WHĐ (18.06.2024) – Trong những ngày đầu mùa hè nắng nóng tại Việt Nam với khá nhiều hoạt động tôn giáo nào là khấn dòng, phong chức, tạ ơn… của các giáo phận và Dòng tu, Văn phòng Loan báo Tin mừng (Office of Evangelization) trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đăng cai tổ chức Đại hội Loan báo Tin mừng vùng Đông Nam Á của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) với sự tham dự của 8 quốc gia là Philippines, Malaysia, Myanmar, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam. Nếu kể cả vị tu sĩ lo về phụng vụ thuộc Dòng Phanxicô quốc tịch Mỹ là có 9 quốc gia. Số thành viên tham dự là 45 người trong đó có 18 giám mục, 17 linh mục, 5 nữ tu và 4 giáo dân. Một số giám mục Việt Nam đang coi sóc các giáo phận truyền giáo cũng được mời tham dự. Đại hội được diễn ra tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc thuộc giáo tỉnh Sài Gòn từ chiều thứ Hai ngày 10/6 đến ngày thứ Sáu 14/6.

Trong Đại hội Loan báo Tin mừng lần này, các tham dự viên cùng nhau cầu nguyện chia sẻ và thảo luận các chủ đề về Hiệp Hành với Giáo hội hoàn vũ cũng như những thách đố và cơ hội trong việc loan báo Tin mừng ở châu Á trong dịp kỷ niệm: 25 năm Tông huấn Giáo hội tại châu Á (Ecclesia in Asia) của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II; 50 năm Tông huấn Loan báo Tin mừng (Evangelii Nuntiandi) của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI; Năm Thánh 2025 sắp đến; và Năm Hoàn Cầu 2033 nhân dịp kỷ niệm 2000 năm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại để trao ban Huấn Lệnh là hãy đi loan báo Tin mừng cho muôn dân, và Chúa Thánh Thần đến nổi lửa khai sinh Hội Thánh. Riêng Giáo hội Công giáo tại Việt Nam thì năm 2033 cũng là Năm Thánh đặc biệt kỷ niệm 500 năm hạt giống Tin mừng được nảy sinh trên mảnh đất hình chữ S này. Vì những sự kiện ý nghĩa được nên trên, Ủy ban Loan báo Tin mừng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đăng cai tổ chức sự kiện trọng đại này.

Vì là quốc gia chủ nhà đăng cai nên Ủy ban Loan báo Tin mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phải lo từ nhiều tháng trước về nơi tổ chức, số lượng thành viên tham gia, ăn ở đón tiếp cũng như mọi vấn đề không tên khác. Có lẽ hai nhân vật ‘đứng mũi, chịu sào’ là Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin mừng đang làm việc ở phía Bắc và cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, Thư ký Ủy ban đang ở phía Nam. Các vị cùng với những thành viên trong Ủy ban đã cùng nhau lên chương trình và cùng nhau hành động để mọi người tham dự Đại hội cảm thấy đây thực sự là một Đại hội đầy ý nghĩa. 

Phải thành thực nói rằng Tông huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gởi cho Giáo hội tại châu Á đã bước qua năm thứ 25 nhưng dường như Tông huấn ấy vẫn còn rất xa lạ với chính những người dân ở Á châu nói chung và những người Công giáo tại lục địa rộng lớn này nói riêng. Chính vì thế, Đại hội lần này mời gọi các thành viên cần có một sự đổi mới tinh thần của Tông huấn, hay nói cách khác, là làm sống lại Tông huấn của vị Cha Chung đã tha thiết mời gọi những vị mục tử, những tác nhân loan báo Tin mừng phải luôn hiện diện, đồng hành với người dân của mình để loan báo Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ và sứ mệnh yêu thương và phục vụ của Ngài ở châu Á, cũng như để đáp lại lời mời gọi tham gia vào sứ vụ loan báo Tin mừng mà tài liệu ở Bangkok vào năm 2023 được các giám mục đưa ra như kim chỉ nam để thực hành: “Cùng nhau hành trình như các dân tộc châu Á – Journeying together as peoples of Asia”.

