Chân Dung Người Nữ Tu Giuse Xóm Nhỏ FMI Từ Góc Nhìn Laudato Sí

Ngang qua dòng lịch sử, cộng đoàn Giuse Xóm Nhỏ được thành lập vào năm 2001, dưới thời Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung giám mục Giáo phận Kontum. Cộng đoàn được thành lập với mục đích: Cộng tác mục vụ tại Giáo xứ Đăk Mót và thực hiện sứ mạng Giáo dục- Đào tạo giới trẻ[1]. Trên mảnh đất gần 6000 m2 thuộc huyện Ngọc Hồi- tỉnh Kontum, giữa núi rừng Tây Nguyên hoang sơ thời bấy giờ, các nữ tu FMI đã âm thầm, khiêm tốn phục vụ như những nữ tỳ trung tín, kiên cường và khôn ngoan. Ngày ngày, các chị hiện diện trong kinh nguyện âm thầm, mang Chúa đến với anh chị em đồng bào sắc tộc Sê Đăng. Từ một mái nhà tranh vách đất, từng bước chân lén lút, len lỏi vào các làng, nay Xóm Nhỏ một cách nào đó đã trở thành một cơ sở Công giáo được hoạt động công khai. Cụ thể, bảng tên cộng đoàn đã được gắn ngoài cổng vào sáng Chúa nhật Phục Sinh năm 2023. Sự tiến triển về vật chất cũng như pháp lý ấy minh chứng về quyền năng và ý định thiết lập của Thiên Chúa.

Nhiều người đã và sẽ hỏi, tại sao cộng đoàn được đặt tên là Giuse Xóm Nhỏ? Từ những bước khởi đầu đơn sơ, sự hiện diện của các chị mang tinh thần của Thánh “Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo”: người công chính sống bằng niềm tin, âm thầm, nghèo khó và lao động bằng chân tay. Có lẽ từ đó mà cái tên Giuse Xóm Nhỏ ra đời. Theo dòng thời gian, dù cơ sở hạ tầng có chút thay đổi để đáp ứng nhu cầu địa phương, nhưng tinh thần của Thánh Giuse vẫn được nuôi dưỡng và bảo tồn. Tinh thần này thật thích hợp để liên kết với tinh thần Laudato Sí của Đức Thánh Cha Phanxicô. Dựa trên một vài suy tư của ngài, cá nhân xin được chia sẻ vài chân dung của Nữ tu Giuse Xóm Nhỏ FMI.

1. Thân thiện với môi trường

Nét nổi bật cho thấy chị em Xóm Nhỏ FMI thân thiện với môi trường là yêu thích và đề cao giá trị của lao động tay chân vì “lao động tay chân mang một ý nghĩa thiêng liêng” (LS[2] số 126). Ý nghĩa này khơi mầm ngay từ buổi đầu sáng tạo, Thiên Chúa đã đặt người nam và người nữ trong khu vườn Ngài đã tạo nên không chỉ để bảo tồn nhưng còn làm cho nó sinh hoa trái (x. St 2,15). Hiến Luật điều 24 cũng đề cao giá trị của lao động: “§1. Trong tinh thần nghèo khó, chị em cần ý thức giá trị của lao động, vì lao động góp phần nâng cao phẩm giá con người, thánh hoá bản thân và giúp chúng ta tham gia vào công trình sáng tạo, cứu độ của Thiên Chúa. §2. Noi gương Đức Giêsu ở Nazareth, lao động trong âm thầm, tận tụy và hiệp thông với Chúa Cha, chị em lao động để nuôi sống mình, phục vụ tha nhân và cũng nhờ đó kết hợp mật thiết với Ngài.”

Chính vì lẽ đó, hằng ngày, chị em có 5 giờ lao động ngoài vườn, từ chăn nuôi đến trồng trọt. Ai bước chân đến Xóm Nhỏ đều tấm tắc trước một khu vườn xanh ngắt. Bên trái là các loại cây ăn trái, bên phải là các loại rau, đằng sau là đủ loại cây ăn trái và hoa màu. Hiện nay, Xóm Nhỏ có 14 loại cây ăn trái và đã được hưởng dùng, có nhiều loại hoa màu được trồng theo vụ mùa, nuôi heo mọi có khi lên đến 15 con, nuôi gà, ngỗng và chó. Bên cạnh đó, chị em sử dụng 90% bếp củi, những thanh củi được đốn từ những rừng cao su hoang tàn hoặc từ những cành cây gãy đổ trong vườn. Tất cả các loại vỏ củ, quả đều được sử dụng. Vỏ mềm thì nấu cho heo, vỏ cứng thì làm phân. Phân trong vườn chủ yếu là phân chuồng, vỏ cà phê và các loại rác lá cây.

2. Thân thiện với con người

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Quan tâm đến môi trường cần phải được hội nhập với tình yêu chân thành dành cho anh em đồng loại và một sự dấn thân vững vàng để giải quyết các vấn đề của xã hội” (LS 91).

