Trong cuộc gặp gỡ các thiếu nhi tại sự kiện có tên “Trẻ em: thế hệ tương lai”, diễn ra tại Vatican vào chiều thứ Bảy ngày 11/5/2024, Đức Thánh Cha đã nói với các em về các đề tài: Hạnh phúc là gì và làm thế nào tất cả chúng ta có thể cảm thấy như anh chị em; chiến tranh là gì và tầm quan trọng của hòa bình; tương quan giữa ông bà và các cháu và vẻ đẹp của cảm giác ở bên Thiên Chúa “như trong vòng tay của người mẹ”.
Cuộc gặp gỡ “Trẻ em: thế hệ tương lai” là một trong 12 bàn tròn hội thảo về nhiều chủ đề “vì một thế giới nhân bản và hòa bình”, một phần trong sự kiện #BeHuman, cuộc gặp gỡ thứ hai về Tình huynh đệ nhân loại được tổ chức trong 2 ngày 10 và 11/5/2024 tại Roma và Vatican.
Sau khi Đức Thánh Cha vào phòng họp, một số trẻ em cũng xuất hiện, một số còn rất nhỏ, có mẹ đi cùng: nhiều em chào Đức Thánh Cha, bắt tay ngài, ngồi cạnh ngài, vây quanh ngài, đưa cho ngài những bức vẽ hoặc đồ thủ công làm bằng các bìa cứng có màu. Các em đã hát một bài hát về tình huynh đệ: “Điều chúng con muốn là tình anh em, nếu chúng con không có điều này thì chuyện gì sẽ xảy ra?”.
Hạnh phúc là gì?
Đức Thánh Cha trò chuyện với các em bắt đầu bằng câu hỏi: “Đối với các con hạnh phúc là gì?” Một bé gái trả lời: “Đối với con, hạnh phúc trên thế giới là tất cả được hiệp nhất, trở thành một gia đình, gia đình của Thiên Chúa”. Và một em khác: “Đối với con đó là hòa bình”. Đức Thánh Cha lại hỏi: “Nhưng làm thế nào để tạo ra hạnh phúc, mua nó ở đâu?”. Một câu trả lời: “Bằng cách tạo dựng hòa bình”. Nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Con có thể mua nó ở đâu?”. Một em trả lời: “Hạnh phúc không thể mua được, nó đến ngay từ chúng ta”. Đức Thánh Cha lại hỏi: “Nhưng nếu hạnh phúc không thể mua được thì làm sao con có thể hạnh phúc được?” Câu trả lời là: “Khi mọi người đều khỏe mạnh”, “khi chúng ta làm hòa” và một câu trả lời khác: “Bằng những lời tử tế”. Đức Thánh Cha tiếp theo bằng một câu hỏi khác: “Nếu một người xúc phạm người khác, liệu người đó có thể vui vẻ được không?” Các em đồng thanh trả lời “Không!”. Và còn có những câu trả lời: “Chúng con hạnh phúc khi được ở bên nhau” và “được tiếp xúc với Thiên Chúa”.
“Để không gây chiến tranh, bạn phải chia sẻ hòa bình bằng yêu thương”
Đức Thánh Cha hỏi tiếp: “Làm thế nào các con có thể giữ liên lạc với Thiên Chúa?” Một em bé trả lời: “Cầu nguyện mỗi ngày”. Và một em khác: “Yêu thương”. Đức Thánh Cha lại hỏi: “Liệu chúng ta có hạnh phúc khi tranh cãi với nhau không? Và liệu có hạnh phúc trong chiến tranh không?” Các em trả lời không và Đức Thánh Cha nói rằng hạnh phúc nằm ở hòa bình. Và ngài nói tiếp: “Có những trẻ em đang sống trong chiến tranh. Các em, đôi khi, không có gì để ăn, các em sợ bom đạn, những điều xấu…”. Và ngài hỏi, nếu một em đến từ bên này của cuộc chiến, một em khác từ phía bên kia của cuộc chiến, họ có phải là kẻ thù không? Có em trả lời: “Không. Bởi vì chiến tranh không phải lỗi của họ”. Và những câu trả lời khác: “Bởi vì họ đều là một gia đình”. “Để không gây chiến tranh, bạn phải chia sẻ hòa bình bằng yêu thương”.
