Câu hỏi:
Làm sao để giúp các bạn trẻ, đặc biệt là giới sinh viên, tránh xa các tệ nạn xã hội?
Trả lời:
Bạn thân mến,
Đọc tin tức trên báo chí hàng ngày, chúng ta không khỏi đau lòng khi thấy không ít các bạn trẻ lâm vào các tệ nạn như cờ bạc, hút chích, mại dâm, trộm cắp, giết người, cướp của, v.v. Những tệ nạn này đã gây nên những tác hại không thể lường hết được. Tương lai của người trẻ trở nên u ám. Bao nhiêu kỳ vọng từ cha mẹ và người thân bỗng chốc tiêu tan. Nhiều gia đình phải tán gia bại sản vì con cái hư hỏng.
Dù tệ nạn xã hội không lệ thuộc vào độ tuổi, nhưng chúng ta vẫn thường dành sự quan tâm nhiều hơn đến những người trẻ, xét như là nạn nhân lẫn thủ phạm. Tuổi trẻ không thể tránh khỏi những bồng bột và vấp ngã. Thế nhưng, có người trở nên trưởng thành hơn sau những sai lầm. Tiếc là nhiều người lại sa lầy vào con đường tội lỗi, không thể thoát ra. Điều khác biệt nằm ở tiến trình lớn lên của mỗi người qua các giai đoạn khác nhau, đặc biệt là thời thanh thiếu niên (còn gọi là Teen, xì-tin, tuổi ô mai). Tiến trình này vừa phụ thuộc vào khả năng nhận thức, ý chí quyết tâm, vừa chịu ảnh hưởng từ môi trường sống. Do đó, chúng ta cần quan tâm cả hai phương diện ấy.
Trước hết, sự hiểu biết luôn có ảnh hưởng rất lớn đến cung cách hành xử của một con người. Người trẻ cần được giúp đỡ để nâng cao nhận thức về những cạm bẫy nguy hiểm cũng như hậu quả tai hại do tệ nạn xã hội gây ra. Dù khả năng nhận thức không phụ thuộc vào trình độ học vấn, nhưng thất học thường khiến người ta thiếu hiểu biết. Rất nhiều bạn trẻ thất học gây nên tội ác đắng lòng!
Nếu được học hành đến nơi đến chốn, có lẽ nhiều người trẻ không rơi vào con đường tội lỗi. Chẳng phải nhiều bạn trẻ hối hận muộn màng nhận ra tác hại của HIV, ma túy đó sao! Nhiều em gái đã trở thành miếng mồi ngon cho đường dây chăn dắt buôn bán phụ nữ đó sao! Những em này nhẹ dạ cả tin. Các bạn ấy đâu biết: “Miếng phô mai có sẵn chỉ có trên cái bẫy chuột!” Do đó, học hành là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Khi đó mới mong hiểu biết và tránh khỏi những mối hiểm nguy đang rình rập bên ngoài xã hội.
Thứ đến, chúng ta đừng chủ quan rằng người học thức có thể miễn nhiễm trước mọi cám dỗ cuộc đời. Có không ít bạn dù đã ý thức được con đường sai trái, nhưng lại không đủ bản lĩnh để tránh xa. Chính thánh Phao lô thú nhận: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7,19). Đó là thân phận yếu đuối của con người. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nhiều bạn chọn cho mình lối sống dễ dãi, làm giàu nhanh chóng, thích hưởng thụ và lười lao động. Những bạn này thường không có lý tưởng sống rõ ràng, dễ nhập bọn với bạn bè xấu hoặc là không có khả năng vượt qua nghịch cảnh.
Mặt khác các chúng ta may mắn vì có gia đình và xã hội luôn khuyến khích nâng đỡ, đồng hành để mỗi người rèn luyện nhân cách. Bên cạnh kiến thức cần thiết, các bạn trẻ rất cần được tiếp xúc hay biết đến những mẫu gương cụ thể về tinh thần vượt khó, không đầu hàng số phận để từ đó các bạn có động lực noi theo. Ý chí mạnh mẽ và tinh thần quyết tâm cao không chỉ cần cho người trẻ để tránh xa tệ nạn xã hội, mà còn giúp các bạn thoát khỏi con đường sai lầm nếu lỡ sa vào. Vì con người có đặc tính không hề cam chịu số phận, nên chúng ta có bản lĩnh vượt qua khó khăn thử thách.
