Ngày 08/11: Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi – Thánh Phaolô Nguyễn Ngân – Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh – Thánh Martinô Trần Ngọc Thọ, Tử Đạo
Ngày 08/11: Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi – Thánh Phaolô Nguyễn Ngân – Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh – Thánh Martinô Trần Ngọc Thọ, Tử Đạo
1. Thánh GIUSE NGUYỄN ĐÌNH NGHI
Linh mục (1793 – 1840)
NGÀY TỬ ĐẠO: 08 THÁNG 11
“Bẩm ông lớn, chúng tôi xin ông lớn một lát gươm.”
Thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi, hay Giuse Kim, sinh năm 1793 làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội. Sau khi người chịu chức linh mục thì đổi là Giuse Nghi.
Lúc còn bé, cậu Nghi vào nhà Đức Chúa Trời ở với cha Liêm chánh xứ Kẻ Vồi. Khi người đã học Latinh cùng làm thầy giảng rồi thì lại về giúp cha Liêm. Thầy chịu chức linh mục khi mới ba mươi tuổi.
Chịu chức xong, cha được cử đi giúp xứ Sơn Miêng được một năm, lên giúp cha Hạnh, xứ Kẻ Bạc được bốn năm, rồi xuống giúp cha Khoan, xứ Phúc Nhạc. Không bao lâu, bề trên sai cha làm chính xứ Đa Phạn. Cha Nghi coi sóc xứ ấy mười năm, rồi đổi đi làm chính xứ Kẻ Báng hai ba năm thì bị bắt.
Cha Nghi có tính nghiêm trang, đức hạnh. Cha khéo léo khuyên bảo những người khô khan, cứng lòng để giúp họ ăn năn trở lại.
Sáng ngày 29-4-1840, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh và quan phủ Thiên Bổn đem khoảng một nghìn quân đến vây làng Kẻ Báng để tìm bắt cha Nghi, cha Ngân và cha Thịnh. Ngày 30-4-1840, quan bắt được cha Nghi và cha Ngân. Sáng ngày 01-5-1840, quan bắt được cha Thịnh.
Khi quan đòi ba cha bước qua thập giá, cha Nghi thưa vắn tắt rằng: “Bẩm ông lớn, chúng tôi xin ông lớn một lát gươm”. Quan giận lắm, truyền đánh cha Nghi và cha Ngân bốn, năm chục roi. Đến ngày 08-11-1840, án ở trong kinh thành đến nơi và ba cha phải bị xử trảm ngày hôm ấy. Cùng với cha Ngân, cha Nghi được táng ở tả hữu nhà thờ Kẻ Báng.
Linh mục Giuse Nguyễn Ðình Nghi được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
2. Thánh PHAOLÔ NGUYỄN NGÂN
Linh mục (1790 – 1840)
NGÀY TỬ ĐẠO: 08 THÁNG 11
“Vua cấm đạo ngặt thế này, thì giáo hữu không đến với linh mục được, mà linh mục cũng không đi giúp các nơi được.”
Thánh Phaolô Nguyễn Ngân sinh năm 1790 tại họ Cự Khanh, tỉnh Thanh Hóa. Cha học cùng lớp ở tiểu chủng viện với cha Giuse Nguyễn Đình Nghi nên cũng trạc tuổi hoặc lớn hơn một chút.
Sau khi chịu chức linh mục, cha Ngân được sai đi giúp nhiều xứ. Trong lúc giúp xứ Phúc Nhạc và các họ xung quanh, cha bị bệnh phải về Nhà chung Kẻ Vĩnh tĩnh dưỡng trong bảy tám năm. Khi đã khỏi bệnh, cha Ngân giúp xứ Trình Xuyên ba năm, rồi xuống xứ Kẻ Báng giúp cha Nghi là bạn học với người độ một năm thì bị bắt.
Trong thời buổi cấm đạo gắt gao, cha Ngân không dám ở nhà xứ mà phải đi trú ẩn ở nhà giáo dân, nay nơi này, mai nơi khác. Cha lấy đó làm buồn lắm, thường than thở rằng: “Vua cấm đạo ngặt thế này, thì giáo hữu không đến với linh mục được, mà linh mục cũng không đi giúp các nơi được”. Đức cha Du khen cha Ngân là người tốt, chịu khó làm các phần việc của mình.
