
Bài đọc I: 2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29
Lời Chúa trong sách Ma-ca-bê quyển thứ hai.
Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.
Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”
Bà nói với người con út : “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”
Ðó là Lời Chúa.
Hoặc : (Kn 3,1-9)
Lời Chúa trong sách Khôn ngoan.
Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình. Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử. Sau khi chịu sửa dạy đôi chút, họ sẽ được hưởng ân huệ lớn lao. Quả thế, Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người. Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy. Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước. Và Ðức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời. Những ai trông cậy vào Người, sẽ am tường sự thật; những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.
Ðó là Lời Chúa.
Bài Đọc II: Rm 8,31b-39
Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn ? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính ? Ai sẽ kết án họ ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta ?
Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.
Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
Ðó là Lời Chúa.
Hoặc : (Kh 7,9-17)
Lời Chúa trong sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
Tôi là Gio-an, tôi đã thấy: một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “A-men! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh,đến muôn thuở muôn đời! A-men !”
Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?” Tôi trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó.” Vị ấy bảo tôi: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Ðền Thờ của Người; Ðấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.”
Ðó là Lời Chúa.
Lời Chúa: (Lc 9,23-26)
Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”
Ðó là Lời Chúa.
Hoặc : (Ga 17,11b-19)
Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Khi ấy, Ðức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Ðó là Lời Chúa.
———-
Suy niệm 1: Linh mục Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Chứng Nhân Cho Đức Kitô
Hôm nay Hội thánh Việt Nam tôn vinh các thánh tử tại Việt Nam, các vị đã hiên ngang lấy máu đào làm chứng đức tin, lấy mạng sống hào hùng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, các ngài đã bất khuất trước những cấm đoán đe dọa bắt bớ, tù đày, chém giết của các triều đại vua chúa thời bấy giờ. Cũng như các Hội Thánh khác khởi đi từ đau khổ và thử thách, Hội thánh Việt Nam ngót nghét 300 năm bị bắt đạo qua nhiều triều đại vua chúa khác nhau mà lịch sử còn in đậm nét. Sự kiện lịch sử đau thương và oai hùng nầy đặt Giáo hội Viêt Nam ngang tầm với các Giáo hội trên thế giới, ngang hàng trong tử đạo làm chứng đức tin.
Đức tin đòi hỏi phải được tuyên xưng bằng đức mến. Tử đạo là bằng chứng cao cả nhất về đức mến nói lên lòng tin không lay chuyển đối với Thiên Chúa. Tử đạo minh chứng tính bất khả vi phạm trong thờ phượng Thiên Chúa. Thiên Chúa phải được tuyệt đối tôn thờ cho dù tín hữu có phải bị đe dọa mạng sống. Các vị tử đạo đã sống quy luật khắt khe này của đức tin: Lấy Thiên Chúa làm trọng hơn mạng sống mình, từ bỏ chính mạng sống mình để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Sự hy sinh mạng sống vì đức tin đặt cơ sở trên niềm cậy trông vào sự sống lại. Thật vậy các thánh đã hy sinh sự sống đời nầy để được sự sống đời sau.
Đức trông cậy có chút khác với niềm hy vọng, hy vọng trần thế thì ít nhiều ai cũng có, “còn sống thì còn hy vọng”, “Còn nước còn tát”, người ta vẫn thường nói như vậy. Còn đức cậy trông cũng hướng về tương lại, nhưng lấy Thiên Chúa làm đối tượng. Niềm cậy trông được Thiên Chúa gieo vào lòng tín hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chính Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm cậy trông sống lại, mà Đức Giêsu hứa ban cho những kẻ bước theo Người. Niềm cậy trông sống lại đó làm cho người tín hữu luôn bình an và vui tươi trong mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống, đến nỗi không ai có thể cướp mất niềm cậy trông của người Kitô hữu được. Thế gian không hiểu điều này nên họ chê cười những kẻ thà chấp nhận chết chứ không chịu từ bỏ đức tin.
