yêu đến tột độ, đó là hiến mạng sống cho người yêu (Ga 15,13). Như vậy, đi theo Đức Kitô không phải chỉ là bắt chước vài cử điệu bên ngoài, nhưng là hoà đồng với động lực nội tại của tình yêu trao hiến. Sở dĩ sự đồng hoá nội tâm có thể diễn ra được là tại vì chính Đức Kitô đã hứa rằng Ngài hiện diện trong lòng của kẻ tin nhận yêu mến Ngài (x. Ep 3,17), cách riêng các tín hữu đã được trở thành chi thể của Ngài nhờ bí tích Thánh tẩy và Thánh thể. Thánh Thần là tác nhân của sự gắn bó ấy. Đến đây, chúng ta bước sang đặc trưng thứ hai.

2) Đặc trưng thứ hai của luân lý của Đức Kitô là hồng ân của Thánh Thần, được quảng diễn trong các số 22-24. Như đã nói trên đây, Đức Kitô đến kiện toàn luật của Maisen không những qua việc vạch ra cốt tủy của nó là giới răn yêu thương, nhưng còn qua việc mở rộng giới răn yêu thương tới viễn tượng mới là sự trọn hảo theo mẫu mực của Cha trên trời. Cần phải thú nhận rằng lý tưởng đó rất là cao vời, vượt quá khả năng của con người. Để giúp cho con người có thể sống tình yêu trọn hảo, Thiên Chúa đã đổ xuống tâm hồn chúng ta chính Thánh Thần tình yêu (Rm 5,5). Thánh Thần là hồng ân mà Đức Kitô ban cho chúng ta. Chính nhờ có Thánh Thần mà ta có thể sống luật mới của Đức Kitô, luật của “ân sủng và chân lý” (nói theo từ ngữ của Ga 1,17). Khi ý thức được tình yêu đã được ban cho mình, người tín hữu có khả năng để yêu thương anh em như Chúa đã yêu (1Ga 4,19).

Như vậy, Đức Kitô là Thầy dạy luân lý, bởi vì Ngài đã giải thích cho chúng ta những giới răn của Thiên Chúa tốt lành, bởi vì Ngài đã mời chúng ta đi theo Ngài, bởi vì Ngài ban cho ta ơn thánh để sống cuộc đời mới, bởi vì Ngài luôn hiện diện và tác động giữa chúng ta nhờ Hội thánh. Đó là những nét nổi bật của Đức Kitô trong đời sống luân lý của tín hữu, được tóm lại ở số 25, ở cuối chương thứ nhất của thông điệp. Những nét đó được đức Gioan Phaolô II lặp lại khi sắp sửa kết thúc tác phẩm, ở số 119. Đức thánh cha nói rằng nhiều lần chúng ta tranh luận bàn cãi bao nhiêu vấn đề luân lý, khiến cho người ta có cảm tưởng là luân lý Kitô giáo rất là phức tạp, phiền toái và khó khăn. Sự thực thì không phải thế: luân lý Kitô giáo rất là đơn giản, bởi vì chung quy nó hệ tại “việc đi theo Đức Kitô, phó thác mình cho Ngài, để cho ơn sủng của Ngài biến đổi ta và để cho lòng lân tuất của Ngài canh tân ta, ơn sủng và lòng lân tuất đạt đến ta trong đời sống thông hiệp của Hội thánh.” Vì thế, nhờ ánh sáng của Thánh Thần, hết mọi người, kể cả người bình dân, cũng có thể hiểu được cốt yếu của luân lý Kitô giáo. Mặt khác, sự đơn giản của Phúc Âm không miễn chuẩn cho chúng ta phải đương đầu với những ngóc ngách của cuộc sống, nhờ đó mà việc đi theo Đức Kitô có cơ hội diễn đạt ra cách cụ thể.

Vì thế, sau khi trình bày hướng đi tổng quát ở chương thứ nhất, thông điệp VS đã dành chương thứ hai để xét tới 4 vấn đề đã gây ra nhiều tranh luận trong thần học luân lý căn bản: về tự do, lương tâm, lựa chọn nền tảng, hành vi tốt xấu.

B. Vài vấn đề riêng biệt


Trong chương thứ hai, thông điệp đi vào bốn vấn đề được tranh luận trong thần học luân lý căn bản trong những năm gần đây, đó là các mối tương quan: giữa tự do với luật lệ; giữa lương tâm với chân lý; giữa sự lựa chọn căn bản với các hành vi cụ thể; giữa những tiêu chuẩn phân biệt hành vi tốt xấu. Chúng tôi không có ý định đi sâu vào những vấn đề ấy, mà chỉ muốn nêu bật cho thấy rằng thông điệp luôn quy chiếu về Đức Kitô như là “ánh sáng và sức mạnh” để đưa ra giải đáp cho mỗi vấn đề (số 30).

