Nhận Diện “Mục Tử Như Lòng Chúa Mong Ước”

TMĐP- Mục Tử trong Giáo Hội ngày càng trở thành đề tài nóng bỏng, vấn đề thời sự thu hút rộng rãi dư luận, “vừa được, vừa bị” nhiều người trong cũng như ngoài Giáo Hội chú ý, quan tâm bàn bạc, lý giải, phân tích rồi  khen – chê, phản đối – ủng hộ,  phê phán – bênh vực, tất nhiên không tránh được những bôi bác thậm tệ, những đấu tố, luận tội  “quá đà” nhan  nhản khắp nơi, từ câu chuyện giữa hai ba người trong quán “cà phê cóc” sau lễ sáng chúa nhật ở một giáo xứ đèo heo hút gió đến những trang mạng có hàng triệu người  khắp năm châu bốn bể theo dõi, bình luận hay những tác phẩm động trời làm bùng nổ bao nhiêu bí mật khủng khiếp liên quan đến hàng ngũ mục tử trong Giáo Hội, như cuốn Giáo Hội Của Những Người Ấu Dâm – L’Eglise Des Pédophiles của HENRI QUANTIN, xuất bản tháng 4 năm 2021 do nhà xuất bản Cerf, Paris, mà người viết dù tinh thần đã được chuẩn bị cũng phải “lạnh toát linh hồn”, vì ngay phần mở đầu, từ trang 11 đến 15, tác giả đã làm người đọc tá hoả với vụ án một cha sở đạo đức, gương mẫu của giáo xứ miền quê đã nhẫn tâm bắn chết người tình 19 tuổi lỡ mang thai với mình, và tự tay mổ bụng thi thể người tình để lấy ra thân thể bé tí teo, rồi   dùng dao rạch nát mặt để không ai nhận ra đứa bé giống mình và giết chết đứa con bé bỏng, vô tội ấy, sau khi cẩn thận rửa tội cho bé. Và toà án đã xử chung thân vị linh mục can tội giết người tình, giết con có tính toán, kế hoạch.

Nhưng không chỉ có  một mục tử “giết người tình, giết con” như linh mục Guy Desnoyers để bảo toàn bí mật đời tư và duy trì vị thế linh mục của mình, mà còn những mục tử ấu dâm đã lợi dụng toà giải tội để “thả thính”, tống tình đối tượng mình ham muốn; những mục tử dùng tiền bạc, uy tín, thế lực, ảnh hưởng đạo đời để quy chụp, vu khống, kết tội, giập vùi, tiêu diệt người cộng sự và con chiên không đồng tình, đồng loã; những mục tử dựa thế, mượn tay người khác để triệt hạ đối phương mà vẫn giữ được tiếng thơm của bậc chân tu; những mục tử đội lốt  “thầy dậy tu đức”, nhưng thất đức hơn ai hết; những mục tử không chỉ tham của, tham đất, háo danh, mà còn ham và phá vỡ cả hạnh phúc gia đình của người khác.

Đó là những sự thật rất thật, và đáng hổ thẹn: sư thật về những muc tử sát nhân, những mục tử ấu dâm, những mục tử tham lạm, biển thủ công qũy, những  mục tử được cài đặt để phá hoại, tiêu diệt, những mục tử tay sai, bưng bô, bị thuần phục vì lầm tưởng mục tử là một nghề xã hội béo bở, những mục tử quan liêu, hống hách, cửa quyền, bắt nạt, đàn áp, lợi dụng đoàn chiên, những mục tử vô cảm,  thủ đọan, phản Tin Mừng, những mục tử “kín đáo” ăn chơi, phè phỡn, phóng đãng, hưởng thụ, nhưng rất tiếc chúng ta không thể phủ nhận vì tất cả đều là những sự thật hiển nhiên, không thể chối cãi.

Đó còn là những sự thật “không thể hiểu nổi” và gây hoang mang, thất vọng: hoang mang vì không biết phải hiểu thế nào trước một mục tử sáng bước đến bàn thờ uy nghi dâng lễ, chiều lại lạc bước chốn ăn chơi; thất vọng vì không biết phải nghĩ làm sao khi trong đời sống, mục tử ngang nhiên phủ nhận và hủy bỏ  những giá trị siêu nhiên mà chính ngài đã cống hiến cả cuộc đời để thực hiện và rao truyền, gìn giữ.

Và đó là những sự thật mà chính Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, đấng đại diện Đức Giêsu trên trần gian để cai qủan Hội Thánh của Ngài khi đối diện đã phải thốt lên: Mysterium iniquitatis! Ôi mầu nhiệm của sự ác  để nói lên sự dữ phải đối mặt và thách đố mà Giáo Hội phải vượt qua với lời thú nhận về sự bất lực của trí khôn con người.

Mầu nhiệm đó là những vực sâu thăm thẳm trong trái tim con người và  sự dữ  ở tận cùng ác độc của nó, mà con người không có giải pháp, vì “sự dữ sẽ luôn luôn thuộc về mầu nhiệm Giáo Hội. Khi chúng ta thấy tất cả những việc làm của con người, những việc làm của các chức sắc trong Giáo Hội, chúng ta sẽ nhận ra bằng chứng quan trọng  là Đức Kitô luôn nâng đỡ Giáo Hội mà Ngài đã thiết lập, bởi nếu Giáo Hội dựa vào con người, thì Giáo Hội đã tiêu tan từ lâu” ( HENRI QUANTIN, L’Eglise des Pédophiles, Paris, Cerf, 2021, p.30-32 / Benoit XVI, Lumière du Monde).

Là chi thể của Thân Thể Đức Kitô, chiên thuộc đoàn chiên Hội Thánh,  trước những cú sốc nặng nề do tội ác của những mục tử thoái hóa, chúng ta phải làm gì và có thái độ nào?

Nổi nóng, khinh bỉ, ruồng rẫy, xa lánh, tẩy chay, bất hợp tác và thất vọng từ bỏ Giáo Hội? Không, vì “không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1 Cr 12, 25-26), nhưng lương thiện trước sự thật, khiêm tốn nhận lỗi, thú tội, nỗ lưc đáp lại tiếng gọi “đồng trách nhiệm” và cùng chia sẻ gánh năng hậu qủa, nhất là tuyệt đối tin tưởng vào sự trường tồn kỳ diệu của Giáo Hội Đức Giêsu.