Cổng nhà Xóm Nhỏ luôn rộng mở để tiếp đón mọi người. Xóm Nhỏ tuy nhỏ bé về nhà cửa, ít ỏi về của cải nhưng lòng người ở đây thì đủ lớn để luôn chia sẻ với người nghèo. Bất cứ người nghèo nào đến, chị em không để họ về tay không. Có người thì được thuốc chữa bệnh, người thì được mớ rau, quả bầu, quả bí, người thì được ít gói mì tôm hoặc ít cá khô, tép khô…Tiền thì chúng tôi không có nhưng cái chúng tôi có là tình yêu của Chúa Giêsu. Chị em luôn xác tín rằng: “tình yêu luôn luôn chiến thắng” (LS 149). Điều đáng quan tâm là “không gian sống và hành vi của con người có tương quan với nhau” (LS 150). Nếu chúng ta sống trong một môi trường nghèo về vật chất, giới hạn về sự hiểu biết thì phong cách sống cũng phải giản dị để có thể gần gũi với những người nghèo khổ. Vì vậy, “trong phòng, trong nhà, nơi làm việc… chúng ta sử dụng môi trường như một cách thể hiện căn tính của chúng ta” (LS 147). Mà căn tính của người nữ tu Xóm Nhỏ FMI là nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nghèo khó để có thể hiệp thông với người nghèo địa phương, cụ thể là với anh em sắc tộc Sê Đăng. Bởi lẽ một sự hiệp thông cao cả sẽ thúc đẩy trong chị em sự tôn trọng thánh thiêng, yêu thương và khiêm tốn (x. LS 89).

3. Kết hợp với Thiên Chúa

Theo linh đạo của Thánh Benedicto Norcia: “Ora et Labora” nghĩa là “cầu nguyện và làm việc” phải đi đôi với nhau. Ngoài những giờ cầu nguyện theo Phụng vụ, chị em Xóm Nhỏ FMI luôn ý thức kết hiệp với Chúa khi làm việc. Nhà rộng, mỗi người mỗi việc, có chị thì vừa làm việc vừa mở đài nghe Lòng thương xót, chị khác thì nghe bài giảng hoặc các bài huấn giáo trên Youtube, có chị thì lần chuỗi…mỗi nhát cuốc bổ xuống đất, mỗi cọng cỏ được xởi lên, hay bất cứ cái gì chị em làm đều cảm nghiệm một ý nghĩa sâu xa trong tâm hồn. Như Thánh Gioan Phaolô II dạy: “bằng việc chịu đựng những cực nhọc của công việc trong sự hiệp nhất với Đức Kitô chịu đóng đinh vì chúng ta, con người cộng tác với Con Thiên Chúa để cứu chuộc nhân loại” (Thông điệp Laborem Exercens 1981, số 645). Hiến Luật điều 48 cũng nhắc nhở: “§1. Chị em không ngừng sống dưới cái nhìn của Chúa và luôn luôn ý thức sự hiện diện của Ngài, vì thế cần tạo cho mình một sự trầm lặng nội tâm sống động để dễ dàng nghe tiếng Chúa và kết hợp mật thiết với Người. §2. Chị em hãy biến sự cô đơn thành khung cảnh sa mạc thuận lợi cho việc gặp gỡ Thiên Chúa và cuộc chiến đấu thiêng liêng để được thanh luyện và trở nên mạnh mẽ trong đức tin.”

4. Giáo dục mang tính “Đạo Đức Sinh Thái”

Giáo Hội “cần những nhà giáo dục có khả năng phát triển nền đạo đức sinh thái, giúp mọi người trưởng thành trong tình liên đới, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn” (LS 210).

Theo tinh thần Laudato Si, giáo dục mang tính “đạo đức sinh thái” không chỉ nhắm đến việc bảo vệ môi trường bằng những hạn chế về rác thải, sử dụng nguồn tài nguyên cách ý thức… nhưng còn giáo dục con người về tình liên đới và lòng trắc ẩn. Học hỏi được điều này, chị em Xóm Nhỏ FMI đang cố gắng từng ngày để dạy dỗ các em học sinh nội trú và giáo dân khi gặp tại cộng đoàn cũng như ở giáo xứ hoặc khi thăm viếng trong làng. Việc giáo dục trước tiên là chị em làm gương sáng về lòng trắc ẩn để có thể xây dựng mối tương quan đúng đắn giữa con người với thế giới xung quanh. Kinh nghiệm làm việc này giúp chị em bảo vệ và tôn trọng môi trường hơn, mối tương quan của chị em với thế giới thấm đượm sự điều độ lành mạnh hơn (x. LS 126).

Tạm kết

Trái đất tự bản chất là một tài sản thừa kế chung (LS 93) và chúng ta được tạo nên với ơn gọi làm việc (LS 128) để xây dựng và bảo tồn trái đất. Vì làm việc là cần thiết, tạo nên một phần ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, một con đường cho sự trưởng thành, sự phát triển nhân loại và sự thành toàn cá nhân (LS 128). Chân dung của những nữ tu Giuse Xóm Nhỏ FMI một cách nào đó được vẽ lên ngang qua ơn gọi làm việc tay chân và sống giữa những người nghèo khổ, lam lũ. Ơn gọi này như một tinh hoa của những người được gọi trên cánh đồng truyền giáo Vùng Cao. Nhìn những đôi bàn tay thô ráp, những đôi chân chai sần, và những làn da rám nắng, chị em Giuse Xóm Nhỏ FMI cảm thấy mình đang được dự phần đúng nghĩa vào công trình xây dựng ngôi nhà chung của Mẹ Trái Đất. Tạ ơn Chúa.

Xóm Nhỏ, 15/07/2024      

Nt. M. Madalena Thuần Lương, FMI

Nguồn: conducmevonhiem.org

[1] Dòng CĐMVN, Đơn Xin Thiết Lập Cộng Đoàn (2009), Chị M. Victorina Trần Thị Lam Hồng- Bề trên Dòng- kính đơn.

[2] Laudato Sí (LS)