Đây là vị thánh đã phục vụ Giáo hội Việt nam 32 năm, trong đó 26 năm với chức vụ Giám Mục. Là Giám Mục trong thời kỳ vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức cấm đạo rất khắc nghiệt, Tòa Giám Mục của Ngài thường là chòi tranh, lẫm lúa, bụi tre, hầm tối, ghe thuyền. Vượt qua tất cả khó khăn, lòng nhiệt thành của ngài đối với các linh hồn như ngọn triều dâng, ngài đẩy mạnh công cuộc truyền giáo Tây Bắc Trung Nguyên, đào tạo Linh mục, thầy giảng, nữ tu, bồi dưỡng các thừa sai. Nguồn năng lực nuôi dưỡng lòng nhiệt thành của ngài là cầu nguyện và “tất cả nhờ thập giá”, châm ngôn Giám mục của ngài.
1. THƠ ẤU VÀ SỨ MẠNG
Stêphanô Théodore Cuénot sinh ngày 08 tháng 02 năm 1802 tại làng Bélieu, Besançon, miền Trung nước Pháp, là con đầu lòng của ông Alexandre Cuénot và bà Éléonore Risse. Vì nhà nghèo, bà con trong làng góp lúa giúp trả tiền học phí cho Cuénot. Cậu học sinh nghèo hiếu học trải qua năm cuối bậc trung học ở Ornans (1818-1819). Năm 1820, nhập học đại chủng viện ở Besançon, người mẹ nghèo khổ phải bán chiếc áo cưới đầy ắp kỷ niệm để sắm cho con đầu lòng một chút tư trang.
Thụ phong linh mục ngày 24.09.1825. Cha Cuénot làm việc tại nhà tĩnh tâm nhưng vẫn ý thức rằng đây chưa phải là ‘ơn gọi’ cuối cùng. Ngày 23.06.1827 cha Stêphanô Théodore Cuénot gia nhập Hội Thừa Sai Balê. Như dấu chỉ cho sự chọn lựa dứt khoát, trước khi lên đường truyền giáo, cha không về Bélieu thăm gia đình mà chỉ viết thư cho cha mẹ: “cha thân yêu, cha hãy cùng con thốt lên: Hoan hô Thập giá ! Hoan hô sự lầm than cùng khổ !.. Bây giờ con chỉ mới lên Paris thôi. Con cần phải học về y tế hoặc một nghề nào đó trước khi đi đến các nước truyền giáo. Con tìm cách sẽ học nghề rèn, nghề đóng xe, nghề đóng giày hoặc nghề may. Chúng ta hãy cầu nguyện để ngày ra đi của con không quá chậm trễ. Nếu cha mẹ còn muốn biết ý muốn của con, con xin tuyên bố dứt khoát, nó là thế đó”.
Thiên Chúa có cách thế của ngài không như con người dự tính. Trong thời gian 07 tháng ở Paris, chắc chắn cha Cuénot không đủ thời gian để học hết những nghề như cha đã ước mơ, hầu đem lại nhiều ích lợi cho công việc truyền giáo như cha tưởng. Thiên Chúa đã làm điều lớn hơn, sâu xa hơn điều cha Cuénot dự tính. Cha không được học nghề đầy đủ, chuyên nghiệp, nhưng cha có thời giờ để đào sâu căn tính của một thừa sai và mục đích của Hội. Hội ra đời trước hết là nhằm đào tạo một Giáo Hội và một Hàng Giáo Sĩ bản xứ bất cứ nơi nào Hội được Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin gởi đến. Khi nghe những lời chỉ dẫn của cha bề trên Langlois, người thỉnh sinh thừa sai mới khám phá ra phương hướng của Hội: “Lý do chính khiến Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin gởi anh em đến trong miền truyền giáo, là để anh em đảm đương việc giáo dục giới trẻ, giúp họ có khả năng tiến tới chức linh mục, bằng mọi phương tiện và mọi phương pháp”.
Qua các bậc thầy của mình, cha Cuénot đã biết được phong cách làm việc của các vị thành lập các giáo đoàn có tầm cỡ như một gia sản tinh thần của Hội: Giám Mục Pierre Lambert de la Motte, Giám Mục François Pallu, Giám Mục Louis Laneau. Một thừa sai phải xác tín rằng: Sự phát triển của Giáo Hội địa phương là sự đánh đổi cả cuộc đời của mình. Đức ái và sự thận trọng là những đức tính không thể thiếu của một thừa sai. Cha Cuénot nhận lệnh lên đường phục vụ miền Nam nước An-Nam.
Ngày 31.05.1829 cha Cuénot đến Kẻ Vĩnh, miền Bắc An Nam. Ngày 24-7-1829 cha vào miền Nam An Nam. Trong bức thư gởi cho cha mẹ đề ngày 25.11.1829, cha viết từ Lái Thiêu, miền Nam xứ An-Nam: “Để đến được miền Nam, mục đích hành trình của con, con đã phải băng qua cả miền Bắc như thế nầy: Ban ngày, người ta khiêng con trong cái võng treo trên một chiếc đòn gánh, người ta phủ một lớp chiếu lên trên để tránh những cặp mắt tò mò vì ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, các thừa sai là ‘đồ quốc cấm’ và là ‘đồ lậu’… Cha mẹ có muốn biết cách ăn mặc của con hiện nay không ? con đã thay đổi nhiều lần, trên tàu trước khi cập bến miền Bắc, con ăn mặc như người Hoa, con cạo trọc đầu, chỉ chừa nhóm tóc ở chỏm đầu, con đã cột vào chổ tóc đó thêm một đuôi tóc dài đến bắp chân, đội lên đó một cái mũ chõm, tay cầm quạt và miệng ngậm một ống điếu dài. Bây giờ đuôi tóc, mũ chõm đã biến mất rồi, thay vào đó con đóng khăn như một người Thổ Nhĩ Kỳ, không còn bít tất, giày dép mà là chân đất…Vĩnh biệt cha mẹ, nếu được, cha mẹ chuyển thư nầy cho cô Jeanne Baptiste, mà con coi như người mẹ thứ hai của con. Cho con gởi lời thăm cô bác, anh chị em. Hôn Eugène hộ con. Con mong chú bé sẽ trở nên một kitô hữu tốt”.
