Mắt người mù mở ra, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
4Hãy nói với những kẻ nhát gan : “Can đảm lên, đừng sợ !
Thiên Chúa của anh em đây rồi ; sắp tới ngày báo phục,
ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.
Chính Người sẽ đến cứu anh em.”
5Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.
6Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
Vì có nước vọt lên trong sa mạc,
khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.
7aMiền nóng bỏng biến thành ao hồ,
đất khô cằn có mạch nước trào ra.
Đ.Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
6bChúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời,7axử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
Đ.Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
7bChúa giải phóng những ai tù tội,8Chúa mở mắt cho kẻ mù loà.
Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
Chúa yêu chuộng những người công chính.
Đ.Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
9Chúa phù trợ những khách ngoại kiều,
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.10Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.
Đ.Ca tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó, để họ thừa hưởng vương quốc Người hay sao ?
Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.
1 Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư. 2 Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, 3 và giả như anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói : “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói : “Đứng đó !” hoặc : “Ngồi dưới bệ chân tôi đây !”, 4 thì bấy giờ, anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao ?
5 Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây : nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao ?
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Ha-lê-lui-a.
Đức Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
31 Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Một tác giả nào đó đã nói, đại ý: điểm khác biệt nổi bật nơi con người là có ý chí. Không có ý chí, con người chỉ là khúc gỗ buông trôi theo dòng chảy cuộc đời. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, dù ở bất kỳ bậc sống nào, chúng ta cũng cần có ý chí và nghị lực để vươn lên. Thời nào cũng có những cậu ấm cô chiêu cậy vào cha mẹ có chức có của, ỷ nại người khác. Những người này, dù có được nâng đỡ cũng không thể thành nhân và thành đạt, nếu bản thân không có ý chí. Vì thiếu nghị lực, một số người, trong đó có những người còn rất trẻ, đã dễ dàng quyên sinh khi gặp bế tắc. Giữa dòng đời ngược xuôi bôn ba, đầy những cạm bẫy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy can đảm lên!
Bài đọc I đưa chúng ta về lại thời lưu đày của dân Do Thái. Họ bị bắt đi đày ở Ba-by-lon vào năm 587 trước Công nguyên. Vua nước Giu-đa và các quan lại và hầu hết dân chúng đều phải rời quê cha đất tổ, sống cảnh tha hương nhục nhã ê chề. Họ thường hướng về quê hương, tưởng nhớ quá khứ hào hùng của dân tộc. Họ cầu nguyện xin Chúa giải thoát. Và, Chúa đã báo tin vui qua môi miệng ngôn sứ I-sai-a. Vị ngôn sứ khẳng định: “Can đảm lên đừng sợ! chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em”. Thực vậy, vào năm 538 trước Công nguyên, Thiên Chúa đã dùng vua Ba Tư là Ky-rô cho người Do Thái hồi hương để phục hồi xứ sở. Thiên Chúa đã giải phóng dân Ngài. Nhờ quyền năng của Ngài, sa mạc sẽ nở hoa, miền khô cạn sẽ thành ao hồ. Con người sẽ được tự do.
Sống trên trần gian, hết thảy chúng ta đang là những người lữ hành. Theo nhãn quan Ki-tô giáo, đích điểm của cuộc lữ hành này là Quê Trời, hay còn gọi là Thiên Đàng. Người Ki-tô hữu tin rằng, họ không đơn lẻ trong hành trình này. Họ luôn có Chúa đồng hành để nâng đỡ chở che. Lịch sử cuộc đời cá nhân mỗi người ít nhiều đã chứng minh điều ấy. Thiên Chúa không để con người ngã quỵ trên dòng đời. Ngài nâng đỡ những ai kêu cầu và tín thác vào Ngài.
Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian để khẳng định: con người là tạo vật được Chúa yêu thương. Ngài săn sóc họ chu đáo, đến nỗi mọi sợi tóc trên đầu đã được Ngài đếm cả (Lc 12,7). Trong Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô kể lại việc Đức Giê-su làm phép lạ cho người vừa điếc vừa ngọng nói được. Phép lạ của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a trong Bài đọc I: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”.
