Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế !
Bài trích sách Châm ngôn.
1Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình,
dựng lên bảy cây cột,
2hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn
3và sai các nữ tỳ ra đi.
Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố
và kêu gọi :
4“Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây !”
Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo :
5“Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế !
6Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống ;
hãy bước đi trên con đường hiểu biết.”
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
2Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.3Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
10Kính sợ Chúa đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.11Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
12Các con ơi, hãy đến mà nghe,
ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ Chúa.13Ai là người thiết tha được sống,
ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan ?
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
14Phải giữ mồm giữ miệng,
đừng nói lời gian ác điêu ngoa ;15hãy làm lành lánh dữ,
tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà.
Đ.Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy.
Hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
15 Thưa anh em, anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, 16 biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. 17 Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. 18 Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. 19 Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng ; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. 20 Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Ha-lê-lui-a.
Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
51 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” 53 Đức Giê-su nói với họ : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
AI ĂN THỊT VÀ UỐNG MÁU TÔI
Trong quá khứ, đã có những tranh luận giữa các Ki-tô hữu liên quan đến giáo huấn về sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí tích Thánh Thể. Câu hỏi được đặt ra là: Đức Giê-su hiện diện thật sự trong Hình Bánh và Hình Rượu, hay đó chỉ là biểu tượng? Giáo hội Công giáo nhấn mạnh đến thuật ngữ “Biến đổi bản thể”, và thuật ngữ này được giải thích như sau: “Biến đổi bản thể là việc bản thể bánh và rượu biến đổi thành bản thể Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-tô, sau khi linh mục đọc lời truyền phép, tuy những đặc tính tùy phụ hữu hình (tùy thể) của bánh và rượu như màu sắc, hương vị vẫn tồn tại” (Từ Điển Công giáo). Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo khẳng định: “Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Ki-tô toàn thể (totus Christus), hiện diện một cách đích thực, thật sự, và theo bản thể” (số 1374).
Thánh Cy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem (313-387) đã diễn tả sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể một cách rõ ràng và dễ hiểu như sau: “Bánh này không còn là bánh, dù bằng chứng của vị giác thế nào đi nữa, nhưng là thân mình Chúa Ki-tô. Rượu này không còn là rượu dù giác quan có nói thế nào đi nữa, nhưng chính đây là máu Chúa Ki-tô” (Giáo Lý nhiệm huấn IV, 9).
Mặc dù giáo lý về sự hiện diện đích thực của Đức Giê-su đã được Giáo Hội Công giáo đã tuyên tín, nhất là trong công đồng La-tê-ra-nô (Tk 13) và công đồng Tren-tô (Tk 16), những tranh luận thần học vẫn chưa kết thúc. Vì thế, một số giáo phái Ki-tô vẫn cho rằng sự hiện diện này chỉ mang tính biểu tượng.
Thực ra, những tranh luận này đã có từ thời Chúa Giê-su, khi Người diễn giảng về Bánh Hằng Sống. Trong Phúc Âm hôm nay, thánh Gio-an ghi lại cuộc bàn luận sôi nổi giữa người Do Thái. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Họ có lý khi tranh luận và nghi vấn, vì theo lẽ thường, không ai ăn thịt người, trừ một vài bộ lạc thời cổ đại xa xưa. Ở đây, Chúa Giê-su cho biết, những gì Người nói không phải là so sánh hay một biểu tượng, mà là sự thật. Người tuyên bố: “Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.
Trong Phúc Âm, cụm từ “Thật, tôi bảo thật các ông” được dùng cho một tuyên bố rất quan trọng, mang tính khẳng định dứt khoát. Trong văn mạch, Chúa Giê-su đã khẳng định rõ ràng, chứ không phải ở thể văn so sánh hay biểu tượng. Sự ngỡ ngàng dẫn tới phản đổi gay gắt của những người đồng bào, cho thấy lời khẳng định của Chúa Giê-su lúc đó là chắc chắn.
“Ăn Thịt và uống Máu!”, cụm từ này dễ làm người ta ghê sợ và liên tưởng tới một thời hoang dã, nhưng lại là thật. Đức tin của Ki-tô hữu sống và lớn lên nhờ Thịt và Máu Chúa. Khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa Giê-su (rước lễ), chúng ta được bổ dưỡng thiêng liêng và được nên giống Người.
Đức Giê-su là quà tặng của Chúa Cha cho loài người. Vào đêm tiệc ly, Người lại biến đổi chính bản thân mình làm quà tặng cho nhân loại, mà đại diện lúc đó là các môn đệ. Các ông đã đón nhận quà tặng này với lời dặn: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Như thế, bất kỳ ở nơi đâu, khi có thánh lễ được dâng, thì ở đó có Mình và Máu Chúa Giê-su.
