“Đồng lúa nhìn thấy an lành quá Cha hen !”
Lời nhận định chóng vánh của người Đà Lạt khi nhận được hình ảnh đồng lúa mà tôi gửi.
Tối đến, tôi gọi cho người Đà Lạt để phân trần rằng hình ảnh mà tôi gửi chỉ mang tính chất minh họa. Thật sự là thế vì lẽ nhìn tấm hình không thể thấy, không thể thấu được những gì bên trong và bên dưới đó.
Câu chuyện bên dưới của cánh đồng lúa vàng óng ánh đó chính là những mảnh đời cơ cực.
“Ma ơi ! Lúa kỳ này có ba ngàn mấy một ký à ma !”
Một thửa ruộng như vậy thu được bao nhiêu tiền đây ? Đầu cứ nhẩm nhưng có lẽ nhẩm cũng không ra bao mồ hôi vất vả.
Ơ hay ! Bao ngày tháng, bao lo toan vất vả, bao mồ hôi và nước mắt đổ xuống ruộng đồng ấy vậy mà chỉ có hơn ba ngàn đồng bạc một ký thóc. Thử hỏi từ ngày gieo hạt cho đến ngày thu hột thì Hai Lúa mất bao nhiêu công lênh.
Để cho hạt lúa đơm bông và trĩu cành chắc có lẽ chỉ người nông phu mới thấu hiểu bao nỗi nhọc nhằn và cơ cực. Nghĩ như thế, mỗi khi bưng bát cơm đầy lại nhớ đến nỗi lao đao của đời Hai Lúa.
Người quen hay tin vậy hỏi hay như là có cách nào để cứu dân khỏi rơi vào cảnh ngộ bị ép giá này không thì dường như không thể.
Chị nghe vậy và chị nói chị ước ao có tiền nhiều để cho người dân bớt khổ. Mơ ước cũng chỉ là ước mơi bởi lẽ không chỉ mình chị mà nhiều người khác nữa cũng ao ước nhưng ngoài tầm tay với.
Chả phải Hai Lúa nhưng làm nghề nông thì dường như ai ai cũng hiểu cái cảnh ăn trước trả sau. Từ hạt giống cho đến thuốc tăng trưởng hay trừ sâu đều phải tạm ứng trước để rồi khi mua thường hay bị ép giá nên không còn đường xoay sở. Cạnh đó, cảnh bán lúa non vẫn cứ tiếp diễn vì cái nghèo nó cứ ôm chầm lấy dân nghèo như chẳng muốn buông tha.
Trên con đường làng khúc khuỷa và nhấp nhô những ổ voi là con xe máy xới. Cứ tưởng nghĩ tài xế con xe ấy cũng phải là người cao to hay có tí tuổi. Nào ngờ khi lại gần cũng như tiếp cận thì thằng bé nói : “Dạ năm nay con 10 tuổi !”
Chỉ 10 tuổi thôi mà một mình chòng chành với con máy xới quả thật là kinh khủng. Có lẽ chả phải mình tôi nhưng bất cứ ai nhìn thấy con người nhỏ thó như thế này mà ngồi trên con xe xới quả là điều không tưởng.
Điều mà người ta không tưởng cứ hiện lên ngay trước mắt khi đặt bước đến làng. Cũng chả phải một mình em nhỏ lái máy xới này phải bôn ba với cuộc sống ở cái quê nghèo này.
Đi xa hơn một chút, người đàn ông một mình đang dọn lúa trong mảnh ruộng của nhà mình. Ông loay hoay không ai phụ giúp. Từ xa nhìn cứ ngỡ là thanh bình nhưng kỳ thực lòng chẳng an.
Sau lưng người đàn ông đang làm cỏ đó là 2 đứa trẻ chắc chừng 7 hay 8 tuổi gì đó. Cu cậu tay cầm cái thùng sơn mà người ta vất bỏ, mắt thì đăm đam xuống ruộng để đi tìm ốc. Có lẽ cũng quen tay lẹ mắt rồi để rồi cu cậu nhanh nhẩu bỏ ốc vào cái thùng bên tay trái. Cô em gái thì chẳng kiếm được cái thùng, túi nilon cầm ở tay là dụng cụ để em đi bắt ốc.
Vậy đó ! Người dân ở đây quanh năm suốt tháng với nguồn sống là như vậy. Thật ra mà nói thì đám ruộng vàng óng đó chỉ là vẻ bề ngoài của những ngôi làng quanh đây. Càng đi sâu vào trong là chân núi với đất cằn khô khó cuốc. Người dân ở đây không còn thứ nào khác là cây mì cây mía.
Đi ngang nhà máy mía thì ôi thôi dường như rơi vào cảnh “đắp chiếu”. Trước đây coi như chạy cầm hơi nhưng đến giờ này coi như hết hơi để mà chạy vì không còn sức để gánh vác công việc nữa. Nhân công và người người ngày đêm bám vào cái nhà máy mía độc nhất ở đây cũng rơi vào cảnh vô vọng.
Chiều về, hình ảnh con trâu và ruộng lúa vẫn cứ còn đâu đó trong tâm trí. Biết bao giờ người dân ở đây thoát khổ hay hết nghèo. Dường như cả đời họ không thoát khỏi kiếp nghèo của đời Hai Lúa.
Thương và thương lắm những nông phu cả cuộc đời bán mặt cho đất và bán lưng cho Trời và một nắng hai sương để tìm miếng cơm manh áo.
Thương và thương lắm phận nghèo Hai Lúa ơi !
Lm. Anmai, CSsR
WGPKT(24/09/2021) KONTUM