Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em.
Bài trích sách Xuất hành.
3 Ngày ấy, khi từ núi Xi-nai xuống, ông Mô-sê thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp : “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.” 4 Ông Mô-sê chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. 5 Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. 6 Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. 7 Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa : “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” 8 Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói : “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.”
Đ.Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
12Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ
vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?13Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Đ.Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
15Đối với Chúa thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người.16Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ,
tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.
Đ.Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
17Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn,
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.18Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người.
Đ.Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Máu của Đức Ki-tô thanh tẩy lương tâm chúng ta.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
11 Thưa anh em, Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. 12 Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. 13 Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, 14 thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.
15 Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Ha-lê-lui-a.
Đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
12 Hôm ấy, nhằm ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su : “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu ?” 13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ : “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. 14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà : Thầy nhắn : ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào ?’ 15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng : và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.” 16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
22 Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói : “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” 23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. 24 Người bảo các ông : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. 25 Thầy bảo thật anh em : chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”
26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
HÃY NHẬN LẤY MÀ ĂN
Trước tình trạng giảm sút người tham dự Thánh lễ tại Hoa Kỳ, nhất là từ sau đại dịch Covid-19, Hội đồng Giám mục nước này đang thực hiện một phong trào được gọi là “Phục hưng Thánh Thể”, với mục đích mời gọi các tín hữu hãy trở lại với truyền thống yêu mến Thánh Thể của Giáo hội. Phong trào này kéo dài trong 3 năm, bắt đầu từ ngày 19/6/2022. Và đỉnh cao của cuộc phục hưng là Đại hội Thánh Thể Toàn quốc sẽ diễn ra ở Indianapolis từ ngày 17 đến 21/7/2024.
Với cuộc phục hưng này, các vị chủ chăn của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ muốn khẳng định: các cuộc khủng hoảng đức tin, gia đình, luân lý, xã hội của thời đại này chỉ có thể chữa lành bằng phương thuốc thiêng liêng là bí tích Thánh Thể. Quả vậy, một thế giới phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, sẽ tự huỷ diệt và biến thành bãi chiến trường, bạo lực sẽ tràn lan. Bí tích Thánh Thể được gọi là “Bí tích cực trọng”, vì Chúa Giê-su thực sự hiện diện trong bí tích này. Đó không chỉ là sự hiện diện thụ động khô khan, mà Chúa còn trở nên của ăn của uống cho các tín hữu. Đến với bí tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta gặp gỡ Chúa, nhờ đó những tổn thương được phục hồi và những khiếm khuyết nơi con người sẽ được nâng đỡ.
Cùng với phong trào “Phục hưng Thánh Thể”, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ mời gọi mỗi tín hữu hãy mời một người trở lại nhà thờ. Những người này đã lâu không còn tham dự Thánh lễ và không sinh hoạt với cộng đoàn. Việc làm này thể hiện ý nghĩa của bí tích Thánh Thể, là Bí tích của tình hiệp thông – hiệp thông với Chúa và với anh chị em. Sáng kiến phục hưng đức tin và lòng yêu mến Thánh Thể sẽ bao gồm việc phát triển các tài liệu giảng dạy mới, đào tạo cho các lãnh đạo giáo phận và giáo xứ, ra mắt trang web dành riêng cho việc phục hồi lòng yêu mến Thánh Thể, và triển khai một nhóm đặc biệt gồm 50 linh mục, những vị sẽ đi khắp đất nước để rao giảng về bí tích Thánh Thể.
Tại Việt Nam chúng ta, các buổi cử hành Thánh Thể và Chầu Mình Thánh quy tụ rất đông tín hữu tham dự, đó là điều đáng mừng. Tuy vậy, lòng yêu mến Thánh Thể nơi nhiều tín hữu vẫn chỉ đóng khung ở sinh hoạt cộng đoàn, khá ít người dành thời gian để cầu nguyện riêng và thinh lặng trước Thánh Thể. Thiếu những giây phút cầu nguyện riêng trước Thánh Thể, người tín hữu khó có thể gặp gỡ thân tình cá vị với Đức Giê-su. Phong trào “Phục hưng Thánh Thể” của Giáo hội Hoa Kỳ nhắc chúng ta cần sống mầu nhiệm Thánh Thể một cách rõ nét và hiệu quả hơn.
“Hãy nhận lấy mà ăn!”. Đây là lời của Chúa Giê-su, khi Người thiết lập bí tích Thánh Thể. Đây không phải là một lời nói có ý nghĩa tượng trưng hay dùng hình ảnh so sánh. Đức Giê-su hiến mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng đức tin của tín hữu. Như người mẹ sẵn sàng hy sinh mọi sự cho con mình, Đức Giê-su để lại cho trần gian chính máu thịt mình. Thánh Thể là bí tích yêu thương. Nơi Thánh Thể, Chúa Giê-su hiện diện âm thầm khiêm tốn, để gặp gỡ và lắng nghe những nỗi niềm của nhân thế. Ngài cùng đi với con người trong mọi nẻo đường của cuộc sống còn nhiều thử thách chông gai.
Qua các Bài đọc Lời Chúa của năm B, Phụng vụ dẫn chúng ta khởi đi từ lễ nghi Cựu ước đến lễ nghi của Tân ước. Những gì đã được thực hiện trong thời Cựu ước, chỉ là hình bóng cho lễ nghi của Tân ước. Thánh Phao-lô cũng đề cập tới so sánh này trong Bài đọc II. Nếu trong Cựu ước, lễ dâng là máu bò máu dê, thì đến thời Tân ước, lễ dâng là chính máu của Chúa Giê-su, Con Chiên vẹn sạch. Đức Giê-su là Chiên Vượt qua mới, gánh trên vai mình tội lỗi của muôn dân. Người chịu phạt thay cho con người ở mọi thời đại. Người là Của Lễ Toàn Thiêu, dâng hiến mình trên thập giá. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học hy sinh, sống vì hạnh phúc của tha nhân, khiêm tốn phục vụ và yêu thương mọi người.
“Hãy nhận lấy mà ăn!”. Chúa đang nói với chúng ta như đã nói với các môn đệ năm xưa. Ăn Thịt Chúa và uống Máu Chúa là kết hợp mật thiết với Người, nhờ đó được chia sẻ sức sống siêu nhiên của Người. Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta được cải hóa tâm hồn và dần dần trở nên giống như Chúa, được ở trong Người, như lời Người nói: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy”. Một khi được nuôi dưỡng bằng Thịt và Máu Chúa Giê-su, các tín hữu cũng được mời gọi sống hiệp thông hài hoà với anh chị em mình. Thánh Phao-lô viết cho giáo dân Cô-rin-tô: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17).
Hãy đến với Chúa Giê-su Thánh Thể để tôn vinh tình yêu thương của Thiên Chúa. Hãy năng nhận lãnh lương thực thiêng liêng để chúng ta được thần linh hoá và được nếm hưởng hạnh phúc Thiên đàng ngay khi còn sống nơi dương thế.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
MÁU TÔI THẬT LÀ CỦA UỐNG