Chúa Nhật XXXI Thường Niên, Năm B (CN 03.11.2024) – Mến Chúa Yêu Người

Bài đọc 1: Đnl 6,2-6

Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Hãy yêu mến Đức Chúa hết dạ hết lòng !

Bài trích sách Đệ nhị luật.

2 Ngày ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu. 3 Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành ; như vậy anh em sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tràn trề sữa và mật, như Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, đã phán với anh em.

4 “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 5 Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. 6 Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ.”

Đáp ca: Tv 17,2-3a.3bc-4.47 và 51ab (Đ. c.2)

Đ.Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con.

2Con yêu mến Ngài,
lạy Chúa là sức mạnh của con ;3alạy Chúa là núi đá, là thành luỹ,
là Đấng giải thoát con ;

Đ.Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con.

3bclạy Thiên Chúa con thờ,
là núi đá cho con trú ẩn,
là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng,
là thành trì bảo vệ.4Tôi kêu cầu Chúa
là Đấng xứng muôn lời ngợi khen,
và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.

Đ.Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con.

47Đức Chúa vạn vạn tuế !
Chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn.
Tôn vinh Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi,51abChúa ban nhiều chiến thắng lớn lao
cho Đức Vua chính Người đã lập.

Đ.Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con.

Bài đọc 2: Hr 7,23-28

Chính vì Đức Giê-su hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

23 Thưa anh em, trong Cựu Ước, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. 24 Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. 25 Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.

26 Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến : một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. 27 Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác : mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân ; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. 28 Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.

Tung hô Tin Mừng: Ga 14,23

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mc 12,28b-34

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?” 29 Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó.” 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

CHỨC NĂNG TƯ TẾ

Công đồng Vatican khẳng định: nhờ bí tích Thánh tẩy, người tín hữu giáo dân cũng được ban chức năng tư tế. Những tín hữu được truyền chức linh mục, là những “tư tế thừa tác”; còn những tín hữu giáo dân là “chức tư tế cộng đồng” (x. Hiến chế Giáo Hội trong thế giới hôm nay, số 10 và 11). Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo viết như sau: “Toàn thể cộng đoàn các tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế do phép Rửa qua việc họ tham dự, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, vào sứ vụ của Đức Ki-tô là Tư tế, Tiên tri và Vương đế” (số 1546).

Theo lời trích dẫn trên đây, người tín hữu có chức tư tế là nhờ được tháp nhập vào Đức Ki-tô. Người là vị Thượng Tế của Giao ước mới. Thư gửi tín hữu Híp-ri là một khảo luận về chức tư tế của Đức Giê-su. Người là vị Thượng tế tối cao, vượt trên chức tư tế của Cựu ước. Người đã dâng chính bản thân mình làm của lễ lên Chúa Cha để xin ơn tha tội cho loài người. Hôm nay, trên khắp thế giới, mỗi khi có linh mục dâng thánh lễ, là hy tế thập giá được trở nên hiện-tại-hóa. Nói cách khác dễ hiểu hơn, thánh lễ chúng ta dâng cũng chính là hy lễ thập giá Chúa Giê-su đã cử hành cách đây hai ngàn năm. Thánh lễ không phải sự nhắc lại như người ta diễn kịch, nhưng là chính Chúa Giê-su đang hiến tế qua linh mục dâng lễ.

Người giáo dân có chức tư tế để làm gì? thưa để thánh hóa bản thân. Với chức năng tư tế, chúng ta làm cho cuộc đời mình trở thành của lễ thơm tho dâng lên Thiên Chúa, hợp với của hy tế của Đức Giê-su. Thi hành chức năng tư tế là nỗ lực nên thánh và giúp những người khác nên thánh theo lời giáo huấn của Chúa Giê-su. Ý thức về chức năng tư tế sẽ giúp chúng ta tham dự thánh lễ sốt sắng và hiệu quả hơn, vì chúng ta đang “cử hành” cùng với vị chủ tế hy lễ thập giá, ở chức bậc và ơn gọi riêng của mình.

