Chúa Nhật XXX Thường Niên, Năm B (CN 27.10.2024) – Cho Tôi Nhìn Thấy

Bài đọc 1: Gr 31,7-9

Kẻ đui, người què, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa về.

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

7Đức Chúa phán thế này : Reo vui lên mừng Gia-cóp,
hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân !
Nào loan tin, ca ngợi và công bố :
“Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Ít-ra-en !”
8Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về,
quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất.
Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ :
tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo.
9Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi,
Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng,
dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng,
trên đó chúng không còn vấp ngã.
Vì đối với Ít-ra-en, Ta là một người Cha,
còn đối với Ta, Ép-ra-im chính là con trưởng.

Đáp ca: Tv 125,1-2ab.2cd-3.4-5.6 (Đ. c.3)

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

1Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.2abVang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

2cdBấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán :
“Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !”3Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

4Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.5Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

6Họ ra đi, đi mà nức nở,
mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở,
vai nặng gánh lúa vàng.

Đ.Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Bài đọc 2: Hr 5,1-6

Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

1 Thưa anh em, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. 2 Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính mình cũng đầy yếu đuối ; 3 mà vì yếu đuối, nên vị thượng tế phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. 4 Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi. 5 Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người : Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, 6 như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác : Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

Tung hô Tin Mừng:x. 2 Tm 1,10

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mc 10,46-52 

Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

46 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng : “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” 49 Đức Giê-su đứng lại và nói : “Gọi anh ta lại đây !” Người ta gọi anh mù và bảo : “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !” 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51 Người hỏi : “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh mù đáp : “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” 52 Người nói : “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

ĐỨC KITÔ LÀ NIỀM HY VỌNG

Thế giới hôm nay đang bị xâu xé vì xung đột. Những chiến dịch quân sự ngày một leo thang đến nỗi nhiều người tiên đoán một cuộc chiến tranh bằng vũ khí nguyên tử, hoặc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Nhân loại đã kinh nghiệm đau thương vì những cuộc chiến tranh trong quá khứ, hiện nay lại bị lôi kéo vào những tranh chấp cam go khốc liệt, khiến máu chảy đầu rơi và cướp đi mạng sống nhiều dân lành. Làm sao chúng ta có thể nói về hy vọng trong một thế giới đầy bất ổn này?

Vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, người Do Thái bị bắt đi lưu đày tại Babylon. Trong cảnh nước mất nhà tan, họ luôn than khóc đau buồn. Giữa cảnh tha hương, họ vẫn kêu cầu Thiên Chúa, xin Ngài giải phóng họ khỏi ách lưu đày. Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a hôm nay là lời hứa của Thiên Chúa cho dân lưu đày. Qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Ngài báo cho mọi người biết: họ sẽ được về quê hương xứ sở trong niềm vui vỡ òa. Trong đoàn người hồi hương ấy, có đủ mọi thành phần, kể cả những người tàn tật, nghèo khó, vì Chúa là Thiên Chúa của tình thương.

Nếu Thiên Chúa của Cựu ước đã giải phóng dân riêng khỏi ách lưu đày thể xác, thì Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, lại đến trần gian để giải phóng con người thoát khỏi ràng buộc của tội lỗi. Bằng giáo huấn của Người, Chúa Giê-su đưa con người thoát ra cảnh mù tối thiêng liêng. Đó là sự hận thù, ích kỷ, ghen tương, tham lam đố kỵ. Đó cũng là sự vô cảm dửng dưng trước nỗi khổ của đồng loại. Qua phép lạ chữa lành người mù ở cổng thành Giê-ri-cô, Chúa Giê-su muốn khẳng định: Người là Thiên Chúa quyền năng, và thời Thiên sai đã đến. Đây là lúc những gì các ngôn sứ đã tiên báo trong Cựu ước đạt tới mức thành toàn. Lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói trước kia, đã được thực hiện trong cuộc hồi hương của người Do Thái, và hôm nay đang được thực hiện nơi Đức Giê-su, vị Ngôn sứ có uy quyền trong hành động và lời nói.

