Chúa Nhật VII Phục Sinh, Năm B (CN 12.05.2024) – Chúa Thăng Thiên – Ngự Bên Hữu Thiên Chúa

Bài đọc 1Cv 1,1-11

Đức Giê-su được cất lên ngay trước mắt các ông.

Khởi đầu sách Công vụ Tông Đồ.

1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ đầu 2 cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giê-su truyền cho các ông không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, “điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là : ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.”

6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không ?” 7 Người đáp : “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”

9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11 và nói : “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”

Đáp ca: Tv 46,2-3.6-7.8-9 (Đ. c.6) 

Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

2Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi !
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo !3Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.

Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

6Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.7Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,
đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta !

Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

8Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.9Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.

Đ.Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và.

Bài đọc 2: Ep 1,17-23 

Thiên Chúa đã đặt Đức Ki-tô ngự bên hữu Người trên trời.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

17 Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. 18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, 20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. 22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh ; 23 mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.

Tung hô Tin Mừngx. Mt 28,19a.20b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mc 16,15-20

Đức Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.

Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

ĐƯỢC THÁNH HIẾN

Nói đến “thánh hiến” chúng ta thường nghĩ ngay đến những người sống ơn gọi tu trì, tức là linh mục và tu sĩ. Thực ra, ơn gọi thánh hiến là ơn gọi chung cho mọi tín hữu. “Thánh hiến” là được dâng cho Chúa và thuộc về Ngài, để trở nên giống như Chúa là Đấng Thánh. Bí tích Thanh Tẩy làm cho chúng ta được thánh hiến để trở nên giống như Đức Giê-su, trở nên nghĩa tử của Chúa Cha. Khi nói những người sống bậc tu trì là “đời sống thánh hiến”, chúng ta nhấn mạnh tới việc các vị ấy tình nguyện dâng hiến cuộc đời cho Chúa trong Bí tích Truyền chức hay trong nghi thức khấn dòng. Nhờ Bí tích Truyền chức và nghi thức khấn dòng, những người sống bậc tu trì ước nguyện nên thánh một cách triệt để đối với bản thân, và nỗ lực cộng tác để giúp người khác cũng được nên thánh.

Nên thánh là ơn gọi chung của các Ki-tô hữu. Chúa Giê-su đã mời gọi: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành”. Tin Mừng hôm nay ghi lại một phần lời cầu nguyện của Đức Giê-su. Lời nguyện này thường được gọi là “lời nguyện tư tế”, vì Đức Giê-su cầu nguyện cho các môn đệ, là những người sẽ phải đối diện với nhiều thử thách gian nan trong sứ mạng làm chứng cho Chúa. Trong lời cầu nguyện này, Chúa Giê-su nói với Chúa Cha: “Con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ (tức là các môn đệ) cũng được thánh hiến. Như thế sự thánh hiến nơi Chúa Giê-su và nơi người Ki-tô hữu vừa giống nhau vừa khác biệt. Khác ở chỗ Chúa Giê-su tự thánh hiến chính mình, còn chúng ta không thể tự thánh hiến mà phải nhờ ơn của Chúa. Điểm giống nhau ở chỗ, khi đã được thánh hiến, chúng ta nên giống như Chúa Giê-su và giống như Chúa Cha. Quả vậy, như nói ở trên, nên thánh là nên giống Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su đã về trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Cách nói này diễn tả Chúa Giê-su có quyền năng và được tôn vinh như Chúa Cha. Cộng đoàn Ki-tô hữu từ nay không còn được gặp Chúa Giê-su hữu hình như trước nữa. Tuy vậy, dù xem ra như vắng mặt, Chúa Giê-su vẫn hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu, ở mọi nơi mọi thời, như Chúa đã hứa với các môn đệ trước khi về trời: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ý thức trách nhiệm Chúa Giê-su trao phó trước khi Người về trời, các tông đồ đã tìm cách củng cố cộng đoàn, vượt lên kinh nghiệm thương đau do sự phản bội của Giu-đa. Các ông không vì Giu-đa mà mất đức tin hay nản lòng trong hành trình theo Chúa Giê-su. Giu-đa đã tự chọn lựa con đường cho mình. Ông đã mất niềm hy vọng vào lòng thương xót của Chúa và ông đã tự tìm đến cái chết một cách thương tâm. Để bổ sung người thay thế Giu-đa cho đủ số 12 tông đồ tượng trưng cho 12 chi tộc Ít-ra-en, các tông đồ đã chọn ông Mát-thi-a, và ông này được kể như tông đồ.