Sáng ngày 29-4-1840, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh và quan phủ Thiên Bổn đem khoảng một nghìn quân đến vây làng Kẻ Báng để tìm bắt cha Nghi, cha Ngân và cha Thịnh. Ngày 30-4-1840, quan bắt được cha Nghi và cha Ngân. Ngày hôm sau, quan bắt được cha Thịnh.
Các cha bị dẫn ra tỉnh giam ở trại Lá, quen gọi là trại quan thượng. Từ ngày 01-6-1840 đến ngày 07-6-1840, quan liên tục tra tấn, bắt ba cha bước qua thập giá nhưng không được.
Ngày 08-6-1840, quan đòi ba cha ra cùng hỏi lại các điều như những lần trước. Cha Nghi thưa vắn tắt rằng: “Bẩm ông lớn, chúng tôi xin ông lớn một lát gươm”. Quan giận lắm thì truyền đánh cha Nghi và cha Ngân bốn, năm chục roi. Từ ngày hôm ấy, các quan chẳng còn đòi ba cha ra nữa. Các quan biết không thể nào bắt hay là dụ dỗ ba cha bước qua thập giá được nên làm án rồi giam ba cha vào ngục thất.
Ngày 14-10-1840, tổng đốc Trịnh Quang Khanh tuyên án tử hình và gửi xin vua Minh Mạng châu phê. Các cha nghe được tin đó thì không cho ai ra vào thăm mình nữa, cũng không còn nói chuyện với ai, chỉ đọc kinh cầu nguyện, xét mình xưng tội, cùng dọn mình chết.
Khi đến nơi xử, ngày 08-11-1840 ba cha cầu nguyện và lãnh nhận Bí tích Giải tội. Cả ba cùng chịu xử trảm. Thầy Sự lấy xác cha Ngân đưa xuống thuyền chở về làng Kẻ Báng. Cha Nghi được an táng ở bên hữu, cha Ngân ở bên tả bàn thờ.
Linh mục Phaolô Nguyễn Ngân được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
3. Thánh MARTINÔ TẠ ĐỨC THỊNH
Linh mục (1760 – 1840)
NGÀY TỬ ĐẠO: 08 THÁNG 11
“Ông có phải là đạo trưởng không ? Phải, tôi đây.”
Thánh Martinô Tạ Đức Thịnh sinh năm 1760 tại làng Kẻ Sét, huyện Thanh Trì (Hà Nội), là con thứ tám trong gia đình chín anh chị em. Năm 18 tuổi, gia đình muốn anh kết duyên với một thiếu nữ thùy mị và đạo hạnh, nhưng anh xin hoãn lại. Sau đó, anh quyết định xin vào chủng viện và được thụ phong linh mục trong thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo.
Cha Thịnh làm thư ký cho Đức cha Jacques Longer – Gia. Sau đó, cha làm mục vụ tại các xứ Ba Làng, Đồng Chuối và hai mươi năm phục vụ xứ Nam Sang. Cuối cùng, cha là chính xứ của xứ Kẻ Trình (Trình Xuyên). Cha già Thịnh sống thọ đến tuổi 80 và vẫn nghiêm túc giữ luật Hội thánh.
Một hôm, do bệnh tật, một người giáo dân tên Chiền rước cha già Thịnh về nhà chăm sóc. Khi nghe tin có ba linh mục trong làng, quan quân kéo đến vây bắt. Cha Thịnh giả điếc nằm trong nhà. Quân lính đi ngang qua thấy cụ già nhà quê bệnh tật nên cũng chẳng nghi ngờ. Thế nhưng khi hay tin cha Nguyễn Ngân và cha Nguyễn Đình Nghi bị bắt, cha Thịnh không muốn im lặng nữa.