Hội nhập, đồng hành, loan báo Tin Mừng đó là những bước đường của một thừa sai. Cha Cuénot vừa học tiếng Việt vừa dạy các chủng sinh ở Lái Thiêu. Bốn năm dạy học ở chủng viện Lái Thiêu cũng là thời gian cha tiếp cận, tìm hiểu phong hóa địa phương và gắn bó với các cọng tác viên trong tương lai.
Tại giáo phận Đàng Trong, thời điểm cha Cuénot đặt chân đến chỉ có 05 thừa sai: Đức cha Taberd, cha Gagelin, cha F.Jaccard, cha Régéreau, cha Bringol và có mấy linh mục người bản xứ đã cao niên, một số các thầy giảng và các nữ tu dòng Mến Thánh Giá do Đức cha Lambert de la Motte lập.
Trong hai năm tương đối bình yên, cha Cuénot được đánh giá cao nhờ tài tháo vác của ngài. Nhưng lần đầu tiên ngài có vấn đề về sức khoẻ: Chế độ ăn uống và khí hậu Việt Nam đã quật ngã cơ thể người châu Âu vạm vỡ nầy. Năm 1831, ngài kiệt sức và rơi vào tình trạng hấp hối, phải lãnh nhận những bí tích sau cùng.
Vừa hồi phục sức khoẻ, ngày 06 tháng 01 năm 1833 vua Minh Mạng ra sắc dụ cấm đạo toàn quốc. Đức cha Taberd quyết định di tản sang Thái Lan, cha Cuénot và nhóm chủng sinh cũng theo chân ngài. Chính tương lai của Giáo hội Việt Nam mà cha Cuénot ngày đêm bảo vệ nhóm chủng sinh nầy như Ngài nói: “Bằng mọi giá phải lo cho họ, nếu như tôi có chết, người ta có thể gởi người khác thay thế, chậm nhất là một năm. Một linh mục, một chủng sinh Việt Nam nằm xuống, phải mất hai ba chục năm mới có người thay thế ”.
Trong cuộc di tản nầy, tên ‘cúng cơm’ Việt Nam mà Đức cha Taberd đặt cho cha Cuénot khi mới đến Lái Thiêu là ‘Cố Trí’ đã được cãi tên là ‘Cố Thể’. Sau nhiều đoạn đường nguy hiểm, Đức cha Taberd, cha Cuénot Thể và nhóm Chủng sinh cũng đã đến được Thái Lan.
Thái Lan chưa phải là đất lành nương ngụ. Ngày 09.03.1835, đoàn tị nạn cập bến Singapore sau hải trình hiểm nguy trên một chiếc thuyền đánh cá.
Đức cha Taberd đã hiểu rằng bản thân ngài không thể trở về địa phận được nữa. Giao đàn chiên nầy cho ai ?. cha Gagelin, cha Jaccard, hai người anh em thừa sai đáng kính và kỳ cựu kinh nghiệm đã từ lâu không bắt được liên lạc (đã tử đạo năm 1833). Cha Cuénot đã minh chứng đủ khả năng lãnh nhận trách nhiệm nầy. Từ Singapore, Đức cha Taberd viết thư cho cha Giám đốc Hội Truyền Giáo Balê thư đề ngày 15.07.1834: “Rất có thể tôi chọn cha Cuénot làm Giám Mục phó với quyền kế vị. Nhưng như cha biết, tôi không có gì để biếu ngài cả. Không mũ, không gậy, một cuốn nghi thức tấn phong cũng không! Xin gởi cho tôi những gì có thể gởi, hãy bố thí cho những vật dụng đó ”. Với đặc quyền Tòa Thánh ban cho, ngày 03.05.1835 Đức cha Taberd truyền chức Giám mục cho cha Cuénot, Tân Giám mục phó có quyền kế vị lãnh nhận hiệu tòa Métello.
Ngày 14.05.1835, Đức Giám mục phó giáo phận Đàng Trong rời Singapore về với giáo phận trên một chiếc tàu buôn. Trên tàu ngài đóng vai một bác sĩ người Anh, vào đêm ngày 28.5.1835, tàu ngang qua bãi Ma Liên [1], tỉnh Phú Yên, năm người đi trên tàu vào bờ, ra Quảng Nam chuẩn bị đón Đức cha. Tàu cập bến Đà Nẵng chiều ngày 30.05.1835, trước khi đoàn lên bộ đến Quảng Nam. Cáng võng vẫn là phương tiện tương đối an toàn để đưa Đức cha đến ở tạm tại nhà ông Trùm Nên xứ An Ngãi, Quảng Nam. Thời gian đầu làm Giám mục được ngài mô tả vắn gọn trong bức thư viết vào tháng 11 năm 1836, và tới Besançon ngày 24 tháng 5 năm 1838:
“…Chúa quan phòng dẫn dắt con: Con đã đột nhập vào Nam Kỳ không thể có cách nào tốt đẹp hơn. Và bây giờ đã là tháng thứ 16 con lưu lại trong một họ đạo nhỏ gần cảng Đà Nẵng mà không hề hấn gì. Cũng có những cuộc báo động, thậm chí dữ dội nữa là khác, nhưng không tai hại”.
Vì phải ẩn trốn trong cơn bách hại, Đức cha điều hành giáo phận bằng những chỉ thị viết tay. Ngài viết thư thông báo giáo hữu biết có sự hiện diện của ngài trong giáo phận và an ủi mọi người trong cơn thử thách. Những giáo hữu bị bắt giam, những cuộc tử đạo, những thành quả tông đồ đều được người cha chung của giáo phận cảm thông, chia sẻ, viết thư khích lệ, động viên, an ủi . Nhờ đó các linh mục và giáo hữu thêm lòng can đảm, họ biết rằng họ không mồ côi, họ không bị bỏ rơi, họ có một chổ ấm nơi tấm lòng của người cha chung.