Để có thể lương thiện, khiêm tốn, có trách nhiệm và tin tưởng tuyệt đối khi phải đối diện với nghịch cảnh, ở đó mục tử không còn phẩm chất, nhưng thoái hóa thành tội phạm; trái tim mục tử không còn biết  chạnh lòng, nhưng vô cảm, độc ác; việc làm của mục tử không còn là dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh, suối nước mát nhưng đưa chiên, lừa chiên vào tử lộ, hầm chông, bãi mìn, chúng ta cần tìm về Đức Giêsu, vị Mục Tử duy nhất và tối cao, Đấng đã báo trước và chuẩn bị tâm hồn chúng ta, khi cho chúng ta thấy rõ chân tướng của những kẻ trộm cướp, chăn thuê, cũng như chân dung đích thưc của mục tử nhân lành như lòng Ngài mong ước, đồng thời dậy chúng ta thái độ phải có, việc phải làm trước những mục tử thoái hóa nguy hiểm nhưng rất đáng thương này.

1. Vấn đề mục tử trong Cựu Ước:

Thực ra, vấn đề mục tử là vấn đề muôn thưở của Dân Chúa, bởi ngay từ thời Cựu Ước, những lời cảnh báo về hàng ngũ mục tử đã cứng rắn, dữ dội như lời sấm của ngôn sứ Isaia: “Những người canh gác Ítraen đui mù hết, chằng hiểu biết gì; cả bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa, chỉ mơ mộng, nằm dài và thích ngủ thôi. Chúng còn là lũ chó đói, ăn chẳng biết no. Thế mà chúng lại là mục tử, thứ mục tử chẳng biết phân biệt gì. Cả bọn – chẳng trừ ai – mạnh ai theo đường nấy, chỉ mưu tìm lợi lộc cho riêng mình” (Is 56,10-11), hoặc lời đe dọa của ngôn sứ Giêrêmia: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác… Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Ítraen phán như sau để lên án các mục tử, những nguời chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi” (Gr 23,1-2). Ngôn sứ Dacaria thì cay đắng, xót xa và nghiêm khắc  hơn khi tuyên sấm: “Đức Chúa, Thiên Chúa của tôi phán thế này: “Ngươi hãy chăn dắt bầy chiên sắp đem làm thịt. Bầy chiên đó, những kẻ tậu được đem đi giết mà không nghĩ rằng mình phạm tội; còn những kẻ bán chúng nói: Chúc tụng Đức Chúa, tôi đã nên giầu có! Thế mà mục tử của chúng chẳng chút xót thương”, nên “khốn cho mục tử vô tích sự đã bỏ mặc đàn chiên. Gươm sẽ chặt đứt tay, sẽ chọc mắt phải của nó. Cánh tay của nó sẽ khô đét, và mắt phải của nó sẽ mù loà” (Dcr 11,4-5. 17)

Riêng ngôn sứ Êdêkien, sau lời sấm hạch tội: “Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải  chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên thì không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán lọan vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú…” đã công bố sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, vị Mục Tử nhân lành:  “Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm… Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng… Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao ítraen.Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ítraen. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta … Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh… ” (Ed 34,2-5.11.12.13-16).

2. Đức Giêsu và vấn đề mục tử:

Không phải ngẫu nhiên mà  mục tử được Đức Giêsu đặt thành vấn đề và cặn kẽ phân tích, trình bầy, nhưng mục tử thực sự là vấn đề không nhỏ đối với Dân Chúa, nếu không muốn nói là then chốt vì “hãy đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác” (Dcr 13,7). Đàng khác, thực trạng đau buồn của Dân Chúa ở mọi nơi, mọi  thời, chính là luôn có những mục tử “không như lòng Chúa mong ước”, mà Đức Giêsu xếp vào hai loại: “trộm cướp”  và mục tử “chăn thuê”:

Trộm cướp là những “ai  không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10,1-2).

Như thế, không thể gọi kẻ trộm cướp là mục tử, dù  bằng cụm từ “mục tử trộm cướp” được cẩn thận để trong ngoặc kép, vì Đức Giêsu đã khẳng định rất rõ: “còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử, trong khi kẻ trộm kẻ cướp không đi qua cửa mà vào ràn chiên“. Nhưng thực tế lại bẽ bàng vô cùng, khi kẻ trộm kẻ cướp rất khéo giả dạng, đội lốt, diễn xuất tài tình như mục tử hoàn hảo, nên hầu hết “chiên con chiên mẹ” đều không nhận ra hắn là tên trộm kẻ cướp “máu lạnh” nguy hiểm, và chỉ đến khi bị thiệt mạng, mất của, đàn chiên mới kinh sợ, hoảng hốt, rên siết, khóc than…

Những kẻ trộm cướp này chọn đàn chiên làm đối tượng, vì chiên hiền lành, đơn sơ, dễ tin, dễ bảo. Chiên còn là mối lợi kinh tế có giá ở mọi nơi, mọi thời. Đàng khác, cướp bóc giữa đàn chiên thì chẳng nguy hiểm gì, vì sức kháng cự của chiên không đáng kể, chuồng chiên lại thô sơ, không  kiên cố, cẩn mật nên một khi đã lọt vào chuồng chiên, bọn chúng tha hồ “cướp của giết người”, vì mục tiêu của chúng là đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy (Ga 10,10).

Ở đây, chúng ta cần ghi nhận một sự thật đáng sợ khác, đó là có người đã là mục tử vì “đi qua cửa mà vào” theo đúng tiêu chuẩn của Đức Giêsu: “Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10, 2) nhưng sau một thời gian chăn chiên đã vô phúc thoái hoá thành kẻ  “ăn trộm, ăn cướp” tài sản của chiên,  “giết hại” hạnh phúc, tương lai, danh dự, sự sống của chiên, ” phá hủy ”  chuồng chiên và bầu khí an bình của đoàn chiên, bởi không phải cứ “đi qua cửa mà vào” sẽ mãi mãi là mục tử đích thực, mục tử chân chính, mục tử tốt lành, vì có những mục tử  khi “qua cửa mà vào” thì đầy Thần Khí của Thiên Chúa, nhưng khi đi ra lại u ám tà khí của ma qủy, bởi tất cả các  mục tử chăn dắt đoàn chiên của Đức Giêsu đều được mời gọi trở nên “nhân lành” giống Đức Giêsu hơn mỗi  ngày, nên một khi không còn muốn cố gắng trở nên “nhân lành” giống Ngài là Mục Tử nhân lành, mục tử ấy sẽ thoái hóa, và mau chóng biến thái thành “mục tử chăn thuê” hoặc “mục tử trộm cướp”.

