Chúa Nhật V Thường Niên, Năm B (CN 04.02.2024) – Đức Giêsu Chữa Nhiều Kẻ Ốm Đau

Bài đọc 1: G 7,1-4.6-7

Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.

Bài trích sách Gióp.

1 Bấy giờ, ông Gióp lên tiếng nói :

Cuộc sống con người nơi dương thế
chẳng phải là thời khổ dịch sao ?
Và chuỗi ngày lao lung vất vả
đâu khác gì đời kẻ làm thuê ?
2Tựa người nô lệ mong bóng mát,
như kẻ làm thuê đợi tiền công,
3cũng thế, gia tài của tôi là những tháng vô vọng,
số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề.
4Vừa nằm xuống, tôi đã nhủ thầm : “Khi nào trời sáng ?”
Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi : “Bao giờ chiều buông ?”
Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.
6Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa,
và chấm dứt, không một tia hy vọng.
7Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho,
cuộc đời con chỉ là hơi thở,
mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ.

Đáp ca: Tv 146,1-2.3-4.5-6 (Đ. x. c.3a) 

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

1Hãy ca ngợi Chúa đi !
Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào !
Được tán tụng Người, thoả tình biết mấy !2Chúa là Đấng xây dựng lại Giê-ru-sa-lem,
quy tụ dân Ít-ra-en tản lạc về.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

3Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
những vết thương, băng bó cho lành.4Người ấn định con số các vì sao,
và đặt tên cho từng ngôi một.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

5Chúa chúng ta thật là cao cả,
uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường !6Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy,
bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen.

Đ.Hãy ca ngợi Chúa đi !
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ.

Bài đọc 2: 1 Cr 9,16-19.22-23

Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

16 Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng ! 17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công ; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. 22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

Tung hô Tin Mừng: Mt 8,17

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mc 1,29-39

Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

SỐNG VÌ NGƯỜI KHÁC

Sống trên đời, con người không phải là một hòn đảo đơn côi, nhưng sống với, sống vì và sống cho người khác. Lịch sử ghi nhận, có những người hiện hữu trên đời, tuổi thọ không được bao năm mà để lại cho hậu thế những di sản tốt đẹp. Họ là người biết sử dụng thời gian, đồng thời biết sống vì người khác. Danh thơm tiếng tốt của họ còn lưu danh thiên cổ. Người đời nhắc đến tên họ với niềm kính phục biết ơn.

Xã hội hôm nay ngày càng được cải thiện, với những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, mối tương quan liên vị xem ra càng ngày càng trở nên khô khan. Tình người và đạo hiếu, trong nhiều trường hợp, chỉ còn đọng lại ở những trang sách và thơ ca. Trong cuộc sống thường ngày, người ta ít có trách nhiệm đối với nhau. Hậu quả là những xung đột, xô xát, cướp bóc và giết người. Nền kinh tế mang danh “kinh tế thị trường” được so sánh như một chiến trường, tức là “anh sống thì tôi chết và ngược lại”. Do đó, cuộc sống trở nên nghiệt ngã, bất bao dung, khiến con người càng ngày càng vô cảm, thậm chí hoang dã với đồng loại.

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kể lại những việc làm của Chúa Giê-su trong một ngày. Từ sáng đến tối, tất cả những gì Chúa làm đều nhằm mục đích phục vụ con người. Người đem đến cho nhân loại ơn chữa lành, hàn gắn những đổ vỡ, xây dựng tình thân ái và giúp con người tìm thấy nghị lực sống. Câu kết thúc của bài Tin Mừng như một kết thúc “mở”. Sau một ngày làm việc vất vả, Chúa Giê-su tiếp tục lên đường đến những thành phố và làng mạc khác. Người không dừng chân lâu ở một nơi nào, vì Người đến trần gian cốt để đem niềm vui và sự chữa lành cho con người.

Mặc dù bận rộn suốt ngày, Chúa Giê-su không quên dành thời giờ để tâm sự với Chúa Cha. Sáng sớm, lúc trời còn tốt mịt, Chúa đã đi đến nơi hoang vắng để cầu nguyện. Cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Cha là nguồn nghị lực để Chúa Giê-su tiếp tục sứ mạng Chúa Cha trao phó. Chúa Giê-su đã tuyên bố: Người luôn làm theo ý Chúa Cha. Người chỉ làm những gì mà Chúa Cha muốn cho Người làm. Ý Chúa Cha rất quan trọng và là lương thực hằng ngày đối với Chúa Giê-su.

Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cảm thấy thời gian trôi đi đơn điệu và vô nghĩa. Đó là trường hợp của ông Gióp, một nhân vật của Cựu ước. Khi chiều xuống, ông mong sao tới sáng; khi ngày lên, ông lại chờ đợi hoàng hôn. Chính trong lúc cô đơn này mà ông Gióp cảm nhận quyền năng của Thiên Chúa. Nếu cuộc đời này chóng qua vô thường, thì Thiên Chúa lại bền vững vô song. Tình thương của Ngài trải rộng suốt bề dày của lịch sử, luôn ấp ủ đỡ nâng chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Cuộc sống này xưa nay vẫn thế, nhưng mỗi người làm cảm nhận tuỳ tâm trạng và niềm tin của mình. Ki-tô hữu là người tin vào Thiên Chúa quyền năng, để rồi trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều trung tín với Ngài.

Đức tin Ki-tô không chỉ dừng lại ở những câu chữ hoặc những lễ nghi, mà còn phải được hiện thực hoá trong cuộc sống cụ thể. Thánh Phao-lô tự nhận mình là nô lệ của mọi người. Ông cố gắng để trở nên mọi sự cho mọi người, như ông viết trong thư gửi giáo dân Cô-rin-tô: “Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng” (Bài đọc II). Với những cố gắng thiện chí của mình, vị Tông đồ dân ngoại chính là “bản sao” của Chúa Giê-su, Đấng đã dành trọn cuộc đời và thời giờ để phục vụ con người và mang lại cho họ niềm vui, hạnh phúc.

Cùng với tác giả Thánh vịnh 146 (Đáp ca), chúng ta hãy ca ngợi tình thương của Chúa, vì Ngài là Đấng chữa lành, băng bó những vết thương và mang lại niềm hy vọng cho những ai trông cậy Ngài. Đức Giê-su vẫn đang tiếp tục chữa lành chúng ta. Hãy đến với Người, để được Người nâng đỡ bổ sức, như Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Để được Chúa đỡ nâng, chúng ta cũng phải nâng đỡ nhau, trong tình huynh đệ và tình đồng loại. Như thế, cuộc sống này sẽ ý nghĩa hơn và tươi đẹp hơn, vì được thấm đượm chất men Tin Mừng.

Chúng ta đang chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn. Hương sắc mùa xuân đã tràn ngập mọi nơi, từ trong nhà ra ngoài phố. Mùa Xuân sẽ ý nghĩa và sẽ ấm áp hơn, nếu chúng ta biết chia sẻ nâng đỡ những người kém may mắn. Đem cho họ sự đỡ nâng, tức là đem cho họ mùa xuân an bình. Xin Thiên Chúa là Chúa Xuân giáng muôn phúc lộc cho chúng ta.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

THIÊN CHÚA CHỮA LÀNH

 

 Khi đứng trước đau khổ, bệnh tật, chiến tranh và đủ thứ tai ương họan nạn do thiên nhiên gây ra hay do ác tâm của con người tạo nên, nhiều người suy nghĩ như ông Gióp cho rằng cuộc sống chỉ là nô dịch khổ sai.  Vấn đề sự Dữ, thật khó giải quyết một cách thỏa đáng.  Có thể hiểu rằng Dữ là thiếu đi sự hoàn thiện, một trẻ em sinh ra thiếu đi cánh tay, đó là đau Khổ, đó là Dữ.  Kinh thánh nói gì về vấn đề Dữ này?  Thiên Chúa không dựng nên sự Dữ vì Người vô cùng tốt lành.

Thân phận con người có những giới hạn của nó mà trong một mức độ nào đó con người có niềm tin, tìm được cho mình lời giải đáp, dĩ nhiên là không hoàn toàn thỏa đáng khi gặp tai nạn, tức là sự Dữ.  Không thiếu gì người suy nghĩ và phát biểu cách phản loạn như ông Gióp: “Số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề”. “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao?” (x. Bài Đọc 1. G 7,1-4.6-7).