Tương quan giữa ông bà và các cháu
Cuộc đối thoại gần gũi giữa Đức Thánh Cha và các trẻ em bị gián đoạn khi một trong số các em hỏi ngài liệu ngài có thể đọc một lời cầu nguyện cho bà của em không. Đức Thánh Cha đồng ý và mọi người cùng đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện cho tất cả ông bà. Đức Thánh Cha cùng các bạn nhỏ hô: “Hoan hô các ông bà, hoan hô các ông bà”.
Bạn bè: nghĩ tốt về người khác
Một câu hỏi khác của một trẻ em: “Làm thế nào để chúng ta trở thành bạn bè?”. Đức Thánh Cha trả lời: “Trước hết, chúng ta phải nghĩ tốt về người khác. Nếu một người nghĩ xấu về người khác, liệu người đó có thể trở thành một người bạn không?” Cuối cùng Đức Thánh Cha khuyến khích các em: “Hãy can đảm và tiến lên”.
Tuyên ngôn huynh đệ
Giây phút đặc biệt ý nghĩa của chương trình là phần đọc Tuyên ngôn huynh đệ, được ký tên “Trẻ em trên toàn thế giới”. Tuyên ngôn được chuẩn bị bằng cách trình bày lại những đóng góp do chính các em viết ra. Tuyên ngôn nêu bật niềm khao khát mãnh liệt của các em được sống trên thế giới như anh em, khác biệt nhưng hiệp nhất.
Tuyên ngôn viết: “Cội rễ của chúng con nhắc nhở chúng con rằng bất chấp sự đa dạng của các nhánh, chúng con có chung một sự sống, cùng một ước mơ, về một thế giới nơi tình yêu là hoa trái duy nhất có thể khiến chúng con thực sự hạnh phúc”. Trẻ em tin vào những giấc mơ và cũng mời gọi người lớn “gieo hạt giống hy vọng, làm cho những hành động dịu dàng nảy mầm”, bởi vì họ không thể làm điều đó một mình. “Xin giúp chúng con hiện thực hóa những ước mơ này của chúng con trong một thế giới tốt đẹp hơn, nơi chúng con có cơ hội có một tương lai, không có thứ tương lai dần dần phá hủy tất cả những ước mơ của chúng con. Xin hãy để chúng con cùng đồng hành với quý vị, những người lớn, những người đồng hành cùng chúng con, trên con đường hòa bình và của hiểu biết, tình huynh đệ và sự phát triển, của đón nhận và hy vọng”.
“An toàn trong vòng tay Thiên Chúa như đứa trẻ trong vòng tay của người mẹ”
Đức Thánh Cha cũng ký tên vào Tuyên ngôn Huynh đệ này. Giải thích về việc ngài muốn một Ngày Thế giới Trẻ em, Đức Thánh Cha nói: “Người ta nghĩ rằng tương lai của nhân loại hệ tại ở việc những người trưởng thành có thể làm được điều này, điều nọ, điều kia. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Tương lai của nhân loại nằm ở hai điểm: đó là ở trẻ em và người già. Khi trẻ em gặp ông bà. Và đây là một điều tuyệt vời, chúng ta phải chăm sóc người già, ông bà và các trẻ em”. Người già, Đức Thánh Cha nói tiếp, ban sự khôn ngoan và điều này giúp trẻ em lớn lên và phát triển. Nhưng có một lý do khác, Đức Thánh Cha trích dẫn một tác giả tu đức đã nói rằng “ông muốn ở trong vòng tay của Chúa như một đứa trẻ trong vòng tay của mẹ mình”. Một đứa trẻ ngủ an toàn vì cảm thấy được bảo vệ. Và Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta phải ở với Thiên Chúa như thế: an toàn trong vòng tay của Thiên Chúa như một đứa trẻ trong vòng tay của mẹ mình”.