Nên thánh, hay nên hoàn thiện là lời mời gọi trải dài trong Thánh Kinh, Cựu ước cũng như Tân ước. Bài đọc I hôm nay là lời mời gọi nên thánh đến từ Thiên Chúa. Đây là lời kinh thuộc lòng của mọi người Do Thái. “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en…”, lời kinh này đi theo mỗi tín hữu Do Thái trên mọi nẻo đường. Lời kinh ấy gắn liền với môi miệng, xuyên suốt thời gian và không gian, trong bất cứ hoạt động nào của cuộc sống. Lý do và nền tảng của lời mời gọi nên thánh là vì Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh và là Đức Chúa Duy Nhất.

Chúa Giê-su đã lặp lại những lời kêu gọi này trong giáo huấn của Người. Cùng với lời kinh truyền thống, Người đã nối liền lòng tôn thờ Thiên Chúa với đức ái đối với tha nhân. Một người kinh sư đến gặp Chúa Giê-su. Ông là người tri thức. Dựa vào những gì ông nói, thì ông cũng là người chu toàn lề luật. Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giê-su và ông kinh sư nêu bật những đòi buộc của Do Thái giáo và cũng là của Ki-tô giáo. Mến Chúa mà không yêu người, đó là lòng yêu mến trống rỗng; yêu người mà không mến Chúa, đó không phải là lòng yêu mến siêu nhiên. Mến Chúa sẽ làm cho yêu người chân thật và ý nghĩa hơn; yêu người sẽ làm cụ thể hóa lòng yêu mến dành cho Thiên Chúa. Mến Chúa và yêu người như hai mặt của một tấm huy chương, không thể tách rời. Đây là cốt lõi của Ki-tô giáo.

Thông thường, đa số người tín hữu giáo dân chưa ý thức được chức năng tư tế của mình trong cộng đoàn và trong đời sống xã hội. Chức năng tư tế giúp chúng ta đạt được lý tưởng cao cả là sự thánh thiện. Quả vậy khi ý thức mọi việc mình làm, mọi âu lo trăn trở và vui mừng hân hoan mình gặp trong cuộc sống đều có thể dâng lên Thiên Chúa cùng với hy lễ của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ nỗ lực và cố gắng hơn trong hành trình nên thánh. Thánh Phao-lô đã viết cho giáo dân Rô-ma như sau: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). Như thế, thi hành chức năng tư tế, cùng với chúc năng ngôn sứ, sẽ mang lại nhiều hiệu quả truyền giáo cụ thể. Một khi chúng ta chuyên tâm tuân giữ giáo huấn của Chúa, những người không cùng tôn giáo sẽ nhận ra chúng ta là con của Cha trên trời.

“Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. Cách diễn tả này cho thấy lòng yêu mến Chúa luôn phải là một ưu tiên đặc biệt, để rồi trọn vẹn đời sống của Ki-tô hữu đều hướng về Chúa và làm đẹp lòng Ngài. Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta. Người đã vâng lời và tôn vinh Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh, kể cả đau khổ và thập giá. Xin Chúa Giê-su giúp chúng ta tìm thấy hạnh phúc và bình an khi chuyên tâm thực thi lời Người dạy, Amen.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (Tổng Gp Hà Nội)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

ĐIỀU RĂN HÀNG ĐẦU 

 

Dân Do thái từ thời Cựu ước đã chiếu sáng niềm tin độc thần giáo của mình ngay khi họ ở giữa các dân tộc theo đa thần giáo, các dân nầy thờ ma lạy quỷ, thờ các ngẫu thần được đẽo gọt ra do sáng kiến của con người.  Tôn giáo thờ lạy một mình Thiên Chúa là điều rất hiếm hoi và độc lạ vào thời bấy giờ, sự kiện độc thần giáo nơi người Do thái đã gây ngạc nhiên không ít cho các nhà nghiên cứu tôn giáo và dân tộc học hôm nay.