Đức Ki-tô là niềm hy vọng cho thế giới. Đó là khẳng định và là niềm xác tín của đức tin Ki-tô giáo. Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn như thế vì chúng ta tin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, là Đấng có thể làm được mọi sự, vào lúc Ngài muốn và theo cách Ngài muốn. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô đã viết trong Thông điệp Spe Salvi “Đức Ki-tô nói cho chúng ta biết con người là gì, phải làm gì để trở nên người đích thực. Người chỉ cho chúng ta thấy con đường và con đường này là chân lý. Người là con đường và là chân lý, vì thế là sự sống mà chúng ta trông mong (số 6).” Thư gửi tín hữu Do Thái (Bài đọc II) đã khẳng định sự gần gũi yêu thương của Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô. Người là vị Thượng tế cảm thông những yếu đuối của chúng ta. Người vẫn đang tiếp tục dâng chính thân mình làm của lễ để tôn vinh tình thương của Chúa Cha và xin ơn an bình cho nhân loại. Qua mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa không còn xa cách con người. Đức Giê-su là Thiên Chúa. Người đến gặp gỡ con người và mang cho họ sự đỡ nâng tinh thần thể xác. Ngày hôm nay, Chúa Giê-su vẫn đang đi ngang qua cuộc đời chúng ta. Người gõ cửa tâm hồn chúng ta để mời gọi chúng ta thực hiện đức công chính, cùng nhau xây dựng một thế giới huynh đệ. Nếu mọi người biết lắng nghe và thực hành thông điệp do Chúa nhắn gửi, thì thế giới sẽ bình an và lòng nhân ái sẽ lan toả trong cuộc sống của chúng ta.

Sống trong thế giới hôm nay, người Ki-tô hữu không dửng dưng với những mối bận tâm của thế giới. Trái lại, mỗi người phải cầu nguyện cho hòa bình và cố gắng góp phần xây dựng hòa bình. Hòa bình khởi đi từ mỗi cá nhân, khi chúng ta sống hài hòa với anh chị em, cổ võ nền văn minh tình thương, tôn trọng sự sống và phẩm giá của người khác. Đó là những hạt giống của niềm hy vọng mà các Ki-tô hữu được mời gọi hãy nỗ lực tung gieo vào mọi môi trường xã hội.

Ki-tô hữu là người tin cậy vào Thiên Chúa. Họ tin Ngài có thể làm được mọi sự. Thiên Chúa của Người Do Thái cũng là Thiên Chúa của người Kitô hữu. Ngài là Đấng làm cho điều không thể thành điều có thể.

“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được!”. Đó là lời van xin của người mù ở cổng thành Giê-ri-cô. Đó cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta. Hãy xin Chúa mở mắt tâm hồn để chúng ta thấy những nhu cầu của công ích, của những người bị bỏ rơi, người nghèo khổ và những người đang bị dồn vào ngõ cụt của cuộc đời. Xin Chúa cũng mở mắt khai trí để chúng ta biết mình là ai trong cuộc sống hằng ngày.

Chúng ta hãy cầu nguyện với thánh Phan-xi-cô Át-si-di: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa!”. Khi thiện chí sống theo giáo huấn của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ trở nên khí cụ bình an và là người thắp lên niềm hy vọng trong cuộc đời.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (Tgp. Hà Nội)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

ĐỨC GIÊSU LÀ CON ĐƯỜNG SÁNG

  

Người mù lòa luôn khiến chúng ta dễ cảm thông và liên đới với thân phận mỏng giòn của kiếp người, sinh-lão-bệnh-tử.  Bài Đọc 1 và Bài Tin Mừng hôm nay không nằm ngoài sự nhắc nhở thân phận mọn hèn của con người, tuy nhiên chúng ta không chỉ dừng lại nơi phép lạ chữa lành người mù mà còn suy niệm con đường sáng Đức Giêsu đã khai mở cho người mù, như dấu chỉ của hành trình đức tin.  Khởi đầu con đường đức tin nơi người mù là việc lắng nghe thiên hạ đồn thổi về danh tiếng Đức Giêsu, rồi người mù tự ý van xin lòng thương xót Chúa, ông được gặp gỡ Chúa và đối thoại với Chúa, cuối cùng ông được Chúa chữa lành, người mù tiến bước theo Người.

