Ngày 21/02: Thánh Phêrô Đamianô, Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Phê-rô Đa-mi-a-nô sinh năm 988 tại Ra-ven-na, trong gia đình ngoan đạo, nhưng cũng rất nghèo khổ, lại đông anh em. Khi sinh ra ngài, người mẹ không có sức nuôi nổi, nên không cho bú. Nhưng một bà hàng xóm đã khuyên bảo bà: Con hùm con báo còn không bỏ con chúng. Lẽ nào chúng ta là con người, hơn nữa là người Kitô giáo, chúng ta lại bỏ con chúng ta sao?…Và biết đâu trẻ này ngày sau sẽ đem lại niềm vinh hạnh cho gia đình.

Thế là bà ta đem ngài về nuôi. Thấy vậy, mẹ ngài không đành bỏ con, nhận về nuôi dưỡng chăm sóc và đặt tên là Phê-rô.

Nhưng năm năm sau, ngài phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ngài phải đến ở với người anh. Người này cũng nghèo, nên bắt ngài đi chăn heo, và cho ngài ăn uống thất thường, bữa đói, bữa no, còn áo quần thì rách rưới, nhưng ngài vẫn vui lòng chấp nhận và hiến dâng mọi khổ nhọc cho Chúa.

Cũng may, lúc đó, anh cả ngài là Đa-mi-a-nô được thụ phong linh mục, nên đem ngài về nuôi và cho ăn học. Nhờ thông minh. Ngài học hành sớm thành tài, trở thành giáo sư dạy tại Ra-ven-na. Để tỏ lòng biết ơn người anh, ngài nhận tên mình là Phê-rô Đa-mi-a-nô.

Nhưng không bao lâu, ngài lại bỏ ghế giáo sư, xin vào dòng Ca-man-đun. Ở đó, ngài sống khổ hạnh, chuyên cần cầu nguyện, khiêm tốn, vâng phục.

Thấy ngài nhân đức thánh thiện, các tu sĩ dòng đã chọn ngài làm tu viện trưởng vào năm 1043. Ngài tận lực lo cho nhà dòng tấn tới trên đàng trọn lành, và thành lập thêm nhiều tu viện để tăng số người làm việc Chúa.

Năm 1057, Đức Giáo Hoàng Stê-pha-nô IX nghe danh tiếng ngài, liền đặt ngài làm Hồng y Giám mục Ốt-ti-a. Ngài khiêm nhượng từ chối, nhưng Đức Giáo Hoàng cầm tay xỏ nhẫn và đeo thánh giá cho ngài.

Trách vụ nặng nề, nhưng thánh nhân đem hết khả năng phục vụ. Một mặt, ngài chỉnh đốn lại những tệ đoan trong nội bộ giáo sĩ và giáo dân; mặt khác, ngài lo chiến đấu chống lại các lạc giáo. Hai việc làm này không phải dễ dàng. Nó đòi hỏi hy sinh, cố gắng, can đảm, nhẫn nhục, nhất là luôn bị phê bình chống đối. Ngài sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn phản kháng vì tin rằng đó là ân huệ Chúa ban cho kẻ Người thương, như lời ngài nói trong thư gởi cho một người lâm cơn khốn khó, cậy nhờ ngài an ủi, nâng đỡ:

“Bạn thân mến, bạn xin tôi gởi cho bạn vài lời an ủi và dùng lời thân tình khuyên bảo để làm dịu bớt nỗi cay đắng trong lòng bạn, đang lúc bạn phải chịu muôn vàn đau đớn. Nhưng nếu trí suy xét khôn ngoan của bạn chưa mê mẫn, thì an ủi hiện đang còn nằm ở tầm tay bạn, vì rõ là sẵn có những lời dạy bạn đạt tới sản nghiệp Nước Trời, như dạy một người con. Quả vậy, còn có lời nào sáng tỏ hơn lời khuyên nhủ này: Hỡi con, nếu con muốn phụng sự Thiên Chúa, thì hãy ăn ở công chính và kính sợ Người, và hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách. Bởi vì ở đâu có sự kính sợ Chúa, ở đó cũng có sự công chính. Và bất cứ thử thách trái ngược nào cũng không phải là một hình phạt nô lệ, nhưng đúng hơn là một cách người cha giáo dục con cái. Chính vì thế, thánh Gióp, sau khi vì đau quá mà thốt lên rằng: “Ước gì Thiên Chúa đoái đánh tôi tán vụn, vung tay Người mà trừ khử tôi đi” đã vội thêm ngay rằng: “Thì ít ra, tôi sẽ được niềm an ủi này và chút niềm vui trong cực hình không thương xót là đã chẳng quên lãng lời của Đấng thánh”.

Quả vậy, đối với những người Thiên Chúa chọn, thật là một an ủi lớn lao khi bị Thiên Chúa đánh phạt. Nhờ việc chịu đựng tai họa chóng qua, họ hy vọng được vững vàng đi về hạnh phúc trên trời. Người thợ đem vàng ra đập dưới búa là để vàng hết bẩn. Và đôi khi họ giũa vàng là để vàng sáng lên nhiều hơn. Như lò thử bình của người thợ gốm, thì khổ đau cũng thử người công chính. Điều đó khiến thánh Gia-cô-bê viết: “Anh em hãy nghĩ mình là thật hạnh phúc khi gặp thử thách trăm chiều”. Thế nên, người ta có lý để vui mừng trước những đau khổ chóng qua phải chịu ở đời này vì tội đã phạm, để sẽ được phần thưởng đời đời ở trên trời vì các việc lành mình đã làm.

Do đó, bạn rất thân mến. khi bạn bị đánh túi bụi, khi bạn bị trời phạt chi chít vết thương để giáo dục bạn, bạn đừng ngã lòng, đừng thốt ra lời nào cay chua, đừng u sầu rũ rượi, đừng mất kiên nhẫn vì thiếu can đảm. Luôn luôn hãy giữ bộ mặt tươi cười, và miệng lưỡi tạ ơn.

Vì tuổi già sức yếu, ngài đã qua đời năm 1072. Và năm 1828 được tôn phong Tiến sĩ Hội thánh.

* Quyết tâm: Dù nghèo hay giàu, tôi cũng sẵn lòng vâng theo thánh ý Chúa, và suốt đời tận tụy hy sinh giúp việc Chúa.

* Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho chúng con biết nghe lời giảng dạy và noi gương thánh Giám mục Phê-rô Đa-mi-a-nô mà đặt Chúa Kitô trên hết mọi sự, luôn dấn thân phục vụ Hội thánh, để vui hưởng ánh sáng muôn đời.

 

Trích sách: “GƯƠNG CÁC THÁNH“, Tập 1

(Gương các Thánh theo niên lịch phụng vụ)

Tác giả: LMTV

Thư viện HĐGM Việt Nam

WGPKT(21/02/2023) KONTUM