Ki-tô hữu, khi rước Mình Thánh Chúa, phải chuẩn bị tâm hồn, và phải nỗ lực cố gắng để nên hoàn thiện. Trong nghi thức thánh lễ, các linh mục chủ sự thánh lễ vẫn đọc trước khi rước lễ: “Chớ gì việc rước Mình và Máu Chúa đừng nên cớ cho con bị xét xử và luận phạt, nhưng nhờ lòng Chúa nhân lành, xin gìn giữ và cứu chữa hồn xác con”. Quả vậy, chỉ khi nào sống trong tình trạng ân sủng, tức là không mắc tội trọng, người tín hữu mới được rước lễ. Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô như sau: “Đừng sống như những kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan…chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí”.
Mỗi ngày, Giáo hội đều chuẩn bị và mời gọi chúng ta đến bàn tiệc Thánh Thể. Nội dung Bài đọc I trong sách Châm Ngôn diễn tả điều ấy: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế”. Thánh Thể không phải hình ảnh hay một biểu tượng, mà là sự hiện diện thực sự của Con Thiên Chúa. Mình và Máu Người sẽ ban sức mạnh cho chúng ta.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
(tonggiaophanhanoi.org)
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
THỊT VÀ MÁU
Bánh là chủ đề của các chúa nhật 17B đến 21B, các tác giả tin mừng đều tường thuật phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều, nhưng chỉ có tin mừng Gioan khai triển chủ đề bánh nuôi thân xác dẫn đến bánh hằng sống nuôi linh hồn con người. Trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông dân chúng là tiền đề được dùng làm dấu chỉ để tác giả Gioan đi sâu vào chủ đề bánh hằng sống, tức là Phép Thánh Thể. Những lời quan trọng của Đức Giêsu về Phép Thánh Thể rất minh bạch không thể gây ngộ nhận, được phán ra qua bài tin mừng nầy (x. Ga 51-58).
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (c. 51), là lời quan trọng thứ nhất liên quan đến bản chất của bánh : “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây” (c. 51). Lời khẳng định đầy quyền năng, nhưng dễ gây ngộ nhận đối với giới bình dân. Chỉ có Đấng hằng sống mới có thể thông ban sự sống vĩnh hằng cho loài người. Đức Giêsu đã minh chứng Người có sự sống nơi mình khi trao ban sự sống ấy cho Ladarô chết được sống lại (x.Ga 11,17 tt), qua việc phục sinh người con trai của bà góa thành Nain đang được khiêng đi chôn (Lc 7,11tt).
Đức Giêsu có quyền năng phục sinh cả linh hồn và cả thể xác nữa khi Người lý luận: “ Nói tội con đã được tha hay nói đứng dậy vác chõng mà về đàng nào dễ hơn” (x. Mc 2,9). Khi cho người bại liệt vác được chõng mà đi thì cũng có thể tha được tội cho nó. Đức Giêsu đã làm điều dễ thấy để minh chứng điều phải tin.
“Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (c. 51) là lời khẳng định thứ hai về sự cần thiết để có sự sống vĩnh hằng. Lời quan trọng này liên hệ đến niềm hy vọng sâu thẳm nơi mọi con người, đó là được sống đời đời. Người Do thái tranh luận về câu khẳng định nầy: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (c. 54). Lời khẳng định vượt xa thực tại vật chất vươn đến thực tại bí tích siêu hình (x. Bài Tin Mừng. Ga 6,51-58). Lời này không hiểu theo chân chữ bình thường, nhưng nói đến một thực tại siêu nhiên mà đến nay đã có hơn một tỷ người ăn thịt và uống máu Đức Giêsu.
Có nhiều cấp độ để hiểu về sự thật. Ví dụ có sự thật cụ thể mắt thấy tai nghe, trời mưa hay nắng, thật quá dễ dàng để làm cho mọi người chấp nhận. Có sự thật ảo, ví dụ dự một trận túc cầu qua màn ảnh nhỏ được trực tiếp truyền hình, ta tin là có thật mặc dầu không tận mắt ngồi trên khán đài xem các cầu thủ chơi bóng trên sân cỏ. Giới cá độ luôn tin vào sự thật này, vì họ phải chung tiền hay hốt bạc khi trận cầu kết thúc. Có sự thật bí tích mà đối với những ai có đức tin mới nhận ra chân lý, như khi đọc một công thức của bí tích rửa tội đồng thời đổ nước trên đầu một người: “Phê-rô, cha rửa con nhơn danh Cha và Con và Thánh thần” biến em bé trở nên người Kitô hữu. Sự thật nầy cần có đức tin mới lãnh hội được.