Con người đi tìm Thiên Chúa từ sự vô minh, khởi đi từ nghe nói về Thiên Chúa qua trung gian các thầy dạy giáo lý, các nhân sự của Giáo hội và cuối cùng gặp được Thiên Chúa, và chấp nhận đi theo Người.  Đó là hành trình chung chung của phần đông nhân loại.  Đức tin cá nhân khởi đi từ đức tin cộng đoàn, hay nói đúng hơn đức tin cộng đoàn chảy tràn sang cá nhân.

Trên đường đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang qua thành Giêrikhô, gặp một người mù tên là Batimê, ngồi bên vệ đường, nghe tiếng ồn ào đồn thổi anh lên tiếng xin Chúa: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi!”.  Đức Giêsu dừng lại đối thoại với người mù “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” và anh ta xin Người cho mình được sáng mắt: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”.  Đức Giêsu đã chữa anh khỏi mù và anh đi theo Người (x. Bài Tin Mừng Mc 10, 46-52).

Con đường anh mù kinh qua trước khi gặp Đức Giêsu là thế giới âm u, tương lai vô vọng, anh sống không sự nghiệp, sống nhờ vả vào bá tánh.  Anh bị gạt ra ngoài lề xã hội của thế giới những người lành mạnh, sống nhờ từ thiện của ‘ông đi qua bà đi lại’.  Đây là sự bất lực của anh trong sinh hoạt xã hội, là người thiểu năng anh sống bên lề xã hội, “anh ngồi ăn xin bên vệ đường”.  Tuy nhiên con đường đó lại trở nên nơi gặp gỡ Đức Giêsu, trở thành con đường khởi đầu hành trình đức tin, nghe biết có Đức Giêsu đi ngang qua đó, anh cất tiếng van xin cho dù bị “nhiều người quát nạt bảo anh im đi” (c. 48), anh càng gào to hơn, việc làm như muốn khẳng định đức tin và lòng cậy trông của mình.  Thật vậy đức tin không phải là ý kiến của đám đông nhưng là sự xác tín vào Con Thiên Chúa: “Lạy con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”.

Được Đức Giêsu lắng nghe và nhận lời cầu xin, anh mù mở hội trong lòng, anh bước từ cõi âm u sự chết sang thế giới chan hòa ánh sáng sự sống: “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu” (c. 50).  Anh bắt đầu một cuộc sống mới cùng với Đức Giêsu, một con đường đầy ánh sáng và sức sống mở rộng trước mắt anh, đưa anh ta đi vào đời sống xã hội của những người lành mạnh.  Anh bắt đầu hội nhập cộng đồng lành mạnh.  Ánh sáng đức tin dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa và hòa nhịp sinh hoạt với cộng đoàn.  Anh mù được chữa lành, anh đã xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô. 

Người mù đó chính là thân phận của mỗi chúng ta!   Bất lực và bại liệt, ngồi bên vệ đường trong tội lỗi của chính mình.  Thật thế có khi con người bất lực không dứt khỏi yếu đuối của mình, không đứng dậy nổi khỏi chiếu bài bạc, không dứt bỏ nổi đam mê yếu đuối dìm chết mình, các thứ tứ đổ tường.

Con người mù lòa trong thành kiến, trong sai lầm, Con người được mời gọi sống trong đức tin, nhưng rồi bị cản trở bởi ngoại cảnh, bởi đám đông chê cười, bởi thế lực của ‘thế giới người ta’.  Có khi Con người bị cám dỗ ngồi lì bên vệ đường an phận trong bóng tối, trong tư tưởng cố chấp, trong những pháo đài định kiến, những cố tật và an toàn giả hiệu của chiếc áo choàng đời thường.  Con người được mời gọi vất bỏ lại sau lưng chiếc áo choàng sợ hãi, nhát đảm để đứng phắt dậy, bước theo Đức Giêsu trong vui mừng và phấn khởi.