Theo Chúa là ơn gọi trải dài suốt cuộc sống. Bí tích Thanh Tẩy, dù có ơn phù trợ của Chúa, không phải là một chiếc đũa thần biến đổi chúng ta lập tức ra một người khác. Để theo Chúa trọn vẹn, người tín hữu cần cố gắng kiên trì và hy sinh. Chúa Giê-su đã khích lệ động viên chúng ta: “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Trong Giáo Hội, thời nào cũng có những xì-căng-đan. Thời nào cũng có những bê bối nội bộ. Tuy vậy Giáo Hội là công trình của Chúa, nên những yếu đuối của con người không thể phá huỷ được Giáo Hội. Đương nhiên những bê bối đó làm lu mờ và biến dạng hình ảnh Giáo Hội thánh thiện của Chúa Giê-su, nhưng không thể huỷ diệt Giáo Hội. Người Ki-tô hữu trưởng thành phải tập để hiểu những gương xấu trong Giáo Hội và nhìn chúng với lăng kính đức tin. Nói như thế không phải để dung dưỡng bao che những người làm điều xấu. Những ai chủ động hay vô ý gây ra những bê bối, thì phải chịu trách nhiệm trước Chúa và trước Giáo Hội.

Các Bài đọc II trong Mùa Phục sinh thường trích từ các thư của Thánh Gio-an Tông đồ. Vị Tông đồ được Chúa Giê-su yêu mến, khi về già, đã cảm nghiệm được cốt lõi của đời sống Ki-tô hữu, đó là tình yêu. Vì vậy, ông nhắc đi nhắc lại hai từ này, như một điệp khúc trong bản trường ca cuộc đời. Khi thực hành đức yêu thương, người tín hữu được ở lại trong Chúa, được hòa quyện và nên một với Người. Nền tảng của lời mời gọi yêu thương này, là Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Khi yêu thương, người ta được gặp gỡ Chúa. Họ thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc, ngay khi còn sống ở đời này. Thánh Gio-an là người đã định nghĩa Thiên Chúa một cách mới mẻ và táo bạo: Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4,8). Chắc chắn cuộc đời của vị Tông đồ đã thấm nhuần tình yêu của Đức Giê-su, và ông cũng cảm nhận được những hoa trái thiêng liêng mà người tín hữu đón nhận khi thực thi đức yêu thương đối với anh chị em mình.

Chúng ta, Ki-tô hữu, đều là những người được thánh hiến. Mục đích đời sống của chúng ta là ngày càng trở nên giống Chúa Giê-su. Chúng ta đọc trong kinh Vinh Danh: “Vì lạy Chúa Giê-su Ki-tô, chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối cao”. Nên giống như Chúa, đó là điều kiện để chúng ta cảm nhận bình an và hạnh phúc thật sự trong tâm hồn và trong cuộc đời, và từ đó chúng ta có thể làm chứng cho tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

NGƯỚC MẮT NHÌN TRỜI

Được về trời là ước vọng hạnh phúc duy nhất của tất cả mọi Kitô hữu vì quê thật chúng ta ở trên trời.  Một giấc mơ trở thành hiện thực đối với Đức Giêsu và đối với Đức Trinh Nữ Maria, chắc chắn hai vị nầy có mặt tại thiên đường, ‘ước mơ thành hiện thực’ nầy còn được tiếp tục nơi những người tin vào Chúa Giêsu Kitô, chính Người là mối hy vọng, là hoài bão to lớn nhất của người tín hữu.  Theo Kinh thánh, Đức Giêsu sau khi sống lại, Người ở trần gian 40 ngày, rồi ngự về trời.

