Linh Mục Người Nhà Của Thiên Chúa Và Là Người Trần Thế

Bài giảng của Cha Luy Nguyễn Quang Vinh trong Thánh lễ Tạ ơn Ngân Khánh Linh Mục của Cha Giuse Trần Ngọc Tín (1998-2023), Chính xứ giáo xứ Phương Hòa, Tp Kon Tum, ngày 25-8-2023.

 

LINH MỤC NGƯỜI NHÀ CỦA THIÊN CHÚA VÀ LÀ NGƯỜI TRẦN THẾ

 (Các Bài Đọc: Is 61, 1-3; 2 Tm 4, 1-5; Ga 15, 9-17)

 

Hôm nay một sự kiện lịch sử đi vào dòng chảy cuộc đời cha chính xứ, Lễ Ngân Khánh Linh Mục, của cha Giuse Trần Ngọc Tín, ngài ở giữa anh chị em khá lâu năm, năm thứ  bảy nếu không nhầm. Sự thay đổi nào cũng kéo theo sự thích nghi cần thiết, nó cho chúng ta cơ hội làm phong phú bản thân và cộng đoàn. Dịp ngân khánh cho thời gian tìm hiểu nhiều hơn về chức linh mục quản xứ.

I. Linh mục người nhà của Thiên Chúa.

Là người công giáo chúng ta quen nghe những cụm từ như cha sở, cha chính xứ, cha chủ tế, linh mục thượng phẩm, Chúa Kitô thứ hai …. Bao nhiêu quyền bính cao trọng đọc được trong các cụm từ nầy, và chúng ta cảm nhận có sự gần gũi thân thương đồng thời thấy có sự xa cách khi tiếp xúc với linh mục.

1. Phải nhận rằng có điều khó hiểu về con người linh mục, một đàng xét về tuổi tác ngài trẻ hơn mình mà trong xưng hô gọi ngài là cha và xưng con, ngài được đặt làm cha chính xứ mà không bao giờ giáo dân được hỏi ý kiến hay bầu phiếu. Quả thật linh mục không lựa chọn cho mình một giáo xứ ưng ý, và ngược lại giáo dân cũng không đòi cho mình một cha sở vừa sở thích theo mọi người. Cả hai đều ở trong sự vâng phục ý muốn của Thiên Chúa qua ý Đức Giám Mục địa phận, cả hai cần kinh qua một giai đoạn thích nghi. 

2. Linh mục chính xứ, ngài là ai ? Ngài đến để làm gì? Giáo xứ có thật sự cần ngài không ?  Chúng ta tìm đến thư Do Thái, Thư nầy cho chúng ta định nghĩa khá trung thực về căn tính chức linh mục. “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy đuối ; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy”  (Dt 5, 1-3). Là người được Thiên Chúa chọn và xức dầu tấn phong, thật vậy cũng ngày nầy 25 năm về trước đã xảy ra cho ngài tại Nhà Thờ chính tòa Kontum, điều nầy được Sách Isaia (Bài Đọc 1. Is 61, 1-3) tiên báo: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát …”.

3. Chúng ta biết tư tế hay linh mục là người bình thường như bao nhiêu người khác, nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn để làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài là nhịp cầu nối giữa Thiên Chúa và dân của Người. Dân Kitô giáo rất cần sự trung gian của linh mục, sự cần thiết linh mục có thể tóm gọn thế này: ‘Ở đâu có linh mục, ở đó có thánh lễ; ở đâu có thánh lễ, ở đó có sự hiện diện của Thiên Chúa và có Giáo hội; nơi nào có Thiên Chúa và có Giáo hội nơi đó có ơn cứu độ’.  Sự cần thiết nầy được Chúa Giêsu lặp lại ba lần cho vị thủ lãnh Giáo Hội là thánh Phêrô, khi ông ba lần khẳng định rằng mình yêu mến Thầy Giêsu hơn các anh em khác, sau mỗi lần xác định lòng yêu mến thì Chúa ra lệnh: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”, và hai lần  “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,15-17).  Nghĩa là chăn chiên con và chiên mẹ của Thầy.

4. Như vậy Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng Người trao cho thánh Phêrô một trách nhiệm duy nhất là chăn dắt đoàn chiên của Người, mọi việc khác đều là phụ thuộc. Tuy nhiên phải hiểu rằng đoàn chiên nầy là Của Thầy, và phải được chăn dắt theo ý muốn Của Thầy.  Chăn chiên, việc trước hết là quy tụ đàn chiên và dẫn dắt chúng đến đồng cỏ xanh tươi, nơi suối nước mát trong. Cho nên Sự hiệp nhất và bình an của đàn chiên là giá trị cao quý nhất trong công tác của vị mục tử, mà vị chủ chăn phải cân nhắc và duy trì cho bằng được dù phải hy sinh những sinh hoạt khác.  Việc lãnh đạo giáo xứ cô đọng lại trong thánh lễ Tạ Ơn mỗi ngày, là chóp đỉnh công việc của người mục tử.  Cho nên linh mục ở giữa giáo dân là để thay mặt dân dâng thánh lễ tạ ơn và xin ơn bình an, xin ơn tha tội và chuyển muôn ý nguyện cầu của giáo dân dâng lên cho Thiên Chúa. 

5. Việc tuyển chọn linh mục được thể hiện qua bí tích Xức Dầu Tấn Phong. Việc Xức Dầu có mục đích là ra đi loan báo Tin Mừng. Rao Giảng là một trong những sứ vụ chính yếu của chức linh mục, đúng như lời thánh Phao-lô viết cho người con thiêng liêng của ngài là giám mục Ti-mô-thê,: “Tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ… Phần anh hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng, và chu toàn chức vụ của anh”. (Bài Đọc 2. 2 Tm 4, 1-5).

6. Thi hành chức vụ tư tế là trung tâm của đời sống linh mục, linh mục trở nên điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân, ngài là “cầu chì” nối kết trời và đất. Cách nào đó, cho chúng ta hiểu được rằng linh mục là “Alter Christus”, là “Kitô thứ hai”, tức linh mục là phiên bản mới của Chúa Kitô, mà rất giống với Nguyên Bản là Chúa Kitô, là Đấng Cứu Độ nhân loại.

7. Trong vai trò của Chúa Kitô, linh mục phục vụ giáo xứ qua ba chức năng là Rao giảng, Thánh hóa và Hướng dẫn dân Thiên Chúa hướng về Nước Trời, ngài hiệp hành với họ qua ba chức năng tiên tri, tư tế và vương đế. Nhờ các bí tích linh mục phục vụ mọi thành phần dân Chúa mà không bỏ sót thành phần nào cả. Ngài phục vụ giáo xứ từ trẻ sơ sinh cho đến người cao tuổi, người bịnh tật cho đến kẻ lâm chung.  Sự hiện diện của linh mục giữa cộng đoàn là điều bất khả thay thế, đến nỗi có thể nói, một giáo xứ mà thiếu chủ chăn là một giáo xứ thiếu đi sự hoàn hảo của mình, nếu không nói là què quặt.  Ngài hiện diện cạnh em bé sơ sinh ngày Rửa tội, đồng hành với thiếu nhi tiến tới bàn tiệc Thánh Thể, ngài hướng dẫn thanh niên tập tễnh bước vào đời sống Hôn nhân, và chẳng tín hữu nào mà không mong ước gặp linh mục trước lúc từ giả cõi đời.

8. Bài Tin mừng hôm nay (Ga 15, 9-17) Đức Giêsu mời gọi linh mục sống tình bằng hữu với Người : “Anh em là bạn hữu của Thầy … Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa … nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (c. 14-15). Linh mục được mời gọi sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa, với anh em đồng môn và với các tín hữu.  Tất cả các mối tương quan có được trong công tác mục vụ phát xuất từ tương quan nền tảng là làm bạn thân thiết với Chúa Kitô.  Linh mục là bạn thân của Chúa Kitô và ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Người để tiếp nối công trình cứu chuộc.

9. Thật vậy Thiên Chúa cần người bạn thân linh mục để chuyển giao ơn cứu độ cho nhân loại. Qua linh mục Thiên Chúa hiện diện cách cụ thể giữa cộng đoàn. Linh mục vừa là tư tế, vừa là lễ vật hiến tế dâng lên cho Thiên Chúa.  Ngài dâng lễ trong tư cách “con người của Chúa Kitô” (in persona Christi), là “Alter Christus” ( là Chúa Kitô thứ hai), là “Vicaire du Christ” (là Đại diện của Chúa Ki-tô) nhưng ngài cũng vừa là của lễ đặt trên đĩa thánh, “Sacerdos est victima” (linh mục là lễ vật). Ngài đóng vai lãnh đạo dân, hướng dẫn dân cùng tiến về Nước Trời.