Sau phần giới thiệu của từng tham dự viên, cũng như lời chào mừng của vị giám mục chủ nhà tại giáo phận Xuân Lộc vào buổi chiều khi hầu như mọi người đều tề tựu đông đủ, các thành viên đã cùng nhau dâng thánh lễ khai mạc với vị chủ tọa là Đức Cha George Palliparambil, SDB – Chủ tịch Văn phòng Loan Báo Tin mừng trực thuộc FABC để cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa cho những ngày Đại hội. Thánh lễ diễn ra thật sốt sắng với tâm tình phó dâng và tri ân.

Trong những ngày diễn ra Đại hội, các thành viên được lắng nghe những bài chia sẻ chuyên môn được chuẩn bị kỹ càng của một số thành viên được phân công từ trước để mọi người có thể nắm bắt về thực tế của các Giáo hội quanh ta cũng như những cơ hội và thách đố trong việc loan báo Tin mừng ở các quốc gia đa tôn giáo, đa văn hóa và ý thức hệ khác nhau. Những tiếng nói của các đại biểu cũng nói lên những trăn trở, ưu tư trong sứ vụ truyền giáo.

Cầu nguyện là điều không thể thiếu trong những ngày Đại hội dù đôi lúc chương trình cũng hơi căng thẳng và quá giờ, các thành viên tham dự luôn dành thời gian để cầu nguyện và nhất là dành thời gian cho giờ chầu Thánh Thể. Trong giờ chầu Thánh Thể, các thành viên tham dự cảm thấy tâm hồn được nâng cao bởi những lời chứng cảm động sâu sắc, những câu chuyện đầy hy vọng và những bài hát bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đặc biệt cảm động là những lời nguyện tâm tình dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện cho tất cả các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và bốn quốc gia không có đại diện tham dự Đại hội lần này là Lào, Campuchia, Brunei và Đông Timor. Một lần nữa mọi người tham dự đều khám phá ra rằng niềm tin của Giáo hội vào Chúa Giêsu là một món quà được đón nhận nhưng không và món quà ấy cần được chia sẻ nhưng không cho người khác; đó là món quà lớn nhất mà Giáo hội có thể ban tặng cho châu Á (EA, 10). Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, mọi người cùng nhau cam kết “đi một con đường khác” trong sứ mệnh loan báo và “thì thầm” niềm vui của Tin mừng trong những hoàn cảnh khác nhau của các Giáo hội và quốc gia của mình.

Những thách đố của việc loan báo Tin mừng ở Đông Nam Á

Các thành viên và đại biểu tham dự Đại hội lần này nhận ra rằng những thách đố được nêu ra trong Tông huấn “Giáo hội tại Á Châu” 25 năm trước của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn còn mang tính thời sự và thậm chí còn trở nên phức tạp hơn bởi những thực trạng và hoàn cảnh mới mà chúng ta phải đối mặt ngày nay.

Chúa Giêsu, sinh ra tại châu Á, nhưng nghịch lý thay, phần lớn người dân ở lục địa rộng lớn này vẫn chưa được biết đến Ngài và vẫn xem Ngài là một nhân vật đến từ phương Tây, một người ngoại quốc hơn là người châu Á (EA, 20). Lựa chọn nhập thể làm người châu Á, thông điệp của Ngài chưa được hòa nhập và chấp nhận hoàn toàn trong các nền văn hóa của lục địa rộng lớn và đa dạng này. Việc hội nhập văn hóa và những nỗ lực tìm kiếm một ngôn ngữ và cách diễn đạt có thể truyền đạt sự gần gũi của một Thiên Chúa – Người Giêsu với các dân tộc châu Á vẫn còn chưa đầy đủ. Những khó khăn trong việc công bố Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất càng trở nên phức tạp bởi chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa tương đối, đô thị hóa và toàn cầu hóa, các hệ tư tưởng và các rào cản văn hóa.

Thông điệp nguyên sơ về tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu thường bị quên lãng trong thời đại kỹ thuật số và mạng xã hội. Cơn nghiện Internet, đôi khi còn mạnh hơn cả việc sử dụng ma túy bất hợp pháp khiến con người ngày nay, đặc biệt là giới trẻ, bối rối không biết đâu là thật, đâu là ảo. Trong một thế giới siêu kết nối, mọi người thấy mình lạc lõng và cô lập.