Bên cạnh đám trộm cướp lọt được  vào chuồng chiên và  ma mãnh diễn xuất trò cướp của giết người là hàng ngũ  chăn thuê.

Đặc điểm của người làm thuê là không quan tâm đến khó khăn của chủ, không tha thiết, gắn bó với hoài bão, ước mơ của chủ, nên hãng xưởng của chủ có bị hoả hoạn cháy rụi, tài sản của chủ có bị đánh cắp, biển thủ, hao hụt, người làm thuê cũng không bận tâm, nặng lòng, vì điều người làm thuê nhắm tới chính là tiền lương, phúc lợi thu về, nên khi lương bổng không xứng với công việc, phúc lợi ít ỏi so với sức lực bỏ ra, người làm thuê sẽ bất mãn yêu sách, phản đối, đình công. Và nếu không toại nguyện, người ấy sẽ tìm cách này cách khác  để rút rỉa, phá họại, làm sụp đổ cơ đồ của chủ.

Phần Đức Giêsu, Ngài mô tả: người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên, và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên” (Ga 10, 12-13). Người chăn thuê “không thiết gì đến chiên” cũng như người làm công không thiết gì đến chủ, vì cả hai chỉ quan tâm đến tiền lương, và phúc lợi thu về cho mình khi chăn thuê, làm mướn.

Ở đây, chúng ta thấy: cả những người chăn thuê cũng không được Đức Giêsu coi là mục tử, nhưng vì “được vào chăn đàn chiên, tuy là chăn thuê ” nên không mấy ai nghĩ  những người chăn thuê này lại không là mục tử, bởi thường chỉ khi có biến, khi đoàn chiên bị sói dữ tấn công, khi chuồng chiên bị thế lực thù địch bên ngoài công phá, lúc đó chiên mới nhận ra ai là mục tử, và ai là  kẻ chăn thuê, qua chọn lựa sống chết ở lại để bảo vệ đoàn chiên hay cao bay xa chạy, lo cứu lấy tính mạng, bỏ chiên bơ vơ, lạc lõng, bị sói dữ hãm hại, ăn thịt.

Và cũng như những bước đi lùi ở người mục tử đã thoái hoá thành “mục tử trộm cướp”, bất cứ mục tử chính danh  nào cũng có nguy cơ xuống cấp và biến thành “mục tử chăn thuê”, nghĩa là bên ngoài vẫn giữ trang phục, phong thái của mục tử, nhưng thực chất bên trong đã biến chất từ mục tử thành người chăn thuê, nếu không nỗ lực từng ngày để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành.

Tóm lại, với cách đặt vấn đề ngắn gọn, Đức Giêsu đã chân nhận tình trạng sa sút, mất phẩm chất của một số không nhỏ mục tử không chỉ trong Dân Chúa ở thời Cựu Ước mà các ngôn sứ đã tiếp nối nhau lên tiếng, nhưng ngay trong thời Ngài, và mãi mãi về sau như Giáo Hội đang phải đối mặt.

Điều này cho phép chúng ta khẳng định tầm quan trọng của mục tử trong Dân Chúa, cho Dân Chúa và đối tượng ma qủy ưu tiên cần đánh gục trước nhất chính là các mục tử, vì “đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác” (Dcr 13,7). Đây là kế sách lợi hại của Xatan để đánh phá Giáo Hội Đức Giêsu, nên  bất cứ  lúc nào, ở bất cứ đâu, và trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hoả Ngục đều không buông tha các mục tử, nhưng ngày đêm giăng bẫy, mồi chài, mua chuộc, đẩy đưa các mục tử rời xa Đức Giêsu  để họ không muốn  nên giống Ngài là Mục Tử nhân lành, nhưng kiêu hãnh  khoác vào mình cái tôi gian tham, ác độc của kẻ trộm cướp, và lòng dạ  vô cảm, ích kỷ của người làm thuê.

3. Đức Giêsu là Cửa Thương Xót“:

Đức Giêsu nhận mình là Cửa, và “ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên… , người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10, 1). Sở dĩ kẻ  trộm cướp không thể đi qua cửa Thương Xót là Đức Giêsu,  vì bản chất họ gian tham, độc ác và việc làm của họ là cướp bóc, giết hại, phá hoại, hoàn toàn trái ngược với Thiên Chúa là Tình Yêu và đường lối  thương xót cứu độ của Ngài. Nói cách khác, họ không có thông hành đóng dấu “lòng thương xót của Thiên Chúa”, nên không thể được nhận vào ràn chiên qua cửa lòng thương xót là chính Ngài.

Khi nhận mình là cửa và ai đi qua cửa này mà vào, người ấy là mục tử (x. Ga 10,2), đồng thời là “cửa cho chiên ra vào” (Ga 10, 7), Đức Giêsu công khai khẳng định Ngài là cửa cho cả mục tử  và  đoàn chiên. Điều này có nghiã mục tử phải đến từ Ngài, đi qua Ngài mà đến với đoàn chiên Ngài trao phó, nên không ai được qua mặt Ngài mà tự tiện chăn dắt đoàn chiên của Ngài, vì mục tử chỉ là người thừa tác, người được sai đến để chăm sóc đoàn chiên thuộc về Đức Giêsu vị Mục Tử  duy nhất, vì “chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Vì thế, mục tử được chọn và đi qua cửa là Đức Giêsu để vào ràn chiên làm nhiệm vụ chăn dắt không được quên mình chỉ là mục tử thừa tác được  Mục Tử tối cao và duy nhất là Đức Giêsu sai đến chăn dắt đoàn chiên của Ngài, nên phải tuân giữ những chỉ thị, đường lối, cách thức “chăn dắt đoàn chiên” thuộc về  Ngài; phải đáp ứng những đòi hỏi chăm sóc đoàn chiên như Ngài mong muốn.

Đó là chăn dắt đoàn chiên với tình yêu, vì chỉ với tình yêu, chiên mới nghe được tiếng  mục tử, mục tử mới biết và gọi đúng tên từng con chiên (x. Ga 10,3); chỉ với tình yêu, mục tử mới quyến luyến, gần gũi chiên, ở với chiên, và tùy lúc, tùy hoàn cảnh đi trước, đi sau, đi giữa, đi bên cạnh chiên để bảo vệ, che chở chiên.