1/ Tự do và luật (số 35-53).

Nhiều lần người ta đặt tự do và lề luật như là hai thực tại đối nghịch nhau. Lề luật được ví như là một cái tròng áp đặt lên con người, hạn chế hoạt động tự phát của con người. Vì thế càng giảm bớt ảnh hưởng của luật bao nhiêu thì con người càng được tự do bấy nhiêu. Nói cách khác, con người biểu lộ tư cách tự do của mình khi hành động theo đường hướng mà mình vạch ra, thay vì tuân theo quy tắc của luật.

Thực ra sự đối chọi giữa tự do với luật có phần đúng khi bàn tới các luật do quyền bính loài người đặt ra, lắm lần mang tính cách độc đoán! Thế nhưng khi đi vào lãnh vực luân lý thì khác. Luật luân lý gắn vào tâm khảm của con người do chính Đấng Tạo hoá (quen gọi là luật tự nhiên, luật bản nhiên). Luật này chi phối sự sống còn của con người. Không nên quan niệm luật luân lý như một mớ những nghĩa vụ áp đặt kiềm chế con người. Không phải thế! Luật luân lý là con đường dạy con người cách cư xử cho hợp với đạo làm người. Tuy luật luân lý do Đấng Tạo hoá xếp đặt, nhưng con người có thể khám phá ra nó nhờ lý trí, và thuận nhận cách tự do bởi vì thấy nó giúp cho mình đạt tới điều thiện hảo.

Như đã nói trên, chúng tôi không muốn đi sâu vào nội dung vấn đề ở đây, nhưng chỉ muốn nêu bật vai trò của Đức Kitô trong mối tương quan giữa tự do và luật. Chúng ta có thể phân biệt hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất là nguyên ủy của luật luân lý. Số 40 nói rằng luật luân lý bắt nguồn từ kế hoạch của Đấng Thượng trí tạo dựng. Ta có thể hiểu tư tưởng này về Đức Kitô được thánh Phaolô trình bày như là Đấng Khôn ngoan đã tham dự vào công cuộc tạo dựng. Ở cấp độ thứ hai là trong dòng lịch sử cứu độ. Mặc dù trên nguyên tắc con người có thể khám phá ra luật luân lý tự nhiên, nhưng trên thực tế do ảnh hưởng của tội lỗi, lý trí của con người đã bị mù quáng. Bởi thế Thiên Chúa đã dạy dỗ con người luật luân lý qua những giai đoạn mặc khải của Cựu ước và Tân ước. Đức Kitô hoàn tất luật của Thiên Chúa, không những vì Ngài đã giải thích nội dung của luật Chúa, mà còn vì Ngài ban cho ta Thánh Thần, in luật Chúa vào tâm khảm của ta. Thực vậy, Luật Mới không viết trên bia đá nhưng in vào tâm khảm của ta, như ngôn sứ Giêrêmia đã nói (số 45).

Trả lời cho vấn nạn của những người cho rằng luật luân lý chỉ có tính cách tương đối, chịu ảnh hưởng của mỗi nơi mỗi thời, thông điệp nói rằng luật luân lý gắn liền với bản tính con người, vì thế nó mang tính chất phổ quát và bất biến (số 51), nhất là những giới luật ngăn cấm (số 52). Tiến thêm một bước nữa, số 53 giải thích tính cách bất biến của các luật lệ dựa trên mầu nhiệm của Đức Kitô, Đấng không thay đổi “hôm qua, hôm nay và mãi mãi”, Ngài là “nguyên ủy” đã nhận lấy bản tính con người, để soi sáng những yếu tố cấu tạo nó và động lực yêu thương hướng về Thiên Chúa và tha nhân.

2/ Lương tâm và chân lý (số 54-64)

Bàn về bản chất, chức năng và sự huấn luyện lương tâm, thông điệp nhiều lần quy chiếu về Đức Kitô. Khi nhắc lại đạo lý của thánh Phaolô về lương tâm như là lời phán xét của Thiên Chúa, số 59 nhấn mạnh rằng sự phán xét chung thẩm của Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô (Rom 2,16). Số 63 thuật lại lời cảnh cáo của Đức Giêsu trong bài giảng trên núi về mối nguy cơ của lương tâm mù quáng và sai lầm (Mt 6,22-23), và vì thế chúng ta phải luôn cảnh giác và hối cải. Nói cách khác, lương tâm cần phải được huấn luyện sao để có thể cân nhắc, phê phán dựa theo chân lý. Dựa theo Phúc Âm của thánh Gioan, Đức Kitô được giới thiệu không những như là “chân lý” (xc các số 2; 19; 83; 89) mà còn như là “ánh sáng” soi chiếu con người (x. số 63; 64).

