Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm B (CN 03.03.2024) – Đền Thờ Chính Thân Thể Người

Bài đọc 1: Xh 20,1-17 

Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê.

Bài trích sách Xuất hành.

1 Ngày ấy, trên núi Xi-nai, Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây :

2 “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

4 Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.

5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. 6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 7 Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.

8 Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. 9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. 10 Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. 11 Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.

12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

13 Ngươi không được giết người.

14 Ngươi không được ngoại tình.

15 Ngươi không được trộm cắp.

16 Ngươi không được làm chứng gian hại người.

17 Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”

Đáp ca: Tv 18B,8.9.10.11 (Đ. Ga 6,68c)

Đ.Lạy Chúa, Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.

8Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện,
bổ sức cho tâm hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc,
cho người dại nên khôn.

Đ.Lạy Chúa, Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.

9Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng,
làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch,
cho đôi mắt rạng ngời.

Đ.Lạy Chúa, Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.

10Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng,
tồn tại đến muôn đời.
Quyết định Chúa phù hợp chân lý,
hết thảy đều công minh.

Đ.Lạy Chúa, Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.

11Thật quý báu hơn vàng,
hơn vàng y muôn lượng,
ngọt ngào hơn mật ong,
hơn mật ong nguyên chất.

Đ.Lạy Chúa, Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.

Bài đọc 2: 1 Cr 1,22-25

Chúng tôi rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người ta coi là ô nhục, nhưng đối với những ai được kêu gọi, thì đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

22 Thưa anh em, trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, 23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. 24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. 25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.

Tung hô Tin Mừng:Ga 3,16

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.

Tin Mừng: Ga 2,13-25

Cứ phá huỷ đền thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” 17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” 19 Đức Giê-su đáp : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” 20 Người Do-thái nói : “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. 24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, 25 và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

SỰ THỜ PHƯỢNG CHÚA ĐÍCH THỰC

Tự bản tính tự nhiên, con người hướng về Đấng Cao Cả. Họ tin Ngài có quyền thế vô song và luôn bảo vệ che chở những ai thành tâm khẩn cầu. Mỗi nền văn hóa, mỗi truyền thống và mỗi tín ngưỡng có những cách trình bày khác nhau về Đấng Cao Cả. Cũng có nhiều danh xưng để diễn tả Đấng ấy. Từ rất sớm trong lịch sử, người Do Thái đã tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo, là Đấng Giải phóng và đặt niềm tin tưởng vào Ngài. Không phải vô cớ mà người Do Thái tuyên xưng như thế. Chính Thiên Chúa đã mạc khải danh của Ngài cho ông Môi-sen, trong sự kiện bụi gai cháy bừng mà không bị thiêu rụi. Ngài nói: “Ta là Đấng Tự Hữu” (Xh 3,14).

Kinh Thánh là lịch sử Cứu độ, đồng thời cũng là lịch sử của dân tộc Do Thái. Họ tự hào vì là dân Chúa chọn. Họ là Dân riêng, được Thiên Chúa ưu tuyển. Thiên Chúa của Cựu ước, và của chúng ta – các Ki-tô hữu hôm nay, là Thiên Chúa độc thần. Sự tôn thờ dành cho Ngài phải vượt lên sự tôn thờ các ngẫu tượng khác.

Nếu dân Do Thái tin rằng Thiên Chúa là Đấng luôn hiện diện, thì họ có bổn phận phải tuân giữ những giới răn của Ngài. Bài đọc I hôm nay nói về Luật Giao Ước. Luật này được ghi lại trong sách Xuất Hành chương 20 và sách Đệ Nhị Luật chương 5. Gọi là “Luật Giao Ước” vì đây là sự giao kèo giữa Thiên Chúa và con người. Điều này có nghĩa nếu con người tuân giữ những lệnh truyền của Thiên Chúa, thì Ngài sẽ ban cho họ những nhu cầu cần thiết và những điều họ xin với Ngài. Thập Điều hay Mười Điều Răn là tóm gọn Luật Giao Ước này. Các Ki-tô hữu hôm nay, khi đọc kinh Mười Điều Răn, là đọc Luật Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với con người qua trung gian ông Môi-sen. Nội dung của Mười Điều Răn rất phong phú. Nếu chỉ có ba điều hướng về Thiên Chúa, thì lại có đến bảy điều hướng về tha nhân. Điều đó cho thấy Thiên Chúa nhấn mạnh tới mối tương quan giữa con người. Ngài dạy phải tôn trọng phẩm giá, tài sản, danh dự và gia đình người khác.