Như các mục tử phải đi qua cửa là Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót để có thể chăn dắt đoàn chiên của Ngài bằng tình yêu như Ngài mong ước,  đoàn chiên cũng phải đi qua cửa Đức Giêsu để được thương xót cứu độ, vì “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9). Chính cửa là trái tim thương xót của Đức Giêsu sẽ cho đoàn chiên được tự do “ra vào và gặp được đồng cỏ”, vì cửa thương xót là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu luôn mở ra “cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Vì lẽ đó, mục tử cũng như mỗi con  chiên đều phải ý thức đòi hỏi phải có lòng thương xót khi được nhận vào ràn chiên của Đức Giêsu qua cửa Lòng Thương Xót, bởi thiếu lòng thương xót, mục tử sẽ thoái hóa thành kẻ trộm cướp gian ác, bạo lực; đoàn chiên sẽ trở thành bầy sói hung dữ ganh ghét, xâu xé, hãm hại nhau; không có lòng thương xót, mục tử sẽ biến thái thành người chăn thuê vô cảm, ích kỷ, tham lam trục lợi, và đoàn chiên sẽ trở nên bầy dã thú uống máu, ăn thịt, tiêu diệt nhau vì ganh ghét, kèn cựa phát xuất từ  tham vọng thống trị.

4. Đức Giêsu là Mục Tử nhân lành:

Không ai là mục tử ngoài Đức Giêsu là Mục Tử duy nhất của một đoàn chiên duy nhất (x. Ga 10,16), vì tất cả chỉ là thừa tác sứ vụ mục tử của Ngài, nên rời xa Mục Tử duy nhất, các mục tử thừa tác sẽ như cành nho tách rời khỏi  cây nho và không sinh hoa trái như Đức Giêsu, Mục Tử duy nhất đã qủa quyết: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

“Chẳng làm gì được”, vì không ở trong Ngài để được Ngài dậy trở nên “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” như Ngài khi chăn dắt đoàn chiên (Mt 11,29), vì Ngài là Mục Tử “đến không phải để được  người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” ( Mt 20,28); “chẳng làm  gì được”, vì không gắn bó thiết thân với Ngài là Mục Tử giầu lòng lòng thương xót để được lòng thương xót của Ngài chỉ cho biết mình mãi mãi là người có tội và bất xứng với sứ vụ chăn dắt đoàn chiên được trao phó, để tự thấy mình không chỉ cần lòng Chúa thương xót, mà cần cả lòng thương xót, cảm thông của từng con chiên mình phục vụ; “chẳng làm gì được”, vì không thao thức và nỗ lực trở nên giống Ngài là Mục Tử từ bi, nhân hậu, Đấng “cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3), nhưng tất tưởi “đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ” (Lc 15,4), nên chẳng ngại ngùng làm ngơ trước  bất hạnh của đoàn chiên, khốn quẫn của đám chiên nghèo, đau đớn của chiên bị hãm hại, tủi nhục của chiên bị lên án oan uổng, và  bế tắc, tuyệt vọng  của chiên bị trù dập bất công, bị tẩy chay, loại trừ cách phi nhân, bất chính; “chẳng làm gì được”, vì không học “chạnh lòng thương” như Ngài trước đoàn chiên không người chăn dắt, trước đám đông đi theo Ngài không có gì ăn (x. Mt 15,32), nên chẳng ngượng ngùng như thầy tư tế và thầy Lêvi được kể trong dụ ngôn “người Samari tốt lành” đã “tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10,32.33), bỏ mặc người bị cướp trấn lột và đánh nhừ tử nằm thoi thóp nửa sống nửa chết bên đường (x. Lc 10,30); “chẳng làm gì được”, vì kiêu căng nghĩ mình đã đạt đích lý tưởng  và kiêu hãnh, kiêu kỳ vì vô số ảo tưởng, mà ảo tưởng nguy hiểm nhất chính là ảo tưởng thánh thiện, ảo tưởng toàn năng vì tự hào là người Chúa chọn. Chính ảo tưởng này biến mục tử thừa tác thành những kẻ giả hình, khi không còn lương thiện trong tư tưởng, lời nói, việc làm đối với đoàn chiên, vì lương tâm trong sáng của con người được chọn làm mục tử đã bị các thế lực trong ngoài, xa gần làm lu mờ, đui chột. Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu đã nêu lên nguy cơ phá hoại, tiêu diệt  đoàn chiên do những mục tử giả hình này, mà mức độ tàn phá  có khi còn nhiều lần khủng khiếp hơn đám chăn thuê, và băng đảng trộm cướp (x. Mt 23, 1 – 36).

Không ai là mục tử ngoài Đức Giêsu, Mục Tử duy nhất,  nên cũng không ai có thể ngang ngược nhận mình là mục tử nhân lành, vì chỉ một mình Đức Giêsu mới đích thực là Muc Tử nhân lành như Ngài xác nhận: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 14-15).

Đặc tính của Mục Tử nhân lành là biết rõ chiên. Biết đây không là biết qua loa, biết sơ sơ, biết chung chung, biết  đại loại, nhưng là biết từng con, “gọi tên từng con” (Ga 10,3). Gọi tên từng con chiên nói lên  tình yêu  thắm thiết, nồng nàn Mục Tử dành cho chiên. Bởi thế mấy ai dám nói mình biết chiên, yêu chiên như Mục Tử nhân lành này?

Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành đã so sánh tình yêu  Mục Tử của Ngài dành cho đoàn chiên như  chính tình yêu giữa Chúa Cha và Ngài. Đây là nền tảng của tình yêu ở Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu, khi yêu và biết rõ từng con  chiên mình chăn dắt như yêu và biết rõ  Thiên Chúa là Cha mình.

Vì thế, Mục Tử nhân lành không yêu chiên theo cảm tính, theo lý lịch nhân thân  của chiên nhưng yêu chiên vì yêu Thiên Chúa, yêu chiên như yêu Chúa Cha, để không như những người chăn chiên “không như lòng Chúa mong ước” chỉ tìm biết, tìm yêu những chiên béo tốt,  khỏe mạnh, chiên xinh xắn, dễ thương, chiên ngoan ngùy, dễ bảo, chiên có địa vị, thế lực, chiên năng nổ, được việc, chiên khéo nịnh, biết chiều, và chủ động làm thân, siêng năng qua lại, quan tâm chăm sóc, nhẹ nhàng trao đổi, sẵn sàng lắng nghe đám chiên được tuyển chọn kỹ lưỡng vì có lợi này.