3/ Sự lựa chọn căn bản (số 65-70).

Theo vài học giả, giá trị xấu hay tốt của một hành vi cần phải được lượng định không phải theo bản tính của hành vi ấy nhưng là dựa theo sự lựa chọn căn bản chi phối toàn thể cuộc sống. Thông điệp lợi dụng cơ hội này để đánh giá khái niệm “lựa chọn căn bản” dựa theo Kinh Thánh. Tuy nhiên, sự “lựa chọn căn bản” chưa đủ để biện minh cho tính cách luân lý của các hành vi cá biệt.

a) Thực ra, ta có thể tìm thấy cơ sở của thuyết “lựa chọn căn bản” ở trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa đòi hỏi con người phải bày tỏ thái độ dứt khoát đối với giao ước: thái độ suy phục đức tin (xem số 66). Trong Cựu ước sự “lựa chon căn bản” xoay quanh trọng tâm là phụng sự một mình Thiên Chúa mà thôi (xc Xh 19,3-8; Gs 24,14-25; Mc 6,8). Trong Tân ước, sự “lựa chọn căn bản” là quyết định đáp lại tiếng gọi “đi theo Đức Giêsu” (Mt 19,21). Sự lựa chọn ấy được Phúc Âm ví với việc một người đã tìm thấy viên ngọc quý, thì sẵn sàng bán hết gia sản để mua lấy. Hơn thế nữa, sự lựa chọn còn được diễn tả cách triệt để dưới hình thức đối chiếu giữa “cứu mạng sống và mất mạng sống vì Phúc Âm” (x. Mc 8,35). Sự lựa chọn căn bản đối với người Kitô hữu là đi theo Đức Kitô; quyết định này gắn liền với việc tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, Đấng có sức ban sự sống đời đời. Sự lựa chọn này biểu lộ cao điểm của sự tự do của con người.

b) Mặt khác, sự lựa chọn căn bản được hiện thực qua những sự lựa chọn ý thức và tự do. Vì thế mà sự lựa chọn căn bản sẽ bị rút lại hiệu lực mỗi lần con người lựa chọn cách tự do làm những hành vi tự bản chất là xấu. Mối liên hệ giữa sự lựa chọn căn bản và những sự lựa chọn cụ thể được biểu lộ qua câu trả lời của Chúa Giêsu cho người thanh niên: ý muốn đạt tới sự sống đời đời được thể hiện qua việc tuân hành các giới răn.

4/ Hành vi luân lý (số 71-83)

Nhận định trên đây cho thấy rằng giá trị luân lý của một hành vi không phải chỉ căn cứ trên sự lựa chọn căn bản, mà còn dựa trên bản chất của mỗi hành vi. Có những hành vi tự nó là tốt hoặc xấu, tùy theo nó có phù hợp với luật Chúa hay không, và do đó nó có đưa con người tới Cứu cánh tối hậu, tới Hạnh phúc vĩnh cửu hay không. Dĩ nhiên, việc đánh giá luân lý của một hành vi còn tùy thuộc vào ý định của chủ thể cũng như một số hoàn cảnh khác nữa (chẳng hạn như những hậu quả mà nó gây ra). Tuy vậy, mỗi hành vi mang một giá trị luân lý ngay tự bản chất của nó, và phải nói rằng có những hành vi tự bản chất là xấu bởi vì trái ngược với luật Chúa.

Thông điệp đã dựa lập luận trên câu trả lời của Chúa Giêsu cho chàng thanh niên: có những hành vi đưa con người tới sự sống đời đời (chẳng hạn: việc tuân hành các giới răn). Nói như vậy không có nghĩa là coi nhẹ ý định của con người khi thực hiện các hành vi. Chúa Giêsu đã đề cao vai trò của ý định, khi vạch cho thấy rằng các hành vi được coi là tốt khi hướng tới chủ ý tối hậu là trở nên người tốt, được vào nước Chúa. Mặt khác, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều lần đến “con tim” (cõi lòng), nơi sâu thẳm nhất của con người (xc Mc 7,20-21; Mt 15,19). Đối lại với thái độ bôi bác khoe khoang của hạng giả hình, Ngài kêu gọi con người hãy thanh lọc chủ ý khi hành động (số 77).