‘Lên trời’ chắc hẳn, không được hiểu theo nghĩa vật lý như chiếc máy bay lao vào không gian.  Đúng hơn phải hiểu đây là giai đoạn Đức Giêsu chấm dứt xuất hiện hữu hình ở trần gian với các môn đệ, Người đi vào một sự hiện diện mới, hiện diện vô hình nhưng hữu hiệu.  Thời gian Đức Giêsu hiện diện giữa trần gian: Người sinh ra và lớn lên như bao nhiêu người bình thường, người đồng hương tiếp xúc ăn uống với Người; sau khi sống lại, Người chỉ xuất hiện cho những ai cần củng cố niềm tin nơi họ, Người hiện ra cho Phêrô, cho Maria Mađalêna, cho nhóm Mười hai, cho các môn đệ làng Emmau.

Lên trời là một hình thức hiện diện mới, đây là sự hiện diện vô hình, hiện diện ‘ảo’.  Hiện diện ảo không có nghĩa là ảo ảnh phi thực tế, thật ra đó là điều hiện thực xảy ra ở một nơi xa xăm, được phản chiếu lại qua màn ảnh, để người ở xa vẫn theo dõi những gì là hiện thực đang xảy ra (présence virtuelle = hiện diện ảo, ví dụ xem bóng đá trên tivi, có thực nhưng không thực như trên sân cỏ), trong lãnh vực tôn giáo thì cần phải có đức tin mới nhận ra hiện hữu nầy.  

Chính vì vậy lễ Thăng Thiên nhấn mạnh đến sứ điệp Rao Giảng Tin Mừng hơn là nhấn mạnh đến sự kiện thăng thiên: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo cho mọi loài thọ tạo (x. Bài Tin Mừng Mc 16, 15-20).  Sau khi Đức Giêsu ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ, nói tiếng lạ, cầm rắn và uống nhằm thuốc độc cũng không sao thì Người ngự về trời trước mặt các môn đệ.

Hai ngàn năm sau lệnh truyền giáo đó, Giáo Hội vẫn còn ở bước khởi đầu trong việc rao giảng Tin Mừng, nhất là tại lục địa Á châu này, lục địa đông dân nhất thế giới nhưng cũng ít nhất về số lượng người công giáo.  Một sứ mệnh cao cả và rộng lớn được trao cho nhóm môn đệ lúc bấy giờ còn chưa am tường về ơn cứu độ; ngay trước lúc Đức Giêsu ngự về trời có môn đệ còn hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” (x. Bài Đọc 1. Cv 1, 1-11); họ vẫn còn bán tín bán nghi việc Đức Giêsu sống lại.

Bà Maria Mađala người phụ nữ đầu tiên được Đức Giêsu trao sứ mệnh loan báo tin mừng Người sống lại, bà nói với các môn đệ rằng bà đã thấy Chúa “họ cũng chẳng tin” (Mc 16, 11); hai môn đệ Emmau thuật lại việc họ nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh trong quán ăn “họ cũng không tin họ” (Mc 16,13); nhóm mười một cũng còn bị trách móc là “cứng tin” khi Chúa hiện ra với họ (c. 14).  Ba lần cứng tin!  Cứng tin không chỉ hiểu về căn cước của Đức Giêsu mà cứng tin cả về kế hoạch cứu độ và sứ điệp truyền giáo Đức Giêsu trao cho họ.  Thật vậy chủ đầu tư việc loan báo tin mừng phục sinh là Đức Giêsu, Người trao sứ mệnh vĩ đại cho mười hai người ít văn hóa, không lương tiền, không địa vị xã hội, không binh mã, Người còn ra lệnh cho họ làm một cuộc phiêu lưu chinh phục trần gian mà không có gì làm bảo chứng ngoài lời hứa là Chúa Thánh Thần sẽ được gửi đến cho họ.

Lệnh truyền giáo này là sự thách đố và là điểm nhấn của mầu nhiệm Thăng Thiên.  Chúng ta kiên trì thi hành lệnh truyền giáo đó vì tin là đã có một con người trần thế đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, Người thuộc dòng tộc nhân loại, Người đi trước chúng ta, đang ngự bên hữu Chúa Cha, Đấng ấy đã nói: Khi tôi được nâng cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi sự về với tôi.

