Những Bước Chân Đầu Tiên Của Người Nữ Tu FMI Tại Tây Nguyên

Tình thương quan phòng của Thiên Chúa luôn diệu kỳ, đã mở ra cho người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm một đường lối phục vụ mới – là trở thành những nhà thừa sai của Đức Kitô, ngày đêm gieo vãi hạt giống Tin Mừng cho những người lương cũng như giáo, người Kinh cũng như người sắc tộc trên mảnh đất Tây Nguyên này.

Năm 1952, khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Kontum, việc làm đầu tiên của Đức Cha Paul Seitz là đi thăm tất cả các giáo xứ Kinh cũng như sắc tộc. Từ đó, ngài thấy được nhu cầu của giáo phận cần có những cộng đoàn tu sĩ hiện diện và phục vụ nơi đây. Sau cuộc gặp gỡ viếng thăm của mẹ Bề trên lúc đó là sơ Maria Claudia Công Tằng Tôn Nữ Thị Luyến từ ngày 11 – 14/01/1968, Đức Cha Paul Seitz gởi thư ngỏ đến Hội dòng để xin cho có các nữ tu được đặt chân đến Tây Nguyên để phục vụ.

… Trước hết, đây là một lời mời gọi chính thức truyền giáo mà vì thế rất đòi hỏi mà tôi hay đúng hơn chính Chúa gởi đến cho Dòng mẹ, nghĩa là các tu sĩ của mẹ phải thiết yếu đương đầu với một công việc tông đồ khó khăn bên cạnh người Thượng…

… Một vài nét về điều kiện sống của các nữ tu truyền giáo: Các chị sẽ sống trong các làng Thượng rất gần dân, nhà ở của các chị là nhà Thượng, các chị ăn như người thường, nhưng khi có dịp các chị phải có khả năng chấp nhận ăn uống như người Thượng; ăn mặc phải gọn; học tiếng địa phương và học hỏi những phương pháp tông đồ…

Lá thư của vị cha chung luôn thiết tha với đàn chiên được giao phó cho mình, nỗi thao thức ngày đêm của người mục tử nhân lành không ngơi nghỉ, trái tim vị Giám mục làm cháy bừng lên ngọn lửa Thánh Thần đang nhen nhúm nơi mảnh đất giáo phận Kon tum này.

Đáp lại lời mời gọi khẩn thiết từ các nhu cầu phục vụ tại cánh đồng truyền giáo, ngày 24/8/1969, có 4 nữ tu đầu tiên đến Tây Nguyên là các chị: Maria Isidore Nguyễn Thị Phước, Maria Adnived Mai Thị Thiết, Maria Toma Tống Thị Hoa, Maria Aurelie Nguyễn Thị Hồng đã hăng hái tình nguyện lên miền Tây Nguyên, như Ápraham xưa rời xa quê hương xứ sở thân yêu, đi đến vùng đất mới Chúa chỉ định. Chắc chắn một điều là các nữ tu đầu tiên tin tưởng có Chúa và Đức Mẹ cùng đi, giúp chị em có đủ nghị lực hiện diện giữa anh chị em có một nền văn hóa mới, cần được chị em hội nhập.

Nơi dừng chân đầu tiên của các nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm là Thanh Bình, cách thành phố Pleiku khoảng chừng 35km. Sau một thời gian, các chị đến tá túc tại giáo xứ Đức An, tiếp tục làm quen và học hỏi việc truyền giáo tại môi trường miền núi Tây Nguyên này. Phú Bổn cũng là địa điểm cần được nhắc đến, ngày nay là huyện Ayunpa của tỉnh Gia Lai. Nơi đây các chị học tiếng J’rai, đi vào thực tập trong làng. Sau khi đã học hỏi để có thể phục vụ đắc lực hơn, các chị được sai đến Thanh Bình để bắt tay vào xây dựng các cơ sở về y tế, giáo dục, ký túc xá, trường huấn nghệ…

Từng bước nhỏ một xây nên một chặng đường dài, các chị đã dần dần thực hiện đúng theo lời mời gọi của Chúa qua lá thư của Đức Cha Paul Seitz mời gọi Hội dòng “đến với những người bị bỏ rơi nhiều thế kỷ qua…” Theo dòng thời gian – sau hơn 50 năm phục vụ tại miền truyền giáo Tây Nguyên – các cộng đoàn được thành lập, ở Gia Lai – Kontum – Buôn Mê Thuột, số lượng các nữ tu đã gia tăng theo năm tháng. Sự hiện diện của người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ở giữa các buôn làng J’rai, Banah, Xơ-đăng, Ê-đê… trong từng công việc phục vụ Chúa, nơi những anh em sắc tộc như thăm viếng, giúp đỡ, chia sẻ thiêng liêng, tinh thần và vật chất, dần dần dẫn đưa anh chị em hướng tâm hồn về Khua Yang Adai, tức là Đức Chúa Trời chí thánh. Đồng thời, chị em mong muốn thăng tiến anh chị em về đức tin và đời sống, để họ được sống hạnh phúc như Chúa muốn nơi những người con của Ngài tại mảnh đất nơi đây.

Chị em biết ơn Thiên Chúa, cảm ơn Mẹ Maria đã yêu thương chúc lành, đồng thời cảm ơn những tấm lòng nhiệt thành tận tụy giúp đỡ, để sự tiếp nối giữa các thế hệ chị em Con Đức Mẹ Vô Nhiễm vẫn tiếp diễn, tiếp tục gieo vãi Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo, trên mọi nẻo đường phục vụ, đón chờ ngày trổ sinh bông hạt.

Nt. Maria Mỹ Huệ

Nguồn: conducmevonhiem.org