Kinh thánh không phải là triết thuyết nhằm lý luận để giải quyết vấn đề sự Dữ.  Khách quan mà nói Dữ là vấn đề thường nhật con người gặp phải nhưng không dễ giải quyết, người ta có thể mô tả làm sao sự Dữ xảy ra, nhưng người ta không hiểu lý do tại sao sự Dữ lại có mặt trên trần gian nầy.  Dữ là “khách” không mời mà đến, Dữ không có trong danh sách tạo dựng từ ban đầu, Dữ gây xáo trộn nơi bản thân, trong gia đình và nơi xã hội. Đây là vấn đế lớn mà triết học cố gắng giải thích, nhưng chưa có đáp án.  Thử tìm câu trả lời nơi cung cách hành xử của Đức Giêsu.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một ngày làm việc tất bật của Đức Giêsu từ sáng đến tối: Rao giảng nơi Hội đường, chữa lành nhạc mẫu của ông Simôn khỏi cơn sốt.  “Chiều đến, người ta đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám”.  Đức Giêsu chữa nhiều bệnh nhân và trừ quỷ.  Sáng sớm Người ra nơi thanh vắng và cầu nguyện.  Mặc cho dân chúng ở đó tìm Người, Đức Giêsu đi nơi khác và tiếp tục rao giảng vì đó là ý hướng của Người (x. Bài Tin Mừng. Mc 1, 29-39).  Như thế chúng ta thấy Đức Giêsu không đứng về sự Dữ, không bằng lòng với sự Dữ, Người chữa lành bệnh nhân và giúp con người thóat khỏi bệnh hoạn tật nguyền, cũng như chữa người bị quỷ ám, Người đẩy lùi đau Khổ, tức là đẩy lùi sự Dữ.

Não trạng Do thái cho rằng Xa-tan sinh ra tội lỗi, tội lỗi sinh ra bệnh tật, và sự chết là bệnh lớn nhất, được hiểu sự chết là kết quả cuối cùng của tội.  Chữa được bệnh tức là trừ được tội, trừ được tội là chiến thắng Xa-tan.  Cách suy nghĩ cho rằng “bệnh tật là do tội lỗi” không hoàn toàn đúng, nhưng không sai trong một số trường hợp, như uống rượu quá nhiều đâm mất trí, mất trí do tội uống quá nhiều rượu.

Hãy quan sát cách Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (c. 31).  Đức Giêsu đã không dùng phương tiện điều khiển từ xa (remote contrôle), phán một lời hay ra lệnh, nhưng có sự tiếp xúc ân cần trực tiếp với bệnh nhân, như một sự cảm thông nhân loại.  Tuy nhiên nhận xét thấy có yếu tố quyết liệt và dứt khoát giữa sự hiện diện của Đức Giêsu và cơn sốt, một sự ‘không đợi trời chung’ xảy ra khi Đức Giêsu tiếp xúc với cơn sốt (tức là kết quả của tội) : “cơn sốt dứt ngay”.  Nghĩa là Thiên Chúa không đội trời chung với tội lỗi, sự hiện diện của Người triệt tiêu ngay cơn bệnh tức tiêu diệt ngay kết quả của tội.

Qua cử chỉ tiếp xúc cho thấy bệnh nhân được trân trọng và có thế giá đối với Đức Giêsu.  Người đối xử rất nhân từ với bệnh nhân: “lại gầy, cầm lấy tay”, cử chỉ rất ‘người’ mà chúng ta thường thấy nơi Đức giáo hoàng Phanxicô khi ngài ôm hôn những bệnh nhân, hay người khuyết tật.  Điều này cho chúng ta hiểu rằng cho dù có khi chúng ta bị sốt, tức gặp khủng hỏang nơi bản thân, trong gia đình, thì Đức Giêsu vẫn đứng về phía chúng ta để chống lại sự Dữ tức tội lỗi.

Có sự biện phân rõ ràng giữa tội nhân và tội lỗi, tội nhân thì đáng thương, nhưng tội lỗi thì không.  Khi tiếp xúc với Đức Giêsu, chúng ta được cảm thông,  nâng đỡ, tái lập thế  quân bình và phục hồi sức lực.  Người giúp chúng ta vượt qua khủng hoảng, ổn định trật tự tâm linh, tháo gỡ các thứ xáo trộn gây căng thẳng trong đời sống, thứ bệnh mà thường xuyên chúng ta gặp phải.  Trong suy tư đó cho thấy rằng con người có khi là bệnh nhân đáng thương hơn là tội nhân đáng nguyền rủa. 

Lạy Chúa Giêsu, cho dù chúng con không tìm được câu trả lời minh bạch về sự Dữ, thì chúng con cũng xác tín rằng Chúa luôn đứng về phía chúng con để nâng đỡ và giúp chúng con chống lại sự Dữ. Xin Chúa hãy đến tiếp xúc khi con lâm bệnh xa Chúa. Amen

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

WGPKT(31/01/2024) KONTUM