Để tăng thêm những cộng sự viên trong hàng linh mục, năm 1836 Đức cha phong chức linh mục cho 10 thầy giảng và các năm sau đó tiếp tục, nhờ đó con số linh mục Việt Nam trong giáo phận lên đến 30 người. Ngài thiết lập hai chủng viện, một ở Huế trao cho cha Candalh Kim và một ở miền Nam trao cho cha Lefèbvre. Đồng thời Đức cha qui tụ được 250 nữ tu Mến Thánh Giá sau một thời gian bị giải thể, phân tán về gia đình, nay sinh hoạt trở lại trong 18 cộng đoàn. Các nữ tu Mến Thánh Giá là một nguồn cảm kích cho Đức cha Cuénot. Trong thư đề ngày 17 tháng 02 năm 1851 gởi cho nữ tu Dauphine, em gái của Ngài đang làm việc tại Nhà Tĩnh Tâm, ngài Viết: “Ở trong giáo phận của anh có tất cả 400 Dì Mến Thánh Giá chia làm 15 nhà. Họ không được ai chăm sóc cả, và không có được dù 1/50 những phương tiện mà anh và em có ở Nhà Tĩnh Tâm. Anh đã gởi 100 Dì lên miền Thượng lo cho các phụ nữ trên ấy. Họ rất nhiệt tình…”.
Sau 03 năm ẩn trốn ở Quảng Nam, Đức cha di chuyển dần vào Quảng Ngãi, trú tại nhà thầy giảng Ngoan ở Phú Hòa. Tháng 11 năm 1839 Ngài đã có mặt tại Bình Định. Ngài thường xuyên di chuyển ở các điểm: Bồng Sơn, Bến Đá, Gò Xoài, Gia Hựu và Gò Thị. Ngày 13-5-1839, ngài đã viết 02 bức thư cho thân nhân. Một thư chia buồn với bố vì ngài đã nhận được tin mẹ đã qua đời. Trong thư gởi cho cha Charles Cuénot ngài cho thấy đời sống hằng ngày của Ngài: “Trong thời gian báo động, con vẫn sống bình thản ở một họ đạo nhỏ trên núi, và bây giờ là đã một năm. Nhưng đã sẳn sàng đi nơi khác và con thật lúng túng để tìm được một gia đình khác đồng ý và có thể nhường lại cho con một góc trong chiếc lều tranh của họ. Cùng với con còn có ba linh mục và một chủng sinh, con dạy thần học cho họ. Có một, đôi khi hai hoặc ba thanh niên theo giúp đỡ con và tuỳ thời giờ dành được, con dạy họ đọc hoặc viết tiếng La Tinh để sau đó có thể gởi họ qua chủng viện Pinang nếu họ thích hợp với bậc sống của chúng ta. Thiếu một tháng là đầy bốn năm, con bắt chước khá tốt Đấng Quan thầy của con, vị ẩn sĩ trên cột. Vì ngoài những cuộc “đi đêm”con phải tiến hành để dời chổ ở, con lưu lại trong góc nhà tồi tàn của con ngày và đêm, và nếu không có việc quan trọng, không ai được đến đó… Con có viết ra đây là để cha đọc đở buồn và để cha có một ý niệm về tình thế của con…”.
Năm 1840 Vua Minh Mạng băng hà, vua Thiệu Trị lên ngôi kế vị, tình hình cấm đạo tương đối ít gay gắt, sự khó khăn tuỳ địa phương. Cùng năm nầy, ngày 31-7-1840 Đức cha Taberd qua đời tại Calcutta, Đức cha Cuénot chính thức làm Đại Diện Tông Tòa giáo phận Đàng Trong. Việc đầu tiên, vào ngày 01.08.1841 tại Gò Thị, ngài phong chức Giám mục cho cha Đôminicô Lefèbvre làm Giám mục phó có quyền kế vị. Một giáo đoàn không có Giám mục là điều nguy hiểm cho sự phát triển, trong khi sự hiện của ngài rất bấp bênh, ngài bộc bạch ưu tư của ngài trong thư viết gởi về Roma: “Con khẩn khoản nài van các ngài gởi đến cho các giáo phận những mục tử có chức Giám mục, thậm chí con còn van xin thêm, nên chỉ định hai thừa sai khác, với quyền kế vị để đề phòng trước một cái chết kề cận”.
Sau khi đã có Giám mục phó có quyền kế vị, Đức cha Cuénot triệu tập công nghị giáo phận Đàng Trong tại Gò Thị để thống nhất và định hướng việc mục vụ trong giáo phận. Công nghị được diễn ra trong 03 ngày: ngày 05, ngày 06 và ngày 10 tháng 8 năm 1841. Dự công nghị có Đức cha Cuénot, Đức cha Lefèbvre, cha Claudius Miche và 13 linh mục Việt Nam. Công nghị Gò Thị là một luồng gió mới đem lại nguồn sinh khí cho giáo phận: củng cố mục vụ và đẩy mạnh công việc truyền giáo.
Truyền giáo là ngọn lửa từng ngày đốt cháy tâm can Đức cha Cuênot. Trong 32 năm phục vụ Giáo hội Việt Nam, ngọn lửa ấy luôn cháy trong mọi tình cảnh, thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.
Đây là một chút hoàn cảnh của đời sống Giám mục trong những năm đầu thập niên 1850: “…Vậy Người dạy Cha Thọ lo mướn ghe chực sẵn dưới vũng Kẻ-thử [2]. Chính đêm đã hẹn, Đức Cha xuống bãi kề vũng, nhưng không gặp ghe, thì bắt sõng lui về, linh đinh dưới sông dưới sát trót hai ngày. Qua đêm thứ ba, bổn đạo mới đem Người lên họ Tân-Hội, ẩn nơi nhà ông Điểu đặng ba ngày.
Bấy giờ Cha Thanh và hương Đồ liền lo chiếc ghe khác, chực rước Đức Cha tại hòn Đụn. Khỏi ba ngày, Cha Thọ, Cha Thanh, thầy bốn Hân, thầy Chung, và người bổn đạo mạnh mẽ trung tín, đem Đức Cha đi ngõ dưới chợ Kẻ-thử mà xuống ghe. Đức Cha phải qua đèo dưới đầu núi Vọng-phu mà ra cho tới bãi, nơi chơn hòn Đụn. Tới đó, Cha con từ giã nhau tại bãi cát, đoạn Đức Cha xuống ghe.
Khi qua đèo đầy những đá lớn gập ghình lúc lắc, thì thầy Hân và thầy Chung ôm mền, vác chiếu, cùng xách chai rượu ve nước. Còn Đức Cha, thì chống gậy tọ mọ theo, trèo lên bước xuống mệt nhọc lắm: nhưng Người vui mặt hớn hở bước đi cho đến cùng, lại tuy phải nghỉ bốn năm chặng, đoạn cũng vui mặt chổi dậy mà đi”[3].