10. Linh mục là người của Thiên Chúa nhưng là người chưa hoàn hảo, tuy là người được Thiên Chúa tuyển chọn, linh mục cũng mang thân phận cát bụi, cho nên ngài cần sự cảm thông, sự nâng đỡ, sự cộng tác của giáo dân. Nhiệm vụ chính của ngài là dẫn dắt đoàn chiên của Chúa và đồng hành với họ đi về cùng đích là Nước Trời, đó cũng là chủ đề của Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 2023, một Giáo hội Hiệp Hành, cùng nhau tiến bước đi về nhà Cha.

II. Sự cheo leo đời linh mục.

1. Cái khó trong dấn thân. Ơn linh mục cao trọng được trao ban cho con người bất toàn, khởi đầu là cuộc dấn thân mang tính bất khả vãn hồi, một đi không trở lại, một lời phát nguyện hệ trọng liên quan đến cả một cuộc đời.  Linh mục làm sự lựa chọn căn bản, là lựa chọn Chúa Kitô trong suốt cuộc đời của mình.  Linh mục không có thời gian thử nghiệm, khi được Đức Giám Mục đặt tay phong chức, xức dầu là thành sự, có muốn cũng không rút lui được, nếu có hư hỏng nào đó, phải tự tu sửa lấy chính mình.  Làm nghề gì cũng cần có kinh nghiệm cần có thời gian thực tập (như bác sĩ, luật sư chẳng hạn, cần phải trợ lý cho bác sĩ mổ xẻ trước tự mình đảm trách ca phẫu thuật), làm linh mục thì không có chuyện thực tập, không có chuyện làm lễ nháp hay giải tội nháp.  Một khi xuất xưởng là sản phảm đã hoàn chỉnh.  Cái khó là ở chỗ đó. 

2. Cha sở làm cố vấn cho bao nhiêu người, soi sáng tâm linh cho người nầy, giúp ý kiến cho người khác gặp khó khăn, về kinh tế, hay xử lý chuyện gia đình, chuyện đi đại học, chuyện cưới hỏi, chuyện làm canh nông hay kinh tế, ôi thôi đa dạng hình thức …. Đại loại cha sở như chiếc “thùng thư” có sẵn đáp án cho mọi thắc mắc. Ấy vậy mà khi linh mục gặp kho khăn cần cố vấn thì lại phải một mình lay hoay quyết định trong âm thầm và thinh lặng. Ví dụ bế tắc trong tòa giải tội, biết hỏi ý kiến ai.

3. Sự mâu thuẫn trong đời linh mục, tuy không bước vào đời sống gia đình, linh mục hướng dẫn những cặp hôn nhân đi tìm hạnh phúc lứa đôi, huấn luyện cả một đoàn thiếu nhi gọi mình là cha mà không có đứa con nào là con riêng cả. Sau những đại lễ đông đúc, lễ xong, nhà thờ trở nên trống vắng như chùa “bà đanh”, một mình linh mục lủi thủi kiểm tra từng ngọn đèn, từng chốt cửa, rồi âm thầm ngồi đối diện Nhà Tạm trong hiu quạnh, lúc đó mọi người vội vã về nhà sum họp gia đình. Chưa kể đến không biết bao nhiêu lần dang tay ban phúc lành và tha tội cho hối nhân, nhưng linh mục khi cần lãnh ơn xá giải, thì lại không tự mình giải quyết được.  Không tự giải tội và xức Dầu cho mình được…  Và còn bao nhiêu nghịch lý khác trong đời linh mục.

4. Một chút chia sẻ về sự cao trọng của chức linh mục và sự cheo leo của chức quản xứ, chắc hẳn còn thiếu sót nhiều nét phong phú mà chưa kịp nói ra. Xin kết thúc bài chia sẻ bằng ý tưởng của thánh Augustinô nói về sự so sánh chức giám mục và người “giáo dân”, ngài nói: cùng với anh chị em tôi là tín hữu, phục vụ anh chị em tôi là giám mục. Hai chức vụ khác nhau nhưng cùng chung lý tưởng : hiệp hành tiến về Nước Thiên Chúa.  Là giáo dân thì trách nhiệm nhẹ nhàng hơn gánh nặng của linh mục.  Hãy cảm thông, chia sẻ và cầu nguyện cho ngài nhất là dịp hồng ân ngân khánh.

Kính chúc mừng cha Giuse dịp 25 năm lễ Bạc Linh Mục,
và cám ơn sự lắng nghe của cộng đoàn. 

 

Louis Nguyễn Quang Vinh, Lm Kontum, chính xứ Đức An
Nguyên chánh xứ Phương Hòa, ngày 25. 8. 2023

WGPKT(26/08/2023) KONTUM