Đức Giêsu nói đến thực tại bí tích trong Bài Tin Mừng hôm nay, bằng ngôn ngữ bình dị khiến cho đám đông có người tin, kẻ phản đối. Cái khó khăn là làm sao đi từ sự thật cụ thể đến lãnh nhận sự thật siêu nhiên: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (c. 51), “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây” (c. 51). “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (c. 54). Dường như ngôn ngữ nhân loại không đủ để diễn tả mầu nhiệm bí tích Thánh Thể cho nên con người phải cậy nhờ đức tin để có thể đón nhận câu nói bí ẩn nầy.
Trước đó 400 năm Sách Châm Ngôn dọn đường cho Đức Giêsu, khi tuyên bố những lời khẳng định thế nầy: “Đức Khôn ngoan bảo : ‘Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết’” (x. Bài Đọc 1. Cn 9,1-6). Người hiểu biết câu nói này là người khôn ngoan được Thiên Chúa kêu mời và soi sáng, họ mới có thể am tường lời nói bí ẩn của sách Châm Ngôn cũng như lời nói của Đức Giêsu. May mắn thay! Chúng ta là người khôn ngoan được Thánh thần soi sáng, Đức Giêsu lên tiếng ca tụng thay cho chúng ta: “Con ngợi khen Cha vì đã mặc khải cho những kẻ bé mọn” (x. Lc 10, 21).
Nơi trung tâm phụng vụ Kitô giáo có điều cao siêu mầu nhiệm rất khó trình bày và khó giải thích đến nỗi linh mục sau khi truyền phép, cúi sâu mình và giới thiệu: “Đây là mầu nhiệm đức tin” và cộng đoàn thưa : “Lạy Chúa chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, mỗi ngày Chúa hiện diện trên bàn thờ sau lời truyền phép của linh mục để nuôi sống chúng con và ở lại với chúng con. Con xin đội ơn Chúa vì Chúa đã thực hiện lời cam kết: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Amen
Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh, chính xứ Đức An, Pleiku
—————————-
Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên
BÁNH BAN SỰ SỐNG
Suy niệm
Người Kitô hữu còn phải tìm kiếm một điều gì khác hơn, chứ không phải là những thứ tạm bợ chóng qua trong cuộc sống này. Chúng ta luôn được nhắc nhở: “Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.” (Ga.15,19). Vì thế, “hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6, 27). Đó là chính Đức Giêsu Kitô: Tấm bánh được trao ban cho nhân loại: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 51). Lời tuyên bố này đã khiến những người Do thái tranh luận sôi nổi với nhau. Tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa đã khó khăn lắm rồi, huống chi tin vào việc ăn thịt và uống máu Ngài để được sống muôn đời.
Chúa Giêsu không chỉ dùng quyền năng lập bí tích Thánh Thể, nhưng Ngài còn hy sinh chính mình. Thịt máu của Ngài được trao ban cho chúng ta trong cái chết tự hiến vì yêu, và qua đó trở nên nguồn sống mới cho nhân loại qua sự phục sinh vinh quang. Vì thế, Ngài là Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống. Ðức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt và là Tấm Bánh siêu việt, vì khi tôi ăn, Ngài thành tôi và biến tôi thành Ngài. Đó là một sự ở lại trong nhau, một sự hiệp thông sâu nhiệm:“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Rước Chúa là đón nhận dòng lưu chuyển sự sống, tôi sống nhờ Chúa Giêsu, cũng như Ngài sống nhờ Chúa Cha.
Thánh Phaolô cho chúng ta biết: “Ai đã kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người.” (1Cr 6, 17). Khi rước Mình Chúa, chúng ta trở nên một tinh thần với Đức Giêsu, và “tinh thần duy nhất” này là Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho ta được sống thân mật với Thiên Chúa Cha. Cả Ba Ngôi hiện diện trong Thánh thể nên cả Ba Ngôi hiện diện trong ta. Việc rước lễ cuối cùng trở thành một sự xuất thần, theo nghĩa là ra khỏi (extasis) cái tôi của con người mình, và nói như thánh Phaolô, là “không phải còn là tôi sống nữa”.
Đương nhiên, sự kết hợp với Đức Kitô hằng sống chỉ có thể xảy ra trong tình yêu, vì Thánh Thể là “Bí tích tình yêu”. Tình yêu là thực tại duy nhất cho phép hai hữu thể kết hợp với nhau, mà mỗi hữu thể vẫn là chính mình để làm nên một. Do đó, việc đón nhận Thánh Thể sẽ là một hành vi xúc phạm, nếu không được thực hiện với cả tình yêu mến.