Chủ đề con đường sáng đã được tiên tri Giêrêmia loan báo trong bối cảnh công bố tin vui hồi hương cho dân tộc lưu đày: “Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về,….  Trong chúng có kẻ đui người què … Ta dẫn đưa chúng tới dòng nước, qua con đường thẳng băng … Vì ta là một người Cha và Épraim chính là  con  trưởng” (Bài Đọc 1. Gr 31,7-9).  Con đường sáng là con đường tình yêu của Thiên Chúa đối với người mù, cũng là đối với nhân loại, con đường sáng là con đường sự sống, là con đường hạnh phúc, nơi Thiên Chúa gặp gỡ đối thoại và chữa lành con người.  Mỗi người có con đường riêng của mình, Thiên Chúa gặp con người ngay trên con đường họ đi, như Đức Giêsu đã gặp anh Batimê ngồi bên vệ đường ăn xin.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con sáng mắt để nhìn thấy chính mình mà chỉnh đốn đời sống tâm linh và nhìn thấy Chúa nơi anh em để yêu thương và phục vụ.   Xin cho con không ngần ngại xuất phát lại từ Chúa Kitô bước đi trên con đường sáng. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh, Gx Đức An, Pleiku

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

ĐÔI MẮT TÂM HỒN

Suy niệm

Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc “Đôi mắt” với ca từ thật dễ cảm và ý nghĩa thật sâu xa: Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Mẹ cho em đôi mắt màu đen, để thương để nhớ, để ghen để hờn. Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn, là bài thơ hay nhất, là lời ca không dứt, là tuyệt tác của thiên nhiên… Thi sĩ Lưu Trọng Lư cũng đã viết hai câu thơ thật đẹp về tình yêu trong đôi mắt: “Mắt em là một dòng sông. Thuyền ta bơi lặn trong dòng mắt em”.

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Đôi mắt là vẻ đẹp tuyệt vời mà Thiên Chúa làm nên cho con người, để nhìn ngắm biết bao điều huyền diệu trong thế giới. Không có gì đau khổ và bất hạnh cho bằng bị mù lòa. Quả thật, người mù đã không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không được nhìn ngắm người thân bạn bè, mà còn bị mặc cảm lệ thuộc kẻ khác, sống bên lề xã hội.

Bài Phúc Âm hôm nay kể cho ta nghe về anh mù Báctimê, “ngồi bên vệ đường” ăn xin, nghe biết Đức Giêsu đi qua, anh thống thiết kêu van: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh càng kêu to: “Hỡi con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Đức Giêsu đứng lại và cho gọi anh đến. Anh sung sướng, liệng áo choàng, đứng phắt dậy và đến với Ngài. Báctimê tuy mù đôi mắt thân xác nhưng lại sáng đôi mắt tâm hồn. Anh thấy điều mà người sáng mắt không thấy. Anh thấy Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế nên gọi Ngài là “con vua Đavít”; anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Sự thật đã xảy ra như thế. Anh được sáng mắt và bước đi theo Chúa. Như vậy, bất hạnh lớn nhất không phải là bị mù, mà là có mắt nhưng lại không nhìn thấy những điều cao trọng và huyền diệu mà Chúa đã làm nên cho ta.

Xem ra trước khi có được ánh sáng bên ngoài, thì anh đã có được ánh sáng bên trong, ánh sáng của tâm hồn, cũng là ánh sáng đức tin. Nhưng đó không phải là chuyện tự nhiên, mà anh đã kiên trì tìm kiếm và chờ đợi bao năm. Anh ta không ngã lòng, không buông xuôi, không than trời trách đất, không buồn chán vì thế thái nhân tình, mà trái lại, còn chủ động và tích cực tìm kiếm cơ may cho đời mình. Khi muốn đến với Chúa anh ta còn bị cản trở bởi đám đông, họ miệt thị anh ta, muốn bịt miệng anh ta. Quả là một đám đông vô tâm, vô cảm.