Trước hoàn cảnh sống đạo rất khắc nghiệt, Đức cha Têphanô Cuênot Thể đã có những sáng kiến linh động, tận dụng và ứng xử với bối cảnh xã hội nhằm đề ra những phương pháp mục vụ và truyền giáo phù hợp trong mọi tình huống.
2. PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN GIÁO
Phương pháp truyền giáo của Đức Cha Têphanô Cuênot Thể được tổng hợp với ba nội dung chính: Cầu nguyện, đào tạo-huấn luyện nhân sự và phân chia nhỏ giáo phận để các tín hữu được chăm sóc tốt hơn.
2.1. CẦU NGUYỆN.
Jean Thiébaud, tác giả ‘Vị Tử Đạo người Bélieu’ cho rằng hai cụm từ “Ngài mòn mỏi vì buồn phiền”và “Ngài cầu nguyện nhiều”đủ để mô tả tình trạng của cha Cuênot trong hai năm 1833-1834 [4].
Đức cha Cuênot đã từng khẳng định: “Dầu các Cha tây, huống lựa là tôi, phải ẩn mặt luôn nơi hang nơi hố núi non tất tưởi, khác nào đã chôn lấp rồi, chẳng còn làm đặng việc gì, chỉ đọc kinh lần hột mà thôi, song nội sự ở lại mà chỉ dẫn các Cha bổn quốc, lại thông công chịu khổ vì đạo với con chiên, thì còn có ích hơn bội phần”[5].
Cầu nguyện là phương pháp truyền giáo trước hết và trên hết, mà thánh Têphanô đã dùng. Đối với thánh giám mục, cầu nguyện không phải bằng lời nói suông nhưng là sự bắt liên lạc không ngừng với Thiên Chúa, cùng với sự hiến dâng từng giây phút những đau khổ ngài phải chịu.
Trung thành với nguyên tắc: Cầu nguyện là trước hết và trên hết. Đức cha Cuênot không âm thầm một mình cầu nguyện cho việc truyền giáo mà Đức cha đã liên kết với rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức. Đức cha Cuénot đã vận động gia đình, anh em bạn bè linh mục, hội cầu nguyện… liên kết cầu nguyện cho ý nguyện truyền giáo của ngài được thành sự. Trong thư gởi cho linh mục Jurines, ngài viết: “Tôi đang lo việc gởi thừa sai đến xứ sắc tộc ít người và đến sông Mêkông, nhưng có nhiều trở ngại hầu như không thể vượt qua được. Xin cha vui lòng van nài cha Desgenettes để ngài gởi gắm đặc biệt công trình nầy cho Hội Cầu Nguyện của ngài”.
Cách riêng, Đức cha viết thư yêu cầu cha Desgenettes ghi danh xứ Nam Kỳ vào Tổng Hội Đức Mẹ Toàn Thắng để xin Đức Mẹ tăng thêm đức tin cho người nầy và ơn trở lại cho người khác, cho hàng nghìn lương dân. Ít lâu sau, ngài viết cho cha Desgenettes: “Miền Đông Nam Kỳ đã có ba Tổng Hội được kết nạp (500 thành viên ở Gò Thị). Linh mục người Nam kỳ bị chặt đầu tại Quảng Nam ngày 30 tháng 8 năm 1845 vì đức tin, là một trong những thành viên”[6].
Song song với những cách thế ấy, Đức cha Cuênot còn chú trọng đến ‘các nhà tài trợ’ hùng hậu cho công cuộc truyền giáo đó là các thánh đồng nhi. Riêng năm 1844, “số rửa tội cho con nít ngoại đạo gần chết đặng 5.706 đứa… Bởi đó trong vòng 26 năm dư, Đức cha Thể làm Giám mục cai trị địa phận nầy, thì biết là mấy muôn ngàn con nít ngoại đạo nhờ Người đặng phần rỗi đời đời…Vã những thánh trẻ nhờ ơn Đức cha cứu phần rỗi, chẳng lẽ quên ơn Đức cha được”.[7]
2.2. ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN NHÂN SỰ
Đào tạo linh mục và nữ tu hẳn là điều ưu tiên. Trong 26 năm làm Giám mục hầm trú, Đức cha đã truyền chức được 56 linh mục. Trong đó có 15 vị đã bị giết trong đợt bắt đạo năm 1860-1861.
Đối với giáo dân, Đức cha Cuênot chủ trương: Phương pháp tốt nhất để giáo dân có đức tin vững chắc là đào tạo họ thành tông đồ truyền giáo. Sau khi xác định mục tiêu, Đức cha đã hành động:
2.2.1. Lập đoàn giảng viên giáo lý
Vì phải sống liên tục cuộc đời hầm trú, Đức cha Cuênot không thể nào trực tiếp làm việc truyền giáo công khai, các linh mục thì ít ỏi, cũng không dễ dàng xuất hiện. Trong bản phúc trình năm 1843, Đức cha đã cho thấy một tổ chức tông đồ giáo dân thích hợp cho hoàn cảnh truyền giáo lúc nầy [8]:
– Nhóm tại chỗ khoảng 2.000 người: họ là những người cha gia đình có chỗ ở ổn định. Chức năng của họ là giữ gìn trật tự, hòa giải khi có tranh chấp, bất đồng, chủ tọa các buổi họp mặt, rửa tội cho trẻ sơ sinh, dự chứng các hôn phối, mời linh mục cho các bệnh nhân nguy tử.
– Nhóm thứ hai khoảng 35 người: họ được đào tạo chút đỉnh, thường đi theo các linh mục. Họ có khả năng dạy giáo lý cho giáo dân, chuẩn bị cho giáo dân lãnh nhận các bí tích.
– Nhóm nòng cốt khoảng 20 người: họ là những người chín chắn, có khả năng tranh luận, giải thích giáo lý, có khả năng đào tạo người khác; Họ lưu động đây đó. Chính nhờ họ mà phần lớn đức tin tín hữu được tiến bộ.