Phục sinh không phải là biến cố tận cùng, nhưng là điểm tựa căn bản để đi vào giai đoạn mới của lịch sử cứu độ tức là dự tiệc Nước Trời.  Các thiên sứ nói với các người Galilê: “Tại sao các ông cứ đứng đó nhìn trời?  Đức Giêsu, Đấng vừa siêu thăng xa cách các ông, Người sẽ đến cùng một thể như các ông đã thấy Người về trời” (Cvtđ 1,11).  Điều này bảo đảm cho niềm hy vọng của chúng ta, Đức Giêsu sẽ trở lại.  Người Kitô hữu ra đi xây dựng trần thế nhưng không bao giờ ngừng ngước mắt nhìn trời, mặc cho họ vật lộn với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa như bao nhiêu công dân khác, nhưng họ luôn ý thức trước hết mình là công dân Nước Trời.  Chính tư tưởng chủ đạo nầy làm cho người Kitô hữu không bao giờ được phép thất vọng, niềm hy vọng trời cao đem lại cho họ khả năng thẩm định giá trị vật chất chóng qua, đặt vật chất vào đúng chỗ của nó là phục vụ con người, đồng thời họ khám phá ra cái trường tồn xuyên qua vật chất hữu hình mà họ theo đuổi, đó là Thiên Chúa vĩnh hằng, đó là sự sống đời đời mà chỉ Kitô hữu mà thôi mới biết và theo đuổi.

Lạy Chúa Giêsu Kitô phục sinh, niềm hy vọng về trời đã nhen nhúm trong lòng chúng con ngay khi dòng nước thánh tẩy chảy trên đầu chúng con, xin cho con biết tìm kiếm những sự cao sang trên trời và đem niềm hy vọng đó đến cho mọi anh em chúng con. Amen

Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh, Giáo xứ Đức An, Pleiku

_______________________

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

VINH QUANG VÀ SỨ MẠNG

Suy niệm

Chúng ta mừng Đức Giêsu lên trời, nghĩa là Ngài được Chúa Cha tôn vinh vì đã hoàn thành sứ mạng Cha trao phó, là hoàn tất công trình cứu độ nhân loại qua cái chết và sự Phục Sinh. Thánh Máccô chỉ ghi vắn tắt là: Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên ChúaThế nhưng Ngài vẫn ở với chúng ta cho đến ngày tận thế (Mt 28, 20)

Chúa lên trời không có nghĩa là Ngài xa cách chúng ta, mà trái lại, Chúa càng ở gần chúng ta hơn. Khi xưa Ngài hiện diện hữu hình nên hạn chế mình vào một vài nơi chốn, chỉ ở gần bên với một số người. Nay Ngài hiện diện vô hình nên Ngài có thể ở với mọi người trong mọi nơi qua mọi lúc, và ở riêng với mỗi người chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời thường. Với đức tin và lòng yêu mến Chúa, ta cảm nhận được điều này từ chính tâm hồn mình, đặc biệt khi chìm sâu trong cầu nguyện.

Thánh Augustinô đã nhận ra và diễn đạt sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong lòng như sau: “Deus intimior intimo meo!” (Thiên Chúa sâu thẳm hơn chính sự sâu thẳm của lòng tôi). Thiên Chúa của Kitô hiện diện ở khắp mọi nơi: “Trời đất đầy vinh quang Thiên Chúa”, nhưng đó cũng là một Thiên Chúa nội tại trong tâm hồn của con người, không phải như các vị “thần linh” theo quan niệm ngoại giáo, chỉ trú ngụ ở bên ngoài, nơi này hoặc nơi kia trong thiên nhiên.

Bài Tin Mừng liên kết hai sự kiện song song: Chúa Giêsu lên trời và lệnh truyền loan báo Tin Mừng. Vì ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên trần gian mang tính phổ quát, dành cho tất cả mọi người. Do đó, Ngài đã trao cho các tông đồ sứ mạng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Tại sao lại loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo? Cây cối có thể nghe Tin Mừng được chăng? Khi người ta nghe theo Tin Mừng của Chúa Kitô, phải chăng tất cả vũ trụ sẽ được biến đổi? Điều này được thánh Phaolô giải thích trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… với niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang“ (Rm 8,19-21).