Di cư cưỡng bức, cả trong nước lẫn quốc tế, là tai họa giáng xuống các quốc gia châu Á. Nỗi đau khổ không thể tưởng tượng được của những người di cư và nạn nhân của nạn buôn người tiếp tục làm tổn thương Thân Thể Chúa Kitô tại châu Á. Việc loan báo Tin mừng thường bị tổn hại bởi chứng tá Kitô giáo yếu kém và thiếu nhiệt huyết trong việc chia sẻ và hội nhập chân lý Tin mừng vào mọi khía cạnh của đời sống con người. Tiếng kêu than của người nghèo và của toàn thể tạo vật chưa thấm nhập đầy đủ vào việc rao giảng và lối sống của các giáo xứ và cộng đồng Giáo hội địa phương. Người nghèo, người dân bản địa và môi trường sống không được quan tâm và ưu tiên những gì mà họ đáng được hưởng.

Châu Á cũng là châu lục với sự đa nguyên tôn giáo, đa văn hóa và những ý thức hệ khác nhau, trong đó có những người vô thần chủ nghĩa. Họ cũng cần đến ơn cứu độ. Đã từ lâu những người Công giáo thích đối đầu với những thế lực và những ý thức hệ khác hay chống đối mình. Tuy nhiên, những tác nhân loan báo Tin mừng trong thế kỷ XXI cần đặt lại chiến lược truyền giáo của mình trong hành trình tìm kiếm và đối thoại với những khác niềm tin, tôn giáo, những người bất đồng chính kiến với mình, những nền văn hóa khác nhau và ngay cả đối thoại với những người vô thần. Đó là một vài nhận định của một vị giám mục trong việc trình bày những thách đố trong việc loan báo Tin mừng trong những năm sắp tới.

Việc đào tạo liên tục các tác nhân truyền giáo, các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân cần phải được đặt lên hàng đầu trong mọi kế hoạch mục vụ của các Giáo hội địa phương. Chúng ta tin rằng sự đổi mới mong muốn của toàn thể Giáo hội phụ thuộc rất nhiều vào thừa tác vụ của các linh mục, của các mục tử. Tuy nhiên, việc loan báo Tin mừng không chỉ giới hạn ở các thừa tác viên được thụ phong hay những tu sĩ được đào tạo bài bản, nhưng là nhiệm vụ của toàn thể dân Chúa, tất cả đều có nghĩa vụ trở thành những người tham gia tích cực vào sự dấn thân truyền giáo nhập thể của Giáo hội. Đây là những thách đố mà Giáo hội Công giáo của chúng ta cần phải đương đầu trong việc loan báo Tin mừng tại Á Châu nói chung, và tại các quốc gia Đông Nam Á nói riêng.

Những cơ hội trong việc loan báo Tin mừng ở Đông Nam Á

Những thách đố mà chúng ta gặp phải trong việc loan báo Tin mừng nêu trên có thể được biến thành những cơ hội và cánh cửa để khám phá những con đường mới để loan báo Tin mừng ở châu Á nói chung và cách riêng tại Đông Nam Á.

Đời sống chứng tá của những tác nhân loan báo Tin mừng cần phải được khuyến khích và nhân rộng. Chứng tá của những cặp vợ chồng, những nhóm người có gia đình trong việc loan báo Tin mừng ở những cộng đồng địa phương là dấu hiệu đầu tiên của niềm hy vọng không nên bị dập tắt. Với những giáo dân đầy nhiệt huyết, tràn đầy Thánh Thần và các tác nhân truyền giáo được đào tạo được gửi đi truyền giáo luôn cần được sự đồng hành của các vị mục tử để họ luôn có ngọn lửa truyền giáo vì sứ vụ truyền giáo không thể mất đi sự nhiệt thành và năng động của nó.

Chứng tá của các giám mục, linh mục và tu sĩ luôn đồng hành với những người cộng tác với mình trong tinh thần khiêm tốn, vui tươi, sẵn sàng chia sẻ ước mơ và kinh nghiệm của họ với những người tham gia khác sẽ khiến mọi người cảm nhận được tình yêu của Chúa Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành – Đấng sẽ không bao giờ bỏ rơi đàn chiên của Ngài.