Cũng vì yêu chiên theo cảm tính, những mục tử “không nhân lành” sẽ xa lánh đám chiên nghèo đói, ăn nói cục cằn, cộc lốc vì thiếu học, lại không “biết điều” cũng chẳng biết “phép tắc, lễ nghi  giao tiếp, cư xử”; thêm vào là  hoàn cảnh “mang nhiều tai tiếng và trái ngang” của chiên cũng là lý do không cho mục tử đến gần vì không có lợi, lại gây nhiều phiền phức, rủi ro cho bản thân và sự nghiệp, đường lên của mục tử.

Đặc tính sau cùng của Mục Tử nhân lành là “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15), và hy sinh này là hy sinh tự nguyện, bởi “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18), vì “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), “để hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28), bởi ” đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18).

Như thế, những con người được Đức Giêsu tuyển chọn để thi hành tác vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài luôn được mời gọi nhớ mình cũng như đoàn chiên đều đã đi qua Cửa là Đức Giêsu giầu lòng thương xót để thi hành sứ vụ  mục tử thừa tác bằng liên lỷ học “thương xót” với vị Mục Tử duy nhất, bởi từ chối học Thương Xót  với Mục Tử giầu lòng thương xót  luôn chăn dắt đoàn chiên bằng tình yêu thương xót, và chỉ lấy lòng thương xót mà uốn nắn, đổi mới,  thánh hoá chiên, mà tuyệt nhiên không bao giờ xử dụng “mưu hèn kế bẩn” của ganh ghét, dối trá, bạo lực để thống trị, biến chiên thành nô lệ, tù nhân trong “ngục tù thần quyền” của mình.

Những con người được thánh hiến để trở thành cộng sự viên của Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu này còn phải tâm niệm mình phải trở nên nhân lành hơn mỗi ngày: nhân lành trong tâm tư, lời ăn tiếng nói, trong  thái độ, hành xử. Tắt một lời, các vị không cố gắng trở nên “nhân lành” bằng trang bị cho mình tấm lòng biết xót thương, trái tim quảng đại quên mình, tinh thần bao dung, độ lượng đối với đoàn chiên của Chúa trao phó, thì đừng mong được gọi là mục tử như lòng Chúa mong ước, cũng khó có thể được “chiên nghe tiếng mình”, vì chiên không còn nhận ra tiếng các vị, bởi  các vị đã trở thành người xa lạ với đoàn chiên do cạn kiệt lòng thương xót là lương thực cho chiên được sống. “Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng của người lạ” (Ga 10, 5).

Vì thế, mục tử sẽ không nghe tiếng chiên, đoàn chiên không nghe tiếng mục tử khi lòng thương xót không còn, vì cửa vào ràn chiên đã đón nhận cả hai là “cửa lòng Thương Xót”, và nguyên lý hiệp nhất giữa mục tử và đoàn chiên cũng như giữa chiên với nhau là tình yêu thương xót  của trái tim Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, mà bất cứ thành viên nào thuộc Giáo Hội của Ngài đều phải cố gắng học với Ngài để trở nên thương xót như Ngài.

5. Thái độ của chiên trước những mục tử không như lòng Chúa mong ước:

Chiên vốn nhút nhát, hay sợ sệt, nên không theo người lạ, nhưng chạy trốn (x. Ga 10,5). Gặp phải kẻ trộm cướp, chiên còn hốt hoảng  biết bao, như “sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12).

Thế nên, đoàn chiên mà gặp phải chủ chăn hung hăng, dữ tợn, huyênh hoang, khoác lác, thủ đọan, mưu đồ, gian ngoa, ích kỷ thì coi như “tàn úa một đời chiên”, bởi chiên ngây ngô, khờ dại, lại đơn sơ, tuyệch toạc nên cần một chủ chăn đầy tình yêu thương, rộng lòng thông cảm mới có thể sống bình yên, vì biết mình được tình thương của chủ chăn bao bọc, được lòng thương xót của mục tử chăm sóc, chữa lành, được tâm hồn cởi mở, qủang đại, nhẫn nại của đấng Thiên Chúa sai đến giáo huấn, đổi mới, xây dựng.

Vấn đề ở đây là nếu  chẳng may rơi vào tình trạng chủ chăn không có lòng xót thương mà bỏ bê chiên, coi thường chiên, lừa dối, lợi dụng chiên, dùng chiêu làm hại chiên, lấy quyền đàn áp, khống chế chiên như tình trạng những kinh sư và người Pharisêu là những chức sắc nắm quyền qủan trị dân Chúa đã “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta” (Mt 23,4), thì chiên sẽ phải có thái độ nào?

Quan sát khắp đó đây, quanh những tương quan căng thẳng giữa chủ chăn và đoàn chiên, hay một số con chiên,  chúng ta thấy có rất nhiều phản ứng khác nhau: có những chiên quyết “ăn thua đủ” với chủ chăn bằng “làm cho ra chuyện”, dù có bị giáo quyền cấp cao can thiệp  làm khó dễ; có những chiên không dám ra mặt, nhưng kín đáo mượn tay người khác tung hê, khai quật, phát tán mọi bí mật có sức làm vỡ toang chủ chăn cho bõ ghét, hả giận; có những chiên vốn dĩ hiền lành đành câm nín chịu đựng mọi  thiêt thòi cho trăm bề được yên; có những chiên không chấp nhận cho “chìm xuồng” những bất công, bất chính gây ra bởi chủ chăn, nhưng khôn khéo tìm cách sửa chữa, hàn gắn đổ vỡ vì ý thức lợi ích của cộng đoàn; và rất nhiều những con chiên chọn thái độ bất hợp tác: “không thấy, không nghe, không biết, không làm”; bên cạnh là những con chiên mất hoàn toàn niềm tin vào chủ chăn, từ đó, tách rời Đức Giêsu khỏi  Giáo Hội, vì không thể chịụ đựng những lạm dụng qúa đáng của cơ cấu Giáo Hội.

Chẳng thế mà có cha đã can đảm nói với giáo dân: “Anh chị em  mất đức tin không hoàn toàn do lỗi của anh  chị em, nhưng trước hết do lỗi của chúng tôi, linh mục và tu sĩ đã không làm chứng như  Thiên Chúa đòi hỏi qua sứ vụ của mình, lại còn làm nhiều  gương mù gương xấu”.

