Lời tuyên xưng đức tin của dân được tuyển chọn.
Bài trích sách Đệ nhị luật.
4 Ông Mô-sê nói với dân rằng : “Khi anh em đến dâng của đầu mùa, tư tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh em và đem đặt trước bàn thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. 5 Bấy giờ, anh em sẽ lên tiếng thưa trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em rằng :
‘Ông tổ tôi là người A-ram phiêu bạt, đã xuống Ai-cập và trú ngụ tại đó cùng với một số người ít ỏi ; tại đó, người đã trở thành một dân tộc lớn, mạnh và đông. 6 Người Ai-cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. 7 Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi ; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. 8 Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập. 9 Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. 10 Và bây giờ, lạy Đức Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con.’
“Anh em sẽ đặt lễ vật trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, rồi anh em phủ phục trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.”
Đ.Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên.
1Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,2hãy thưa với Chúa rằng :
“Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,
là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài.”
Đ.Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên.
10Bạn sẽ không gặp điều ác hại,
và tai ương không bén mảng tới nhà,11bởi chưng Người truyền cho thiên sứ
giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường.
Đ.Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên.
12Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng
cho bạn khỏi vấp chân vào đá.13Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc,
đạp nát đầu sư tử khủng long.
Đ.Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên.
14Chúa phán : Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát,
người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì.15aKhi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại
lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên.
Đ.Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên.
Người tín hữu tuyên xưng đức tin vào Đức Ki-tô.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
8 Thưa anh em, Kinh Thánh nói gì ? Thưa : Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin. 9 Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. 10 Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính ; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. 11 Kinh Thánh nói : Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng. 12 Như vậy, không có sự khác biệt giữa người Do-thái và người Hy-lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người. 13 Vì : Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát.
Người ta sống, không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.

Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu cám dỗ.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
1 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. 2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. 3 Bấy giờ, quỷ nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi !” 4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6 Rồi nó nói với Người : “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. 7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” 8 Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi ! 10 Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. 11 Lại còn chép rằng : Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại : “Đã có lời rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Chúng ta đã cùng với Giáo hội Hoàn vũ bước vào Mùa Chay thánh. Đây là thời điểm quan trọng để chúng ta nhìn lại bản thân, nhằm canh tân đổi mới và định hướng đời mình. Người thường xuyên xét mình sẽ dễ dàng nhận ra những khuyết điểm đã phạm, để tự tin đứng lên tiếp bước hướng về tương lai.
Giữa biển đời sóng gió đầy bão tố cam go, người tín hữu cần nương tựa nơi Thiên Chúa là Cha và là Đấng quyền năng. Đức Giê-su là gương mẫu cho chúng ta về lòng cậy trông tín thác nơi Chúa Cha. Cả ba tác giả Tin Mừng nhất lãm, tức là Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca, đều thuật lại việc Đức Giê-su bị ma quỷ cám dỗ. Mỗi tác giả có một cách quan sát khác nhau, nhưng đều nhấn mạnh đến việc Chúa Giê-su can trường chống lại cơn cám dỗ. Thế mới thấy ma quỷ không từ một ai. Con Thiên Chúa cũng chẳng thoát cám dỗ huống chi chúng ta. Thực ra, Chúa Giê-su không chỉ trải qua cám dỗ trong sa mạc, mà trong suốt hành trình loan báo Tin Mừng, các cơn cám dỗ vẫn luôn hoành hành nơi Người. Trong vườn Cây Dầu, Chúa bị cám dỗ bỏ cuộc, nên đã cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này”. Tác giả Mát-thêu ghi lại lời cầu nguyện này hai lần.(x. Mt 2,26,36-46). Trên thập giá, vào lúc hấp hối, Chúa Giê-su bị cám dỗ nghĩ rằng Chúa Cha bỏ rơi, nên Người đã thưa với Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?” (Mt 27,46). Đây là lời cầu nguyện của người ngặp gian nan trong Thánh vịnh, được thốt lên bởi miệng Chúa Giê-su, cho thấy cơn cám dỗ và sự trống vắng và hoang mang trong tâm hồn khi Người trên thập giá. Riêng thánh Lu-ca đã kết thúc trình thuật của mình bằng lời báo trước: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Phải chăng “thời cơ” là giờ phút đau thương ở vườn Cây Dầu và trên thập giá? Khi Phê-rô nghe Chúa nói về cuộc thương khó, ông vội vã can ngăn và bị Người quở là Sa-tan. Sự can ngăn này cũng được hiểu như một cơn cám dỗ, nên Chúa Giê-su đã nghiêm khắc trách mắng. Mặc dù hoang mang trước cám dỗ, Đức Giê-su vẫn kiên định và lựa chọn theo ý Chúa Cha. Người thưa với Chúa Cha: “Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Sự vâng phục Chúa Cha nơi Chúa Giê-su đã chiến thắng mọi cám dỗ.