2.2.2. Tổ chức học và thi giáo lý
Để khuyến khích người ta học đạo và thấm nhuần giáo lý sâu xa bền bỉ, thánh Giám Mục cho tổ chức các cuộc thi giáo lý. Hãy nghe một vị thừa sai tường thuật:
“Mỗi ứng sinh được công nhận do hội đồng làng có khả năng chịu sự sát hạch, phải ghi tên. Cuộc thi kéo dài suốt hai đêm liền trong hai họ chính trong vùng….Trong kỳ tôi tham dự, chỉ có năm người thắng cuộc, mặc dầu năm người đều trả lời cách đáng phục, nhưng chỉ có em bé 10 tuổi đã lãnh thưởng danh dự cuộc thi. Cô được lãnh một nhành vạn tuế… Tôi thán phục là suốt cả đêm người ta giữ trật tự và không ai buồn ngủ. Các tiến sĩ Sorbonne có lẽ không đặt vấn đề thi cử nghiêm trọng như vậy.”[9].
2.2.3. Tổ chức cấm phòng.
Tổ chức cấm phòng không riêng cho những người đạo cũ, mà cả cho người lương hay những người thiện chí chưa có quan niệm rõ rệt về giáo lý. Thời gian cấm phòng kéo dài tới 40 ngày.
Nếu ai bằng lòng học giáo lý tân tòng sẽ được mời về họp trong các họ đạo trong vùng. Từng nhóm 10, 15, hay 30 tùy theo có giảng viên giáo lý. Nữ dạy cho nữ, nam cho nam. Mỗi ngày hai hay ba lần. Các buổi cấm phòng thường do các giảng viên giáo lý tổ chức. Vì các linh mục phải lo mục vụ bên ngoài.
Hằng năm, những người giúp việc nhà chung phải cấm phòng như các cha, các thầy. Khi có bắt bớ khắc nghiệt, mỗi người lo cấm phòng riêng[10].
2.2.4. Đồng hành đức tin với các tân tòng
Sau khi các tân tòng được rửa tội, phải tránh việc để cho các tân tòng trở về sống chung lại với người ngoại và gia đình họ. Để tránh quấy rày và ảnh huởng mê tín dị đoan. Đức Cha đã dựng những lều trại ở trong khu người công giáo. Sau đó mới tìm đất mới, rồi đem những gia đình hỗn hợp đạo mới cũ đến lập nghiệp.”[11].
2.2.5. Hai trong một: Bác ái & Trồng chuối lấy con
Đức cha xin viện trợ để chuộc trẻ em bị bán cho người khác và tiếp nhận những trẻ mồ côi. Về việc nầy, đặc biệt phải nói đến lòng can đảm của các Dì Phước Mến Thánh Giá. Các Dì Phước chia nhau, cứ hai người một, đi hết các làng mạc, phát thuốc men cho bệnh nhân, và khi có thể, rửa tội cho trẻ em sắp chết. Cứ hai Dì Phước và hai em lớn có đạo, điều hành một nhà mồ côi với khoảng 30 em, tuổi cỡ từ 7 cho đến 20. Đa số là con gái. Các em do cha mẹ cho, hay đi lượm về. Nếu không đủ nhà, thì cho ở tạm nhà giảng viên giáo lý, chờ cất nhà mới. Công việc thật khó khăn và tốn kém. Ngoài việc bác ái và cậy dựa vào sức mạnh cầu bàu của các thánh đồng nhi cho việc truyền giáo, Đức cha còn nhắm đến mục tiêu trồng chuối lấy con. “Nay kể sổ sách lại một lần nữa, mới rõ biết việc rửa tội cho con nít ngoại đạo đời Đức cha Thể là bao nhiêu. Vậy bắt từ năm Đức cha Thể về địa phận cho đến năm 1844, là năm tách địa phận Đàng Trong phía Tây, mà kể như sau nầy: “…Ấy nội mười năm đã hơn hai muôn đứa con nít đặng chịu phép rửa tội: một muôn tám ngàn đã chết sớm, cùng thẳng lên thiên đàng; còn hơn hai ngàn sống sót, thì phần nhiều ở nhà mồ côi hay là bổn đạo dưỡng nuôi. Đến năm 1854, là năm cấm cách, lại đã chia hai Địa phận Sài-gòn và Huế rồi, thì địa phận Đức Cha Thể rửa tội cho con nít đặng 11.106 đứa ”[12].
2.2.6. Giáo dục đức tin và văn hóa
Đức Cha rất chú trọng tới việc giáo dục, đào tạo và dạy chữ nghĩa cho thanh thiếu niên để có người có khả năng thay thế các Thày Giảng bị bắt hay chết trong giai đoạn cấm đạo. Đặc biệt, để Đức Cha chọn được những chủng sinh gửi qua đại chủng viện Penang. Một kết quả đã thấy: năm 1840 ngài đã gửi được 08 chủng sinh, năm 1841 được 12 chủng sinh, năm 1844 được 16 chủng sinh, năm 1847 được 16 chủng sinh, năm 1848 được 13 chủng sinh, năm 1856 được 14 chủng sinh [13].
Ngài yêu cầu mỗi linh mục giữ bên mình ít nhất 3-4 học trò. Phần ngài, ngài đã dành thời giờ để dịch sách ra tiếng Việt và luôn có bên cạnh ngài một linh mục Việt Nam để kiểm tra tiếng Việt. Ngài đã đầu tư rất nhiều công sức trong viết dịch thuật đến độ cha Miche, một cộng sự viên của ngài đang ngồi trong tù viết thư cho ngài ngày 28-9-1842: “Con van xin Đức cha, vì lợi ích của công cuộc truyền giáo, Đức cha hãy bớt thức đêm và chăm sóc cho sức khỏe của mình một tí, sự cứu rỗi của hàng nghìn linh hồn tùy thuộc vào đó”[14].
2.3. PHÂN CHIA GIÁO PHẬN ĐỂ CHĂM SÓC MỤC VỤ HỮU HIỆU NHẰM TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN
Đức cha Cuénot thấy giáo phận quá rộng lớn, việc thông tin liên lạc, phát triển và chăm sóc đoàn chiên không được chu đáo. Ngài xin chia giáo phận. Ngày 11 tháng 03 năm 1844, Đức Thánh cha Gregorius XVI ký sắc chỉ ‘Exponendum Nobis Curavit’ chia giáo phận Đàng Trong thành hai giáo Phận: Tây Đàng Trong gồm miền Lục Tỉnh và Cam Bốt do Đức Cha Dominique Lefèbvre coi sóc, cùng với ngài có ba linh mục thừa sai, 16 linh mục Việt Nam; Đông Đàng Trong từ Bình Thuận đến Quảng Bình do Đức cha Cuénot coi sóc. Đồng thời trong sắc chỉ phân chia giáo phận cho phép Đức cha Cuénot được chọn Giám mục phó. Thực hiện sắc chỉ, ngày 04 tháng 10 năm 1846 ngài tấn phong Giám mục cho cha François Marie Pellerin tại Gò Thị.