Câu nói đầy khiêm tốn và chân thành của cha đã trả lại cho biết bao tâm hồn niềm tin vào Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài với những con người bất toàn, tội lụy được trao phó sứ vụ chăn dắt như kho tàng quý giá lại chứa đựng trong những bình sành “dễ vỡ” để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi như thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Côrinthô (2 Cr 4,7).

Thực vậy, nếu chúng ta tin Giáo Hội là mầu nhiệm Đức Kitô, thì chúng ta không có lý do nghi ngờ quyền năng phi thường của Thiên Chúa hằng hoạt động và can thiệp trong Giáo Hội của Đức Kitô. Bằng chứng là qua hơn hai ngàn năm, với bao phong ba bão táp, thử thách từ bên ngoài, và tiềm tàng sẵn bên trong, Giáo Hội Đức Kitô vẫn đứng vững và vẫn là Nhà của Thiên Chúa cho mọi người được nương náu, yêu thương, cứu độ.

Vì thế, chúng ta được mời gọi chọn thái độ của Tin Mừng trước những  nghịch cảnh rất đắng đót, đầy thách đố vừa được nêu trên. Đó là:

a. “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật (Rm 13,8), mà Lề Luật chính là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Rm 13,8.9).

Khi ý thức món nợ đức ái phải trả cho nhau, chúng ta loại trừ khả thể làm hại nhau, vì người thân cận “gần gũi chúng ta hơn cả” chính là những người đã cùng chúng ta đi qua Cửa Thương Xót  là Đức Giêsu để vào ràn chiên làm thành Giáo Hội. Vì cùng đi qua Cửa Thương Xót, mà không là cửa  nhân thân, gia thế, thành phần, địa vị, số má … nên tất cả đều chung một mẫu số yêu thương và chung một  Lời Hứa, đó là  “được  hạnh phúc trong Thiên Chúa là Tình Yêu” khi chu toàn giới luật Yêu Thương  của Ngài (x.Ga 13,34).

b. Sự Thật nào cũng phải gắn liền với Đức Mến:

Tự mình sự thật không thể giải phóng, vì một mình đơn độc, sự thật sẽ trở nên cay đắng, nhẫn tâm, tàn ác, trói  buộc, giam cầm; một mình trơ trọi, sự thật sẽ  trần trụi, trâng tráo, trơ trẽn; một mình xuất hiện, sự thật sẽ vô cảm, lạnh lùng, tàn phá; một mình lên tiếng, sự thật sẽ tàn bạo, hung dữ,làm tổn thương, nhưng khi song hành với tình yêu, sự thật sẽ giải thoát, tháo gỡ gông cùm; khi đi bên cạnh lòng thương xót, sự thật sẽ chữa lành, làm cho mạnh mẽ; khi kề vai sát cánh với tình thương, sự thật sẽ mang lại bình an, vì “Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).

Chính nhờ Đức Mến mà chúng ta cùng cầu xin với “Cha chúng ta trên trời” (Mt 6,9); nhờ Đức Mến mà chúng ta “đồng tâm nhất trí với nhau” (Rm 12,16), dù ý kiến có khác nhau, nhận định có đối chọi, và sự thật con người của nhau có tồi tệ, bệ rạc; nhờ Đức Mến mà trong tương quan giữa các phẩm trật, giữa chủ chăn với đoàn chiên, chúng ta “không để cho sự ác thắng được mình, nhưng lấy thiện mà thắng ác”  (Rm 12,21).

c. Việc xét xử, thưởng phạt thuộc về Thiên Chúa:

Thánh Tông Đồ dân ngoại căn dặn: “Đừng lấy ác báo ác”, cũng “đừng tự mình báo óan”. “Trái lại kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống ..” (Rm 12 17.19. 20).

Như thế, với kẻ thù ta  còn phải thương xót, huống hồ với người trong nhà, với chủ chăn, đoàn chiên cùng một ràn, với các chi thể của cùng một thân thể.  Đàng khác, vì “tất cả chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14,12), nên điều khôn ngoan cần phải làm ngay từ bây giờ, chính là “thương xót người, để được Thiên Chúa xót thương” (x. Mt 5,7), tha thứ cho  người để được Thiên Chúa rộng lượng thứ tha, như Đức Giêsu đã qủa quyết: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15), vì trước Tôn Nhan Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân và bất xứng.

d.Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người (Rm 8,28):

Nếu chúng ta tin Đức Giêsu là Mục Tử duy nhất, tối cao, và “ở lại” với chúng ta trong Giáo Hội của Ngài cho đến tận thế (x. Mt 28,20) thì cớ  gì chúng ta phải ngã lòng, thất vọng từ bỏ Giáo Hội, khi phải đối mặt với những mục tử thừa tác thoái hóa, không như lòng Chúa mong ước?

Bởi Giáo Hội là Giáo Hội của Đức Giêsu,  đoàn chiên là đoàn chiên của Ngài, nên chúng ta thuộc về  Ngài, có Ngài là Đấng thấu suốt mọi nỗi oan ức, thiệt thòi; có Ngài là Đấng bênh vực, chở che; có Ngài là Đấng chúng ta thở than, bày tỏ cõi lòng, kêu cầu ơn trợ giúp; có Ngài là Đấng sẽ cho chúng ta “Đất Hứa làm gia nghiệp”, cho chúng ta được ủi an, thỏa lòng, cho chúng ta được nhìn thấy và làm con Ngài, và phần thưởng Ngài dành cho chúng ta trên trời sẽ thật lớn lao (x. Mt 5,3-5.8-12).

Tắt một lời, Thiên Chúa sẽ làm cho mọi sự, mọi hoàn cảnh dù bên ngoài là ê chề thất bại, ô nhục đắng cay, tan tành sụp đổ nên lợi ích  cho hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của  chúng ta, cũng như nên ơn hoán cải, đổi mới “những người sỉ vả, bách hại, vu khống đủ điều xấu xa” cho chúng ta (Mt 5,11), vì chúng ta yêu mến Ngài và qủang đại “yêu thương, cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” (Mt 5,44), vì đó là điều Thiên Chúa muốn.

e.”Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm (Mt 23,3):

“Tất cả những gì họ nói” phải được hiểu là những gì là Lời Chúa, khi những mục tử dù không như lòng Chúa mong ước, nhưng nhân danh Đức Giêsu và Giáo Hội rao giảng, như “các kinh sư và các ngươi Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy” (Mt 23,2).

Đức Giêsu cho chúng ta một nguyên tắc: nghe lời Chân Lý họ dậy, nhưng không làm theo họ, vì họ nói mà không làm, dậy người khác nhưng không sống điều mình dạy.