Tin-Cậy-Mến là những nhân đức đối thần còn được gọi là các nhân đức thuộc linh, được chính Thiên Chúa ban cho người tín hữu khi gia nhập Giáo hội, được người tín hữu dùng để tin Chúa, mến Chúa và Trông cậy vào Chúa, Thiên Chúa là đối tượng của ba nhân đức nầy. Chỉ có người Kitô hữu mới có các nhân đức đối thần mà thôi.
Quy luật đức tin được các thánh tử đạo tuân thủ triệt để đến nỗi người mẹ trong sách Macabê đã can đảm nhìn thấy bảy đứa con chết trước mắt mà vẫn lên tiếng cổ vũ các con sống trung thành với đức tin: “Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một … Chính Thiên Chúa do lòng thương xót, sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì các con trọng luật lệ hơn bản thân mình” (Bài Đọc 1. 2Mc 1.20-23.27b-29). Cách sống can trường và anh hùng đó được thánh Phaolô tóm gọn trong Bài Đọc 2 : “ Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?” (Rm 8, 31b-39).
Một sự thách đố thật sự đối với người Kitô hữu, sống hiên ngang và anh hùng trong chu tất bổn phận của mình: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo… Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”, lời của Đức Giêsu (x. Bài Tin Mừng Lc 9, 23-26). Thách đố này đã được 117 vị tử đạo tại Việt Nam vượt qua, và để nêu cao lòng trung tín của họ Giáo hội Công giáo hoàn vũ đã tôn phong các ngài lên bậc hiển thánh tại công trường thánh Phêrô, Rôma ngày 19. 6. 1988 do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chủ phong, trong đó có 8 giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân, thuộc quốc tịch Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam.
Pháp có 10 vị tử đạo 2 giám mục và 8 linh mục; Tây ban Nha có 11 vị, 6 giám mục và 5 linh mục; Việt Nam có 96 vị trong đó 37 linh mục, số giáo hữu tử đạo đông nhất có đến 44 vị, thuộc nhiều thành phần dân chúng, quan chức triều đình, binh sĩ, trùm họ, Chủng sinh 1 vị, Thầy giảng 14 vị, đặc biệt có một phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành. Tất cả các vị đã gieo trong lệ sầu và gặt trong hân hoan (x.Tv 125,50). Con số tử đạo tại Việt Nam không chỉ dừng lại 117 vị, mà còn nhiều hơn thế nữa, có sách nói đến 100.000 vị cũng có sách nói đến 300.000 vị, thật ra vào thời loạn lạc danh tánh các vị chưa minh bạch lắm. Trước mắt chúng ta có Á thánh Anrê Phú Yên, có Tôi Tớ Thiên Chúa là Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận và một số khác trên đường điều tra phong thánh.
Thân lạy Các Thánh Tử Đạo Việt nam, xin hãy là hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam, nhất là nơi miền truyền giáo Tây Nguyên Kontum, sinh thêm nhiều chứng nhân anh dũng cho Chúa Kitô. Amen
—————-
Suy niệm 2: Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
1. Trên thế giới này có rất nhiều tôn giáo, không tôn giáo nào, không đạo nào mà tín đồ bị bắt bớ, bị giam cầm, bị giết chóc như tín hữu đạo Công giáo !
Đến Roma, đi viếng hang Toại Đạo, nơi trốn tránh của người có đạo ở sâu dưới lòng đất , nhiều đường hầm dài hàng nhiều chục cây số để giữ đức tin của mình ! Ôi , các vị hoàng đế tàn bạo của đế quốc Roma, hùng mạnh nhất thế giới bấy giờ,sao mà lại sợ hãi để rồi lùng sục tìm bắt và giết một cách dã man những kẻ bé mọn yếu hèn không một tấc sắt trong tay ! Xem cuốn sách Quo Vadis của nhà văn nổi tiếng Sienkiewicz người Balan mới xót xa cho thân phận những người Công giáo những thế kỷ đầu, ngay cả lúc Phêro và Phaolo còn sống ! Và kéo dài cả hàng ba trăm năm như thế.