Kết luận


Trong suốt thông điệp, đức Gioan Phaolô II đã dùng cuộc đối thoại giữa người thanh niên với Đức Kitô để làm nền tảng cho giáo huấn về luân lý Kitô giáo, quy về tư tưởng “đi theo Đức Kitô”.

Chương chót của thông điệp (số 84-117) trình bày tổng hợp đạo lý về luân lý chung quanh ba ý tưởng chân lý – điều tốt – tự do: “duy chỉ khi nào sự tự do được chân lý hướng dẫn thì mới hướng dẫn con người đến điều tốt đích thực” (số 84). Nói khác đi, con người tìm được điều tốt đích thực khi tự tình chấp nhận gắn bó với Chân lý. Chúng ta nhận thấy sự thể hiện sống động của sự tổng hợp đó ở nơi thập giá của Đức Kitô. Như vậy, thông điệp đã khởi đầu với cảnh người thanh niên tìm đến Đức Kitô như là thầy dạy đường chân lý, và kết thúc với mầu nhiệm của Đức Kitô trên thập giá, nơi bộc lộ chân lý của tình yêu tự hiến. Lời dạy của Ngài đã được diễn ra thực tại. Hơn thế nữa, nhờ thập giá và phục sinh, Ngài đã thông ban hồng ân Thánh Thần biến đổi con tim của chúng ta.

Số 85 viết: Đức Kitô trên thập giá mặc khải ý nghĩa đích thực của tự do, Ngài đã sống trọn vẹn ý nghĩa đó qua việc trao hiến mình, và kêu gọi các môn đệ hãy tham gia vào chính sự sự do của Ngài”. Sự tự do có nghĩa là bám sát vào chân lý (Ga 18,37), và thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự (Ga 4,23). Sự Tự do đạt tới mức hoàn bị nơi tình yêu (Ga 15,13; Mt 26,46; Pl 2,6-11). Mặt khác, thập giá cũng nhắc nhở con người biết rằng mình cần được giải thoát khỏi sự bất tuân, khỏi những sự lựa chọn mù quáng (Gl 5,1). Đức Kitô chính là Đấng đã giải phóng chúng ta, ngõ hầu chúng ta được tự do (số 86). Đức Kitô là tổng hợp sống động của sự tự do hoàn hảo trong sự tuân phục Thiên Chúa. Thân thể của Ngài chịu chết trên thập giá là sự mặc khải của mối liên kết bền chặt giữa tự do và chân lý; cũng như cuộc phục sinh của Ngài là sự biểu dương tột đỉnh của sức mạnh cứu độ của tự do sống trong chân lý (số 87).

Tóm lại, khi trình bày vai trò của Đức Kitô trong thần học luân lý, chúng ta có thể ghi nhận vài nhận xét sau đây.

1) Việc tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô không chỉ dừng lại ở những phát biểu công thức, nhưng cần đi vào tâm khảm, và diễn đạt ra hành động. Tin Đức Kitô có nghĩa là chấp nhận giáo huấn của Ngài, đi theo Ngài, hoạ lại tấm gương của Ngài. Đức tin được diễn ra các hành vi yêu thương.

2) Không nên quan niệm luân lý Kitô giáo như là một bộ hình luật, gồm những điều ngăn cấm kèm theo sự đe doạ hình phạt xuống hoả ngục. Đời sống luân lý Kitô giáo cần được nhìn dưới khía cạnh tích cực hơn. Nó là con đường dẫn đưa tới cuộc sống, tới hạnh phúc đời đời. Con đường đó không phải là một bộ các giới luật, song là đời sống của Đức Kitô: Ngài là luật sống, bởi vì Ngài đã thực hiện những giới luật đó trước khi truyền lại cho các môn đệ. Giới luật quan trọng hơn cả là tình yêu: Ngài đã yêu chúng ta trước, Ngài đã ban cho ta Thánh Thần tình yêu, và sau cùng Ngài mời gọi hãy sống tình yêu. Tình yêu đó có thể biểu lộ tới mức độ anh hùng như các thánh tử đạo đã cho thấy (số 92).

Thư tịch


R. Tremblay, Le rôle du Christ dans la morale fondamentale du Catechísme de l’Eglíe Catholique, in: “Studia Moralia” 32 (1994) 45-60. ID. Le Christ et la morale selon l’Encyclique de Jean Paul II “Veritas splendor”, in: “Lateranum” 60 (1994) 29-66. S.T. Pinkaers, Linee per un rinnovamento evangelico della morale. Una lettura della “Veritatis Splendor”, in: “Annales theologici” 10 (1996) 3-68.

_Bình Hoà_
Nguồn: tsthdm.blogspot.com
WGPKT(24/09/2021) KONTUM