Ngày 05/09: Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, Linh Mục Và Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh, Tử Đạo

Thánh 

PHÊRÔ NGUYỄN VĂN TỰ 

Linh mục (1796 – 1838) 

Ngày tử đạo: 05 tháng 9 năm 1838

Bị bắt vì đạo thánh là một hồng ân Chúa ban. 

Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự sinh năm 1796 tại làng Ninh Cường (nay thuộc xứ Ninh Cường, tỉnh Nam Định, Giáo phận Bùi Chu). Từ nhỏ, chú Tự đã xin vào sống trong nhà xứ, sau đó được vào chủng viện và chịu chức linh mục lúc 30 tuổi. Năm sau, cha Tự xin gia nhập dòng thánh Đa Minh và tuyên khấn ngày 04-01-1827. Suốt 12 năm, cha tận tụy coi sóc giáo dân trong nhiều xứ đạo được trao phó.

Dân làng Kẻ Mốt gồm toàn người Công giáo nên nhà quan nghĩ rằng chắc hẳn nơi đó phải có một vị Linh mục trú ẩn. Vì thế, ngày 29-6-1838, họ bao vây cả làng. Lính vào làng tìm kiếm giáo sĩ trong các nhà họ đạo. Họ không tìm thấy linh mục, nhưng lại tìm thấy tràng hạt, ảnh tượng và áo lễ. Các trưởng lão trong làng phải cùng nhau trả tiền để làng khỏi bị phá hủy. Một số giáo dân vì yếu đức tin và sợ hãi nên đã bỏ đạo. Tất cả các trưởng gia đình phải đi ra đình làng để lấy khẩu cung. Cuối cùng, ông y sĩ Ninh không chịu nổi đòn vọt nên đã nói ra chỗ cha ở.

Ngày 29-6-1838, khi cha vừa dâng thánh lễ xong, thì quân lính kéo đến vây kín làng. Khi lục soát, họ bắt gặp áo lễ và chén thánh. Quân lính cho tập họp dân chúng tại đình để tra khảo. Thế là cha bị bắt tại xứ Kẻ Mốt cùng với thầy giảng Bùi Văn Úy.

Quan huyện ngỏ ý muốn nhận tiền chuộc, nhưng cha Tự minh bạch bày tỏ lập trường: “Đối với tôi, bị bắt vì đạo thánh là một hồng ân Chúa ban. Tiền bạc thì tôi không có, còn nếu làm phiền hà giáo hữu thì tôi lại càng không muốn”. Tại công đường, ngày 10-7-1838, quan yêu cầu cha Tự giải thích, cắt nghĩa các đồ đạo mà lính tráng tịch thu được. Cha dùng cơ hội đó để rao giảng đạo Chúa.

Ngày 09-8-1838, quan cho đặt tại công đường một bên là Thánh Giá đặt dưới đất và bên kia là dụng cụ khổ hình, quan tổng đốc hạ giọng ôn tồn: “Tôi thực tình không muốn kết án ông, tôi muốn ông chối đạo, đạp ảnh, để sống những ngày còn lại được an nhàn tuổi già”. Cha Tự cương quyết trả lời: “Là đạo trưởng, không lẽ tôi phạm tội nặng như thế, để rồi không ai có thể tha cho tôi được”.

Ngày 02-9-1838, vua Minh Mạng phê án trảm quyết đạo trưởng Nguyễn Văn Tự. Khi thấy ngày xử án đã gần kề, cha Tự nhắn tin xin cha Phương đến ban Bí tích Giải tội và trao Mình Thánh.

Ngày 05-9-1838 tại pháp trường Cổ Mễ, cha cung kính cầm tượng Chúa chuộc tội, miệng thì thầm cầu nguyện. Sau khi bị trảm quyết, theo lệnh quan, thi hài cha được chôn gần chỗ hành hình. Giáo hữu đã đưa tiền chuộc và rước thi hài cha về an táng tại giáo xứ Nghĩa Vụ. Hiện nay, hài cốt của cha được lưu giữ trong nhà thờ xứ Trung Lai, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Giáo phận Bắc Ninh.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Thánh

GIUSE HOÀNG LƯƠNG CẢNH

Trùm họ và Lương y (1763 – 1838)

ngày tử đạo: 05 tháng 9 năm 1838

Dù phải trăm ngàn sự đau đớn bởi đòn vọt hay phải chết thì tôi xin sẵn lòng cam chịu.

Thánh Giuse Hoàng Lương Cảnh sinh năm 1763 tại làng Vạn (nay thuộc thành phố Bắc Ninh), nhưng sinh sống ở làng Thổ (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Ngài là một thầy lang nổi tiếng hiền lành, tận tụy với bệnh nhân và thường chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Tuy sống ơn gọi gia đình nhưng những ngày sống của cụ lang y được dệt bằng kinh nguyện và công việc tông đồ. Trong vai trò trùm họ của giáo xứ Thổ Hà, ông trùm Cảnh đã gia nhập dòng Ba Đa Minh và đã rửa tội cho nhiều người trong giờ hấp hối, đặc biệt là trẻ em.

Năm ông trùm 74 tuổi, ông hương trong làng sinh lòng ganh tỵ khi thấy dân làng mến phục ông trùm Cảnh nên lén tố cáo với quan lớn kết tội ông trùm tàng trữ đồ đạo và chứa chấp đạo trưởng trong nhà. Cụ trùm Cảnh không biết điều này nên khi có người mời đi chữa bệnh và rửa tội cho một em bé, ông liền đi ngay. Sống trong thời cấm đạo, chắc chắn cụ Cảnh biết rõ đi lúc này sẽ rất nguy hiểm nhưng cụ vẫn nhất quyết ra đi để cứu các linh hồn. Khi đến bến đò Thổ Hà thì quan quân kéo đến bắt, đóng gông và giải cụ về nhà giam Bắc Ninh cùng với cha Phêrô Nguyễn Văn Tự, thầy Đaminh Úy, ba ông trùm khác và một người giáo dân.

Ngày 12-7-1838, khi quan bắt tù nhân bước qua ảnh Thánh Giá, cụ Cảnh đã can đảm quỳ xuống hôn Thánh Giá. Một lần khác, bị dụ dỗ chối bỏ đức tin, cụ trả lời quan: “Tôi đã giữ đạo từ nhỏ, nay các quan bảo bỏ thì dứt khoát là không thể được. Dù phải trăm ngàn sự đau đớn bởi đòn vọt hay phải chết thì tôi xin sẵn lòng cam chịu”.

Ngày 05-9-1838, cụ trùm Cảnh khoác lên mình áo dòng Ba Đa Minh và nâng niu trên tay ảnh Thánh Giá nhỏ cụ đã hôn kính nhiều lần trong tù. Cụ bước đi chậm rãi và vất vả vì tuổi già nhưng vẫn bình thản tiến ra pháp trường. Cụ bị án trảm quyết tại pháp trường Cổ Mễ (cách Tòa giám mục Bắc Ninh khoảng 5 km). Theo lệnh quan, người ta phải chôn xác cụ gần nơi xử tử. Đêm thứ hai, một số người lương ra đào lấy xác ngài và bán lại cho giáo dân làng Thổ Hà 36 quan. Giáo dân đã rước về an táng tại nhà thờ họ của mình.

Hiện nay, hài cốt của ngài được lưu giữ trong nhà thờ họ Hương La, xứ Tử Nê, Giáo phận Bắc Ninh.

Cụ trùm họ và lương y Giuse Hoàng Lương Cảnh được suy tôn chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