Tại sao đôi khi trong Tin Mừng, Chúa Giê-su lại cấm không cho mọi người kể lại? Các chuyên viên chú giải Kinh Thánh gọi đây là “Những bí mật thiên sai”. Đức Giê-su không muốn cho công chúng biết rộng rãi về Người, vì chưa đến thời của Người. Hơn nữa, Người không muốn cho người ta nghĩ Người như một nhà ma thuật phù phép, cũng không muốn cho họ mang quan niệm trần tục về sứ vụ Thiên sai. Người muốn dần dần mạc khải cho công chúng, để họ đón nhận sứ điệp của Người và để họ nhận biết Chúa Cha là Đấng đã sai Người đến trần gian.
Qua phép lạ Chúa Giê-su đã làm, người bệnh được giải phóng khỏi mọi ràng buộc. Thánh Mác-cô đã nói đến việc anh này được chữa khỏi, giống như có một sợi dây vô hình nào đã buộc lưỡi anh ta lại, và nay lưỡi được mở ra. Cách nói này muốn diễn tả Đức Giê-su là Đấng đến để giải thoát con người. Người dẫn đưa họ không phải chỉ thoát khỏi bệnh tật, mà còn thoát khỏi tội lỗi, khỏi những đam mê lôi cuốn và ràng buộc con người trong vòng cương tỏa của quyền lực ác thần.
Nhờ Bí tích Thanh tẩy, Ki-tô hữu cùng chết và phục sinh với Đức Giê-su. Bí tích này làm cho Ki-tô hữu trở thành tạo vật mới, thoát khỏi hậu quả của tội Nguyên tổ. Trong suốt cuộc lữ hành trần thế, Đức Giê-su là người chỉ đạo, người Thầy và người Bạn hướng dẫn chúng ta. Tin vào Đức Giê-su, chúng ta phải thực hành lời Người giáo huấn. Thánh Gia-cô-bê (Bài đọc II) đã khuyên các tín hữu: anh chị em đã tin vào Đức Giê-su thì đừng đối xử thiên tư, trọng người này và khinh người nọ. Những gì thánh Gia-cô-bê viết trong thư phản ánh cho thấy vào thời của ngài, đã có sự chia rẽ phân biệt giữa người giàu và người nghèo ngay trong các cộng đoàn đức tin. Ngày hôm nay, trong xã hội và trong các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta, sự phân biệt ấy vẫn tồn tại. Những chia rẽ và ghen tỵ này làm ảnh hướng không tốt đến hình ảnh của Giáo hội. Đức tin vào Chúa Giê-su phải giúp chúng ta đối xử thân thiện với hết mọi người, vì tất cả là anh chị em của cùng một Cha trên trời, như Chúa Giê-su đã nhiều lần khẳng định.
Giữa cuộc sống còn nhiều âu lo trăn trở trước những khó khăn, thất bại và lo toan cơm áo gạo tiền, xin cho chúng ta biết can đảm phó thác vào Chúa, là Đấng Quan phòng yêu thương chúng ta. Hãy can đảm lên! Chúa Giê-su đã dạy: Cha trên trời quyền năng và nhân ái vượt xa những người cha trần thế. Ngài sẵn sàng lắng nghe và phù trợ chúng ta (x. Mt 7,7-12).
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
ÉPPHATHA: HÃY MỞ RA
Đức Giêsu chữa lành người câm và điếc trên đất miền Thập tỉnh, đất dân ngọai. Và cách chữa bệnh kỳ lạ của Người làm chúng ta suy nghĩ (x. Bài Tin Mừng. Mc 7, 31-37). Trình thuật nầy muốn rao truyền sứ điệp gì và dạy chúng ta điều gì?
Trước hết bệnh câm và điếc được hiểu như biểu tượng con người đã chết, chúng ta thường thấy chiếc đầu lâu, chiếc sọ người, tiêu biểu cho sự chết chóc. Xác chết không hơi thở, không cảm thông và không giao lưu, người sống mà đóng kín trong chính mình, sống như gỗ đá phỗng sành thì chẳng khác gì xác chết. Câm và điếc cũng được hiểu về những ngẫu tượng do con người sáng chế ra, các thứ ngẫu tượng được con người hình dung rồi nặn ra theo trí tưởng tượng phong phú của con người, tiên tri Isaia đã có lần chế nhạo các ngẫu thần vô tri vô giác nầy: “tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, do tay người thế tạo thành, có mắt miệng không nhìn không nói, có tai mà chẳng thể nghe chi, không hơi thở nơi mồm nơi miệng!” (x. Is 44,9-20 tt: Tượng thần là hư vô).
