Ngày 15/09: Đức Mẹ Sầu Bi

Ngày 15 tháng 09
ĐỨC MẸ SẦU BI

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

I. Ý NGHĨA CỦA THÁNH LỄ HÔM NAY

Hôm qua, Hội thánh suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu, tưởng nhớ Chúa chịu chết đau thương trên Thập Giá để cứu chuộc loài người. Hôm nay Hội thánh mời gọi mọi người tưởng niệm sự thương khó của Đức Maria, Mẹ đã thông phần sự đau khổ với Con, Mẹ đã kết hiệp nỗi thống khổ của Mẹ vào sự thương khó của Con, để cộng tác với Người trong công cuộc cứu rỗi nhân loại.

Mẹ đau khổ biết bao:

– Khi nghe ngôn sứ Simêôn tiên báo: lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Mẹ.

– Mẹ vất vả biết bao lúc đang đêm Mẹ Con phải chạy trốn sang Ai Cập

– Mẹ đau đớn biết bao khi lạc mất Con, Mẹ phải tìm kiếm ba ngày mới gặp lại trong Đền Thờ.

– Mẹ đau xót nhường bao khi Mẹ đi theo Con trên đường lên Núi Sọ, vai vác Thánh Giá mình đầy vết tích máu me.

– Mẹ quạnh lòng đau khổ biết bao khi thấy Con bị quân lính đóng đinh tay chân vào Thập Giá đau đớn xót xa.

– Còn gì sầu não hơn khi thấy môn đệ hạ xác Con xuống khỏi thập giá, Mẹ thấy Con chết đau thương tất tưởi.

– Nói sao cho hết nỗi quặn đau của Mẹ khi đứng nhìn ông Giuse Arimatha và cụ Nicôđêmô chôn xác Con trong mồ, Con và Mẹ từ đây xa cách…

Thật đúng là một cuộc tử đạo trong tâm hồn, như lời Thánh Bênađô đã nói: “Cuộc tử đạo của Đức Trinh nữ được gợi lên trong lời tiên tri của Simêon cũng như trong bài tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa. Vị thánh tiên tri già đã nói về trẻ Giêsu rằng: “Nầy, Người có mệnh làm dấu gợi lên chống đối, và hướng về Đức Maria ông nói: và hồn Bà mũi gươm sẽ đâm thâu”. Quả thật, ôi Mẹ diễm phúc, lưỡi gươm đã đâm thâu lòng Mẹ. Nó không đâm thâu lòng Mẹ sao được, khi nó đâm vào thân xác Con Mẹ! Thật vậy, Đức Giêsu tuy là của mọi người, nhưng phải nói đặc biệt là của Mẹ, khi Người đã trút linh hồn thì lưỡi gươm tàn bạo không còn làm tổn thương gì cho linh hồn Người nữa, nó không tha cho kẻ đã chết mà nó không còn làm hại gì được, nó đâm thủng cạnh sườn Người, nhưng thực ra nó đâm thâu lòng Mẹ. Linh hồn Người không còn ở đó, nhưng tâm hồn Mẹ thì không sao tránh được. Sự đau đớn đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, khiến chúng con có thể nói một cách thích đáng rằng: Mẹ còn hơn người tử đạo, vì nơi Mẹ niềm thông cảm đau khổ của Con khiến Mẹ đau đớn hơn cả sự đau đớn trên thân xác.

II. BÀI HỌC

Bài học Đức Mẹ để lại cho mọi người chúng ta nhất là trong hoàn cảnh của xã hội hôm nay, đó chính là bài học về lòng can đảm trước mọi biến cố đau thương của cuộc đời mình.

Đọc Tin mừng của ngày lễ hôm nay. điều làm tôi hết sức cảm mến và thán phục là thái độ của Đức Mẹ trước hoàn cảnh đau khổ tột cùng khi đứng bên cạnh con đang bị treo trên cây Thánh Giá vào giờ phát cuối cùng của con..

Tin Mừng ghi lại làm sao? Tin Mừng ghi: “Lúc ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người…. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh”

Chữ ĐỨNG ở đây thật quan trọng

Đức Cha Tihamer Toth có thuật lại một câu chuyện hết sức cảm động về một em bé tên là Barlaam như thế này. Thời kỳ cấm đạo đẫm máu trong thế kỷ thứ nhất của đạo Thiên Chúa, một người dân quê bị bắt và bị dẫn ra trước tượng thần Jupiter.

– Hãy bỏ hương vào lửa rồi dâng cúng cho thần linh chúng ta!

Người ta giục anh như thế.

– KHÔNG! anh trả lời…

Người ta bắt đầu hành hạ anh, nhưng anh vẫn đứng im. Người ta nâng tay anh lên trên ngọn lửa, người ta nhét hương vào bàn tay anh và bảo anh chỉ có việc bỏ hương rơi xuống lửa:

– Hãy bỏ hương xuống, mày sẽ được tự do.