Nguyên tắc này không cắt đứt tương quan, không đọan tuyệt quan hệ giữa chiên và chủ chăn không xứng đáng, nhưng giữ  liên đới để từ liên đới sứ vụ được duy trì ở mức cần thiết, ơn đổi mới  sẽ đến với người cần được đổi mới, cũng như ơn hiệp nhất sẽ được Thiên Chúa tuôn đổ tràn trề vào giờ khắc Thiên Chúa muốn, như  những chum nước lã nhạt nhẽo  khi giờ Ngài đến và qua lời cầu bầu của Đức Maria,  Ngài đã biến thành rượu ngon làm ấm áp tim người, và  tươi trẻ tuổi thanh xuân của đôi tân hôn ở tiệc cuới Cana (x.Ga 2,1-11) như sách Huấn Ca đã viết: “Rượu đã được tạo thành cho người ta phấn khởi. Tâm hồn sung sướng, lòng dạ hân hoan” (Hc 31,27.28).

Đến đây, người viết xin được tóm lại những điểm then chốt mà người công giáo chúng ta phải ghi tâm khắc dạ, vì vô cùng quan trọng, nếu muốn niềm tin vào Đức Giêsu không bị ma qủy đốn hạ, và tình yêu chúng ta dành cho Giáo Hội của Ngài không bị thế gian làm tàn phai, vơi cạn.

A. Giáo Hội là Giáo Hội của Đức Giêsu, mà không phải của con người: 

Mặc dù được Ngài xây trên tảng đá “người tông đồ” có tên  Phêrô, nhưng Giáo Hội thuộc về Đức Giêsu, luôn luôn và mãi mãi là  Giáo Hội  của Đức Giêsu như chính Ngài đã công bố: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy  (Mt 16,18). Hội Thánh của Thầy, chứ không phải Hội Thánh của anh, hoặc của “anh và Thầy”.

Cũng vậy, đoàn chiên là đoàn chiên của Đức Giêsu, thuộc về Đức Giêsu, chứ không là đoàn chiên của con người nào, vì con người chỉ được  Ngài tuyển chọn và  trao phó coi sóc đoàn chiên của Ngài, mà không có quyền sở hữu hóa đoàn chiên ấy như tài sản, quân quốc, lính lác của riêng mình để phục vụ nhu cầu, cũng như tham vọng thống trị của bản thân, như Ngài đã ba lần liên tiếp nói với Phêrô khi trao cho ông sứ vụ chăn dắt đoàn chiên sau khi sống lại: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15.16.17).

Và rõ ràng, chính xác hơn nữa, khi Ngài khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14) như một  xác nhận không thể suy diễn, lý giải bất cứ cách nào khác, vì hiển nhiên đây là đoàn chiên  của tôi, vì “chỉ có một đoàn chiên và một mục tử “(Ga 10,16), nên  những  chiên thuộc ràn này là chiên của tôi, mà không là chiên của ai khác, vì tôi biết chiên của tôi và chúng biết tôi.”Tôi còn những chiên khác chưa thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi” (Ga 10,16).

B. Quyền lực tử thần không bao giờ buông tha Giáo Hội:

Vì Mục Tử nhân lành “hy sinh mạng sống mình  cho đoàn chiên”, “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10.10.11), nên quyền lực tử thần phải tìm mọi cách lấy đi sự sống của đoàn chiên, vì bản chất của chúng là  Hủy Diệt. Vì thế, mầu nhiệm sự dữ luôn có mặt bên cạnh mầu nhiệm Giáo Hội, và sự dữ mãi tồn tại cho đến tận thế, cũng như quyền lực Hoả Ngục ngày đêm lồng lộn chống phá với hy vọng làm sụp đổ Giáo Hội của Đức Giêsu, để toàn thể nhân loại phải chết.

Chính vì thế, ngay khi lập Giáo Hội, Đức Giêsu đã không giấu diếm các Tông Đồ tình trạng chiến tranh liên lỷ và khốc liệt giữa Giáo Hội và Xatan cùng bè lũ , nên trấn an bằng bảo đảm  với các ông: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18), vì “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Đó là lý do không lúc nào Giáo Hội được yên, vì không lúc nào quyền lực tử thần chịu  buông tha Giáo Hội.

C. Căn tínhsức sống, sức mạnh và chià khóa tháo mở mọi nhiêu khê, khó khăn trong Giáo Hội là Tình Yêu Thương Xót: 

Khi được nhận vào Giáo Hội, chúng ta đi qua Cửa là Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót; khi được gia nhập đoàn chiên của Đức Giêsu, chúng ta có Mục Tử nhân lành là  Đức Giêsu từ bi nhân hậu, hay chạnh lòng thương xót; khi trở thành Kitô hữu, chúng ta được mang Đức Giêsu là Thiên Chúa tình yêu trong đời và được mời gọi sống giới luật Yêu Thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34); khi trở thành chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là Hội Thánh chúng ta được đeo trên ngực huy hiệu “Yêu Thương Nhau” chỉ dành cho người môn đệ Đức Giêsu, vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35) ; và tất cả chúng ta sẽ được cứu sống, “được sống và sống dồi dào” khi “qua Cửa Đức Giêsu mà vào” đoàn chiên (x. Ga 10,9.10) nhờ tình yêu đến cùng và cao cả của một Thiên Chúa “đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Như thế, phủ nhận Tình Yêu, chúng ta sẽ mất hẳn căn tính của người có đạo, vì đạo chúng ta theo là đạo Yêu Thương ; từ chối lòng Thương Xót, chúng ta sẽ không có sự sống, vì sự sống đến từ Thánh Giá lòng thương xót; xóa bỏ “Giới Luật mới”, chúng ta sẽ không thể chiến đấu chống lại ác thần, vì khí giới Đức Giêsu đặt vào tay chúng ta chính là Tình Yêu Thương Xót, mà không là bất cứ vũ khí nào được thế gian, ma quỷ đề nghị; sau cùng coi thường chià khóa Lòng Thương Xót, chúng ta sẽ giải quyết mọi vấn đề, cũng như mọi khó khăn, khúc mắc, căng thẳng giữa các tương quan trong Giáo Hội cũng như ở ngoài Giáo Hội theo  đường lối, kế sách của con người mà không phải của Thiên Chúa; bằng cách thức, phương tiện của thế gian mà không phải của Tin Mừng; theo tinh thần, và nhắm mục tiêu thế tục mà không là tinh thần và mục tiêu của người môn đệ Đức Giêsu. Nói cách khác, từ chối Lòng Thương xót như chìa khóa để tháo mở  những vấn đề của Giáo Hội là chối bỏ  nghe theo Thần Khí Thiên Chúa  nhưng đi tìm phương án giải quyết của tà khí, mà hướng đi của tà khí là sự chết, “còn hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6); hậu qủa của tà khí là “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén.. “, còn “hoa qủa của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,19-21. 22-23), và người có Thần Khí và được Thần Khí chi phối thì thuộc về Đức Kitô (x. Rm 8,9).