Khi chúng ta sử dụng các thụ tạo một cách sai trái, không phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, là chúng ta làm điều dữ. Khi sứ điệp Tin Mừng thay đổi con tim chúng ta, muôn loài thụ tạo cũng sẽ được hưởng nhờ. Chúng không còn bị sử dụng cho điều xấu nữa, mà được sử dụng đúng mục tiêu của chúng như chúng đã được tạo thành: nghĩa là một phương tiện để yêu thương và đem lại hạnh phúc. Sứ mạng của các môn đệ là làm việc để cho có một nhân loại mới và một thế giới mới chào đời. Đức tin chính là lời đáp trả lời rao giảng và được liên kết với phép rửa tội (Cv 2,41; 8,12…). Còn về các dấu lạ trong Hội Thánh lúc ấy, không chỉ do các tông đồ thực hiện, mà nhiều lần Chúa Thánh Thần còn hành động nơi các thính giả đón nhận Tin Mừng (x.Cv 10, 44-46).

Các dấu lạ hôm nay cũng không hẳn xảy ra cùng một cách thức như thời các tông đồ, nhưng chủ yếu là để khơi động lòng tin cho những ai muốn đón nhận Tin Mừng. Biết bao dấu chỉ lạ lùng của các Kitô hữu qua mọi thời đại mà Giáo hội không ngừng tuyên thánh. Những dấu chỉ đó là những tấm gương rạng ngời xả thân vì tình yêu tha nhân, để xây dựng công lý, hòa bình, đem lại niềm tin, an vui và hy vọng cho nhân thế. Tin Mừng được loan báo đến đâu là sự sống mới của Đức Kitô lan rộng tới đó, để đem lại ơn cứu độ cho con người.

Chúng ta được chọn gọi làm Kitô hữu cũng vì sứ mạng loan báo Tin Mừng. Đọc kinh cầu nguyện hay tham dự thánh lễ cũng là để kín múc sức mạnh thiêng liêng để thi hành sứ mạng đó. Sứ mạng được thi hành dưới nhiều cách thức tùy lòng yêu mến và khả năng của mỗi người. Đặc biệt đối với giới trẻ, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từng kêu gọi như sau: “Các con hãy làm nhân chứng cho đức tin của chúng con qua thế giới kỹ thuật số. Hãy dùng những kỹ thuật mới đó để truyền bá Thánh Kinh, hầu cho Tin Mừng về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa vang dội bằng những phương thức mới khắp trong thế giới…”.

Ước gì mỗi người chúng ta hăng say với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng  mà Chúa Giêsu đã truyền ban, để rồi ngày cuối cùng, chúng ta cũng hoàn thành sứ mạng với niềm hân hoan khôn tả, vì được dự phần vinh quang mà Chúa đã hứa cho những ai trở nên nhân chứng cho Ngài.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Mỗi người chúng con sinh ra đời,
đều được Chúa gọi mời vào sứ vụ,
là được nên nhân chứng Đức Ki-tô
đem đến cho con người ơn cứu độ,
đó chính là ân phúc quá lớn lao,
cho đời con trở thành lời loan báo.

Nhưng nhiều khi con vô tình sao lãng,
làm phí phạm mất mát những ân ban,
khi nhìn lại con mới chợt bàng hoàng,
vì thấy Chúa vẫn còn đang mong đợi.

Có những khi con sống như người đời,
ham địa vị và tranh quyền đoạt lợi,
cũng hơn thua cũng mưu mô tính toán,
làm tông đồ mà khoe khoang tự mãn.

Có khi con sống đạo rất mơ màng,
chỉ cần được lên thiên đàng là đủ,
chẳng cần chi nhiệt tình với sứ vụ,
con cứ lo phòng thủ với biện minh,
để mình sống an nhàn khỏi hy sinh,
mà vẫn thấy đời mình là chân chính.

Con muốn bắt đầu lại từ hôm nay,
vượt qua một lối sống không hay,
đáp trả tình yêu Chúa quá cao dầy,
vẫn đong đầy từng ngày sống của con,
con không biết phải sống sao cho trọn,
nhưng lòng con chỉ chọn Chúa mà thôi.

Xin cho con sống sứ vụ hết mình,
như lệnh truyền khi Chúa đã phục sinh,
là đem đến Tin Mừng cho thiên hạ,
để mỗi ngày nhân loại thêm biết Cha,
cho đời con là một khúc tình ca,
góp phần cho thế giới được an hòa. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(10/05/2024) KONTUM