Như trên đây đã nói, Thiên Chúa là Đấng độc thần. Con người được mời gọi đặt niềm phó thác tuyệt đối nơi Ngài. Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, dân Do Thái, do ảnh hưởng của các dân xung quanh, đã có những lúc thể hiện một đức tin tôn giáo pha tạp. Họ đặt Thiên Chúa ngang với những ngẫu thần hoặc những nhân vật trần thế. Truyền thống Ngôn sứ coi đây là sự xúc phạm nghiêm trọng, thậm chí ví như tội ngoại tình nơi con người. Vào thời Chúa Giê-su, Đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi linh thiêng nhất của Do Thái giáo cũng bị uế tạp bởi lối thờ phượng chuộng hình thức bề ngoài, cùng với những hoạt động thương mại. Những người đương thời với Chúa Giê-su, và cả chúng ta hôm nay cũng không khỏi ngỡ ngàng, khi chứng kiến Chúa Giê-su có hành động khác thường: Người lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Đúng là một hành động khác thường nơi Chúa Giê-su. Các môn đệ cũng như tác giả Tin Mừng đã giải thích hành động của Chúa bằng lời Thánh vịnh 69, câu 10: “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Việc xua đuổi những người buôn bán của Chúa Giê-su được gọi là hành động “thanh tẩy Đền thờ”. Chúa Giê-su đến trần gian để canh tân việc thờ phượng dành cho Thiên Chúa tối cao. Ở nhiều nơi khác trong Tin Mừng, Chúa Giê-su lên án một phụng vụ bị lạm dụng, chỉ chuộng hình thức bề ngoài mà thiếu tâm tình đối với Thiên Chúa và lòng nhân ái đối với tha nhân. Người đã nhắc lại lời ngôn sứ I-sai-a chương 29 câu 3: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mt 15,8-9).

Mùa Chay là thời điểm để mỗi người nhìn lại cách thờ phượng Chúa. Giáo Hội Công giáo không chạy theo những thị hiếu hấp dẫn theo kiểu người đời, nhưng chú trọng tới cốt lõi của việc tôn thờ đích thực. Tại Việt Nam, vẫn có nhiều người chưa ý thức việc tham dự thánh lễ hay các nghi thức Phụng vụ. Họ đi lễ muộn về sớm. Có người thường nói chuyện trong thánh lễ, hoặc không chú tâm lắng nghe Lời Chúa qua các Bài đọc hoặc qua bài giảng của vị Linh mục chủ lễ. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta trong Bài đọc II: chúng ta không chạy theo dấu lạ giống người Do Thái hay tìm kiếm sự khôn ngoan theo kiểu người Hy Lạp, nhưng chúng ta tin theo Đấng chịu đóng đinh, tức là Đức Giê-su Ki-tô. Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ trần gian. Việc thờ phượng đích thực không dựa trên những chi tiết màu mè, hoành tráng bề ngoài, nhưng là sự gắn bó nội tâm, lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Đó cũng là “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”. Phụng vụ là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Dân nghe tiếng Chúa nói, rồi đến lượt cộng đoàn thưa với Chúa những tâm tình ước nguyện, thể hiện qua lời cầu nguyện của vị Chủ tế. Ước nguyện ấy còn được thể hiện cách cá nhân mỗi người tham dự, để qua đó chúng ta thực sự được gặp gỡ Chúa, được Ngài tiếp thêm nghị lực để tiếp tục bước đi trên đường đời.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

Hãy phá ngôi đền thờ này di" (Ga 2,19) | Tổng Giáo Phận Hà Nội

XÂY LẠI ĐỀN THỜ

 

Hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã nhìn thấy cảnh tượng chướng tai gai mắt nơi Đền thánh, người ta đã biến đền thờ Giêrusalem thành trung tâm thương mại.  Thật ra đây là sự tha hóa của ý hướng ban đầu nhằm cung cấp lễ vật cho khách hành hương để họ hoàn tất các nghi lễ theo đạo Do thái.  Theo truyền thống Do thái hằng năm những nam nhi từ 12 tuổi trở lên phải trẩy hội đền thờ Giêrusalem 3 lần để tôn kính Thiên Chúa cùng với lễ vật.

