Đâu Là Điều Quan Trọng Nhất Trong Đức Tin Công Giáo?

Nhiều bạn trẻ Công giáo hỏi tôi câu hỏi trên đây. Lúc đầu tôi hơi lúng túng, nhưng sau đó cũng bình tĩnh để trả lời vắn gọn cho các bạn hiểu. Số là kho tàng Đức tin Công giáo quá lớn lao. Suốt dòng Cựu ước và thời Chúa Giêsu, đức tin liên tục được đề cao như là điểm son của tôn giáo độc thần này. Từ thời các Tông đồ cho đến nay, Giáo hội tiếp tục gìn giữ và đào sâu kho tàng đức tin này. Để trả lời câu hỏi quan trọng trên đây, tôi xin đề cập đến một cụm từ với nhiều ý nghĩa thần học: Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (The Holy Trinity).

1.Ba Ngôi một Chúa

Thiên Chúa Ba Ngôi là “mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo và đời sống”. Giáo lý ghi rõ điều này: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo phẩm trật các chân lý đức tin” (GLCG số 43). Do đó khi chiêm ngắm mầu nhiệm căn cốt này, Giáo hội thấy “toàn bộ lịch sử cứu độ chỉ là lịch sử về đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mặc khải, để giao hòa với con người và cứu độ chúng ta.” (GLCG số 234)  

Xác tín trên đây là nguồn gốc của tất cả các mầu nhiệm khác trong Giáo hội! Gọi là nguồn gốc vì mọi tín điều hoặc giải thích đức tin của Giáo hội đều xoay quanh trục: Thiên Chúa Ba Ngôi. Một Thiên Chúa duy nhất nhưng trong Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khi suy tư về mầu nhiệm cao cả này, Giáo hội tin rằng: “Ba Ngôi đều sở hữu trọn vẹn bản tính thần linh duy nhất và không thể chia cắt. Ba Ngôi thật sự khác biệt nhau bởi các mối tương quan tương xứng lẫn nhau. Chúa Cha sinh ra Chúa Con; Chúa Con được sinh ra bởi Chúa Cha; Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con.”[1] Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ ngàn đời, và Chúa Thánh Thần tự Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Tuy nhiên, Ba Ngôi Vị không phải là ba Thiên Chúa, mà chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.

Nếu giải thích trên đây khiến bạn bối rối, xin cứ bình tĩnh. Lý do là vì suốt 2000 năm qua, nhiều nhà thần học cũng vẫn chưa hiểu hết về mầu nhiệm cao cả này. Các ngài đều nhìn nhận mầu nhiệm này là trung tâm và nền tảng của toàn bộ đức tin Công giáo, là nguồn gốc và mục đích của mọi mầu nhiệm khác. Nếu để ý, chúng thấy mọi sự đều quy về Chúa Ba Ngôi như là chân lý trung tâm của đức tin Công giáo.

  1. Lịch sử ơn cứu độ trong Thiên Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa không phụ thuộc vào thời gian và không gian (Tv 90,2 và Kh 1,8). Tuy vậy Chúa Ba Ngôi tự tỏ mình ra (mạc khải) trong dòng lịch sử cứu độ. Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc và mục đích của mọi mầu nhiệm trong lịch sử ơn cứu độ. Chúa Cha thực hiện “mầu nhiệm của ý muốn yêu thương” của Ngài qua việc ban Chúa Con và Chúa Thánh Thần để cứu độ thế gian. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều tham gia vào công trình cứu độ nhân loại. Chúa Con nhập thể và chịu chết thập giá để cứu chuộc, còn Chúa Thánh Thần liên tục đổ đầy ân sủng vào tâm hồn con người. Cụ thể, chúng ta có thể nhớ lại Chúa Ba Ngôi trong những sự kiện quan trọng sau:

– Chúa Cha: Là Đấng Sáng Tạo, khởi đầu và nguồn gốc của mọi sự sống. Ngài tạo dựng vũ trụ và con người từ tình yêu vô biên của Ngài.