Khi viên cai đội đi ngang qua và hỏi cụ: “Ông có phải là đạo trưởng không ?” Cha nghiêm nghị trả lời: “Phải, tôi đây”. Thế là cha bị bắt, bị dẫn ra đình làng Kẻ Báng ngày 30-5-1840. Tại đây cha gặp cha Ngân và Nghi, cùng với hai ông Trần Ngọc Cỏn, Trần Ngọc Thọ và hai mươi tín hữu khác. Tất cả bị đóng gông giải về Trại Lá hay Trại quan thượng Nam Định.
Suốt 6 tháng trong lao tù, ban ngày cha bị mang gông, xích xiềng, tối bị cùm chân. Nhiều lần bị điệu ra công đường, buộc bước qua thập giá, nhưng các anh hùng đức tin bền chí, tin tưởng và nhẫn nhục chịu roi đòn đau đớn vì danh Thầy Giêsu.
Trước ý chí can trường, sắt đá của ba cha, các quan khép án trảm quyết, gửi về kinh và được vua Minh Mạng phê chuẩn. Các chứng nhân đức tin: cha Tạ Đức Thịnh, cha Nguyễn Đình Nghi, cha Nguyễn Ngân, cùng hai ông Trần Ngọc Cỏn và Trần Ngọc Thọ cùng chịu xử trảm ngày 08-11-1840 tại pháp trường Bảy Mẫu. Thi hài cha già Martinô Tạ Đức Thịnh được các tín hữu mai táng tại nhà thờ họ Vũ Điện (Hà Nam).
Linh mục Martinô Tạ Ðức Thịnh được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
4. Thánh MARTINÔ TRẦN NGỌC THỌ (QUANG hay NHO)
Nông dân (1787 – 1840)
NGÀY TỬ ĐẠO: 08 THÁNG 11
“Sống công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa.”
Thánh Martinô Trần Ngọc Thọ sinh năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tên thật là Nho, tên Thọ là tên của người con thứ chín.
Trong chức vụ thu thuế, ông sống thanh liêm, không nhận hối lộ, cũng không quỵ lụy cấp trên. Ông còn làm ruộng, ươm tơ và nuôi tằm. Kiếm được thêm tiền, ông Thọ giúp đỡ người nghèo hoặc đóng góp cho việc chung trong làng và giáo xứ. Ông khuyên các con: “Sống công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa”.
Dưới triều vua Minh Mạng, khi lệnh cấm đạo được thi hành triệt để, gia đình ông Thọ vẫn kiên tâm sống đạo, vẫn đón linh mục, thầy giảng và giữ ảnh tượng thánh trong nhà. Khi quan quân thi hành lệnh triệt phá nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ và các cơ sở tôn giáo, ông Thọ đứng ra nhận nhà xứ Kẻ Báng, đưa vợ con và dụng cụ nông trang vào sống trong nhà xứ để bảo vệ nhà xứ khỏi bị tàn phá.
Sau khi đi viếng xác hai vị tử đạo là chánh trương Nguyễn Tiến Đích và lý trưởng Nguyễn Huy Mỹ, ông Thọ ân cần dặn dò các con: “Nếu Chúa cho Cha theo chân hai đấng ấy, các con hãy vui lòng. Phần các con, nếu bị bắt, các con hãy can đảm giữ vững đức tin”.
Tại đình làng Kẻ Báng, ngày 30-5-1840, ông Thọ bị bắt vì tội chứa chấp đạo trưởng. Dưới bóng cây đa ở sân đình, ông Trần Ngọc Thọ được an ủi khi gặp lại các cha Tạ Đức Thịnh, Nguyễn Ngân, Nguyễn Đình Nghi và ông Trần Ngọc Cỏn. Năm vị tù nhân đức tin cùng với hai mươi giáo hữu bị đóng gông, áp giải về trại giam Nam Định.
Ngày 08-11-1840, cùng với thánh Gioan Baotixita Trần Ngọc Cỏn, thánh Martinô Trần Ngọc Thọ chịu xử trảm tại pháp trường Bảy Mẫu, dưới triều vua Minh Mạng. Thi hài của hai vị được đưa về an táng tại giáo xứ Kẻ Báng.
Chứng nhân đức tin Martinô Trần Ngọc Thọ được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.