Các nhà nghiên cứu tôn giáo đặt vấn đề, phải chăng Thiên Chúa đã can thiệp và mặc khải cho dân Ítraen sớm biết niềm tin nầy.  Niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất vẫn sống mạnh nơi dân Do thái cho đến ngày nay.  Và chính niềm tin nầy đã cứu sống họ, hiệp nhất họ lại, tái lập quốc sau cả ngàn năm bị phân tán.

Niềm tin độc thần nầy cũng là niềm tin chung cho các Giáo hội Kitô, cho dù họ là Công giáo, Tin lành giáo, Anh giáo hay Chính thống giáo, tất cả đều tuyên xưng “Tôi tin Một Thiên Chúa” (Credo in unum Deum).  Niềm tin căn bản nầy được dân Do thái ngày 3 lần tuyên xưng trong kinh nguyện của họ : “Nghe đây hỡi Ít-ra-en …” (x. Đnl 6, 4).  Lời kinh diễn tả đức tin căn bản và nền tảng của tôn giáo Do thái, tin vào một Thiên Chúa Độc Nhất, lời kinh nhắc nhớ lại các giao ước và thu tóm mọi lề luật trong tình yêu Thiên Chúa.  Biết rằng thời kỳ dân Do thái lưu đày tại Ba-ben, họ không còn Hội đường, không có các nghi lễ phụng tự công khai, cho nên các ngôn sứ đã thêm cho họ nhiều lề luật để níu kéo họ trung thành với tôn giáo Độc thần.

Ngày hồi hương từ đất Ba Ben trở về (năm 587-539) theo chiếu chỉ của Cyrus vua Ba Tư, dân Do thái ôm theo mình 613 luật về lại cố hương, gồm 365 luật cấm và 248 luật khuyến thiện, quá nhiều luật lệ khiến họ tranh cãi nhau không biết Luật nào quan trong nhất.  Vấn nạn được đặt ra mời Đức Giê-su phán xử: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” 

Chúa Giêsu trả lời bằng trích dẫn lời Sách Đệ Nhị Luật 6, 4:  “Nghe đây hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất ….  Người phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực người.  Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu thương thân cận như chính mình.  Chẳng có điều răn nào khác quan trong hơn các điều răn đó” c.29-31 (x. Bài Tin Mừng Mc 12, 28b-34).
Thánh Môsê trong sách Đệ Nhị Luật nhấn mạnh đến việc kính sợ Thiên Chúa: “Anh em sẽ kính sợ Thiên Chúa mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em và lo đem ra thực hành những điều ấy, anh em sẽ được sống hạnh phúc” (x. Bài Đọc 1. Đnl 6, 2-6). Vậy từ thời Cựu ước sách Đệ Nhị Luật (x. Đnl 12, 1t) nói về việc tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và phải triệt hạ, phá đổ đền thờ và đập bỏ các ngẫu tượng.  Sách Lêvi đã nói đến tình yêu đối với tha nhân (Lv 19,18): “Yêu người thân cận như yêu chính mình”,  hay việc chuộc kẻ làm tôi, không cho vay nặng lãi (x. Lv 25, 35 t) , Cựu ước không xa lạ đối với các hình thái tình yêu nầy.

Đức Giêsu được ví là Môsê Mới, là đấng Giải phóng và nhà Lập luật đem lại điều mới mẽ khi liên kết hai tình yêu ấy lại, yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân làm một. Trả lời cho câu chất vấn về luật cao nhất trong các luật,  Đức Giêsu trưng dẫn hai khoản luật ở sách Đnl và Lv (Đnl 6,4 và Lv 19,18), và liên kết chúng lại.
Sở dĩ gọi đây là điều răn mới vì tình yêu nầy không biết đến biên giới và yêu vô điều kiện.  Đức Giêsu liên kết hai tình yêu nầy nên một đến nỗi Người đồng hóa Thiên Chúa với kẻ hèn mọn nhất.  Khi anh em làm điều lành hay dữ cho người hèn mọn nhất là anh em làm cho chính Đức Kitô.  Trên đường truy lùng và bách hại các tín hữu Kitô, ông Phaolô bị quở trách là bách hại Chúa Giêsu Kitô.

