Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm B (CN 17.12.2023) – Làm Chứng Về Ánh Sáng

Bài đọc 1: Is 61,1-2a.10-11

Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân,
2acông bố một năm hồng ân của Đức Chúa,
một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta.
10Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao !
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo,
tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.
11Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc,
như vườn tược cho nở hạt sinh mầm,
Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính,
làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.

Đáp ca: Lc 1,46-48.49-50.53-54 (Đ. Is 61,10b)

Đ.Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao.

46Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,47thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.48Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.

Đ.Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao.

49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !50Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Đ.Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao.

53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Đ.Nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao.

Bài đọc 21 Tx 5,16-24

Thần trí, tâm hồn và thân xác anh em phải được gìn giữ vẹn toàn trong ngày Chúa quang lâm.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

16 Thưa anh em, anh em hãy vui mừng luôn mãi 17 và cầu nguyện không ngừng. 18 Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su.

19 Anh em đừng dập tắt Thần Khí. 20 Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. 21 Hãy cân nhắc mọi sự : điều gì tốt thì giữ ; 22 còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.

23 Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm. 24 Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành : Người sẽ thực hiện điều đó.

Tung hô Tin MừngIs 61,1 (x. Lc 4,18)

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Ga 1,6-8.19-28

Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

6Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông : “Ông là ai ?” 20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng : “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” 21 Họ lại hỏi ông : “Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không ?” Ông nói : “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ?” Ông đáp : “Không.” 22 Họ liền nói với ông : “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông ?” 23 Ông nói : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” 24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông : “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ ?” 26 Ông Gio-an trả lời : “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” 28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

NIỀM VUI ĐANG ĐẾN

 

Nét vui tươi ghi đậm phụng vụ Chúa nhật thứ ba mùa Vọng. Tiên tri Isaia sống trước Chúa Cứu Thế sáu trăm năm, loan báo tin mừng hồi hương cho dân đang bị lưu đày ở Babylon: “Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa … Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa.  Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ cứu độ” (x. Bài Đọc 1. Is 61, 1-2a.10-11).  Đây là niềm vui giải phóng, niềm vui hồi hương.

Tin vui cứu độ được Đức Maria cảm nghiệm cụ thể khi lời sấm của ngôn sứ Isaia trở thành hiện thực nơi cung lòng Mẹ, khi Mẹ thưa với sứ thần truyền tin : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói(Lc 1,38) và Mẹ diễn tả niềm vui sung mãn đó trong Kinh Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Chúa (Kinh Magnificat). Mẹ lên tiếng ca tụng Thiên Chúa đã đoái thương thân phận mọn hèn của Mẹ, niềm vui cá nhân của riêng Mẹ được tuyển chọn làm mẹ Thiên Chúa; và niềm vui của cộng đồng Do thái được cứu độ theo như Lời Chúa đã hứa từ ngàn xưa. 

Niềm vui hoàn vũ nầy này vọng lại trong thư thánh Phaolô gửi cho tín hữu Thêxalônica đang chờ mong Chúa Cứu Thế trở lại: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (x. Bài Đọc 2. 1Tx 5, 16-24).  “Vì đã có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan.  Ông đến để làm chứng về ánh sáng” (x. Bài Tin Mừng. Ga 1, 6-8.19-28), làm chứng cho niềm vui cứu độ đã xuất hiện trên trần gian, đó là Đức Giêsu. Đây là khởi đầu niềm vui được Chúa Cứu Thế thực hiện bằng con đường nhập thể và nhập thế đi vào giữa nhân loại.  Niềm vui Thiên Chúa làm người, định cư giữa nhân loại, để nhân loại biết đường về trời.

Niềm vui cảm nghiệm mình được Thiên Chúa cứu chuộc được tiên báo qua nụ cười của bà Sara, vợ ông Ápraham, khi được báo tin con đầu lòng Ixáac sẽ ra đời, cho đến sự nhảy mừng của thánh Gioan khi còn trong lòng bà Isave.  Tất cả cho thấy niềm vui của buổi phụng vụ hôm nay như tô đậm nét hân hoan mà bà Isave cảm nghiệm khi đứa con thân yêu nhảy lên trong dạ mẹ, niềm sung sướng tràn trề của vị tiên tri cuối cùng Cựu Ước, tức Gioan Tẩy Giả gặp được Chúa Cứu Thế thời Tân Ước.  Niềm vui vỡ bờ hoành tráng và hoàn vũ.

Niềm vui vĩ đại đòi cung cách diễn tả hòanh tráng.  Tiền hô hậu ủng là phong cách nhân lọai của bất cứ đại vương nào khi hạ cố thăm thần dân của mình.  Sự long trọng của người tiền hô càng làm sáng tỏ uy quyền cao cả của nhân vật chính yếu đến sau. 