Một lần nữa, môi trường giáo dục thật quan trọng biết bao. Bên cạnh đó môi trường sống là yếu tố chúng ta cần quan tâm. Chính hai môi trường ấy ảnh hưởng trực tiếp đến người trẻ, về mặt kiến thức lẫn nhân cách. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” rất đúng theo ý nghĩa này. Thử điểm qua một vài trường hợp:
– Bỏ học sớm
– Bố mẹ bất hòa, ly dị, không quan tâm đến con cái
– Giao du với những phần tử hư hỏng
– Không có công ăn việc làm ổn định
– v.v.
Ai cũng thấy người sống trong môi trường lành mạnh, khả năng dính vào tệ nạn xã hội sẽ được giảm đi đáng kể. Môi trường giáo dục quan trọng nhất cần phải kể đến chính là gia đình. Gia đình là nơi mỗi người được lớn lên, được dạy dỗ để nên người, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời khi tương quan xã hội chưa được mở rộng. Trong mỗi gia đình, ông bà cha mẹ luôn có tầm ảnh hưởng nhất định đến nhân cách của người trẻ. Tiếc là nhiều cha mẹ chỉ chu cấp đầy đủ cho con cái về mặt vật chất, nhưng quên rằng con cái cần bầu không khí gia đình đầm ấm, yêu thương. Sự thật đáng buồn là có nhiều gia đình đùn đẩy hoặc buông bỏ trách nhiệm giáo dục đạo đức con em mình cho nhà trường và xã hội, đến khi hậu quả xảy ra thì hối hận cũng không kịp.
Tuổi trẻ là thời gian chắp cánh bay vào đời. Nơi đó hầu hết người trẻ mong có cơ hội trở thành những người công dân có ích cho xã hội. Khi bắt đầu hòa nhập nhiều hơn vào môi trường xã hội bên ngoài, sự ảnh hưởng của gia đình lên đời sống của các bạn trẻ theo đó cũng giảm dần. Nếu bạn đọc Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Hà Lan là nhân vật dường như rơi vào hoàn cảnh như thế. Ngạn có lý khi trách Hà Lan không chịu bám chút rễ vào làng Đo Đo. Cô ấy không còn chịu kìm kẹp trong khuôn khổ gia đình, nhưng muốn vươn xa hơn đến những chân trời mới, nơi cha mẹ không còn có tiếng nói quyết định nữa. Khi ấy người trẻ phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.
Thật đáng buồn khi nhiều cha mẹ lo lắng đến nỗi không cho con cái bước vào xã hội. Đành rằng đó là nơi có quá nhiều tệ nạn nguy hiểm, nhưng đó còn là: nhà trường, nhà thờ giáo xứ hay nơi công sở, xí nghiệp, v.v. Nếu các bạn trẻ dấn thân vào những hoạt động xây dựng cộng đồng như các phong trào thiện nguyện, tham gia các tổ chức đoàn hội theo độ tuổi hay theo sở thích, giao du với những bạn bè, đồng nghiệp tốt, thì chắc chắn các bạn sẽ tránh xa các loại tệ nạn xã hội.
Bạn nghĩ sao khi chúng ta không nhất thiết phải tránh môi trường tệ nạn ấy? Thay vào đó, chính mỗi người trẻ hãy kiến tạo môi trường, xã hội ấy trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta được chứng kiến không ít các bạn trẻ cống hiến nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Họ hoạt động nghiên cứu sáng tạo, chăm chỉ lao động học tập, sống có trách nhiệm với gia đình và bản thân, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, tham gia các chương trình phát triển cộng đồng. Các bạn đó đã cho thấy sức mạnh của người trẻ. Chính người trẻ trở thành nhân tố tích cực xây dựng cộng đồng, cải tạo xã hội.