Đức Giêsu đồng hóa mình với con người hèn kém bị bỏ rơi là điều mới lạ trong luật yêu thương thời Tân Ước.    Trong trình thuật phán xét chung ngày tận thế,  Thánh Mátthêu cho thấy tiêu chí duy nhất để thưởng phạt, chúng ta có thể ghi tâm khắc cốt câu nói nầy: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các người làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta vậy”, và ngược lại, khi không như thế làm cho kẻ bé mọn là không làm cho chính Thiên Chúa (x. Mt 25, 40. 45).  Tiêu chí duy nhất để phán xét kẻ được thưởng và người bị phạt là việc thi hành bác ái cho tha nhân, cho dù ngay cả khi người làm bác ái không biết đến Thiên Chúa, và cũng không ý thức việc làm bác ái là vì Chúa.

Yêu Thiên Chúa thì không thể ghét bỏ con người, người ta không thể nhơn danh Thiên Chúa để sát hại đồng loại mình dưới mọi hình thức.  Văn minh tình thương không biết đến hận thù và chết chóc, vì không có tôn giáo chân thật nào lấy máu đồng loại để tế thần.

Lạy Chúa Giêsu xin cho con biết yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân, xin cho con biết tôn trọng phẩm giá cao quý và liên đới với họ trong mọi hoàn cảnh vì họ là hiện thân của Đức Kitô. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh (Gx Đức An, Pleiku)

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT

Suy niệm

Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến. Trước tiên là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, vì Ngài là căn cội và cùng đích của đời sống con người. Tình yêu không thể nài ép mà là nhận ra và đáp trả. Chính sự đáp trả này làm cho con người là người, là con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau. Vì vậy, điều răn đứng đầu gắn liền với điều răn thứ hai:“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chính trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá đích thực của một con người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Chỉ trong Chúa, ta mới yêu thương đến cùng, vì nhận ra mỗi người là hình ảnh của Ðức Kitô đang sống.

Có một người kia sau khi ăn chay 70 tuần, thì xin Chúa cho mình hiểu ý nghĩa vài câu trong Kinh Thánh, nhưng Chúa không trả lời. Cuối cùng, người đó phải tìm đến với người anh em để xin giải thích. Khi người đó lên đường, Chúa gửi một thiên thần xuống nhắn nhủ rằng:“Bảy mươi tuần ăn chay của con cũng không làm cho con đến gần Chúa. Nhưng bây giờ con có lòng khiêm tốn đến với người anh em, nên ta được Chúa gởi đến để nói cho con ý nghĩa các lời thánh”.

Nhân danh lòng tin vào Chúa mà không mở lòng mình ra với tha nhân, phải chăng là một thứ kiêu ngạo thiêng liêng? Đó không phải là tin vào Chúa mà là tin vào sự thánh thiện của mình. Tiếng nói của Chúa trong ta không phải là tiếng nói duy nhất của Ngài, mà Ngài còn nói với ta qua sự khôn ngoan và nhãn quan thiêng liêng của người khác. Ta cần mở lòng ra để đón nhận những tư duy mới, các khả năng mới như một cách thức của Lời Chúa. Khép kín với bất cứ một cái gì, hay bất cứ ai, là khép kín khả năng có thể tái sinh chính mình.

Luật thánh Bênêđictô dạy, khi có ai gõ cửa thì phải nói: “Benedicite”, có nghĩa sâu xa rằng: cảm tạ Chúa vì có người đến làm phong phú lương tri của con, chỉ dẫn con cách suy nghĩ, cách sống, và làm cho con vượt ra khỏi thế giới chật hẹp của mình. Mỗi ngày ta cần mở lòng để đón tiếp một kinh nghiệm mới, một tư duy mới, một cái gì đó nơi người khác để khai sáng trí não mình.