Đền thờ Giêrusalem ở miền Nam xứ Giuđa.  Lễ vật dâng tiến là bò, chiên, cừu, bồ câu.  Những lễ vật này cồng kềnh, không tiện cho khách hành hương phải mang theo từ Bắc xuống Nam 150Km.  Giải pháp là họ chỉ việc bán con vật đi cầm tiền tới đền thờ mua lại con vật khác làm của lễ.

Đồng tiền dâng cúng vào đền thờ là một loại tiền riêng, nó không mang hình tượng ký hiệu của hoàng đế Rôma, dân thập phương buộc phải đổi tiền địa phương nơi mình ở thành tiền dâng cúng.  Khách hành hương hàng năm đổ về đền thờ cần đổi tiền, cần mua súc vật làm lễ tế.  Việc nầy được anh em đồng đạo giúp đỡ tạo điều kiện mua sắm lễ phẩm là điều quý hóa, tuy nhiên dần dần mối ưu tư kinh tế xâm chiếm lòng con người.  Việc thờ phượng trở nên thương mại, đền thờ hóa thành nơi phố chợ. 

Người ta đánh mất tinh thần phục vụ tôn giáo, thay vào đó là lợi nhuận, đua tranh kinh tế, kình cãi nhau, biến thành thánh Giêrusalem thành nơi buôn bán.  Trong bối cảnh đó, chúng ta hiểu cơn nóng giận thánh thiện của Đức Giêsu khi lấy dây thừng làm roi, xua đuổi chiên bò, xô ngã bàn đổi tiền, và gào lên : “Đem tất cả những thứ này ra ngoài, ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (x. BàiTin Mừng. Ga 2, 13-25).  Việc xua đuổi nầy làm mất miếng ăn của hạng buôn bán, họ đối chất với Đức Giêsu, hạch hỏi Người về quyền bính.

Khi bị chất vấn dựa vào quyền nào mà làm như vậy.  Đức Giêsu đáp: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”.  Họ không hiểu lời đó của Người.  Thật ra Người nói về cái chết và sự phục sinh của thân xác Người.  Một lưu ý nhỏ, thánh Gioan đã đặt bài tường thuật thanh tẩy đền thờ ngay từ đầu đời rao giảng, khác với các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, đặt vào cuối đời của Đức Giêsu.  Tác giả cho thấy có sự xung đột giữa Người và dân Do thái, con đường cứu chuộc cam go của Người là chuỗi dài những xung đột, và ơn cứu chuộc được thực hiện bằng sự thất bại như Đền Thờ bị phá hủy, nhưng được phục hồi vào ngày thứ ba.  Cuộc xung đột lên tận đỉnh điểm, đưa Người tới cái chết thập giá. 

Bóng dáng tử nạn và phục sinh đã lãng vãng xuất hiện ngay buổi đầu rao giảng, mãi về sau các môn đệ mới hiểu ra lời tiên tri ám tàng này :“Khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó” (c. 22).  Phá đổ và dựng lại như một tái thiết sự tôn thờ Thiên Chúa mà sách Xuất hành đã tuyên cáo : “Ngươi không được có thần nào đối nghịch với ta” (x. Bài Đọc 1. Xh 20,1-17).  Dân chúng đã đặt vào đền thờ thần Mammon (thần tiền tài), nay bị xua đuổi ra khỏi Đền thờ, vì Đền thờ chỉ dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa mà thôi.  Tẩy uế đền thờ, Đức Giêsu trả lại việc tôn thờ cho Thiên Chúa.  Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ và lập lại trật tự thờ phượng theo đúng nghĩa cho nhà Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà con người có bổn phận thờ lạy mà thôi.

Qua hành động quyết liệt nầy Đức Giêsu chỉ cho nhân loại biết cách phải tôn thờ Thiên Chúa thế nào cho cân xứng.  Đức Giêsu đã ám chỉ đến một đền thờ khác, đó là chính thân thể của Người, nơi xứng đáng nhất cho việc tôn thờ Thiên Chúa.  Thân thể của Đức Giêsu Kitô là bản ký kết Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và con người.  Nơi đền thờ hoàn hảo này, của lễ xứng đáng nhất đã được Tư tế tuyệt đối thánh thiện dâng lên cho Thiên Chúa làm giá cứu chuộc nhân lọai.  Của Lễ, Bàn Thờ, Tư Tế là một thể duy nhất hội tụ nơi bản thân Đức Giêsu Kitô, cả ba trong một, cả ba nên một:  Bàn Thờ – Của Lễ – Tư Tế.