Chúng ta cũng không bao giờ thất vọng. Nếu mắc sai lầm, hãy cho mình cơ hội sửa sai. Sai thì sửa, đó là chuyện bình thường trong đời sống con người. Nhiều bạn trẻ khi lâm vào con đường tội lỗi đã không thể quay trở lại chỉ vì bản thân mất đi động lực thay đổi cuộc đời. Các bạn này nghĩ rằng mỗi khi đã dính vết nhơ rồi thì gia đình, người thân hay xã hội nói chung sẽ nhìn các bạn với con mắt hoàn toàn khác, không thể nào lấy lại hình ảnh tốt đẹp được nữa. Thật không may, những bạn có suy nghĩ như thế đã vô tình tự đặt dấu chấm hết quá sớm cho cuộc đời tươi đẹp của mình.
Một ai đó nói chúng ta chưa phạm tội, vì chưa có cơ hội phạm tội. Tiếc là xã hội hôm nay nhiều cám dỗ đẩy các bạn trẻ vào hố sâu tội lỗi. Giả như các bạn ấy muốn hoàn lương, thì búa rìu dư luận, “gạch đá” khiến họ chẳng thể hoàn lương. Cách hành xử kiểu như thế không tử tế chút nào. Thay vào đó, hãy lấy tình yêu thương, tha thứ từ gia đình, người thân, từ xã hội mà hành xử với nhau.
Người trẻ là hiện tại của xã hội, nếu không muốn nói là thành phần quan trọng nhất trong mọi cộng đồng quốc gia, dân tộc. Do đó, chăm lo cho người trẻ chính là trách nhiệm quan trọng của gia đình và toàn xã hội. Vì người trẻ dễ bị tổn thương, kiến thức hiểu biết còn hạn chế, lại chưa có nhiều kinh nghiệm va chạm như người lớn, nên dễ trở thành đối tượng bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường tội lỗi. Vì thế trước khi các em đủ cứng cáp trưởng thành để tự bảo vệ chính mình trước mọi loại tệ nạn xã hội, người lớn phải tạo lập một môi trường an toàn và lành mạnh để giúp các bạn trẻ lớn lên.
Một môi trường lành mạnh như thế trước hết phải khởi đi từ gia đình và trường học. Nơi đó chúng ta được dạy dỗ, yêu thương. Ngoài ra các bạn trẻ cũng cần được tạo mọi điều kiện để phát huy tài năng và theo đuổi đam mê lành mạnh của mình. Nhờ đó hy vọng mỗi người ít có nguy cơ rơi vào cạm bẫy tệ nạn xã hội hơn.
Giả như ai đó lỡ sa vào con đường sai trái, hãy nỗ lực giúp họ với hy vọng và tin tưởng. Người trẻ như những chồi non tràn trề nhựa sống, dẫu cho mưa nắng gây bầm dập thương tổn nhưng vẫn không ngừng vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Rồi một ngày nào đó những mầm non kia sẽ trở thành cây cổ thụ, những vết thương không đủ sức làm cây đổ gãy sẽ trở thành vết sẹo liền, tạo nên những đường vân mềm mại tăng sức duyên dáng cho cây. Người trẻ yếu đuối ở chỗ đó, nhưng mạnh mẽ cũng ở chỗ đó!
Giuse Lê Đắc Thắng SJ
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (9.8.2021)
WGPKT(10/08/2021) KONTUM
———————
Xem thêm những bài trước:
Bài 1: Nhận Định Ơn Gọi Cho Cuộc Đời
Bài 2: Sao Lại Kỳ Thị Người Tu Xuất
Bài 3: Đừng Cám Dỗ Nhau Nhé
Bài 4: Vấn Đề Rước Mình Và Máu Thánh Chúa
Bài 5: Vượt Qua Khủng Hoảng
Bài 6: Hiện Tượng Bóng Ma
Bài 7: Nhanh Từ Từ Thôi
Bài 8: Gieo Suy Nghĩ Tốt
Bài 9: Vấn Đề ” Theo Đạo Rồi Mới Cho Cưới”
Bài 10: Bền Đỗ Trong Ơn Gọi Gia Đình
Bài 11: Truyền Giáo Cho Người Trẻ Ngoại Đạo
Bài 12: Thờ Kính Ông Bà Tổ Tiên
Bài 13: Vấn Đề Truyền Giáo
Bài 15: Áo Giáp Chống Nạn