Con người ngày nay đã có một ý thức sâu xa về nhân phẩm, nhưng xem ra cũng chẳng hơn gì người xưa. Vẫn có một vùng tối rất đáng sợ trong tâm hồn con người che mất sự hiện diện của Thiên chúa, mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã từng gọi tên nó là “lối sống vô cảm”, không còn động lòng trắc ẩn trước những đau khổ của anh chị em mình. Lạ thay, đứng trước sự vô cảm của đám đông, người mù Báctimê vẫn không mặc cảm, không tự ái, không buồn phiền hay thù hằn những người cấm cản anh ta đến với Chúa, nhưng càng tỏ ra bản lãnh và vững vàng hơn nữa trong sự kêu cầu và tin tưởng. Sự kiên trì và lòng kiên quyết đã giúp anh vượt qua sự ngăn chặn của đám đông, và thoát khỏi vòng tăm tối của cuộc đời, để vươn tới miền ánh sáng. Lòng tin quyết liệt vào Đức Giêsu đã đưa anh vào khung trời an vui và hạnh phúc.

Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian, Ngài đến không nhằm chữa lành đôi mắt thân xác cho bằng đem lại ánh sáng cho đôi mắt tâm hồn. Ngài đã mở mắt cho Giakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài để rồi ông tự động đem phân nửa tài sản mình phân phát cho người nghèo (Lc 9, 1-10). Ngài mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm để sống một đời sống mới (x. Lc 7, 36-50). Ngài mở mắt cho người trộm lành để anh ta nhận ra lòng Chúa xót thương, để rồi nhờ sám hối và tin cậy mà anh được hưởng ngay phúc thiên đàng (Lc 23, 32-43). Và đừng quên rằng, Chúa đang tiếp tục làm như thế trên đời sống của mỗi người chúng ta. Vấn đề đặt ra là chúng ta có khao khát tìm kiếm Chúa hay không, có tin vào quyền năng Chúa không?

Có bao điều đang che phủ đời sống ta, đang ngăn chặn ta, đang lôi kéo ta. Ngoài ra, đau ốm, tật nguyền còn có những “cám dỗ” riêng của nó dễ khiến ta thất vọng. Nhưng dù sống trong tình trạng nào thì cũng cần nhận ra sự mù tối, cứng đọng hay sự lệch lạc của tâm hồn mình, để ta can đảm đến với Chúa như anh mù Báctimê, xin Ngài khai quang mở lối cho ta tiến đến một đời sống mới trong ánh sáng chân lý và tình yêu của Ngài. Vì “Chính nhờ ánh sáng của Chúa, mà chúng ta được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10). Dưới ánh sáng đức tin thì mọi tối tăm đang được khai mở trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Chúa cho con đôi mắt thật tuyệt vời,
có nhiều khi đôi mắt nói thay lời,
diễn tả tâm tư tình cảm ở mọi nơi,
làm sáng lên khuôn mặt vẻ rạng ngời.

Đôi mắt như cửa sổ của tâm hồn,
trái tim thứ hai tinh tế rất đa ngôn,
cười hay nói có thể là giả dối,
nhưng đôi mắt là biểu hiện thật lòng.

Đôi mắt có mọi cung bậc của cảm xúc,
cho thấy ý nghĩa hiện diện trong từng lúc,
thấy rõ được tình ngay hay ý gian,
thấy được điều sâu xa hay nông cạn.

Mỗi sớm mai con vui mừng thức dậy,
hạnh phúc đầu ngày được mở mắt ra,
để nhìn thấy bao nhiêu điều mới lạ,
thấy người thân và vũ trụ bao la,
thấy anh em và tình nghĩa mẹ cha,
con hớn hở cất lời kinh cảm tạ.

Đôi mắt thân xác quả thật tuyệt vời,
nhưng vẻ đẹp ấy cũng chỉ tạm thời,
Chúa còn cho đôi mắt của đời đời,
là đôi mắt đức tin nhìn thấy Chúa,
đang sống và hành động ở mọi nơi,
cả những khi đời chơi vơi tăm tối.

Nhưng đôi mắt tâm con còn mờ tối,
xin Chúa dủ thương soi đường mở lối,
vượt thoát ra khỏi tội lỗi phủ vây,
khỏi những thứ giả hình và che đậy,
để thấy Chúa đang đến với con đây,
và đang làm mới lại cuộc sống này. Amen.

Lm. Thái Nguyên (Gp. Cần Thơ)

WGPKT(24/10/2024) KONTUM