Cũng như những lý do trên, nhất là việc liên lạc với các tỉnh phía Bắc quá khó khăn. Ngày 27 tháng 8 năm 1850, với sắc chỉ ‘Postulat Apostolici’ Tòa Thánh chấp thuận yêu cầu của ngài cho thành lập giáo phận Bắc Đàng Trong, gồm các tỉnh: Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình do Đức cha François Marie Pellerin coi sóc, cùng với ngài có hai linh mục thừa sai và 10 linh mục Việt Nam. Phần đất còn lại vẫn giữ nguyên tên gọi Đông Đàng Trong gồm các tỉnh từ Bình Thuận đến Quảng Nam và miền Tây Nguyên. Cho đến thời điểm nầy, giáo phận Đông Đàng Trong của ngài có 12 linh mục Việt Nam, trong số nầy có một người đang ở tù. Trong khi đó ngài đã cung cấp cho hai giáo phận mới thành lập 26 linh mục do ngài đào tạo.
3.TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN:
Truyền giáo Tây Nguyên đó là ‘nốt nhạc chủ âm’ trong bài ‘trường ca truyền giáo’ của Đức cha Cuénot. Là Giám mục Đàng Trong, rồi Đông Đàng Trong, Đức cha Cuénot không thể quên trong lãnh thổ rộng lớn của ngài còn có nhiều nhóm Dân tộc thiểu số đang sinh sống trên những miền núi cao đầy hiểm trở chưa nhận biết Tin Mừng cứu rỗi. Ngày 19 tháng 11 năm 1839, từ Bình Định Ngài viết thư cho Hội Đồng Tư Vấn của Thánh Bộ Đức Tin: “Một trong những nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là mở một con đường cho Tin Mừng đến tận cả Lào. Và mặc dù đã 20 lần thất bại, mới đây tôi đã thử thêm một lần nữa. Vô phúc thay, lần nầy không hơn gì các lần trước, xét về mặt đức tin. Nhưng ít là nó không phải là vô ích về sự hiểu biết”[15].
Tiếp theo đó, ngài nói đến các cuộc thăm dò những bộ lạc trước đây chưa từng biết đến, cách Phú Yên chừng 40 cây số về hướng Tây: Hdrung, Hrê, Jarai, Sêđang. Những bộ lạc nầy không có chữ viết, không có tiền tệ, rất trung thành giữ các lời hứa và có những tập tục khắc khe hơn người An Nam.
Trung thành với nguyên tắc: Cầu nguyện là trước hết và trên hết. Đức cha Cuénot đã vận động gia đình, anh em bạn bè linh mục, hội cầu nguyện… liên kết cầu nguyện cho ý nguyện truyền giáo của ngài được thành sự. Trong thư gởi cho linh mục Jurines, ngài viết: “Tôi đang lo việc gởi thừa sai đến xứ sắc tộc ít người và đến sông Mêkông, nhưng có nhiều trở ngại hầu như không thể vượt qua được. Xin cha vui lòng van nài cha Desgenettes để ngài gởi gắm đặc biệt công trình nầy cho Hội Cầu Nguyện của ngài”. Cách riêng, Đức cha viết thư yêu cầu cha Desgenettes ghi danh xứ Nam Kỳ vào Tổng Hội Đức Mẹ Toàn Thắng để xin Đức Mẹ tăng thêm đức tin cho người nầy và ơn trở lại cho người khác, cho hàng nghìn lương dân. Ít lâu sau, ngài viết tiếp cho cha Desgenettes: “Miền Đông Nam Kỳ đã có ba Tổng Hội được kết nạp (500 thành viên ở Gò Thị). Linh mục người Nam kỳ bị chặt đầu tại Quảng Nam ngày 30 tháng 8 năm 1845 vì đức tin, là một trong những thành viên”[16].
Tháng 02 năm 1842, một đoàn truyền giáo gồm 16 người lên đường từ Phú Yên, trong đó có cha Miche và cha Duclos. Mộng ước vẫn không thành! Cả đoàn bị bắt và giải giao về Huế.
Từ năm 1843-1846, Đức cha Cuénot tiếp tục cho thử nghiệm mở lối vào Tây Bắc Trung Nguyên bằng con đường từ Quảng Ngãi, Quảng Nam nhưng vẫn không mang lại kết quả gì hơn những lần trước. Năm 1845, trong bản phúc trình gởi cho Ban Tư Vấn Thánh Bộ Đức Tin, Ngài viết: “Đã từ lâu, tôi mong mở được một địa điểm truyền giáo nơi người Thượng đang sống ở phía Tây giáo phận. Cho đến nay, mọi toan tính của tôi không thành công. Điều đó không ngăn cản tôi tiếp tục và tôi cũng không bỏ qua điều gì để thành công. Nếu chúng tôi có thể đến sống giữa những bộ lạc độc lập với hoàng đế Nam Kỳ, thì sẽ được nhiều lợi lớn. Chúng tôi sẽ tìm được ở đó một bến bình yên cho những lúc khủng hoảng. Chúng ta sẽ thiet lập trường học ở đó,…có thể tin là họ sẽ theo đạo hàng loạt” [17].
Sau khi gởi người đi tiền trạm nghiên cứu tình hình, năm 1848, ngài quyết định mở lối vào Tây Nguyên qua ngỏ An Sơn. Lúc bấy giờ An Sơn là biên giới và cũng là trung tâm buôn bán giữa người Kinh và người Thượng.
Giữa những khó khăn trong thời kỳ cấm đạo, một thừa sai Âu châu không thể đi tiền trạm thăm dò qua ngả đường An Sơn. Tốt hơn, một người Kinh làm nhiệm vụ nầy. Trong khi suy nghĩ tìm người, thầy Phanxicô Xavier Nguyễn Do sau 07 năm học tập và 02 năm làm phụ giáo tại Chủng viện Pinăng, nay trở về với nhận xét của Ban Giám Đốc gởi cho Đức cha cùng với những hiểu biết của Đức cha về thầy. Thầy Do, một con người vững lòng cậy dựa vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, trong những biến cố gay cấn thường quật ngã lòng can đảm của nhiều người thì chỉ làm lớn mạnh thêm lòng dũng cảm nơi thầy.