– KHÔNG. Barlaam, người dân quê đó vẫn trả lời như thế. Anh vẫn đứng im, tay giơ lên… ngọn lửa bốc mạnh liếm hẳn vào bàn tay anh, hương bắt đầu bén khói, nhưng anh vẫn không động đậy… Bàn tay anh bị cháy xém với hương, nhưng Barlaam thà chịu chết vì Đạo còn hơn chối Chúa. Một quả tim biết chịu đựng!

Đó là thái độ của những người theo Chúa. Phải sống thật anh hùng. “Đứng thẳng!”

Chúa không muốn chúng ta sống bạc nhược, run sợ trước mọi thử thách ở trên trần gian này. Chúa muốn chúng ta phải biết đứng thẳng. Đứng thẳng là tư thế của những anh hùng.

Nhiều người khi đối diện với những thử thách trên đời đã không giữ được thái độ can đảm như thế. Có nhiều người đã ngã quỵ. Họ không đủ can đảm.

Trong kho tàng những câu chuyện dạy đời, tôi đọc được câu truyện này:

Một người hành hương đang định vào Baghdad thì gặp bệnh dịch ở dọc đường. Bệnh dịch cũng đang trên đường đi vào đó. Thấy thế người khách hành hương hỏi bệnh dịch:

– Mi định làm gì ở đó?

– Tôi sẽ giết 5000 người.

Người hành hương rùng mình và ngay lập tức anh thay đổi dự định và đi về hướng khác. Tuy nhiên, ít lâu sau anh gặp một người từ trong thành phố bị nạn dịch đó đi ra và được biết không phải 5000 nhưng là 50.000 người đã chết.

Liền sau đó anh lại gặp bệnh dịch đang đi tới một thành phố khác. Bằng một giọng thật nghiêm khắc anh buộc tội bệnh dịch:

– Mi nói láo. Mi nói chỉ giết 5000 người, vậy mà thực tế lại quá khác!

Bệnh dịch giải thích cách vui vẻ:

– Tôi chỉ giết có 5000 người. Số còn lại chết vì hoảng sợ” (Góp nhặt).

Trong một bài tường thuật của một thiện nguyện viên – An Bình, C.Ss.R.- đang phục vụ tại bệnh viện bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 ở quận 9, Thủ Đức tác giả đã ghi lại nhận xét của một số Bác sĩ đang tích cực căng mình phục vụ các bệnh nhân như sau: “Bệnh nhân, ai cũng bị cơn khó thở dày vò, lại thêm nỗi lo lắng hoảng loạn khi chứng kiến người cùng phòng trở nặng rồi không qua khỏi. Chính sự hoang mang đó làm người bệnh thở gấp, càng thiếu oxy hơn. Nhiều bệnh nhân biết nghe lời bác sĩ, nằm sấp tập thở đều, phần nhiều dần tốt lên. Còn những ai hay phàn nàn thì phần nhiều trở nặng. Nói nhiều ở đây là cấm kỵ, vì tăng nguy cơ bị lây bệnh. Chúng tôi phải tập nói và thở nhẹ nhàng, không hít sâu, không gắng sức đột ngột để tránh luồng không khí quá mạnh đi qua khẩu trang, dễ lây nhiễm.”

Vâng! Đó là một thực tế mà không phải ai cũng biết. Sự can đảm đối diện với những đau khổ và bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh nhiều khi lại là một liều thuốc rất hữu hiệu có thể đem đến những kết quả không ngờ.

Cách đây mấy năm, tại Hollywood, có một tài tử điện ảnh đột nhiên ngã bệnh. Sau khi khám cho anh, bác sĩ riêng đã thẳng thắn nói cho chàng tài tử đó biết:

– Tình trạng sức khoẻ của anh thật đát lắm! Chúng tôi cần phải thực hiện một cuộc giải phẫu kéo dài 36 tiếng đồng hồ mới may ra cứu sống anh được.

Về sau, chàng tài tử ấy đã thú nhận: “Trong 36 tiếng đồng hồ ấy, tôi đã học được nhiều điều hơn 36 năm trước đó của tôi, và tôi đã cảm nghiệm được niềm vui mà trước đó tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được. Tôi khám phá ra rằng, tôi chẳng hề sợ chết vì trước đó tôi có thói quen mỗi ngày cầu nguyện với Chúa Giêsu và bây giờ khi phút giây cam go xảy đến, tôi cảm nhận được kết quả của lời cầu nguyện ấy. Chính lúc đó tôi mới khám phá ra rằng, nhờ những lần tâm sự, nói chuyện hằng ngày với Chúa Giêsu trước đó, mà giữa Ngài và tôi chẳng xa lạ gì nhau, chúng tôi đã trở nên đôi bạn chí thân”. Amen.

 

Nguồn: tgpsaigon.net