Ý Lực Sống 28: Tiên Trách Kỷ, Hậu Trách Nhân

Hình ảnh minh họa

TIÊN TRÁCH KỶ, HẬU TRÁCH NHÂN.

1. Ý nghĩa : Hãy trách mình trước, rồi trách người sau. Ai cũng có lỗi lầm, sai sót. Sao ta chỉ thấy lỗi của người khác rồi trách móc họ, đôi khi rất bất công, mà không chịu nhận ra lỗi của mình hoặc cố ý che dấu lỗi của mình ! ? Đức Đạt Lai Lạt Ma nói : Lỗi lầm lớn nhất của con người là không thấy lỗi lầm của chính mình.

2. Chúa Giêsu dạy chúng ta về chuyện này bằng một dụ ngôn tuyệt vời : “ Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em , mà cái xà trong mắt của chính mình thì lại không để ý tới ? Sao anh lại có thể nói với người anh em : Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình ? Hởi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong mắt người anh em”. (Lc 6, 39-45)

Nhiều người trong chúng ta có “tật” : thấy lỗi của người khác đối với mình, nhưng không thấy lỗi của mình làm phiền lòng người khác bao giờ. Mình là linh mục hưu rồi, ngồi xét kỹ, mình cũng thấy mình như vậy. Tận đáy lòng, mình xin lỗi anh chị em giáo dân của mình, mong anh chị em miễn thứ.

Tục ngữ có câu : Chân mình thì lấm bê bê, lai đi đốt đuốc mà rê chân người.

Hỡi những người làm chồng hãy nghĩ đến công lao của người vợ; hỡi những bà vợ hãy nghĩ đến những khổ nhọc của người chồng. Công lao là do cố gắng, lỗi lầm là do bản chất yếu đuối. Sao ta hay xỉa xói, chà đạp lên những vết thương do yếu đuối để làm đau đớn người thân của mình, mà không nghĩ tới những công lao to lớn của người thân. Ai là không có tội chứ ?

3. Câu chuyện thật trong Phúc Âm rất đáng cho chúng ta suy nghĩ : Ga 8,2-11

Theo luật Môi-sê, người đàn bà Do Thái mà phạm tội ngoại tình là đáng tội ném đá cho chết. Sao không thấy nói tới đàn ông ngoại tình thì có bị gì không nhỉ ?

Chúa Giêsu luôn giảng về tình thương và sự tha thứ. Chúa Giêsu đến là để cứu những người tội lỗi. Người gặp gỡ những người “tội lỗi” nhiều hơn là gặp các tư tế, thượng tế hoặc là các kỳ mục ở trong Đền Thờ.

Buổi sáng hôm ấy, chắc không có “sương thu và gió lạnh” như của Thanh Tịnh đâu. Mấy ông Do Thái, già có trẻ có, dẫn một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, (còn tay đàn ông đâu, sao không bắt luôn ?). Các ông già trẻ chỉ vì là không ưa Chúa Giêsu, muốn gài bẩy để làm hại Người thôi, chứ không phải vì yêu luật Môi-sê hoặc vì ghét người đàn bà đó đâu !

Thưa thầy, theo luật thì bà này phải bị ném đá cho chết, còn Thầy thì nghĩ sao ? Khó nói thật. Nói là ném đá cho chết nó đi vì nó đáng chết. Không đời nào Chúa lại làm như vậy đâu nhé ! Chúa Giêsu đến thế gian là cứu sống chứ không phải để ném đá cho người ta chết. Còn nếu Chúa Giêsu mà tuyên bố gì đó nghịch lại lề luật, thì chính Chúa sẽ bị ném đá cho chết. Chúng ta biết Thánh Têphano cũng chết vì bị ném đá mà. Người ta ngán gì mà không ném đá Chúa Giêsu vì do lòng căm ghét hơn là vì lề luật.

Chúa Giêsu lặng thinh, không trả lời. Thánh Gioan kể là Chúa còn viết gì gì đó dưới đất nữa. Vì bị người ta thúc mãi. Chúa Giêsu nhìn thẳng mặt các ông, Chúa đi guốc trong bụng người ta cả mà, và trịnh trọng nói, (mình rất thích câu này) : “Ai trong các ông thấy mình không có tội, hãy ném viên đá đầu tiên cho tôi xem đi ! “. Bây giờ thì tới phiên mấy ổng làm thinh ! Sửng sốt luôn ! Câm họng luôn. Sức mấy mà mấy ổng dám ra tay chứ ? Mấy tay già hơn thấy mình nhiều tội, nhột quá, lặng lẽ rút lui trước, mấy tay trẻ chắc là chưa có giờ phạm tội nhiều thì rút lui sau. Không còn người nào dám trụ lại cả ! Coi như người cáo tội lại trở thành tội phạm. Chúa hỏi người phụ nữ : Không ai ném đá chị sao ? Thưa Thầy không ạ ! Tôi cũng vậy, chị hãy về và đừng phạm tội nữa ! Hôm đó mà có mình thì mình cũng dzọt lẹ thôi. Còn bạn thì sao ?

4. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Có người bảo : Muốn thay đổi người khác, hãy thay đổi mình trước. Nếu mọi người chúng ta biết thay đổi tính tình của mình tốt hơn thì tức khắc thế giới sẽ tốt hơn ngay.

Có người khác lại bảo : Tiên trách kỷ, hậu “không” trách nhân, vì trách móc người thì mình cũng không thêm được gì, và người cũng chả thêm được gì và có khi họ còn đi uống rượu tiêu sầu nữa. Mình tự sửa đổi chính mình trước, người khác sẽ hiểu ngay và họ biết họ phải làm gì để đáp lại.

Trong vở tuồng Le Cid của Pháp có câu : Si la jeunnesse savait, si la vieillesse pouvait ! Nghĩa là : Nếu người trẻ mà hiểu biết được, nếu người già mà có thể làm được ! Người trẻ có sức mà không biết làm, người già biết làm mà không có sức để làm. Mình hơn 80 tuổi rồi nghĩ ngợi linh tinh cho vui, mong mọi người cũng nên nghĩ ngợi không chỉ để cho vui mà để thực hiện, vì đa số các bạn đọc bài này còn trẻ hơn mình nhiều. Chúc các bạn thành công. Cần thiết phải trách kỷ rồi mọi sự sẽ tốt đẹp.

Linh Mục Phêrô Nguyễn Vân Đông – Gp Kon Tum
WGPKT(15/01/2022) KONTUM