Chúa Giê-su luôn nương tựa Đấng Tối cao. Thánh vịnh 90 được đọc trong giờ Kinh Tối Chúa nhật của kinh Phụng vụ diễn tả những ơn ích cho những người nương tựa vào Chúa: họ luôn có Chúa phù trợ; khi gặp gian nan họ không hề nguy khốn, kể cả khi giẫm lên hùm thiêng rắn độc, hơn nữa, họ có sức mạnh kỳ diệu để đạp nát đầu sư tử, khủng long (Đáp ca). Chúa Giê-su chiến thắng cám dỗ của ma quỷ
Nhờ cậy dựa vào Thiên Chúa, người tín hữu có thể đứng vững và vươn lên trước những cám dỗ của trần gian. Nếu “tên cám dỗ”, theo cách nói của thánh Mát-thêu, đã lừa dối Chúa Giê-su trong hoang địa năm xưa, thì hôm nay nó vẫn đang hiện hữu đây đó trong cuộc sống của chúng ta, dưới muôn hình muôn vẻ, với những lớp ngụy trang và những khẩu hiệu mỹ miều. Biết bao người đã ngã quỵ trước mưu mô của ma quỷ. Mùa Chay chính là thời điểm để chúng ta nhận ra khuôn mặt của tên cám dỗ. Có thể đó là một viễn tượng tương lai xem ra tốt đẹp những chỉ là ảo tưởng vô thực; có thể đó là một bối cảnh hay một người bạn bè đang lôi kéo chúng ta theo một lối sống sa đọa; có thể đó là một cách lập luận theo định hướng vô thần, chối bỏ Thiên Chúa dưới chiêu bài tự do. Để chiến thắng những cám dỗ, chúng ta cần có ơn Chúa, cùng với sự thận trọng khôn ngoan chín chắn của bản thân.
Chúa Giê-su đã dùng lời Kinh Thánh để bác lại những cám dỗ ngang ngược của ma quỷ. Phụng vụ hôm nay cũng khuyên chúng ta hãy chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa để tìm được nơi đó sức mạnh và nghị lực siêu nhiên. Thánh Phao-lô (Bài đọc II) đã được gợi hứng bởi sách Đệ Nhị Luật để khẳng định: Lời Chúa chẳng ở đâu xa, nhưng ở bên cạnh và ở trong mỗi người chúng ta. Điều này được nhắc tới trong kinh Shema Israel (có nghĩa “Hỡi Ít-ra-en hãy nghe”), trong đó Đức Chúa phán: “Những lời này Ta truyền cho anh em, anh em phải ghi lòng tạc dạ. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6,4-7). Qua ý tưởng này, thánh Phao-lô khuyên giáo dân Rô-ma hãy công khai tuyên xưng đức tin và niềm phó thác nơi Thiên Chúa, đi đôi với việc tin trong lòng, vì “tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát”.
Thiên Chúa luôn từ bi và quảng đại đối với những ai phụng sự Ngài. Đó là điều được nhấn mạnh trong giáo huấn Kinh Thánh. Đó cũng là lời khẳng định của Giáo Hội khi cử hành Mùa Chay. Xin Chúa cho chúng ta tín thác vào Chúa để tìm thấy sức mạnh thiêng liêng, chiến thắng mọi cám dỗ đang bủa vây chúng ta. Amen.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
ĐƯỜNG SA MẠC
Sa mạc đã in một dấu ấn không phai nhạt trong lịch sử Do thái, họ được Thiên Chúa nuôi ăn trong 40 năm, một thời gian dài để thanh luyện, họ trở thành dân ưu tuyển làm dân riêng của Thiên Chúa. Bước đi từ nghề nghiệp du mục rày đây mai đó, đi theo sau đàn vật của mình, họ bước vào văn minh định canh định cư, sống nghề canh nông, cho nên hằng năm khi thu hoạch mùa màng dân Do thái nhớ ơn Thiên Chúa, họ dâng của đầu mùa để tạ ơn. Việc làm nầy mang tính tôn giáo, qua đó cho thấy người Do thái nhìn nhận tính hoàn vũ của Thượng đế trên thiên nhiên vạn vật và là chủ lịch sử.
Sách Đệ Nhị Luật dạy những luật lệ cho dân Do thái, luật được thiết lập từ thời Môsê, tuy nhiên khi họ dâng lễ vật đầu mùa, người Do thái không chỉ muốn nói lên mối tương quan giữa con người với thiên nhiên vũ trụ mà còn muốn diễn tả mối liên hệ giữa họ với biến cố lịch sử mà họ đã kinh qua trong sa mạc, nổi cộm là Giao ước với Thiên Chúa (Bài đọc 1. Đnl 26, 4-10).
Cuộc sống của người dân Do thái ghi đậm bản sắc tôn giáo trong sinh hoạt của họ, họ nhắc lại biến cố Xuất hành ra khỏi đất nô lệ Ai-cập, biến cố được Thiên Chúa thực hiện, giúp giải phóng họ và đưa họ vào đất hứa. Biến cố vượt qua biển đỏ cách kỳ diệu ngay trước mắt quân đội Ai-cập và biến cố ký kết Giao ước với Thiên Chúa tại Xi-nai là những điểm son của lịch sử dân tộc nầy, đó là những biến cố nền tảng của niềm tin Do thái giáo. Các biến cố căn bản nầy được ghi lại trên các nhánh của cây đèn bảy ngọn, cây đèn nầy được dùng làm quốc huy của nước Ítraen. Như vậy nói được rằng lịch sử của dân tộc Do thái là lịch sử ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện nơi nhân loại. Dân Do thái là đại diện cho nhân loại đón nhận ơn cứu độ thời Cựu ước. Qua dân tộc Do thái, Thiên Chúa nói với các dân tộc khác.
Kinh nguyện của họ không chỉ dâng lễ vật để tôn thờ Thiên Chúa tạo dựng nhưng trước hết dâng lên cho Thiên Chúa giải phóng: “Cha tôi là một người Aram du mục, đến định cư trong đất Ai cập … Chúa đưa chúng tôi ra khỏi Ai cập”. Chắc hẳn đây là lời tuyên xưng đức tin cổ kính nhất nơi dân Do thái. Biến cố Xuất hành nhắc đến sự giải phóng khỏi ách nô lệ địa lý chính trị xã hội về thể xác, làm tăng thêm ý thức về nhân phẩm nhờ mớ kinh nghiệm làm nô dịch xưa kia; cuối cùng kinh nghiệm giải phóng đó giúp họ đi vào thế giới mới với tinh thần mới. Như vậy trong thực tế cuộc sống người Do thái cảm nhận được Thiên Chúa là Đấng giải phóng họ khỏi nô lệ Ai cập và nuôi sống họ bằng man-na trước khi họ ý thức về Thiên Chúa sáng tạo.
Con đường hoang địa cũng lại là con đường dẫn tới tự do. Qua kinh nghiệm sa mạc đau thương dân Do thái bị lột trần trụi tất cả, buông bỏ tất cả và họ chỉ đặt lòng trung tín vào Thiên Chúa trên tất cả mọi sự, vì Thiên Chúa của Abraham là Thiên Chúa Tình yêu và Thiên Chúa Giải phóng. Sau nầy một hậu duệ của Abraham, là Đức Giêsu Nadarét được Thần khí dẫn vào sa mạc, nơi nghèo nàn khắc khổ nhưng thuận lợi cho việc mưu sự một công việc lớn, sa mạc cung ứng bầu khí thuận lợi cho việc suy tư và đi sâu vào nội tâm, giúp làm những sự lựa chọn đúng theo ý Thiên Chúa.