Phép lạ về Thánh Thể đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới để củng cố đức tin cho chúng ta. Đặc biệt là trường hợp của chị Therese Neumann, là người tín hữu đã trải qua 36 năm trời không ăn uống gì, chị chỉ sống nhờ rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày. Chị được nhiều thị kiến và được cùng chịu đau đớn kinh khủng với Chúa Giêsu. Cha Ngô Biên, người đã cho chị rước lễ mỗi ngày cho đến khi chị qua đời, đã ghi trong nhật ký của ngài rằng: chị Therese Neumann thường nói với mọi người là chị sống nhờ vào Đấng Cứu Chuộc. Và cha còn nói thêm rằng, nơi chị Therese Neumann thực sự đã ứng nghiệm lời tuyên bố của Đức Giêsu khi Ngài nói: “Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống”.
Đi tham dự thánh lễ thì thường ai cũng rước lễ, nhưng rồi được mấy ai có lòng mộ mến và khao khát Chúa? Có mấy ai chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để rước Chúa? Xem ra người ta đến với Chúa quá vội vàng, cần làm cho xong, cần đi cho lẹ, như một món nợ phải trả, mà thiếu sự gặp gỡ thân tình, càng thiếu sự kết hợp sâu xa. Nên khi rước Chúa chẳng cảm nhận được điều gì, vẫn với một tâm hồn trống rỗng, chờ mau ra về để được sống với những điều mình ưa thích. Rước Chúa như thế chẳng khác nào một nghi thức bên ngoài, chẳng đụng chạm gì đến bên trong. Có rước Chúa suốt đời chăng nữa cũng chẳng có tác dụng gì.
Đón nhận Thánh Thể Chúa là diễm phúc cho đời Kitô hữu, nhưng bản thân tôi lại quen quá hóa nhàm, chẳng có sự cảm kích nào, nên việc rước Chúa như một một thói quen đạo đức, cho mình yên tâm. Chúa bị tiếp đón một cách lạnh nhạt và vô tâm như thế, chắc Ngài rất đau khổ trong tôi. Phải chăng khổ nhục thập giá xưa lại được tái diễn khi tôi tiếp nhận Chúa với tính cách của kẻ qua đường. Nhưng thiên đường sẽ mở ra cho tôi, nếu tôi chiêm ngưỡng mầu nhiệm cử hành với đôi mắt đức tin và lòng mến, để cảm nhận chính Chúa đang yêu thương tôi và hiến mình cho tôi, để nhờ đó, tôi lại ra đi hiến mình cho tha nhân.
Quả thật, những ai nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể thì cũng nhận ra Ngài nơi anh chị em đau khổ, đói khát, bệnh tật hay tù đày. Do đó, việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ là trách nhiệm của chúng ta, với tư cách là kitô hữu, xuất phát từ tình yêu của Đức Kitô.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Lương thực hằng ngày chỉ sống đời này,
chẳng ai có thể sống hoài sống mãi,
chỉ có Chúa là tấm bánh nhiệm mầu,
cho con người sự sống mới mai sau.
Khi con rước Chúa với lòng khao khát,
là con được chính Chúa Đấng ân ban,
được kết hiệp với Ba Ngôi Chúa cả,
quá cao vời con không sao nghĩ tới.
Bản thân con bất xứng muôn ngàn lần,
mà rồi Chúa vẫn ân cần ngự đến,
con không dám tin đó là sự thật,
ai ngờ là nhiệm mật của tình yêu,
chính là điều vượt trên mọi trí hiểu,
Mầu nhiệm này không ai suy cho thấu,
chỉ khi con yêu Chúa cả trái tim,
con mới có được phần nào cảm nghiệm,
tấm bánh linh thiêng quá diệu huyền,
để đời con được dần dần xoay chuyển
Nhưng con thấy tâm hồn vẫn bợn nhơ,
khi đứng trước tình yêu Chúa vô bờ,
không tránh được những lần con vô cảm,
khi rước Chúa mà lòng vẫn không ham,
chỉ vì còn đam mê đời thế tục,
chưa thoát khỏi nhục dục của trần gian.
Xin tha thứ cho con đã xúc phạm,
thật ra chẳng bao giờ mà con dám,
cũng chỉ vì yếu đuối với vô tình,
xin cho con biết cải hóa đời mình,
lòng hân hoan đón rước Chúa uy linh,
để sống mãi trong ân tình muôn thuở. Amen.
Lm. Thái Nguyên
(gpcantho.com)