Cả bộ ba hoàn hảo hội tụ lại nơi bản thân Đức Giêsu Kitô tuyệt đối thánh thiện.  Như vậy một nghi lễ phụng tự mới, một tôn giáo mới, được thành lập do tư tế mới là Đức Giêsu khi đổ máu chính mình trên thập giá ở đồi Canvê vào ngày Thứ Sáu Thánh, từ đó một Dân mới được thiết lập.  Thánh lễ hay bí tích Thánh thể hằng ngày được dâng trên bàn thờ là ‘hiện-tại-hóa’ và hồi niệm việc đổ máu trên núi Sọ, tức là hiện-hồi-niệm (anamnèse) cách bí tích những gì xảy ra trên núi Sọ.

Ngày nay xã hội vô thần và tư bản có khuynh hướng tìm cách thay thế Thiên Chúa bằng thần tượng khác như tiền tài, tình yêu, sắc đẹp, quyền lực, lãnh tụ, làm như thế, con người lấy chính mình hay vật chất làm đối tượng cho việc phụng thờ. Liệu con người có thể cứu độ con người được chăng ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con can đảm xua đuổi khỏi tâm hồn mình những ngổn ngang, những thần tượng đủ lọai, chỉ để tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi, vì “Thiên Chúa là một vị thần hay ghen tương” (c.5. Bài Đọc 1), và vì Ngài đã chết cho con. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh

Giáo xứ Đức An, Pleiku

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

THANH TẨY ĐỀN THỜ

Suy niệm

Nhìn quang cảnh chợ búa bát nháo, hỗn độn ở sân đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu không thể chịu nổi tình trạng buôn thần bán thánh của các tư tế. Họ đã lợi dụng đền thờ làm nơi kinh doanh thu nhập bổ béo cho mình. Ngài đã ra tay xua đuổi tất cả những người buôn bán ra khỏi Đền thờ, hất tung tiền bạc và lật nhào bàn ghế của họ. Thái độ mạnh bạo của Đức Giêsu ở đây là trường hợp duy nhất cho thấy Ngài muốn trong sạch hóa đền thờ, muốn hoàn thành ước vọng của Cha theo lời ngôn sứ Dacaria: “Ngày ấy sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (14, 21). Đồng thời xác định lại lời của ngôn sứ Giêrêmia 7,1: “Đừng biến nhà Cha Ta thành cái chợ”.
Thực tế, tinh thần đạo giáo của Israel lúc đó đã suy thoái và bị tục hóa nặng nề. Chính giới thẩm quyền Do Thái giáo đã cho phép đám con buôn vào đây, và họ hưởng mối lợi khổng lồ từ những hoạt động thương vụ này. Việc buôn bán đó đã bóc lột những người nghèo. Họ phải đổi thành tiền của Đền thờ chỉ còn giá trị phân nửa, rồi phải mua lễ vật ở đó để dâng tiến Thiên Chúa với giá cao gấp mười lần. Chứng kiến những việc này nên lòng yêu mến công lý đã bốc cháy trong tim Đức Giêsu, khiến Ngài phải gây một cú sốc để mọi người thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của sự việc. Ngài biết rõ mối nguy hiểm khi dám làm như thế, nhưng điều đó lại ứng nghiệm câu Thánh vịnh:“Vì nhiệt tâm lo nhà Chúa mà con phải thiệt thân” (Tv 69, 10).
Người ta lấy làm lạ về thái độ của Chúa Giêsu, nhưng Ngài không làm như vậy mới lạ. Nếu Ngài chỉ nói nhỏ nhẹ thôi thì rõ ràng Ngài tỏ ra nhát đảm, vì sợ đụng chạm đến quyền lợi của thượng tế Khanan và nhóm tư tế trong Đền thờ. Nguy hiểm hơn nữa đó là sự khoan nhượng như dấu hiệu thỏa hiệp với sự dữ. Thái độ của Đức Giêsu ở đây là muốn khai trừ sự dữ hơn là giận dữ. Ngài không hành động theo cảm tính mà theo lẽ chân thật, và đó là điều mà ngôn sứ Isaia khẳng định: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân.” (Is 56,7).