– Chúa Con (Đức Giêsu Kitô): Là Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã hiện diện ngay từ ban đầu cùng với Chúa Cha. “Qua Ngài mà muôn vật được tạo thành” (Ga 1,3).

– Chúa Thánh Thần: Hiện diện trong công trình tạo dựng, là Đấng ban sự sống và duy trì sự sống trong vạn vật.

Ngay từ sách Sáng Thế, lịch sử con người đi rơi vào tội lỗi, nhưng Thiên Chúa không ruồng bỏ, nhưng hứa cứu độ chúng ta. Chúa Cha hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc con người khỏi tội lỗi và sự chết. Từ đó, ngày Chúa Giêsu nhập thể, cũng là lúc lời hứa ấy được thể hiện rõ nhất. Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể trong Đức Giêsu Kitô. Chúa sống giữa con người, giảng dạy về Nước Trời, thực hiện các phép lạ và tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa. Vì tình yêu Chúa Giêsu Kitô chịu chết trên thập giá và sau ba ngày, Chúa phục sinh để ban sự sống mới. Biến cố Chúa Giêsu về trời, trở về cùng Chúa Cha, nhưng tuyệt đối Chúa không để con người lẻ loi.

Thực vậy, từ thời đó đến nay là thời đại của Chúa Thánh Thần. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, khởi đầu cho sứ mệng truyền giáo của Giáo Hội. Ngài tiếp tục hoạt động trong Giáo hội và trong mỗi Kitô hữu, ban ơn và hướng dẫn mỗi người sống thánh thiện, tin tưởng và làm chứng cho Tin Mừng.

3. Giáo hội và hành trình cứu độ

Chúng ta đang sống và thuộc về Giáo hội. Chúng ta vẫn tin Giáo hội là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, vốn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và bảo vệ. Đây là bảo chứng để chúng ta có thể tin theo Chúa và bước đi trong sự hướng dẫn của Giáo hội. Nhất là Giáo hội còn cung cấp nguồn sống thiêng liêng cho chúng ta là các bí tích. Qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, Chúa Ba Ngôi tiếp tục hiện diện và hoạt động để thánh hóa và ban ơn cứu độ cho các tín hữu.

Giáo hội không còn cách nào khác là bám vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy sống ở đây và lúc này, nhưng Giáo hội mời gọi chúng ta bước vào hành trình cứu độc của Thiên Chúa. Rồi đến ngày cánh chung, Chúa Giêsu Kitô sẽ trở lại trong vinh quang, mọi sự sẽ được hoàn thiện trong tình yêu của Thiên Chúa. Mọi tạo vật sẽ được tái tạo và hợp nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo ngôn ngữ quen dùng, chúng ta sẽ được hưởng sự sống đời đời. Món quà này chỉ dành cho những ai tin và sống theo đức tin cao cả này: “Tin thờ Một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi” (x. Giáo lý số 232-267). 

Việc tôn thờ trên đây mãnh mẽ hơn khi ta được lãnh nhận bí tích rửa tội, trở thành con cái Chúa. Lý do là ngay trong bí tích khai tâm này, chân lý mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi, ngay từ buổi sơ khai, là nền tảng nguyên thủy của đức tin sống động của Hội Thánh. Chân lý đó đã được diễn tả trong lời tuyên xưng đức tin khi rửa tội, được trình bày trong các giảng thuyết, trong huấn giáo và trong kinh nguyện của Hội Thánh. Người ta gặp những công thức như vậy trong các văn thời các tông đồ. Chẳng hạn: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.” (2 Cr 13,13).

Để kết thúc bài chia sẻ nhiều lý thuyết thần học này, chúng ta nhắc lại lời kinh quen thuộc này: “Sáng Danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.” Đây là đức tin vững chắc của chúng ta. Đây là niềm tin căn cốt của Giáo hội. Đây cũng là lẽ sống của từng người. Mong thay!

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn: dongten.net

[1] https://www.vatican.va/archive/compendium_ccc/documents/archive_2005_compendium-ccc_en.html