Đức cha gọi thầy Do và trao nhiệm vụ.
Tám ngày sau, thầy được trang bị bằng những ơn như hai thánh phó tế Stêphanô và Laurensô. Thầy Sáu Do lên đường.
Đến An Sơn, thầy Sáu Do không làm lái buôn như dự tính, nhưng được ông Quyền, một người lái buôn nhận thầy làm gia nhân chăm sóc súc vật trong gia đình ông, một công việc mà ngày xưa là nỗi cơ cực đứa con hoang đàng phải gánh chịu vì thiếu tình yêu và đã làm cho đứa con hoang đàng rơi nước mắt. Ngược lại, ngày nay công việc ấy làm cho Thầy Sáu hạnh phúc, và là niềm vui của một con tim tràn đầy yêu thương, yêu thương các linh hồn, vâng yêu thánh ý Chúa qua lời chỉ dạy của Giám Mục.
Từ một người làm công việc chăm sóc gia súc luôn quanh quẩn trong nhà đến làm người đầu bếp cho ông chủ thuờng xuyên đi lại trong các buôn làng. Sau sáu tháng, Thầy Sáu đã biết được một ít thổ âm, phong tục, tập quán, địa hình địa thế một số bộ lạc. Thầy trở thành người tiên phong mở đường dẫn lối các nhà truyền giáo đem Tin Mừng cứu rỗi cho các anh em Dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
4. HOÀN THÀNH CUỘC ĐỜI:
Con đường truyền giáo Tây Nguyên đã được mở ra nhưng vẫn còn quá hẹp. Trong khi đó con đường lên Núi Sọ lại được rộng mở thênh thang. Từ năm 1855 đến năm 1861, Vua Tự Đức ban hành các sắc dụ cấm đạo khá gắt gao. Khắc nghiệt nhất là chiếu chỉ Phân Sáp năm 1861, theo đó, người công giáo đều bị phân tán vào các làng lương dân, trước khi đưa đi phân tán phải khắc hai chữ ‘Tả Đạo’ vào má.
Ngày 18.09.1855 sắc dụ cấm đạo ban hành: “Người công giáo dù hay chữ đến đâu cũng không được dự các kỳ thi và không được một chức danh gì trong làng, trong tổng… phải đốt tất cả các nhà thờ, nhà xứ, hãy ém tất cả các hầm hang, cấm giáo hữu không được tập trung. Tắt một lời hãy dùng tất cả mọi phương tiện để tiêu diệt tả đạo… ”[18].
Với sắc dụ cấm đạo gắt gao như thế, chỉ có đức tin son sắt mới có thể can đảm đương đầu. Đức cha Cuénot rời khỏi Gò Thị, ngài đến ẩn trú tại Phước Viện Gia Hựu. Gánh nặng mục vụ của một mục tử trong lãnh thổ rộng lớn, những đối phó không ngơi nghỉ trong hoàn cảnh cấm đạo gay gắt, những thiếu thốn vật chất, tất cả điều đó đã làm cho ngài kiệt sức. Trong bức thư cuối cùng gởi cho gia đình đề ngày 18.03.1857, ngài viết: “Con mắc phải một chứng bệnh lâu dài từ mùa hè năm 1856. Từ 10 ngày nay, con đã có thể dâng thánh lễ ”[19].
Không thể ẩn trú lâu dài tại một địa điểm. Đức cha trở về Gò Thị, đi Phú Yên rồi sau cùng ở tại Gò Thị. Năm 1861, từ Gò Thị, ngài viết thư cho cha Charles Herrengt, Tổng Đại Diện đang ở Gia Hựu. Ngài truyền lệnh cho cha Herrengt thuê thuyền đưa cha Roy và các chú về Sài Gòn. Đó là cách để tránh cho giáo phận rồi đây không còn mục tử nữa. Về phần ngài, ngài tuyên bố: “Ta chẳng chịu trốn đâu. Ta chỉ trốn trong địa phận Ta mà thôi” [20].
Đêm 21.08.1861, cha Herrengt (cố Nhơn), cha Jean Claude Roy (cố Từ) và 02 cha Việt Nam đưa 12 chú từ Nước Nhỉ, Bồng Sơn ra cửa biển Kim Bồng vào Sài Gòn. Trên đường đi qua cửa Qui Nhơn, cha Herrengt gởi lời mời Đức cha cùng đi, nhưng Đức cha chỉ chúc lành cho các cha và các chú được bình an.
Mối đe doạ bị bắt ngày càng lớn, ngày 20/10/1861, Đức cha, thầy bốn Tuyên và chú Nghiêm được ông Quả đưa đến Gò Bồi, tạm ẩn tại nhà bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu. Vị trí ngày nay là nhà thờ Vĩnh Thạnh, bên bờ sông Gò Bồi. Có thể Đức cha tạm ẩn nơi đây để tìm đường lên miền Thượng như dự tính, tuy nhiên các nẻo đường bị khóa chặt.
Vừa xong thánh lễ sáng ngày 28/10/1861, đồ lễ chưa kịp dọn, quân lính đến bao vây. Đức cha, thầy Tuyên và chú Nghiêm vội trốn trong lẫm lúa. Lính vào nhà lục tìm không thấy có đạo trưởng nào, nhưng đồ lễ còn đó là dấu chứng có mặt đạo trưởng ở đây. Lính bắt bà Lưu và ông Quả tra tấn, không tìm được gì nơi lời khai của hai người. Lính đóng lại đây cho đến đêm hôm sau. Đức cha, thầy Tuyên và chú Nghiêm ra trình diện, tất cả bị bắt giữ.