Đứng trước những hành động mạnh bạo của Đức Giêsu, các viên chức Do Thái đòi dấu lạ để chứng tỏ Ngài có quyền làm như thế. Đức Giêsu trả lời gần như thách thức họ:“Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Thật sự họ đã phá hủy Đền thờ khi biến nơi đó thành hang trộm cướp, và bỏ mặc Đền thờ bị tàn phá như thời của ngôn sứ Giêrêmia, và sẽ ứng nghiệm một lần nữa vào
năm 70. Tuy nhiên, khi tuyên bố điều trên, Đức Giêsu không nhằm nói đến Đền thờ bằng gạch đá, nhưng nói đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thân thể được phục sinh của Ngài sẽ là Ðền Thờ mới, nơi nhân loại thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực.
Biến cố thanh tẩy đền thờ xảy ra gần ngày lễ Vượt qua của người Do Thái, nên đây cũng là hành động biểu trưng của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy: Ngài thay thế chỗ các tư tế Do thái, và xóa bỏ hình thức tế tự cũ để thay vào bằng một hiến lễ tinh tuyền là chính Ngài, mà Thiên Chúa đã loan báo qua ngôn sứ Malakia (1, 10-11). Nếu Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, thì từ đây sự gặp gỡ này được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô: Đấng cứu độ duy nhất.
Thái độ của Chúa Giêsu hôm nay là thái độ quyết liệt, không nhượng bộ: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây”. Phải chăng qua lời này, Chúa cũng nhắm vào mỗi người chúng ta, đòi ta phải triệt hạ cho bằng được mọi ngổn ngang và bừa bãi trong tâm hồn mình, đòi phải trong sạch hóa mọi tình trạng loang lỗ và tiêu cực nơi bản thân ta. Không thể là con cái Thiên Chúa khi chúng ta vẫn còn muốn làm nô lệ cho thế gian, hoặc trở thành kẻ hai lòng: vừa muốn dâng hiến cho Thiên Chúa lại vừa muốn sở hữu những vui thú lợi lộc ở đời.

Bài Phúc Âm hôm nay còn nhắc nhớ tâm hồn của mỗi người chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, là nhà cầu nguyện, là cung thánh, nơi thâm sâu nhất để sống kết hiệp với Chúa. Thiếu kết hiệp với Chúa trong đời sống hằng ngày, lòng ta dễ trở thành sào huyệt của bọn cướp, là tính vị kỷ, kiêu căng, ghen ghét, thống trị, chiếm hữu…Thân xác ta cũng là đền thờ của Thánh Thần. Có những đền thờ thánh thiêng đã trở nên phàm tục. Những đam mê vô độ của thân xác đã vô hiệu hóa quyền năng của Thánh Thần, Đấng luôn đem lại sức sống mới cho đời ta.
Mùa Chay là mùa tu sửa lại đền thờ tâm hồn mình, là mùa làm mới lại thái độ thờ phượng Thiên Chúa cách nghiêm túc với cả lòng tin mến. Ước chi chúng ta dám sống theo sự đòi hỏi đầy yêu thương của Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Đấng hiền lành và khiêm nhượng,
luôn hành động với tất cả tình thương,
nhưng rồi có lần Chúa nổi giận,
thấy đền thờ người gian lận bán buôn,
vô tâm biến Nhà Cha thành cái chợ,
không còn nơi thanh tịnh để tôn thờ.
Chúa thấy phải thanh tẩy đền thờ,
cho khỏi những ô uế và bợn nhơ,
khỏi tham lam và tráo trở lòng người,
đã biến nơi thánh thiêng thành phàm tục.
Hành động của Chúa cho con hiểu,
đã đến lúc đền thờ được thay thế,
bằng chính thân thể Chúa phục sinh,
để đem lại cho tất cả những ai tin,
dám dấn thân trên con đường ngay chính,
đạt tới Chúa là cuộc sống phúc vinh.
Qua Lời Chúa con cảm thấy chột dạ,
vì nhận ra tình trạng tâm hồn mình,

có những thứ ô nhơ và bất kính,
có bao nhiêu thói xấu đã thành hình,
những mưu mô và tính toan bất chính,
không xứng đáng đền thờ nơi Chúa ngự.
Xin thanh tẩy con khỏi điều ô uế,
cho con sống với tinh thần khổ chế,
để tâm con luôn chân thật sáng trong,
thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng.
Nhờ đó mà con sống trong ý thức:
tỏ lộ Chúa qua mọi việc,
biểu hiện Chúa ở mọi nơi,
nêu cao Chúa trong mọi lúc,
là an vui hạnh phúc của đời con. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(29/02/2024) KONTUM