Ngày 22/05: Thánh Micae Hồ Đình Hy – Thánh Laurensô Phạm Viết Ngôn, Tử Đạo

Thánh

MICAE HỒ ĐÌNH HY

Quan Thái bộc (1808 – 1857)

Ngày tử đạo: 22 tháng 5

Tâu bệ hạ, đã ba mươi năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Chúa Kitô.

Thánh Micae Hồ Đình Hy sinh ra tại làng Nhu Lâm, phủ Thừa Thiên năm 1808. Thân phụ là quan đại thần Giuse Hồ Đình Duyệt. Cậu Hy là con út trong gia đình 12 anh em, mất bảy còn năm. Lúc nhỏ, cậu mang tên Thục, sau khi lập gia đình đổi tên là Hy.

Từ thời niên thiếu, cậu theo học chữ Nho, được bổ nhiệm làm quan cửu phẩm khi vừa tròn 19 tuổi. Năm sau, cậu lập gia đình với thiếu nữ đạo đức Lucia Tân, quê làng Sơn Công và sinh được 5 người con. Thế nhưng, do chịu ảnh hưởng nhiều tật xấu trong giới quan lại, ông có quan hệ với một thiếu nữ trẻ và sinh được 3 người con ngoại hôn. Để chuộc lại lỗi lầm, ông đã rửa tội và đưa chúng về nuôi nấng tử tế như con chính thức của mình, rồi cố gắng làm nhiều việc thiện để đền bù tội lỗi.

Nối bước tinh thần đạo đức hay giúp đỡ hàng giáo sĩ, lòng thương người nghèo của song thân, gia đình quan thái bộc Hy là nơi nương thân của hai Đức cha François Pellerin – Phan và Sohier – Bình. Đức cha Phan đặt quan thái bộc Hy làm trùm họ giáo đoàn tại kinh đô Huế. Quan thái bộc âm thầm nhận lãnh trách nhiệm và cố gắng chu toàn nghĩa vụ.

Năm 1865, lòng ganh tỵ, ghen ghét của các quan trong triều đối với đại thần Hồ Đình Hy dâng cao khi ngài khí khái ngăn chặn các đại thần khác lạm dụng công quỹ và ức hiếp dân lành. Các đồng liêu của quan thái bộc Hy mật tấu lên vua Tự Đức, vu khống quan tam phẩm Hồ Đình Hy bí mật giao tiếp với Tây phương, âm mưu làm loạn, nhờ sự ủng hộ của người dân theo đạo nhằm lật đổ ngai vàng.

Tại công đường, trong các phiên xử ngày 18 và 21-5-1857, chứng nhân đức tin Micae Hồ Đình Hy bị cực hình tra tấn, mỗi lần sáu mươi roi. Vì quá đau đớn, ông lỡ lời khai tên một vài giáo hữu. Ông nghĩ rằng những người này đã ẩn trốn nơi khác, nào ngờ quân lính truy tìm và đã bắt được họ. Một số người trong họ xuất giáo, số còn lại trung kiên với đức tin nên bị khắc trên má hai chữ “tả đạo” và bị lưu đày. Thấy số dân có đạo bị bắt là do lỗi của mình, ông khóc lóc, ân hận, xưng tội và xin lòng từ bi Chúa thứ tha. Ông cương quyết dùng chính máu của mình để đền tội.

Sáng ngày 22-5-1857, quan thái bộc Micae Hồ Đình Hy được dẫn ra khỏi Cửa Hiển Nhân của Đại Nội, đến pháp trường bên cầu An Hòa. Khi nhìn thấy cha Hạnh, ông đưa tay lên trán, như dấu hiệu để nhận lãnh Bí tích Hòa giải lần cuối cùng. Sau khi chịu xử trảm, thi hài của thánh nhân được an táng trong lòng nhà thờ cũ họ đạo Phủ Cam.

Quan thái bộc Micae Hồ Ðình Hy được nâng lên bậc chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Thánh

LAURENSÔ PHẠM VIẾT NGÔN

Giáo dân (1840 – 1862)

Ngày tử đạo: 22 tháng 5

Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa Tể trời đất. Thập giá là phương thế Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân loại, tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp.

Thánh Laurensô Phạm Viết Ngôn sinh năm 1840, trong một gia đình đạo đức tại giáo xứ Lục Thủy, Giáo phận Trung (nay thuộc giáo xứ Liên Thượng, Giáo phận Bùi Chu).

Lập gia đình năm 22 tuổi, anh Ngôn sống gương mẫu đạo hạnh, yêu thương vợ con hết lòng. Vì nặng tình với vợ con, nên trong lần bị bắt và bị buộc chối đạo lần đầu tiên, anh Ngôn đã hối lộ tiền bạc cho quan quân để đổi lấy sự tự do.

Trong hoàn cảnh bắt đạo khốc liệt này, anh Ngôn bị bắt lần thứ hai vào ngày 08-9-1861, bị giải về trại An Xá, huyện Đông Quan. Bị giam cầm trong ngục, anh rất lo lắng cho vợ và con thơ. Anh tìm cách trốn về thăm gia đình và hết lời khuyến khích thân mẫu, vợ con hãy trung thành với đức tin, phó thác cho sự quan phòng của Chúa.

Tại công đường, quan án dụ dỗ: “Anh còn trai trẻ, sao dại dột muốn chết? Hãy bước qua Thánh Giá, anh sẽ được tha, cho về với vợ con”. Anh Ngôn kiên cường tuyên tín: “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa Tể trời đất. Thánh Giá là phương thế Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân loại, tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp”.

Thái độ trung tín, hiên ngang bảo vệ đức tin, càng làm cho các quan tức giận, đồng lòng lên án trảm quyết. Vị chứng nhân đức tin Laurensô Phạm Viết Ngôn chịu xử trảm ngày 22-5-1862 tại pháp trường An Triêm, huyện Đông Quan, trước sự chứng kiến của thân mẫu và người vợ hiền thục thân thương.

Chứng nhân đức tin Laurensô Phạm Viết Ngôn được nâng lên hàng chân phước ngày 29-4-1951 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHD