Chúa Nhật II Thường Niên, Năm B (CN 14.01.2024) – Chúng Tôi Đã Gặp Đấng Mê-si-a

Bài đọc 1: 1 Sm 3,3b-10.19

Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

3b Khi ấy, Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. 4 Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa : “Dạ, con đây !”, 5 rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa : “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo : “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. 6 Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa : “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo : “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” 7 Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. 8 Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa : “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. 9 Ông Ê-li nói với Sa-mu-en : “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa : ‘Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.’” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình.

10 Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước : “Sa-mu-en ! Sa-mu-en !” Sa-mu-en thưa : “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”

19 Sa-mu-en lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu.

Đáp ca: Tv 39,2 và 4ab.7-8a.8b-9.10 (Đ. c.8a và c.9a)

Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.

2Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.4abChúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.

Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.

7Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con ;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,8acon liền thưa : “Này con xin đến !

Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.

8bTrong sách có lời chép về con9rằng : con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng,
lạy Thiên Chúa của con.

Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.

10Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội ;
lạy Chúa, Ngài từng biết :
con đâu có ngậm miệng làm thinh.

Đ.Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài.

Bài đọc 2: 1 Cr 6,13c-15a.17-20

Thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

13c Thưa anh em, thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. 14 Thiên Chúa đã làm cho Chúa Ki-tô sống lại ; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại.

15a Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao ? 17 Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người. 18 Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.

19 Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao ? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, 20 vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.

Tung hô Tin Mừng: Ga 1,41.17b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a, nghĩa là Đấng Ki-tô, ân sủng và sự thật thì nhờ Người mà có. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Ga 1,35-42

Các ông đã đến xem chỗ Đức Giê-su ở, và ở lại với Người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

35 Khi ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. 36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa.” 37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. 38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp : “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” 39 Người bảo họ : “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. 41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). 42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói : “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

“Dạ, con đây!”.  Đó là lời thưa của cậu bé Sa-mu-en trong đền thờ ở Si-lô. Cậu bé này sau sẽ trở thành ngôn sứ đầu tiên trong lịch sử Israel. Cậu Sa-mu-en lúc đó đang ngủ trong đền thờ, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Hòm Bia là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài. Nơi đền thờ linh thiêng này, Thiên Chúa hiện diện để soi sáng và ban sức mạnh cho dân. Ngài cũng chính là vị lãnh đạo tối cao của dân được tuyển chọn.

Chúa gọi Sa-mu-en ba lần. Nhưng cậu lại tưởng đó là tiếng gọi của thày tư tế Hê-li, và cậu chạy đến với thày mình. Theo hướng dẫn của vị tư tế, khi Chúa gọi lần thứ tư, Sa-mu-en đã nhận ra tiếng Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Tâm tình lắng nghe đã dẫn vị ngôn sứ sang một ngã rẽ khác của cuộc đời.

Tâm tình sẵn sàng vâng theo ý Chúa cũng được thể hiện nơi phần lớn các ngôn sứ của Cựu ước. I-sa-i-a, vị ngôn sứ sống vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, đã nghe tiếng Chúa hỏi: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta”, và ông đã trả lời: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8).

Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta. Tuy vậy, những bộn bề của cuộc sống; những tạp âm của đời thường, làm cho chúng ta không nghe được tiếng Chúa. Trong lịch sử, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến thế gian. Người là “Ngôi Lời” đến nói với chúng ta những lời yêu thương, nhưng ít khi chúng ta nhận ra lời ấy.

Để lắng nghe Lời Chúa, cần có tâm hồn rộng mở và sẵn sàng. Lời Chúa đến với chúng ta, không như âm thanh của chiếc loa phường. Chiếc loa phường phát cho những người qua lại, mỗi người nghe được một vài câu, thậm chí chỉ một vài từ. Tuy vậy, những người qua đường còn mang quá nhiều bận tâm cơm áo gạo tiền, nên cũng chẳng quan tâm những gì họ nghe thấy. Người tín hữu muốn nghe Lời Chúa, cần phải có một không gian thiêng liêng. Không gian ấy không chỉ là trong ngôi thánh đường, mà còn trong gia đình, giữa cuộc sống và thậm chí ngay giữa những ồn ào náo nhiệt nơi phố chợ. Không gian ấy có thể tạo nên bằng tâm tình cầu nguyện và lắng nghe. Chúa đang nói với chúng ta trước hết qua Kinh Thánh, qua giáo huấn của Giáo hội và còn qua những người mà chúng ta gặp gỡ, hay những biến cố xảy đến xung quanh chúng ta. Người có tâm tình lắng nghe sẽ dễ dàng nhận ra tiếng Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Thánh Gio-an tác giả Tin Mừng đã kể lại cho chúng ta một kinh nghiệm bản thân về cuộc gặp gỡ lần đầu với Chúa Giê-su. Một ngày nọ, khi thấy Chúa Giê-su đi ngang qua, ông Gioan Tẩy giả nói với các môn sinh của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Từ lời giới thiệu này, hai môn đệ của ông Gioan Tẩy giả đi theo Chúa Giê-su. Một người tên là An-rê, người kia ẩn danh, và theo mạch văn thì hầu chắc đó là tông đồ Gio-an. Hai môn đệ này đã ở với Chúa, đã lắng nghe lời giáo huấn của Người. Hai ông đã được Người khai sáng, để rồi hôm sau, khi trở về, ông An-rê nói với em mình là Si-mon rằng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a – nghĩa là Đấng Kitô”. Cuộc gặp gỡ này đã dẫn hai ông đi trên một lộ trình mới, lộ trình của người môn đệ Đức Giê-su, luôn gắn bó mật thiết với Người, kể cả lúc hoạn nạn đau thương.

Ngày chúng ta được lĩnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã chọn Chúa Giê-su làm Thày dạy. Chúng ta đã tuyên thệ trung thành với Chúa và từ bỏ tội lỗi. Lời tuyên thệ ấy luôn vang lên trong tâm hồn cuộc đời của chúng ta, những Ki-tô hữu đích thực. Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta hãy nhìn lại cách theo Chúa của mình, để giữ trái tim tươi mới như thuở ban đầu, luôn sẵn sàng thưa với Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Đương nhiên, lời thưa này phải được chứng minh bằng những thiện chí cố gắng và bằng hành động trong cuộc sống cụ thể.

Thánh Phao-lô muốn chúng ta đáp trả lời mời gọi của Chúa một cách thực tế hơn. Đó là những nỗ lực sống thánh thiện và từ bỏ tội lỗi. Thiên Chúa ngự trong tâm hồn mỗi người. Ai sống trong sạch, người ấy được nên một với Đức Ki-tô và sẽ tìm được sự bình an nội tâm. Một tâm hồn và cuộc sống trung thực, ngay thẳng sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức tin Ki-tô giáo tuyên xưng sự sống lại của thân xác con người. Vì vậy, phải tôn trọng thân xác khi còn sống cũng như khi đã qua đời.

“Này con xin đến để thực thi ý Chúa!”. Lời Thánh vịnh 39 được đọc trong phần Đáp ca diễn tả tâm tình vâng phục của người tin Chúa. Thư gửi giáo dân Híp-ri sau này nhận ra đó là tâm tình của Chúa Giê-su, khi Người vâng lời Chúa Cha để xuống thế làm người (x. Dt 10,8-10). Chúa Giê-su là gương mẫu cho chúng ta về sự vâng phục, khiêm tốn và yêu thương. Ước chi mỗi chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời và thành tâm thân thưa với Ngài: “Dạ, con đây!”.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

HÃY ĐẾN MÀ XEM

 “Lạy Chúa xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (x. Bài Đọc 1. 1Sm 3, 3b-10.19).  Mở đầu phụng vụ hôm nay là câu chuyện của thiếu niên Samuen được sự hướng dẫn của thầy tư tế Êli, mới biết thưa với Chúa những lời đơn sơ như trên.

Samuen là con cầu tự của bà Anna, bà sinh con trong tuổi già nhờ lời cầu nguyện khẩn thiết và kiên trì ; và để nhớ ơn Đức Chúa, bà đã dâng con vào đền thờ để ở với thấy tư tế Êli mà phụng thờ Thiên Chúa.  Nhờ sự giúp đỡ của vị tư tế già nua, Samuen nhận ra tiếng Chúa gọi và nhận ra hướng đi của đời mình.

Qua những hoàn cảnh sống khác nhau, có khi là khủng hỏang, có khi là thuận lợi trong những cuộc gặp gỡ và đối thọai với tha nhân, Thiên Chúa tiếp tục kêu gọi con người.  Thiên Chúa hành động và thôi thúc con người tìm đến với Người và ở lại với Người.  Qua con người, Thiên Chúa nói với con người, con người dẫn dắt anh em mình đáp lại tiếng Chúa.  Con người cần kinh nghiệm thiêng liêng của tha nhân giúp đỡ mới có thể nhận ra thánh ý Thiên Chúa. 

Đức tin thường đến từ tai nghe, rồi nẩy sinh sự ưng thuận trong lòng, tiếp đến con người chấp nhận bước theo Chúa Kitô và ở lại với Người.   Tin là gặp gỡ đón nhận chính con người Đức Giêsu, Đấng vô hình.  Thật vậy, trong câu chuyện giếng nước Xy-kha, “những kẻ tin bảo người phụ nữ: ‘Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin.  Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian’” (Ga 4, 42).  Và đó là mô mẫu hành trình đức tin của một số đông trong chúng ta, Thiên Chúa dùng tha nhân để kêu gọi và biến đổi một ai đó thành bạn hữu của Người và trao cho họ trách nhiệm xây dựng thế giới, chuẩn bị cho Nước  Chúa.  Hành trình nầy chính là hành trình vết dầu loang, hành trình truyền giáo kinh điển trong Giáo Hội.

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, thì Trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu và giới thiệu về Người, rõ ràng có sự hiện diện làm chứng của Ba Ngôi Thiên Chúa; khởi từ mô hình đó, trong Giáo Hội luôn luôn có sự tiếp nối giới thiệu để làm chứng và rao giảng Nước Thiên Chúa, người này giới thiệu cho người kia, khởi đầu cho việc truyền giáo, và cứ như thế Giáo Hội là chuổi dài công cuộc truyền giáo, đến nỗi Công Đồng Vaticanô II nói bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, đó cũng là bản chất của người Kitô hữu vậy.

Cụ thể trong Bài Tin Mừng  hôm nay (Ga1,35-42), qua trung gian của Gioan Tẩy Giả hai môn đệ đã bước đi theo Đức Giêsu.  “Hai môn đệ nghe ông Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, liền đi theo Đức Giêsu … Họ đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”.  Và đến phiên mình, hai môn đệ đầu tiên này đã giới thiệu Đức Giêsu cho anh em mình.  Như thế đã có bốn môn đệ đầu tiên bước theo Đức Giêsu : Anrê và Phêrô, Giacôbê và Gioan, hai cặp anh em.  Ông Anrê đã giới thiệu em mình là Phêrô với Chúa Giêsu.  “Chúng tôi gặp Đấng Mêsia…  Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu”.   

Và cứ như vậy thế hệ này truyền giáo cho thế hệ kia, con người nối đuôi nhau bước theo Đức Giêsu Kitô, đã có hơn một tỷ ba trăm triệu người tin vào con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian.  Lần đầu gặp gỡ là ‘Giờ phút’ thân thương đáng ghi nhớ, nhà văn Thế Lữ viết: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.  Nghìn năm hồ dễ đã ai quên”, giờ phút mang tính quyết định đối với các môn đệ, thánh Gioan nhớ rất rõ và ghi lại trong Tin Mừng: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ tư ban chiều”.

Giáo Hội đã phát sinh và lớn lên như thế đó, đức tin đánh động tâm hồn bằng tai nghe, rồi đi sâu vào tâm hồn con người, được con người đón nhận.  Có thể hiểu được rằng, ngay từ đầu phương pháp truyền khẩu đã được Giáo Hội thực hành trong rao giảng.  Con người của thế hệ chúng ta đang truy tìm con đường cứu độ, sự giải thóat trong nhiều lãnh vực, kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo, và Giáo Hội bắt chước Thầy chí thánh của mình trả lời cho họ: “Các anh tìm gìHãy đến mà xem”.  Hãy xem Giáo Hội sinh họat thế nào để biết Đấng thành lập Giáo Hội là Đấng thánh của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã không mở trường học đóng khung mình vào bốn bước tường để rao giảng Tin Mừng, Người cũng không để lại văn tự gì ngoài những nét nghệch ngoạc trên cát, nhưng Người hành trình ngược xuôi từ bắc chí nam, từ Galilê đến Giuđê, tìm gặp con người trong sinh họat cuộc sống.  Phải chăng đây cũng là mô mẫu cho người giáo dân hôm  nay, trên vạn nẽo đường, đưa Tin Mừng đến cho tha nhân qua hành trình trần gian và qua gặp gỡ đa dạng với anh em lương dân.  Phụng vụ hôm nay cho chúng ta hiểu rằng lời kêu gọi của Thiên Chúa đi theo con đường giao thiệp giữa nhân loại với nhau trong tình bằng hữu, trong thân thiết gia đình, trong nghề nghiệp, trong chung sống, vì chứng nhân đức tin chỉ có thể được thực hiện trong tiếp cận với tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết lợi dụng mọi cơ hội gặp gỡ để giới thiệu cho anh chị em con về Thiên Chúa tình yêu, theo gương của tư tế Êli  và thánh Gioan Tẩy Giả. Amen

Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

Chính xứ Đức An, Pleiku

——————————–

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ

Suy niệm

Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ðức Giêsu cho hai môn đệ của mình là Anrê và Gioan. Họ rụt rè đi theo, chưa biết phải nói gì thì Chúa Giêsu mở lời: “Các anh tìm gì thế?”. Ngài khơi lên ước vọng để họ mạnh dạn nói ra: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Hóa ra hai ông muốn đích thân gặp gỡ để biết được con người Giêsu như thế nào. Ngài đã nhẹ nhàng mời gọi: “Hãy đến mà xem!”. Họ đã đến và ở lại với Ngài.

Nơi gặp gỡ với Chúa Giêsu chắc chắn không phải là nhà cao cửa rộng, càng không phải là chỗ sang trọng hay vinh hoa phú quí, vì Ngài là một con người của sự nghèo khó “không nơi gối đầu”. Điều quan trọng là Ngài cho hai ông thấy con người thật của Ngài, đã tỏ mình ra cho họ một cách nào đó, khiến họ bị cuốn hút bởi con người Giêsu. Khi viết đoạn Tin Mừng này dù đã trôi qua khoảng 60 năm, nhưng thánh Gioan vẫn nhớ rõ:“Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều”. Cuộc hạnh ngộ đó đã hoàn toàn xoay hướng cuộc đời Gioan và Anrê, để từ đó hai ông bước theo Thầy Giêsu đến cùng trong cuộc đời tận hiến. Quả thật, “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy! Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”.

Sau khi gặp được Đức Giêsu, Anrê liền đi giới thiệu Ngài cho em mình là Simon, và dẫn ông đến gặp Ngài. Dường như mỗi lần Tin mừng Gioan đề cập đến Anrê thì liền sau đó, Anrê lại dẫn một ai đó đến với Đức Giêsu. Có lần đặc biệt là ông dẫn cậu bé đến gặp Ngài để dâng tặng “năm chiếc bánh và hai con cá”. Nhờ vậy mà có được một phép lạ cả thể cho hơn năm ngàn người ăn. Lần thứ ba, lúc Đức Giêsu vào Giêrusalem lần cuối, Anrê cũng đã giới cho mấy người Hy Lạp đến xin gặp Ngài. Nhân cơ hội đó mà Đức Giêsu tuyên bố một điều thật cao siêu về biến cố thập giá: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga12, 32).

Có lẽ không ai không từng thao thức tìm kiếm một điều gì đó cho cuộc đời mình, nhất là các bạn trẻ đang có những ước mơ cho tương lai của mình. Câu hỏi của Đức Giêsu ngày xưa đối với các môn đệ cũng là câu hỏi mời gọi tôi xét lại xem: Tôi đang tìm gì? Nỗi khao khát nào đang chi phối đời tôi? Tiếng gọi nào đang vẫy gọi tôi? Tiền bạc, tiếng tăm, địa vị hay quyền thế? Hay tôi đang tìm kiếm một Ai đó để cho mình một hướng đi, một lý tưởng sống. Có những cuộc tìm kiếm và gặp gỡ rất ý nghĩa, nhưng thật ra chẳng có gì và cũng chẳng có ai đem lại cho đời ta một ý nghĩa thiêng liêng và cao cả ngoài Đức Giêsu.

Đại văn hào Dostoievski, người từng viết nhiều tác phẩm đồ sộ có giá trị vượt thời gian và không gian, ông thường chiêm ngưỡng Đức Giêsu trong Tin Mừng và đã cảm nhận được những điều tuyệt vời nơi con người của Ngài, nên đã tuyên xưng rằng: “Đối với tôi, không có gì đẹp đẽ, sâu xa, dễ mến, hợp lý và hoàn hảo cho bằng Đức Kitô, và hơn thế nữa, nếu ai chứng minh với tôi rằng Đức Giêsu ở ngoài chân lý, thì tôi không ngần ngại chọn ở lại với Đức Kitô hơn là chiều theo chân lý”.

Chúng ta thật có phúc khi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Kitô giáo, nhưng điều đó không có nghĩa là ta đã thực sự gặp được Đức Giêsu và biết rõ về Ngài. Con đường từ nghe biết tới hiểu biết vẫn là một chặng đường xa. Còn xa hơn nữa con đường từ hiểu biết của cái đầu đến hiểu biết của con tim, tức là sự gặp gỡ Chúa trong chính tâm hồn mình. Đó mới là sự gặp gỡ có thể bứt phá mọi giới hạn của cái tôi, để hướng đến một sự dấn thân trọn vẹn cho tình yêu.

Chẳng ai thực sự gặp được Ðức Giêsu mà lại không nôn nao muốn giới thiệu Ngài cho người khác. Nhưng xem ra có điều gì đó mất mát trong việc giới thiệu này. Như Gioan Tẩy giả phải chia tay với các đồ đệ; như Anrê không được trọng dụng bằng Phêrô; và người ta nhớ đến hành vi quảng đại của em bé chứ không ai nhắc nhở tới Anrê làm gì. Thế mà hạnh phúc lại nằm trong việc chấp nhận tự xóa mình để trao ban. Gioan Tẩy giả và Anrê chắc chắn rất vui mừng khi thấy được Đức Giêsu và người mình giới thiệu gặp nhau. Bản chất của sự thiện là như thế, mất chẳng bao nhiêu nhưng được lại thì rất nhiều. Đức Giêsu là kho tàng cứ luôn phong phú khi được san sẻ cho mọi người.

Đã có lần nào tôi gặp được Chúa Giêsu trong cầu nguyện, trong thánh lễ, trong mọi biến cố lớn nhỏ, cả trong nỗi khắc khoải lo âu? Ngài vẫn đến với tôi trong mọi lúc, có thể qua một người thầy hay một người bạn, qua những người nghèo khổ, những người đang cô đơn và bị bỏ rơi. Họ là những cứ điểm mà tôi luôn có thể gặp Chúa Giêsu, và là những đối tượng đang cần được tôi đưa đến với Ngài. Nếu thực sự tôi đã gặp được Chúa, thì tôi lại là người trung gian để người khác gặp được Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Tuổi trẻ luôn ham chuộng những lạ thường,
vẫn thích tìm thần tượng để làm gương,
và xem đó như chính là lý tưởng,
để cho cuộc sống mình tỏa ngát hương,
nhưng xem ra có vẻ bất bình thường,
mà cứ tưởng mình vươn lên cao thượng.

Nhiều bạn trẻ muốn thành những ngôi sao,
và nôn nao cho mình được nổi tiếng,
nên không ngại làm những chuyện lạ kỳ,
mất tính cách của con người cao quí.

Chúng con thường băn khoăn thao thức,
nhưng không phải những háo hức mau qua,
mà tìm cho mình một ý nghĩa sâu xa,
nên không thể theo lối sống của người ta.

Hôm nay Chúa muốn biết con tìm gì?
Nếu thật lòng con đang đi tìm Chúa,
thì âm thầm lặng lẽ đến mà xem,
chỉ trong thanh tĩnh Chúa mới tỏ mình.

Xin cho con được một lần hạnh ngộ,
để Chúa chiếm mọi chỗ trong tâm hồn,
không còn phải bôn chôn tìm vui thú,
cũng không mong lợi danh hay chiếm hữu.

Tuy chọn Chúa chẳng làm con nổi tiếng,
nhưng tự do thoát khỏi mọi xích xiềng,
không còn chạy theo đam mê giả trá,
cũng chỉ là một chút bã phù hoa,
con hạnh phúc khi sống như mình là,
là chính con và Chúa là tất cả. Amen.

Lm. Thái Nguyên

(Nguồn: giaophanlongxuyen.org)

WGPKT(11/01/2024) KONTUM