Cũng có một giai thoại khác kể rằng, đêm nọ xuyên qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy thiên thần đang ngồi ghi tên những ai yêu mến Chúa vào cuốn sách vàng. Ông hỏi thử xem có tên mình không. Thiên thần giở ra nhưng không thấy. Ông nài nỉ thiên thần: “Xin Ngài ghi tên tôi là người lúc nào cũng yêu mến tha nhân”. Thiên thần cũng chiều ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng. Tối hôm sau, giữa ánh trăng sáng, thiên thần lại hiện ra và mở cuốn sổ vàng cho vị tu sĩ xem. Lần này, ông thấy tên của mình dẫn đầu trong danh sách những người yêu mến Chúa. Sau khi vị tu sĩ già qua đời, các anh em trong tu viện xem lại nhật ký của ông, thấy câu đầu tiên là câu trích dẫn từ thư 1Ga 4, 20: “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Tiếp theo, ông ghi chú như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và linh hồn tôi”.

Ta không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa trong tâm tưởng hay trong ước muốn, mà là nơi chính tha nhân, nơi những hành động cụ thể trong những tương quan hằng ngày. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi tha nhân. Tuy nhiên, điều này không dễ chút nào. Chúng ta có thể cầu nguyện để làm tăng triển mối liên hệ với Chúa, nhưng rồi đối với chính mình thì ta có thể bất mãn, than thân, trách phận. Còn đối với tha nhân thì lại bất nhẫn, nói hành, nói xấu, hận thù… Lòng đạo đức như vậy có thể là một thứ đạo đức bệnh hoạn. Và yêu Chúa như vậy cũng có thể là một thứ tình yêu lệch lạc. Chỉ khi nào ta chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình với những khuyết điểm, những lỗi lầm của mình, rồi nhờ ơn Chúa cải thiện dần dần, thì ta mới có thể yêu mến Chúa và thương mến tha nhân.

Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu tha nhân như chính mình. Tình yêu với Thiên Chúa đưa ta vào cuộc sống với anh em. Tình yêu thương anh em đòi ta chìm sâu trong Thiên Chúa, để kín múc nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao. Cuối cùng tình yêu ấy lại quay trở về với Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo, mà Đức Kitô đã ao ước thực hiện giữa Thiên Chúa với chính Ngài và các kẻ tin (Ga 17, 21). Đẹp biết bao vương quốc của Thiên Chúa, nơi chỉ có tình yêu chiếu sáng rạng ngời, dành cho tất cả những ai đã một đời biết sống trọn vẹn cho tình yêu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Yêu Chúa lúc bình thường thì không khó,
nhưng yêu khi sóng gió thì không dễ,
nhất là khi gặp khốn khó ê chề,
sa cơ thất thế trở về tay không,
nhưng con vẫn cậy trông và hy vọng,
vì tin Chúa hằng khơi sâu nới rộng,
bằng ân ban và sức sống của Ngài.

Yêu mến Chúa xem ra là điều dễ,
vì dù sao Ngài cũng vẫn là tình yêu,
yêu tha nhân như chính mình mới khó,
nhất là khi bị phủ nhận khinh chê,
bị bất công loại trừ và thay thế,
là những lúc con đau buồn vô kể,
nỗi thù hằn như khống chế tim con,
thấy bao nhiêu thiện chí bị xói mòn.

Nhưng khi con bình tâm suy nghĩ lại,
những tổn thương xem ra cũng rất cần,
để con có kinh nghiệm sống tình thân,
vì nhiều lần con cũng xử vô nhân.

Tình con yêu luôn mang tính hỗ tương,
cả trong những đau thương và hạnh phúc,
muốn yêu thương mà không chịu đau thương,
thì đời con quả thật là ảo tưởng.

Chúa đã sống tất cả mọi tình trường,
muốn cho con nhìn ngắm để noi gương,
trong an vui khiêm nhường mà tiến bước,
để con là nhân chứng của tình thương.

Xin cho con biết sống con người mới,
bằng tình yêu mà Chúa đã gọi mời,
để bừng lên ánh sáng ở mọi nơi,
là niềm vui hạnh phúc đến muôn đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên (Gp Cần Thơ)

WGPKT(02/11/2024) KONTUM