Ngay trong đêm Đức cha Cuénot bị bắt, quan huyện báo về tỉnh. Chiều hôm sau, ông Nam, quản cơ dẫn đội quân từ tỉnh đường Bình Định về Gò Bồi để áp giải Đức cha và những người bị bắt. Vì trời đã về chiều, quan sợ việc áp giải về tỉnh không kịp nên đợi đến sáng ngày sau. Đức cha bị nhốt vào chiếc cũi chật hẹp, trong tư thế không nằm mà cũng không ngồi thẳng lưng được, phải cúi đầu. Việc áp giải được kể lại: “ Sáng thật mặt, quan bài trí cuộc giải: đờn ông đi trước cũi, đờn bà đi sau cũi, cả thảy là mười bốn người, quân buộc giây chuyền đầu gông lại. Còn cũi đi giữa, chính quản cơ ngồi trên cũi, đánh thúc dân khiên. Một mình bà Luu ở lại khai gia sản cho làng tịch phong, đoạn cách hai ngày làng mới giải theo…
Từ Gò Bồi cho đến chợ Nước Mặn, thì mưa dầm luôn đến tỉnh; lại dân khiêng cũi, nước lớn, lội quá vế, mên chiếu áo cùng cả mình Đức cha phải ướt cùng văng bùn lấm hết….
Gông rất nặng, cũi cũng rất nặng, nên nó đi dùng dằng từ sớm mai cho đến tối mới đến chợ Bình Ngãi. Đến đó, nó ngừng cũi một chặp, cho thiên hạ coi phỉ tình, đoạn cứ thẳng đến cửa Đông thành…” [21]
Tại nhà lao Bình Định, Đức cha bị tả lỵ, ngày càng đuối sức. Quan tỉnh hay biết Đức cha lâm bịnh, cho thầy làm thuốc. Đức cha uống ngày đêm nhưng không khá nên sau đó Đức cha từ chối. Vì sự từ chối đó, thầy Tuyên và chú Nghiêm bị hành hạ nên ngài chấp nhận uống cạn. Ông Phương, viên cai ngục có lòng tốt, đã nói: “Tôi có nhiều lý do để nghi rằng đây là thuốc độc”. Tuy nhiên việc nầy chưa có chứng cớ chắc chắn.
Thánh lễ Đức cha Cuénot dâng vào ngày 28/10/1861 chỉ kết thúc nơi nghi thức sách lễ. Đức cha Cuénot tiếp tục dâng hy lễ bằng những khổ hình cho đến hơi thở cuối cùng trong đêm 14.11.1861 tại nhà giam Bình Định. Ngài chết trong đêm khuya không ai hay biết, cô đơn giữa lao tù. “Tất cả nhờ thập giá”cho tới cùng.
Sáng ngày 15.11.1861, bản án từ triều đình gởi về đến nơi: “Xử trảm và bêu đầu ở chợ ”. Quan thượng muốn thi hành án, nhưng quan trấn thủ khuyên can: “chặt đầu làm gì nữa, y đã chết, cứ lấy chiếu bó lại, kẹp bốn cây tre đem chôn”. Quan gởi phúc trình về triều đình. Đầu năm 1862 một bản án khác từ triều đình gởi về: “Đạo trưởng Thể đã đến sống lén lút trong nước gần 40 năm; y đã giảng tà đạo và phỉnh gạt dân chúng; bị bắt và hỏi cung, y đã thú nhận tội phạm to lớn đó. Y phải bị xử trảm và bêu đầu ở chợ. Nhưng vì y đã chết, chỉ còn vứt xác y xuống sông”[22].
Để thực hiện bản án ấy, sau ba tháng 17 ngày được chôn cất, xác Đức cha Cuénot được đào lên rồi quăng xuống sông. Các linh mục bị giam tại nhà giam Bình Định có nhờ ông Phương lấy vài mẫu xương. Nhưng trước sự chứng kiến của ông và những người thi hành án ngày hôm ấy, tất cả đều kinh ngạc: Xác của ngài được chôn cất sơ sài, ở đất ẩm trong một thời gian như thế mà vẫn còn nguyên vẹn, không hôi thối. Quan truyền gập xác lại bỏ trong một giỏ cao, cho lính chở bằng ghe theo dòng sông Tân An ra cửa biển quăng xác. Lúc bấy giờ tín hữu đang bị thi hành chiếu chỉ phân sáp quá gắt gao, không còn ai ở nhà theo dõi vớt xác của ngài. Cho đến ngày nay không tìm thấy di cốt của Ngài. “Tất cả nhờ Thập Giá”dâng hiến toàn thân, quên mình hoàn toàn.
Ngày 02.05.1909, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô X tôn phong chan Phước Tử Đạo.
Ngày 19.06.1988, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Hiển Thánh Tử Đạo.
Tác giả bài viết: Lm Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn: Giáo phận Qui Nhơn
WGPKT(12/11/2022) KONTUM
Tài liệu tham khảo:
1. Jean Thiébaud, Vị Tử Đạo người Bélieu, Paris 1988.
2. Archivesmep.mepasie.org, Notice de biographique de Cuénot, de Herrengt…
3. R.P. Tardieu, Hạnh Đức cha Thể, Lang-Song imp. De la Misson 1907.
[1] Bãi Ma-Liên thuộc thơn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, Phú Yên.
[2] Ngày nay thuộc thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
[3] R.P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, imp. Làng Sông 1907, trang 63.
[4] Jean Thiébaud,Vị Tử Đạo người Bélieu, Paris 1988, (dịch, in lụa, lưu hành nội bộ), trang 32.
[5] R.P. Tardieu, sđd, trang 60.
[6] Jean Thiébaud, sđd, trang 70.
[7] R.P. Tardieu, Sđd, trang 44.
[8] Jean Thiébaud, sđd, trang 59.
[9] Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn, sđd, tr. 55-57.
[10] Xem R.P. Tardieu, sđd, trang 42. đ
[11] Jean Thiébaud, sđd, trang 60.
[12] R.P. Tardieu, sđd, trang 45-46.
[13] Jean Thiébaud, sđd, trang 75.
[14] Jean Thiébaud, sđd, trang 58.
[15] Jean Thiébaud, sđd, trang 83
[16] Jean Thiébaud, sđd, trang 70
[17]Jean Thiébaud, sđd, trang 85
[18] Phan Phát Huồn CssR, Việt Nam Giáo Sử Q.I, Sài Gòn 1958, trang 297.
[19] Jean Thiébaud, sđd, trang 106
[20] R.P. Tardieu, sđd, trang 78.
[21] R.P. Tardieu, sđd, trang 89.
[22] Jean Thiébaud, sđd, trang 111.