Đây là cung cách của vị tiền hô: Lối sống tu rừng khắc khổ và đơn sơ, cách ăn mặc kỳ dị và mộc mạc, lời rao giảng nghiêm khắc và cứng rắn của vị tiền hô Gioan gây thắc mắc cho những người thời bấy giờ đến phỏng vấn ông.  Tuy nhiên đứng trước niềm vui to lớn này vị tiền hô xóa mình đi.  Ông khiêm hạ thẳng thắn khẳng định mình không phải là Đấng Kitô, không phải là Êlia, không phải là ngôn sứ mà truyền thống Do thái mong đợi.  Ông khẳng định mình là tiếng kêu trong sa mạc, có sứ mạng dọn đường tâm linh, chỉnh đốn tâm đạo cho ngay thẳng để đón tiếp một nhân vật cao trọng âm thầm đang đến một cách bí bí ẩn: “ Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.  Người đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho người” (x. Bài Tin Mừng). 

Con người bí ẩn đó là Đức Giêsu, mà cho đến hôm nay, đối với các Kitô hữu, Người vẫn còn y nguyên là một mầu nhiệm cực lớn, đòi liên tục khám phá trong đời sống.  Tất cả những gì diễn tả về Người đều là mầu nhiệm đòi khám phá, sự hiện hữu của Người, quyền năng vô biên của Người, tình yêu cứu chuộc của Người đối với nhân loại, sự đồng hóa của Người nơi anh em hèn mọn, cả đến sự chết và sự phục sinh vinh hiển của Người đều là bí ẩn đòi khám phá không ngừng trong cuộc sống.

Thật vậy mỗi ngày người Kitô phải liên tục khám phá niềm vui trong gặp gỡ tha nhân để phát hiện con người bí ẩn đó, vì “Ngài ở giữa các ông mà các ông không biết”.  Không những khám phá niềm vui mà thôi, người Kitô hữu còn phải là tiền hô cho Chúa Cứu Thế nữa, sống vui tươi xây dựng xã hội trần thế, bởi vì Kitô hữu là người mang tin vui đến cho mọi người.  Tuy nhiên Người mang tin vui mà chính mình không vui là phi lý, là phản tác dụng, là phản bội sứ điệp loan báo Tin mừng. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết khám phá con người bí ẩn mà thánh Gioan nói đến: “Ngài ở giữa anh em mà anh em không biết”, con người đó có thể là láng giềng khó tánh, là người đồng nghiệp gặp họan  nạn, là bệnh nhân cần giúp đỡ, là người xa Chúa lâu ngày cần trở lại. Amen

Lm Kontum Lu-y Nguyễn Quang Vinh giáo xứ Đức An

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

LÀM CHỨNG

Suy niệm

Theo tâm lý chung, ai cũng có nhu cầu muốn khẳng định về chính mình để được người khác công nhận, được quí trọng, nhất là nhu cầu thể hiện bản thân (self – actualization). Đây là nhu cầu cao nhất trong năm nhu cầu cơ bản được hệ thống hóa do Abraham Maslow. Tuy nhiên, nhu cầu này có thể đi quá đà, tạo nên một sự lệch lạc nhân cách, có thể trở thành bệnh hoạn trong thế giới ảo, vì không nhận ra sự thật về chính mình cũng như những giá trị cốt lõi làm nên cuộc sống.
Cách riêng là tuổi trẻ, những người thích đánh bóng và tạo hào quang cho mình: hay thổi phồng bản thân mình, muốn nêu cao hơn những gì mình có, muốn biểu hiện hơn những gì mình là, để được mọi người nể nang và khâm phục. Tuổi trẻ sợ nhất và ghét nhất là thấy người khác coi thường mình, nên càng cương cố để thể hiện bản lãnh và đẳng cấp của mình bằng mọi giá. Nhưng càng làm thế lại càng không trung thực với lòng mình, càng trở nên giả tạo với người khác.
Nói chung, ai cũng dễ bị áp lực tâm lý do chính mình tạo nên, là sự thúc đẩy muốn thổi phồng bản thân để tìm sự công nhận của người khác. Đó là thái độ “ăn gian”, vì sợ mình không được yêu, không được đánh giá cao, nên cứ phải “trang điểm” cho mình bằng những cung cách hay những thứ bên ngoài như tài năng, bằng cấp, địa vị… thậm chí bằng cả đức độ. Dùng những thứ ngoại thân để thay thế bản thân là điều giả tạo. Sống như vậy là sống ảo. Triết học gọi đó là “vong thân”.
Bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy một con người trung thực và thẳn thắn trong tính cách và sứ mạng làm chứng cho Đức Giêsu, đó là Gioan Tẩy Giả. Vì thấy ông làm phép rửa trong nước, một nghi thức sám hối đặc biệt, khác với nhiều nghi thức thanh tẩy bên ngoài của các giáo phái thời đó, khiến giới lãnh đạo Do Thái ở Giêrusalem phải sai các vị tư tế và mấy thầy Lêvi đến chất vấn ông: Ông là ai? Ông có phải là ông Êlia hay một vị ngôn sứ không? Gioan cho họ biết mình chẳng là ai cả, càng không phải là Đấng Kitô, mà chỉ “là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”, và còn cho họ biết có Đấng cao trọng sẽ đến sau ông.