Tuy nhiên sa mạc cũng là nơi đầy cám dỗ thử thách để thao luyện tâm linh. Kinh nghiệp của Đức Giêsu cho thấy dù sống trong sa mạc với hoàn cảnh chật vật, thiếu thốn tiện nghi trong 40 ngày đêm chay tịnh, Đức Giêsu luôn kiên quyết từ chối cái lý luận lô-gích trần thế được Xatan hiến kế. 1. Hóa giải cơn đói, tức cám dỗ vật chất, biến đá thành bánh. 2. Cám đỗ thực hiện ơn cứu độ dễ dàng bằng gieo mình xuống từ nóc đền thờ cho mọi người thấy mà tin, một thứ cứu độ không đổ máu. 3. Cơn cám dỗ thứ ba là thành lập tôn giáo không có Thiên Chúa, bằng cách lụy phục Xatan. Nơi sa mạc Đức Giêsu đã bắt đầu con đường thập giá trong sự từ bỏ. Người đã tập luyện 3 lời nói KHÔNG trước cám dỗ của Xatan
Những lời nói ‘Không’ khởi đầu đời sống công khai của Chúa Giêsu sẽ được lặp lại nhiều lần cho đến trên núi Can-vê. Người nói KHÔNG với việc biến đá thành bánh khi chọn Lời Kinh thánh làm bánh nuôi mình. Người nói KHÔNG trước quyền bính và thanh gươm trần thế cai trị các dân nước, Người từ chối quỳ gối trước giàu sang và vinh quang trần thế. Người nói KHÔNG trước đề nghị nhảy từ tháp đền thờ làm hấp dẫn thiên hạ, Người từ chối một con đường cứu chuộc dễ dãi, con đường đi tắt đón đầu, để chọn con đường Thập giá ít người lai vẵng. “Sau khi xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Mc 4, 13). Các cơn cám dỗ trở lại nhiều lần trong đời của Người, cụ thể khi Người nói không với gia đình muốn đem Người về nhà vì Người bị cho là mất trí. Người nói không với Phêrô khi ông can gián Người chịu thương khó, Người nói không khi bị thách thức xuống khỏi thập giá … Những câu nói không nầy đã được thao luyện trong sa mạc.
Lạy Chúa Giêsu, Thánh thần đã dẫn Chúa vào sa mạc, Thánh thần cũng dẫn con vào Mùa Chay để giúp con nói ‘Không’ với những gì cản bước tiến đến cùng Thiên Chúa, những gì làm mất tình huynh đệ, những gì tẩy chay và dửng dưng đối với anh em; xin cho con theo Chúa Giêsu yêu vô điều kiện và không biên giới, nói ‘Có’ với công lý và hoà bình. Amen
Lm Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh (gx Đức An, Pleiku)
___________________________________
Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên
NHỮNG CƠN CÁM DỖ
Suy niệm
Bài Tin Mừng cho chúng ta biết rõ là Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và ở đó 40 đêm ngày để chịu quỷ cám dỗ. Hoang địa có hai ý nghĩa trong Thánh Kinh: thứ nhất là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, nghĩa là nơi người ta có những trải nghiệm tích cực (positive); thứ hai, hoang địa cũng là nơi người ta trải nghiệm những điều tiêu cực (negative), như việc bị cám dỗ bởi ma quỷ hay thần dữ.
Cám dỗ đầu tiên là của ăn. Quỷ đánh thẳng vào điểm yếu của Đức Giêsu, vì Ngài đã nhịn đói sau khi chay tịnh 40 ngày. Cái đói đụng đến bản năng sinh tồn và làm tê liệt đời sống. Đức Giêsu không phủ nhận sự cần thiết của vật chất, nhưng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh. Bánh quan trọng, nhưng tự do và lòng trung thành quan trọng hơn. Thực tế cho ta thấy: vì tự do và trung thành mà người ta thà chết chứ không chịu ăn uống, nhất là khi của ăn đó mang tính hèn hạ và ô nhục, đi ngược với niềm tin và lý tưởng của mình (x.1Mcb 1,62-63).
Phát triển kinh tế là điều quan trọng, nhưng nếu không nêu cao các giá trị văn hoá, luân lý, đạo đức, thì đúng là hạ thấp con người xuống hàng sự vật. Vẫn luôn có những người tuyệt thực nhằm phản đối những bất công và bạo tàn để nêu cao một lẽ sống. Không tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời thì cơm bánh hay vật chất trở nên thừa thãi, vì vậy mà có những người rơi vào tuyệt vọng và tìm tới cái chết. Lắm khi không phải vì đói khát hay thiếu thốn, nhưng vì ta để cho mình bị cồn cào bởi những thèm muốn vô độ, và nếu như vậy thì ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn rất cần đến những giá trị tinh thần cao quí hơn, nên cần phải chăm sóc và phát triển, thì mới xứng đáng với phẩm cách là người.