Hai ngàn năm rồi và trên cả thế giới, thời nào người đạo Công giáo cũng bị bắt bớ và giết hại.
Lịch sử tôn giáo các nước gần nước ta cũng đều có các vị Tử Đạo : Nhật Bản, Triều Tiên, Lào quốc . . .
Suốt hơn hai ngàn năm lịch sử của đạo Chúa Giêsu trên cả thế giới đều chịu thân phận như vậy, nhất là tại những nước mà người lãnh đạo độc tài kiêu căng ngạo mạn, muốn mình trở thành “chúa tể mọi loài” hoặc là những nước tuyên bố “vô thần” để mình trở thành một thứ “thần” tô trét đầy phấn son rất dị hợm !
2. Người đạo Công giáo nước Việt Nam chúng ta cũng bị bắt bớ, tù đày, giết chết bằng đủ mọi thứ cực hình, cũng suốt gần ba trăm năm, từ đầu thế kỷ 17 đến gần cuối thế kỷ 19. Hơn một trăm ngàn người bị giết chết vì muốn trung thành với Chúa. Họ là những người tốt, không lừa đảo, không dối trá, không trộm cướp, nhất phu nhất phụ chứ không phải như những kẻ giết họ có cả hàng trăm cũng tần mỹ nữ trong cung !
Để cho dễ nhớ mình phân biệt hai thời kỳ:
* Thời kỳ giết chết có “tổ chức” là thời kỳ vua , chúa, có bản án, có sắc chỉ cấm đạo . 117 vị Thánh và Chân Phước An-rê Phú Yên là trong thời kỳ này, từ 1664 cho đến 1883. Thời kỳ này có 70 ngàn người chết.
* Thời kỳ giết chết không có “tổ chức” là thời kỳ Văn Thân (1883-1885). Gặp là giết, kể cả đàn bà và trẻ em. Đốt cháy cả nhà thờ trong đó có cả hàng nhiều trăm người, hãy đến Bà Rịa mà xem, sử sách ghi lại rõ ràng, và có nhiều nơi như Bà Rịa . Thời gian ngắn ngủi tự do giết chết không xét xử này đã có 60 ngàn Kito hữu chết vì đạo !
3. Kể chuyện quê mình ở giáo xứ Nhà Đá (Phù Mỹ , Bình Định) , để xem Văn Thân giết người có đạo như thế nào. Giáo xứ Nhà Đá mình năm 1885 là xứ chính có nhiều xứ nhánh. Có biến động gì thì cũng tập trung về Nhà Đá vì có linh mục. Lúc đó là linh mục người Pháp thuộc hội Thừa Sai Paris. Cha Lê đình Bang là người Suối Nổ viết lại chuyện ghê rợn này, ngài cũng chỉ nghe người lương kể lại sau đó thôi. Rất nhiều chuyện tội nghiệp, đây xin chép lại một đoạn : “Khi tập trung về Nhà Đá để chạy loạn, có một bà tên là bà Hiên, thuộc giáo họ Suối Nổ ( cách Nhà Đá sáu cây số) , bà có thai gần ngày, nên hồi lên Nhà Đá mà chạy, thì bà không đi đặng . Chồng bà không nỡ bỏ vợ một mình nên đều ở lại với hai con nhỏ. Văn Thân tới bắt ông chồng và hai đứa con, trói và thiêu sống. Còn bà thì nó không thiêu, song chặt đầu, bà chết rồi thì con trong bụng còn máy, tức thì chúng nó lấy dao mổ ruột, xách đứa con ra, đem bỏ trong cối mà đâm cho nát !”
Biết bao chuyện thương tâm như thế làm sao kể hết.
Thời đó có khẩu hiệu “ bình Tây sát tả” nghĩa là : dẹp bọn Tây, giết bọn có đạo. Tây nó có súng có đạn mà nó ở xa có giết được nó đâu, toàn là giết người đồng bào vô tội của mình thôi ! Buồn thật.