Câu trả lời đã thực phá tan sự hiểu lầm của giới lãnh đạo Do Thái giáo, đồng thời giới thiệu về Đấng cứu thế. Như chúng ta biết, Gioan Tẩy Giả, một con người có uy thế lớn lao trước mặt dân chúng. Đáng lẽ ông phải thừa cơ hội này để lãnh đạo dân Do thái, là những người đang suy tôn và ngưỡng mộ ông như một Đấng cứu thế. Ông đã không làm như thế, trái lại, còn khiêm tốn nói lên sự thật rất nhỏ bé về bản thân mình. Trước bao nhiêu tước hiệu cao quí và lòng kính trọng mà người ta dành cho ông, ông đều phủ nhận. Ông còn tự nhận mình không đáng cởi quai dép cho Đấng đến sau ông là Đức Giêsu.
Qua lối sống khổ hạnh, qua tính cách thẳng thắn, và qua lời chứng chân thật. Gioan cho người khác thấy được giá trị chân thực của mình, chỉ là người dọng đường cho Đấng Cứu Thế đến. Hành động như thế, ông mất đi vị thế của mình trong lòng người khác, nhưng ông biết đó chỉ là vị thế mà dân chúng gán cho. Là người sống chân thật nên Gioan mới có thể làm chứng cho sự thật. Sự thật đã giải thoát ông khỏi định kiến của dân chúng và đưa họ đến với sự thật là Đức Giêsu.
Khi Ngài xuất hiện, Gioan liền rút lui vào hậu trường. Ông biết mình phải nhỏ xuống để Đức Giêsu lớn lên. Ông nhận mình là tôi tớ để Đức Giêsu là người chủ. Ông đặt mình vào vị trí của cây đèn, để Đức Giêsu là ánh sáng. Ông cho mình là tiếng kêu để Đức Giêsu là Lời hằng sống.
Như Gioan, ơn gọi của mỗi người chúng ta cũng chính là chứng nhân cho Đức Kitô. Không thể làm chứng nếu không sống trung thực với chính mình và tha nhân. Do tính muốn thể hiện hơn những gì mình có, muốn sống hơn những gì mình là, nên chúng ta dễ có khuynh hướng nói quá về bản thân mình, và như thế không còn khả năng phản ảnh về sự thật. Đời Kitô hữu chúng ta cũng cũng chỉ là những áng mây trong bầu trời Thiên Chúa, nhưng khi“Ánh sáng xuyên qua những áng mây, người ta đoán biết là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng đoán biết được có Đức Kitô”. (Teilhard de Chardin).
Ước chi đời nhân chứng của chúng ta cũng giống như Goan Tẩy giả, dám sống hồn nhiên, đơn sơ, chân thật, nhất là dám nhỏ xuống để Đức Kitô được lớn lên trong lòng người. Ta đừng sợ phải nhỏ xuống, vì khi Đức Kitô lớn lên trong ta thì ta lại được lớn lên trong Ngài. Nhờ vậy, khuôn mặt Đức Kitô lại càng chiếu sáng trên cuộc đời của chúng ta, và qua chúng ta, niềm vui ơn cứu độ lại tỏa lan đến mọi người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Con thấy Gio-an Tẩy Giả thật tuyệt vời,
đã vào đời bằng nếp sống khổ tu,
một thanh niên không màng gì vui thú,
không chạy theo danh vọng hay thành đạt,
không bon chen như bao người trẻ khác,
mà chuyên chăm sống ơn gọi đời mình.
Gio-an dám dấn thân cho lý tưởng,
là hiến mình để loan báo tình thương,
nhờ cầu nguyện tìm ra một con đường,
đó chính là con đường làm nhân chứng,
cho Đấng mà ông biết sẽ đến sau,
Đấng đem lại ơn cứu rỗi nhiệm mầu.
Lẽ sống của Gio-an là làm chứng,
nên ông đã phủ nhận mọi danh hiệu,
và mọi điều mà người ta gán cho ông,
ông đã tự xưng ra trước đám đông,
mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa,
để dọn đường cho Đấng Ki-tô đến.
Dù ông được bao nhiêu người ngưỡng mộ,
không vì thế mà biểu lộ uy quyền,
không chớp lấy cơ hội cách ngang nhiên,
không lợi dụng mọi người như phương tiện.
Gio-an còn từ bỏ cách hồn nhiên,
khi để các môn đệ mình theo Chúa,
ông đã sống khiêm nhu và trung thực,
nên lời chứng của ông càng đáng tin.

Chúa cũng đã gọi con làm nhân chứng,
nhưng đời con chưa khiêm nhường trung thực,
nên con nói về Chúa chẳng ai tin,
xin cho con tu tập lại đời mình,
biết lo sống một cuộc đời ngay chính,
để danh Chúa được mãi mãi tôn vinh. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(14/12/2023) KONTUM