Bài chia sẻ của vị giám mục phụ trách Ủy bản Loan báo Tin mừng về sự hình thành và phát triển của Giáo hội tại Việt Nam từ khi hạt giống Tin mừng được đón nhận cho đến nay phải trải qua bao thăng trầm, nhiều khi phải hy sinh cả tính mạng để giữ vững đức tin là những chứng tá sống động trong việc loan báo Tin mừng, là ánh sáng soi rọi giữa cuộc đấu tranh của các Giáo hội ở Đông Nam Á. Sự gia tăng về số lượng và ơn gọi truyền giáo ở Việt Nam là một điểm nhấn đáng chú ý và mang lại niềm hy vọng cho toàn thể các Giáo hội ở châu Á nói chung và vùng Đông Nam Á nói riêng.

Giữa những bài thuyết trình cũng có những phần chia sẻ và nhận định của một số đại biểu về những cách thế, những phương pháp của các Giáo hội địa phương về việc làm thế nào để tiếp cận và gần gũi với những người khác niềm tin, tôn giáo với mình cũng như những người đã từng được rửa tội nhưng nay lại nguội lạnh với đời sống tôn giáo. Việc trao đổi quà tặng, những câu chuyện và những phương pháp hay nhất của các Giáo hội địa phương đã làm trẻ hóa hoạt động truyền giáo của những người tham gia Đại hội. Đại hội có kế hoạch sử dụng triệt để các công cụ truyền giáo sẵn có trong việc loan báo Tin mừng. Những góp ý, chia sẻ của những tham dự viên giáo dân trong Đại hội cũng góp phần thành công không nhỏ trong việc loan báo Tin mừng, đúng theo tiến trình hiệp hành mà Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI đưa ra. Sự tham gia của những giáo dân có lòng nhiệt huyết truyền giáo luôn mang lại những kết quả đầy hứa hẹn cho những mùa gặt bội thu.

Thánh lễ đồng tế tạ ơn kết thúc kỳ Đại hội được diễn ra tại Trung tâm Hành hương Núi Cúi với sự tham gia đông đảo của giáo dân thuộc giáo hạt Long Thành, Xuân Lộc làm nức lòng những tham dự viên, cách riêng là các vị giám mục đến từ Ấn Độ, Philippines, Malaysia và Singapore. Các vị không ngờ rằng Giáo hội Công giáo tại Việt Nam quá sống động và đầy nội lực trước một thế giới thế tục với những thách đố mà Giáo hội đang đương đầu. Như vị giám mục Việt Nam phụ trách trong Ủy ban Loan báo Tin mừng đã chia sẻ trong bài tham luận của ngài, qua những thách đố mà Giáo hội đang gặp phải, chính Chúa Thánh Thần là nguồn lực để củng cố và giúp chúng ta vượt qua những thách đố ấy để biến những thách đố thành những cơ hội cho việc loan báo Tin mừng.

Cảm ơn Đại hội loan báo Tin mừng nhằm “Đổi mới tinh thần theo Tông huấn Giáo hội tại Á Châu”. Cảm ơn các thành viên trong ban tổ chức, cách riêng vị cha già đáng kính Đaminh Ngô QuangTuyên là cánh tay đắc lực của Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến trong việc lo lắng, chuẩn bị chu đáo cho kỳ Đại hội quan trọng này. Cảm ơn anh chị Manoj và Beena, những cộng tác viên giáo dân đắc lực trong việc lên chương trình cho Đại hội. Cảm ơn các vị giám mục, linh mục và tu sĩ, giáo dân đã sắp xếp thời gian tham dự Đại hội dù cũng gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển hay bị thất lạc hành lý. Cảm ơn sự chân thành, đơn sơ của các giám mục trong suốt những ngày Đại hội. Chúng ta là Giáo hội và chúng ta đang muốn làm một điều gì đó cho Giáo hội. Những thách đố và cơ hội mà Đại hội đưa ra cũng như những phương thế mới trong việc loan báo Tin mừng tại Á Châu nói chung và tại Đông Nam Á nói riêng sẽ định hình Giáo hội chúng ta trong thời gian tới. Xin Thánh Thần Chúa đốt ngọn lửa nhiệt huyết trong tâm hồn chúng con để chúng con biết sống và đổi mới tinh thần Tông huấn Giáo hội tại Á châu. Chúng ta hy vọng rằng bằng cách cùng nhau đồng hành với tư cách là các dân tộc tại châu Á, luôn biết củng cố tình huynh đệ và hiệp thông, Giáo hội truyền giáo có tính hiệp hành có thể dần dần trở thành hiện thực, và chúng ta sẽ thường xuyên được thúc giục “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!”