4. Ôn một chút về các vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, được ĐGH Gioan-Phaolo II phong thánh ngày 19.6.1988.
* 11 người Tây ban nha, dòng Đaminh : 6 Giám Mục và 5 linh mục.
* 10 người Pháp Hội Thừa Sai Paris: 2 Giám Mục và 8 Linh mục.
* 96 người Việt Nam : 37 Linh mục, 17 Thầy giảng, 42 Giáo dân.
Các Ngài tử đạo vào các thời:
– Trịnh Doanh (1740-1767) : 02 vị.
– Trịnh Sâm (1767-1782) : 02 vị
– Cảnh Thịnh (1782-1802) : 02 vị.
– Minh Mạng ( 1820-1840) : 58 vị.
– Thiệu Trị. ( 1840-1847) : 03 vị
– Tự Đức. ( 1847-1883) : 50 vị
Ngày 05.3.2000, cũng ĐGH Gioan -Phaolo II phong Thầy Giảng Anre Phú Yên tử đạo ngày 26.7.1644 lên bậc Chân Phước.
Các Ngài đã bị :
– Xử Trảm (chặt đầu) : 75 vị
– Xử giảo ( thắt cổ). : 22 vị
– Thiêu sống, bá đao. : 06 vị
– Voi giày, ngựa xéo. : 05 vị
– Chết rũ tù hay do tra tấn. : 09 vị
Có những hình phạt rất tàn ác dành cho người có đạo mình thấy thật tội nghiệp, nếu không chịu bỏ đạo nhà quan in chữ “tả đạo” bằng cách nung đỏ con dấu đưa vào má cho cháy thịt khi lành thì còn chữ tả đạo cho đến chết ! Vô cùng man rợ phải không ? Còn cách này độc ác hơn nữa là “phân sáp”, quan bắt chồng ở một nơi, vợ ở một chỗ, con cái cũng ở nơi này nơi nọ mà không biết người thân mình ở đâu ! Khi bình an trở lại thì các cố Tây bỏ tiền đi chuộc trẻ em không còn cha mẹ về nuôi như nhà mồ côi vậy. Mình nghe kể lại là hai chị em bà nội mình còn rất nhỏ cũng “được” cố Lựu là cha sở Nhà Đá chuộc về như vậy. Bây giờ mình chỉ biết từ bà nội trở xuống thôi.
Có một hình phạt man rợ nhất là bá đao : xẻo 100 lát ! Chúng ta đọc thêm một chút cho biết cha thánh tử đạo Giuse Marchand Du (1803-1835) bị xử bá đao như thế nào : “ . . . Lính trói tay cha vào cây cọc, nhét giẻ vào miệng để không kêu la được. Có 3 lý hình, một cầm kìm, một cầm đao, còn một lo đếm số cho đủ 100 lát cắt. Sau một hồi trống, lý hình cắt lớp da trên trán cha Du lật xuống che mặt, rồi cắt từng mảnh hai bên ngực, sau lưng, tay chân. Quá đau đớn, vị chứng nhân giẫy giụa, quằn quại, ngước mắt lên trời cao rồi gục đầu xuống nhắm mắt lìa đời. Tiếp theo quân lính cắt đầu của ngài,cởi giây, bổ thân mình làm bốn và ném xuống biển. Còn thủ cấp được đưa đi bêu ở nhiều nơi, rồi được trả về kinh đô,bị bỏ vào cối giã nát và cho rắc xuống biển “ ! Ôi ! Ác hơn loài thú nhiều.