Chữa lành người câm điếc, Đức Giêsu khẳng định quyền năng của mình trên sự chết, khẳng định mình là Chúa của sự sống. Dân ngoại lấy ngẫu tượng làm thần để tôn thờ, họ bái lạy vật chất, con người tạo ra các thứ thần thánh và gán cho chúng những quyền năng mà tự chúng không có. Thật ra con người vốn là “con vật có tôn giáo” theo một vài triết gia định nghĩa, cho nên khi không biết Thiên Chúa chân thật để tôn thờ, con người tạo ra thần thánh cho chính mình để đáp ứng nhu cầu tâm linh, điều nầy rất rõ nét nơi các bộ lạc miền thượng du Tây nguyên. Không có sắc tộc nào mà không có thần thánh cho riêng cho bộ tộc mình, một khi biết được đạo thật họ từ bỏ tất cả các ngẫu thần quay về tôn thờ một Thiên Chúa chân thật mà thôi. Công việc nầy là của nhà truyền giáo mà Đức Giêsu là đệ nhất Thừa sai, Người là mẫu mực cho mọi ơn gọi thừa sai.
Việc Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân câm điếc ngay giữa lòng dân ngoại thì chẳng khác nào Người khẳng định sự hư vô của ngẫu tượng và đồng thời khẳng định mình chính là Thiên Chúa thật sự toàn năng và biết nói, biết thông cảm chứ không câm lặng. Việc làm nầy như nhắc lại lệnh truyền: Ngươi phải thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất mà thôi. Như thế chân lý “Thiên Chúa biết nói” là một mặc khải lớn trong Cựu Ước so với các tôn giáo thờ ngẫu thần gỗ đá thời bấy giờ.
Thiên Chúa biết nói, tức biết đối thoại và cảm thông, Thiên Chúa đi vào tâm tình giao lưu với con người. Không những thế Thiên Chúa nhập thể vi hành vào trần gian và cứu chữa con người. Việc Đức Giêsu cứu độ nhất thời một vài bệnh nhân câm điếc là để mặc khải Người là Thiên Chúa biết nói, biết cảm thông, biết lắng nghe và cứu khổ nhân loại cơ cực.
Đức Giêsu chữa bệnh cách kỳ lạ. “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: ‘Êpphata’ nghĩa là hãy mở ra!” (c.33-34). Đức Giêsu quan tâm đến thân phận bệnh nhân, Người đụng chạm đến người câm điếc và chữa lành anh ta, bằng một cử chỉ riêng tư, bằng một tiếp xúc trực tiếp, bằng một tương quan rất ‘người’, rất gần gũi giữa bệnh nhân và Thầy thuốc. Cử chỉ của Người như sự bảo vệ và che chở người hèn kém, đồng thời nâng con người lên, cho hòa nhịp cộng đồng người lành mạnh.
Cử chỉ này soi sáng chúng ta hiểu được lời trong Thư Giacôbê: “Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?” (x. Bài Đọc 2. Gc 2,1-5). Thiên Chúa không tây vị ai, người ban phúc lành cho cả dân ngoại. Qua phép lạ xảy ra nơi đất dân ngoại chúng ta hiểu được mọi dân tộc đều được mời vào hưởng sự sống mà Đức Giêsu đem đến. Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, nhưng mỗi người có tương quan cá nhân với Người, riêng tư và trân trọng, như cách “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông” vậy.
Sáu trăm năm trước, đã có lời sấm của tiên tri Isaia nói về thời kỳ huy hoàng của Đấng thiên sai: “Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (x. Bài Đọc 2. Is 35,4-7a). Thời kỳ đó đã khai mở với sự hiện diện của Đức Giêsu. Người đến như sự tái tạo vạn vật, lập lại trật tự bị tội lỗi làm cho đảo lộn. Tội lỗi luôn luôn gây ra sự đảo lộn nơi tâm hồn và ngoài xã hội. Những lời Đức Giêsu nói và những phép lạ Người làm chứng thực Người là Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian để cứu độ thế gian. Khi gặp được Đức Giêsu, con người dẹp bỏ các thần tượng khác, để chỉ tôn vinh một mình Người là Thiên Chúa chân thật.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy mở tai con để đón nhận lời hằng sống, xin hãy mở miệng con để con ca tụng và rao giảng việc lạ Chúa làm. Xin cho con biết lắng nghe người hèn yếu kêu xin và cho con biết mở miệng an ủi người sầu khổ. Amen
Lm. Luy Nguyễn Quang Vinh, chính xứ Đức An, Pleiku
—————————-
Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên
HÃY MỞ RA