Vì thế, nếu nắm chắc ba cột mốc quan trọng trên, chúng ta sẽ không nao núng, xao xuyến,  hoang mang, thất vọng, rồi bất mãn phá bĩnh, quay xe bỏ Giáo Hội và quay đầu lên án, đấu tố, triệt hạ anh em mình, khi phải đối mặt với những khủng hoảng, cũng như gương mù gương xấu, kể cả tội ác tầy đình trong Giáo Hội trên hành trình cùng Giáo Hội về Nước Thiên Chúa; trái lại, chúng ta tin tưởng, phó thác, cầu nguyện và  bắt đầu từ chính mình  bước chân thứ nhất  dưới ánh sáng của Thần Khí Tình Yêu. Bước chân thứ nhất ấy lúc nào cũng bé nhỏ, kín đáo, nhẹ nhàng, nhưng là bước chân không thể thiếu ở người môn đệ Đức Giêsu để lên đường với Giáo Hội lữ hành, bước chân mà Đức Giêsu đã dậy các Tông Đồ như bài học khai tâm, căn bản: Hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng, bởi hiền lành và khiêm nhường chính là điều kiện của Lòng Thương Xót, cũng là hạt giống cho mùa màng Giáo Hội được bội thu.

Quả thực, nếu tất cả mọi người trong Giáo Hội, bất kể phẩm trật, thành phần đều  cùng làm bước chân thứ nhất “hiền lành và khiêm nhường” để đến với nhau, lắng nghe nhau, cảm thông và tìm cho nhau con đường “sống và sống dồi dào”, như  Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, thì chắc chắn  phía trước sẽ mở ra cho tất cả con đường hạnh phúc đích thực, sẽ dẫn đến cùng đích đời đời, và gia nghiệp không bao giờ hư nát, sẽ đem lại cho từng chiên con – chiên mẹ, chiên lớn – chiên nhỏ phần thưởng lớn lao là được ở trong trái tim Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, bởi tất cả đều cần đến lòng Chúa xót thương.  

Vâng, chúng ta tin: sau đường dài vất vả, “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt” (Kh 7,17) đoàn chiên của Ngài là “những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,14-17).

Quả thực, một trong những cơn thử thách lớn lao mà cả chủ chăn lẫn đoàn chiên trên đường về Đất Hứa thường xuyên phải gánh chịu, đó là tương quan đối kháng căng thẳng phần lớn phát sinh từ tình trạng thiếu vắng cảm thông do kiêu căng từ chối lắng nghe và nói với nhau một cách lương thiện, chân thành; đồng thời do trái tim cạn kiệt lòng thương xót vì khép kín trong pháo đài Cái Tôi quyền bính, ích kỷ mà một khi đã chiếm đóng thì bằng mọi giá, mọi cách phải giữ cho kỳ được, trong khi Giáo Hội là dân Chúa trên đường lữ hành, là đoàn chiên không ngừng rong ruổi đó đây tìm đến đồng cỏ xanh, dòng suối mát, và trên đường dài nhiều nguy hiểm vì phải đi vào giữa bầy sói dữ, đoàn chiên ấy  chỉ còn lại lòng thương xót Chúa như sức mạnh chở che, như khiên thuẫn bênh đỡ, và tình huynh đệ tương thân tương ái  như hành trang không thể thiếu của mọi người thuộc Dân Thiên Chúa.

Ước gì, mầu nhiệm Giáo Hội luôn được chúng ta đặt trong mầu nhiệm Thánh Giá của Đức Giêsu, và mầu nhiệm Thánh Giá chính là mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, để ở bất cứ hoàn cảnh hay giữa bất cứ khủng hoảng nào, chúng ta đều cùng nhau  “bước vào và bước ra”, “bắt đầu và kết thúc” với lòng thương xót nhau, như chúng ta được Chúa thương xót, vì chỉ với trái tim  thương xót hay chanh lòng thương cảm, Bề Trên mới biết và dám cúi xuống  xót xa cơn đau trên thân xác và nỗi đau trong tâm hồn của Bề Dưới; Bề Dưới mới mạnh dạn tin tưởng và qủang đại thương mến,  chia sẻ, cộng tác với Bề Trên, bởi Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ban hiệp nhất, công chính, bình an, và hoan lạc (x. Rm 14,17) cho hết thảy những ai có lòng thương xót từ trong tư tưởng, tâm tình,  lời nói, đến kế họach, đường lối, quyết định, việc làm, bởi một khi lòng thương xót ăn rễ sâu trong cuộc sống, thấm nhập toàn thể sinh hoạt đời sống, chúng ta sẽ vượt qua  những thách đố  cam go vượt sức người có hạn, vì dựa vào sức mạnh của lòng thương xót Chúa; chúng ta sẽ được trở nên qủa cảm trong “hiền lành và khiêm nhường” để bỏ qua, xí xóa cho nhau, mà không nuôi hận thù, và chờ ngày quật khởi báo óan, đòi nợ máu, để mọi người trong Giáo Hội, từ các Đấng Bậc uy nghi, đáng kính đến những chiên con yếu đuối, hậu đậu, tất cả đều  một lòng sống đời nhân chứng bằng giúp nhau tuân giữ  điều răn mới của Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, để “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13,34.35).

Với tình yêu đến cùng và cao cả là “chết cho bạn hữu của mình” (Ga 15,13), như hằng ngày hằng giờ chúng ta chết cho nhau trong Giáo Hội, không phải chết trên  thân xác, mà chết trong đáy sâu tâm hồn vì những yếu đuối, thiếu sót, lỗi lầm, kể cả tội ác của nhau, chúng ta đang tích cực xây dựng Giáo Hội bằng “mang lấy vào thân những gian nan, thử thách Đức Kitô còn phải chịu, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Jorathe Nắng Tím – Tin Mừng Đường Phố
WGPKT(22/06/2022) KONTUM