Nhân ngày kính trọng thể các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam chúng ta cầu nguyện :
Lạy các thánh tử đạo, lạy các vị tiền bối của chúng con đã chết anh Dũng để giữ Đức Tin của mình,xin các ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng con là con cháu của các ngài được ơn sống đạo đức, được biết hy sinh vì đức tin. Xin các ngài cầu cùng Chúa cho con dân Việt Nam ơn biết Chúa. Xin các ngài cầu cùng Chúa cho các nhà lãnh đạo được biết cai trị dân mình trong tình yêu thương và tôn trọng quyền lợi của con người. Amen
—————–
Suy niệm 3: Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết
“Anh chị em như chiên giữa bầy sói… Người ta sẽ điệu anh chị em ra trước mặt quan quyền vì Thầy để có dịp làm chứng cho họ và cho dân ngoại…” (Mt 10, 17-22)
1/ Người công giáo bao giờ cũng là thiểu số giữa đám đông tôn giáo bạn và không tôn giáo. Tại Việt Nam trong 100 người, chỉ có 6 người công giáo.
2/ Xã hội nào cũng đầy dẫy những luật hợp pháp nhưng lại trái ngược đạo lý của Chúa khiến những ai chọn Chúa thì như đi bên lề xã hội và trở thành đối tượng cho đám đông dè bỉu…
Ly dị hợp pháp, phá thai hợp pháp, mang thai hộ hợp pháp, mẹ đơn thân hợp pháp, thụ tinh ống nghiệm hợp pháp, gởi tinh, noãn trong ngân hàng hợp pháp, nhiều xã hội khác còn hợp pháp hóa an tử, mại dâm. hôn nhân đồng tính, sống thử, đa thê… chưa kể những nhóm tôn giáo khác hoặc vô tín quá khích được xã hội làm ngơ, cứ việc quấy rối, phá phách công giáo (chuyện xẩy ra như cơm bữa dưới triều Nguyễn xưa và tại Ấn Độ và một số nước Trung Đông ngày nay)… đúng là bầy chiên giữa đàn sói.
3/ Chúa Giêsu có cái nhìn lạc quan… coi sự bắt bớ đạo như là cơ hội để làm chứng cho vua quan và dân ngoại. Nếu không có dịp này thì có khi chẳng bao giờ vua quan và những người ngoại nghe tới hai tiếng Công Giáo. Chẳng biết Công Giáo thờ ai và sống thế nào, làm những gì?
Giáo dân bị bắt bớ chẳng hi vọng vua chúa quan quyền sẽ trở lại đạo nhưng những người bị bắt bớ đã làm cho Chúa một việc lớn nếu họ chân thành khai báo đời sống đạo của họ như thế nào khi bị tra khảo…
Bạn biết không… khi những kẻ bắt đạo chết, ra trước tòa Chúa… họ không thể chối rằng: chúng tôi có nghe nói đến Chúa bao giờ đâu?… Chúa sẽ cho họ xem cuốn phim họ tra khảo giáo dân thế nào… hết đường chối cãi… Chúa không bị mang tiếng khắc nghiệt… không cho biết mà lại lôi ra phạt…
Mỗi lần 1 cuốn sách được gởi đi xin phép xuất bản mà bị từ chối trả về vì có những vấn đế giáo lý nhậy cảm: bảo vệ hôn nhân, chống ly dị, bảo vệ sự sống, chống phá thai hoặc đưa ra lý lẽ phi bác thuyết tiến hóa … Chắc tác giả buồn… nhưng hãy vui lên! Vì dù sao những người có chức quyền cũng đã đọc và đọc kĩ nữa … Sau này, đến trước tòa Chúa họ không thể chối bay: Tôi không biết … Chúa không bao giờ bị mang tiếng là thiếu bao dung: “Thu nơi không vãi, gặt chỗ không gieo” (Mt 25, 24).
Thánh Stêphanô, Thánh Phêrô, Phaolô… các Thánh Tử Đạo Việt Nam và các nước… cũng đã mạnh bạo thuyết giáo cho các vua chúa quan quyền như vậy trước khi họ bị chém đầu…
Phần chúng ta: “Hãy làm chứng cho Thầy”. Chuyện gì khác, cả mạng sống ta, xin phó thác trong tay Chúa.
“Hồi chiêng dứt tiếng, đầu rơi chốn pháp trường, hồn thiêng lâng lâng về Thiên Quốc xa vời… ”.
WGPKT(12/11/2021) KONTUM