Cám dỗ thứ hai xem ra thô bạo và cuồng ngạo nhưng đầy hấp dẫn, đó là bái lạy ma quỷ để có được quyền lực và vinh quang. Cám dỗ này đụng đến sứ mạng của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Đấng quy tụ muôn loài trong trời đất (x. Ep 1, 10). Đức Giêsu đã vượt thắng cám dỗ này vì nhận ra sự lừa bịp trắng trợn của ma quỷ. Vương quốc trần gian mà ma quỷ giới thiệu là thứ vinh quang rất dễ tiêu tan, như thuật ngữ “doxa” trong tiếng Hy Lạp. Vinh quang đó chỉ là hình bóng tạm bợ, là bọt bèo. Nhiều người đã nhẹ dạ và tin vào lời hứa hão huyền này của ma quỷ. Bao đế quốc, bao vua chúa và các nhà độc tài cũng đã biến tan trong thoáng chốc. Xem ra lịch sử Giáo hội cũng đã từng bị nhá nhem vì cám dỗ này. Đã có một thời thần quyền phải nép mình vào sự bảo đảm của thế quyền, và đức tin như một dụng cụ để phục vụ cho thế tục. Chẳng ai và chẳng có gì ngoài một mình Thiên Chúa để xứng đáng được chúng ta bái lạy hay phụng thờ, vì tất cả đều là loài thụ tạo, và mọi vinh quang trần thế như hoa sớm nở chiều tàn. Sự sống đích thực và vinh quang chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.
Cơn cám dỗ thứ ba là quỷ thách thức Đức Giêsu gieo mình xuống từ nóc đền thờ, để chứng tỏ Ngài thật là Con Thiên Chúa. Cám dỗ này có vẻ đạo đức vì cậy dựa vào Thiên Chúa để tìm sự an toàn. Lý lẽ của cám dỗ này dễ thuyết phục hơn vì quỷ trích dẫn từ Kinh Thánh (Tv 91, 10-12). Đức Giêsu cũng dùng Kinh Thánh để đối lại. Ẩn tàng trong cơn cám dỗ là sự ỷ lại, đưa mình vào tình huống ngặt nghèo để đòi Thiên Chúa phải hành động. Xem ra cám dỗ nào cũng mang tính ích kỷ và kiêu căng. Ma quỷ đã đánh vào chỗ yếu nhất của con người. Đức Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường nên ma quỷ đành chào thua.
Phải chăng ta vẫn thích được Chúa thực hiện những điều ngoạn mục cho đời mình? Phải chăng ta thích sống dưới cái nhìn của người khác? Phải chăng ta muốn thiên hạ phải nể phục mình? Ít nhiều ai trong chúng ta cũng đã từng gặp những cám dỗ này, nhất là trong giai đoạn tuổi trẻ, đang háo hức với danh vọng và sự nghiệp đời này. Đó là những cách thức đánh lận con đen khiến ta dễ sa chước cám dỗ.
Thật ra mọi thứ trên trần gian như tiền tài, của cải, địa vị, chức quyền… đều đáng quí và có giá trị riêng của nó. Nhưng tất cả chỉ là tương đối, như một phương tiện chứ không phải mục đích. Nếu suy tôn những thứ tương đối đó lên hàng tuyệt đối, ta sẽ biến chúng thành ngẫu tượng, khiến cuộc sống ra thê lương, vì sai lạc với bản chất của sự vật và sai trái với bản tính của con người, khiến ta không đạt tới chính Thiên Chúa là nguồn bình an và hạnh phúc muôn đời của chính mình.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Những cám dỗ xưa kia Chúa phải chịu,
cũng chính là những điều đang quấy nhiễu,
gây hại cho nhân loại biết bao nhiêu.
Cám dỗ nào xem ra cũng hấp dẫn,
lúc ban đầu còn áy náy phân vân,
nhưng rồi theo ngày tháng cũng quen dần,
khiến thân con đã bao lần thất thế,
cũng chỉ vì ham muốn với đam mê.
Đời con đây cũng chẳng thiếu thốn chi,
nhưng vẫn bị kéo ghì bởi vật chất,
muốn chạy theo lối sống của phàm nhân,
tìm mọi cách để thỏa mãn bản thân,
nên đức tin lâm vào vòng nguy hiểm.
Dường như ai cũng thích được tỏa sáng,
nên chạy theo những hào nhoáng bên ngoài,
mà quên rằng cuộc sống đầy cạm bẫy,
chứ không như những gì mình trông thấy.
Xin cho con nhìn ngắm Chúa vào đời,
luôn cẩn trọng ở mọi lúc mọi nơi,
biết khiêm tốn trên con đường đi tới,
biết tránh xa những đam mê danh lợi.
Xin cho con chuyên cần trong bổn phận,
luôn sống dưới tác động của Thánh Thần,
nhờ Ngài mà vượt thắng bao cám dỗ,
để đời con được bền đỗ đến cùng. Amen.
Lm. Thái Nguyên
______________________________