Ngày 05/06: Thánh Luca Vũ Bá Loan, Lm – Thánh Đaminh Trần Văn Toại – Thánh Đaminh Nguyễn Văn Huyên, Tử Đạo

Thánh

LUCA VŨ BÁ LOAN

Linh mục (1756 – 1840)

Ngày tử đạo: 05 tháng 6 năm 1840

  

Phúc tử vì đạo tôi ước ao đã lâu, mà bây giờ đã gần được thì lấy làm mừng rỡ lắm.

Thánh Luca Vũ Bá Loan sinh năm 1756 tại Trại Bút, xứ Bái Vàng, bây giờ thuộc về xứ Bút Đông, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Từ bé, cậu Luca Loan được vào nhà xứ. Cậu chịu chức linh mục vào đời Tây Sơn.

Từ lúc chịu chức linh mục cho đến khi được phúc tử vì đạo, cha Luca Loan cứ một mực ăn ở đạo đức khôn ngoan, cho nên Đức giám mục Khiêm đã khen người rằng: Tôi cho rằng: “Trong các linh mục An Nam từ trước về đây chẳng có linh mục nào bằng người”. Cha Luca Loan thường khuyên con chiên làm việc lành. Người cũng làm gương, làm mẫu cho người ta noi theo và bắt chước.

Năm 1829, cha Loan coi sóc xứ Kẻ Sở. Cha tận tình coi sóc xứ đạo, chu toàn mọi việc bổn phận. Ngày 06-12-1840, cha Loan bị bắt lúc 84 tuổi.

Hai tên thủ kho, Cang và Kiếng, phạm tội thâm lạm công quỹ, bị án giảo giam hậu nên muốn lập công đền tội. Ngày 06-12-1840, tên Đô Cang bắt cha Luca Loan và nộp cho quan tỉnh ở Hà Nội.

Khi quan dụ dỗ bước qua thập giá, cha trả lời: “Tôi già thế này mà ham sống, sợ chết sao? Tôi là đạo trưởng mà quan bảo bước qua thập giá sao được”. Khi bị bắt, bổn đạo đến thăm, cha Luca Loan nói với họ rằng: “Phúc tử vì đạo tôi ước ao đã lâu, mà bây giờ đã gần được thì lấy làm mừng rỡ lắm”.

Vua châu phê án cha Loan. Sáng ngày 05-6-1840, quan truyền xử trảm người ở cửa ô Cầu Giấy, là nơi thầy Cần, linh mục Dũng Lạc, linh mục Thi đã bị xử trước đó. Quan giám sát gọi loa cho phép lấy xác linh mục Luca Loan đem đi đâu mặc ý. Giáo hữu Kẻ Chuôn, Chân Sơn và Kẻ Sét chuẩn bị sẵn võng để đem xác cha Luca Loan về.

Linh mục Luca Vũ Bá Loan được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Thánh

ĐAMINH TRẦN VĂN TOẠI

Ngư phủ (1812 – 1862)

Ngày tử đạo: 05 tháng 6 năm 1862

Nào anh em, hãy can đảm lên! Chúng ta chịu khổ hình vì Đức Kitô, nên chúng ta đón nhận đau khổ cách nhẫn nại. Chúng ta phải bền chí đến cùng, và nếu cần, sẵn sàng hi sinh mạng sống vì Chúa.

Thánh Đaminh Trần Văn Toại sinh năm 1812 tại làng Đông Thành, tỉnh Thái Bình. Ông Toại lập gia đình và sinh sống bằng nghề đánh cá trên sông Nhị Bình, gần cửa Bà Lạt.

Dưới thời cấm đạo của vua Tự Đức, ngày 17-01-1860, ông Toại và ông Dũng bị bắt giải lên huyện Quỳnh Côi. Thấy ông Toại bệnh tật, đi lại khó khăn, binh lính đề nghị nộp một số tiền thì được tha. Vì muốn nêu gương sáng cho con cái sống đức tin và không muốn mất cơ hội làm chứng cho Chúa, ông nhất quyết từ chối lời đề nghị này. Ông xin quan cho phép đi xe đến huyện trình diện để cùng chịu chung số phận với các tín hữu cùng xứ đạo.

Suốt thời gian chín tháng bị giam trong ngục, nhiều lần bị dẫn đến công đường, bị hành hạ, bị ép buộc chà đạp Thánh Giá, hai ông Toại và Dũng vẫn khẳng khái tuyên xưng niềm tin vào đạo Chúa.

Ông Toại sống âm thầm trong kinh nguyện và khích lệ các bạn tù đồng đạo: “Nào anh em, hãy can đảm lên! Chúng ta chịu khổ hình vì Đức Kitô, nên chúng ta đón nhận đau khổ cách nhẫn nại. Chúng ta phải bền chí đến cùng, và nếu cần, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa”. Các quan án nhận thấy không thể lay chuyển được hai ông nên đề nghị án thiêu sinh.

Ngày 05-6-1862, hai vị chứng nhân đức tin bị đưa đến dàn hỏa thiêu dựng ngay tại pháp trường Nam Định. Hai vị bước vào cũi tre và bị thiêu sống.

Thánh Ðaminh Trần Văn Toại được phong chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Thánh

ĐAMINH NGUYỄN VĂN HUYÊN

Ngư phủ (1817 – 1862)

Ngày tử đạo: 05 tháng 6

Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy. (Mt 10,32)

Thánh Đaminh Nguyễn Văn Huyên chào đời tại họ đạo Đông Thành, năm 1817. Ông bà thân sinh, ông Thiên và bà Duyên, là người đạo đức, sinh sống bằng nghề đánh cá trên dòng sông Nhị Bình gần cửa Ba Lạt.

Tháng 6 năm 1861, vua Tự Đức ban hành chiếu chỉ Phân sáp người có đạo. Giáo hữu họ Đông Thành cũng chung một số phận. Ông Huyên bị bắt và bị giải lên huyện đường Quỳnh Côi, giam vào ngục Tăng Già. Dù bị tra tấn, đói khát kéo dài trong suốt 9 tháng, nhưng ông vẫn một lòng quả cảm kiên cường.

Còn hơn thế, ông Huyên dùng chính đời sống của mình để khuyên nhủ, động viên các bạn tù giữ vững đức tin, bền chí đến cùng.

Tại công đường, khi bị ép buộc bỏ đạo, đạp lên Thánh Giá, ông Huyên nhất quyết cự tuyệt. Khi thấy không thể lay chuyển đức tin của ông, nhà quan quyết định kết án thiêu sinh ông.

Sáng ngày 05-6-1862, tại pháp trường Nam Định, trước sự chứng kiến của đám đông dân chúng, vị chứng nhân đức tin bình thản bước vào cũi tre chờ đợi và sau đó bị thiêu sống.

Khi ngọn lửa hạ dần, tắt lịm, quan giám sát cho phép thân nhân vào nhận linh hài. Giáo hữu cung kính rước thi hài về an táng trong nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu, họ Đông Thành, thuộc Giáo phận Thái Bình ngày nay.

Ngư phủ Ða Minh Nguyễn Văn Huyên được nâng lên bậc chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHD