Khánh Nhật Truyền Giáo – CN XXX Thường Niên – Năm B (CN.24.10.2021)

Đi Ra Vùng Ngoại Biên

Tháng 10 được gọi là tháng truyền giáo, là tháng Giáo hội dành đặc biệt để cầu nguyện cho việc truyền giáo cũng như nhắc nhở các tín hữu về sứ mệnh truyền giáo của mỗi người đã lãnh nhận bí tích rửa tội. Vào Chúa Nhật áp chót của tháng 10, Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo. Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021, với chủ đề “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20), Đức Thánh Cha nói rằng, Giáo Hội ngày nay cần những tấm lòng có khả năng thúc đẩy mình đi đến “các vùng ngoại biên của thế giới”.

1. Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên.

 “Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: Mọi người đang tìm Thầy!”. Chúa Giêsu muốn đi đến nhiều nơi. Vì vậy “Người bảo các ông : Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (Mc 1,36-39). Galilê là vùng ngoại biên xa trung tâm Giêrusalem. Galilê là khởi điểm Kitô giáo. Chính tại đây, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc rao giảng Tin mừng, chọn gọi các Tông đồ, tuyên bố Luật mới.

Chúa Giêsu sinh ra trong một gia đình làm nghề mộc, thuộc dạng nghèo khó. Như vậy, Người mang thân phận kẻ nghèo để chia sẻ với thế giới những người ngoại biên. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Người ưu tiên để ý đến những người nghèo, những người tội lỗi và những người cùng khổ. Suốt đời, Chúa Giêsu đã sống gần gũi những người ngoại biên, đến với họ chia sẻ những nỗi đau của họ. Chúa Giêsu cho họ thấy Người rất thương họ, và tình thương đó là vô hạn, vô cùng. Thương đến đổ máu mình ra, chết cho họ, chết thay cho họ, và cho mọi người.Người hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính ở điểm hiến thân trên thánh giá, mà Người làm vinh danh Chúa Cha, và chính Người được tôn vinh. Người muốn các môn đệ hãy theo gương Người, đem Tin Mừng đến cho người nghèo khổ như vậy. Hiện nay, Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đang được đề cao như một gương mẫu rao giảng Tin Mừng cho người ngoại biên. Mẹ không làm việc gì khác ngoài đi theo đường lối mà Chúa Giêsu đã đi trước. Điều đáng ngợi khen nhất nơi Mẹ là làm chứ không chỉ nói. (x.Tin Mừng cho người ngoại biên, ĐGM Bùi Tuần).

2. Giáo Hội đi ra vùng ngoại biên

Thời nay, nói theo ngôn ngữ của Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, những biên cương mới mà Giáo Hội đang quan tâm không chỉ trên phương diện địa lý nhưng còn là những con người. Chúng không chỉ có nghĩa là mới, nhưng còn có nghĩa là bị lãng quên, bị bỏ rơi, chưa đụng chạm đến. Các biên cương cần quan tâm chính là sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, là mục vụ hôn nhân gia đình, mục vụ sau khi kết hôn, chăm sóc và bảo vệ thai nhi, mục vụ bác ái truyền giáo, mục vụ truyền thông và mục vụ di dân.

Chúa đến với những biên cương mới dẫu cho khó khăn hay thập giá.Truyền giáo ngày nay trong thế giới nói chung và trong xã hội Việt Nam nói riêng không nhắm trước tiên hay chủ yếu vào việc “chinh phục các linh hồn” cho Chúa càng nhiều càng tốt, (chúng ta không chạy theo số lượng) nhưng đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào con người và vào mọi thực tại nhân sinh. Vì thế, để thi hành sứ mạng cao cả đó, chúng ta không nhất thiết phải đi tới một vùng địa lý nào khác, mà lấy chính môi trường sống của mình làm “vùng đất ngoại bang”, và noi gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta hãy coi các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là những vùng giáp ranh, những vùng biên giới mà Chúa sai chúng ta đến.

Cảm nghiệm sâu xa bước chân Chúa Giêsu đi về vùng ngoại biên, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi thích một Giáo Hội bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo Hội yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Giáo Hội quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục” (EG 49).

“Đi Ra Vùng Ngoại Biên” đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều tín hữu kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”. Ngài khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên …Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. Chính những chuyến “đi ra vùng ngoại biên” đã neo lại nơi tâm hồn người khác nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ngày nay, nhiều người đã đi ra ngoài khu vực an toàn của mình để “đến vùng ngoại biên” và đã chạm đến những bất công, bất minh, bất chính của trần thế. Từ nơi đó, họ thắp lên ánh sáng của Tin Mừng, của lẽ phải và công lý cho những người “còn ngồi trong bóng tối sự chết” (Lc 1,70).

3. Mục vụ ngoại biên sau Lockdown

Lm Lê Văn La Vinh OP, đã suy tư trong bài viết “sau Lockdown là gì?”. Tâm trạng dân chúng là lo âu sợ hãi vì nhiễm bệnh, trong đó có nhiều người đã chết, nhiều người thoát chết. Mọi sinh hoạt bị tê liệt, mất việc làm, mất nơi cư trú, mất người thân yêu, mất niềm tin, mất hy vọng vào tương lai. Rất nhiều người đã tháo chạy thoát thân để tìm đường sống cho bản thân và gia đình. Hệ quả kéo theo là trầm cảm, tâm thần, là cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội bị xáo trộn, bị mất thăng bằng. Đó cũng là tình cảnh của những con người trong xã hội Việt Nam sau lockdown.

Có giải pháp nào chăng, sau lockdown? Câu trả lời tùy thuộc bạn là ai: nhân viên y tế, lãnh đạo trong bộ máy chính quyền, là nhà cán sự xã hội, doanh nhân, công nhân viên, là người lao động…Trong tư cách là một linh mục Công giáo, tôi cũng có một vài đề nghị và giải pháp cho hoàn cảnh này.

Trước tiên là mọi người, mọi thành phần xã hội cần phải tìm hiểu để nắm bắt, thực hành các ứng dụng công nghệ vào trong công việc, trách vụ hàng ngày của mình. Đó là xu hướng phát triển của thời đại, cần hội nhập để không bị tụt hậu. Thứ đến là đừng quên những bài học chúng ta học được trong mùa dịch bệnh: bài học yêu thương nhân ái, bài học tiết kiệm, bài học biết sống vì cộng đồng, bài học biết cùng nhau vươn lên vượt khó… Đây là những kỹ năng cần thiết để những con người mới bước vào cuộc sống mới sau lockdown.

Với các Kitô hữu thì những trải nghiệm thời lockdown là cơ hội tốt để chúng ta thấy được giá trị của đức tin vào Thiên Chúa. Chính Ngài là mục tiêu tối hậu, là niềm hy vọng, là chốn nương thân mà kinh nghiệm của chúng ta trong những ngày tháng phong tỏa chứng nghiệm điều này. Sau lockdown mỗi tín hữu đã nhận ra được sự cần thiết của việc giữ lửa gia đình nơi những giờ kinh chung, những bữa cơm gia đình. Có cảm nghiệm sâu sắc hơn giá trị và sự cần thiết việc tham dự thánh lễ Chúa nhật mà chúng ta thiếu vắng, khao khát trong nhiều tháng trời.

Với các linh mục trong vai trò dẫn dắt cộng đoàn, các ngài cũng phải mới. Mới trong cách điều hành, trong cách tiếp cận, trong sự hướng dẫn giảng giải và cung cách sống của mình… bởi lẽ người giáo dân hôm nay – sau lockdown – đã khác lắm rồi. Nếu chỉ thực hành theo cách truyền thống xưa nay, chúng ta có nguy cơ tụt hậu, tụt hậu nơi chính giáo xứ mình coi sóc; tụt hậu, lạc điệu và là người đứng bên lề cuộc sống với những người giáo dân mình đang có trách nhiệm.

Điều này làm cho người linh mục hôm nay không thể giữ mãi lối mòn truyền thống trong cách điều hành, cách giảng dạy… mà đòi buộc các linh mục phải mở cửa ra, phải bước tới, phải thấy, phải nghe, phải thấu hiểu cảm thông để có những giải pháp và cung cách thích hợp… Hơn thế nữa, người linh mục – sau lockdown – cần phải giống Chúa Giêsu hơn nữa khi mang trong mình trái tim, con mắt và đôi tay của Chúa Giêsu để biết nhìn mà chạnh lòng thương xót, để biết đưa tay ra chữa lành, để biết đồng hành với con người hôm nay trong chính hoàn cảnh của họ.Hiểu được điều này và có một sự chuẩn bị tốt chúng ta sẽ có một hậu lockdown thật có hậu.Mong sao điều có hậu này sớm trở thành hiện thực trên quê hương đất nước chúng ta.(x.daminhvn.net).

Trong mỗi giáo xứ, linh mục đóng vai trò chính với tư cách là mục tử. Mục tử theo gương Chúa Giêsu là mục tử biết chiên (x.Ga 10,14), biết những âu lo và hi vọng, khó khăn và thử thách của chiên để đồng hành và nâng đỡ. Biết chiên còn để quy tụ và liên kết mọi thành viên sống tình tương thân tương ái trong cộng đoàn và mở ra với mọi người. Trong hoàn cảnh giới hạn do lệnh giãn cách, nhiều anh em linh mục đã có những sáng kiến cụ thể để vun trồng đời sống đức tin trong cộng đoàn, và cứu giúp những người đang chới với vì đại dịch. Chúng tôi xin cảm ơn và mong anh em tiếp tục thi hành chức năng mục tử cách nhiệt thành và sáng tạo.(x.Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng dân Chúa: Sống đức tin thời đại dịch).

Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu ưu tiên để ý đến những người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật. Suốt đời, Ngài đã sống gần gũi với 4 hạng người: người nghèo, người tội lỗi, người ngoại và những người bệnh tật.Truyền giáo trong thời kỳ hậu Covid là đến với các “ngoại biên” cần phải quan tâm như sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, như mục vụ bệnh nhân, mục vụ người nghèo, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, mục vụ giáo lý thiếu nhi, các giới các hội đoàn, mục vụ hôn nhân gia đình, mục vụ sau khi kết hôn, chăm sóc và bảo vệ thai nhi, như mục vụ bác ái, mục vụ truyền thông và mục vụ di dân…

Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người ra đi mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương. “Truyền giáo là sẵn sàng suy nghĩ như Chúa Kitô, cùng với Người tin tưởng rằng những người xung quanh chúng ta cũng là anh chị em của tôi. Xin tình yêu thương từ bi của Người chạm đến trái tim chúng ta và làm cho tất cả chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo đích thực”. (x.Sứ điệp Truyền giáo 2021).

“Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng ta”. Bước đầu tiên của mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Độ là Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta. Bước căn bản của Mục vụ cũng là ở cùng, hiện diện, chia sẻ. Đây chính là lúc cần thể hiện mục-vụ-ở-cùng nhiều nhất. (x.Mục vụ thời covid-19. Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm).

Chúa Giêsu đến thế gian với thân phận con người, làm con người, yêu thương con người và cứu độ con người. Người tận tụy phục vụ mọi người. Hãy cùng với Chúa “đi ra vùng ngoại biên”, ra khỏi những khung cảnh quen thuộc hằng ngày loan báo Niềm Vui Tin Mừng.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Mùa Thường Niên Chúa Nhật 30 Năm B

Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10, 46-52

 

CON ĐƯỜNG SÁNG

 

Số phận người mù lòa luôn khiến chúng ta dễ cảm thông và liên đới với thân phận mỏng giòn của kiếp người, sinh-lão-bệnh-tử.  Bài Đọc 1 và Bài Tin Mừng hôm nay không nằm ngoài sự nhắc nhở thân phận mọn hèn của con người, tuy nhiên chúng ta không chỉ dừng lại nơi phép lạ chữa lành người mù mà còn suy niệm con đường sáng Đức Giêsu đã khai mở cho người mù, như dấu chỉ của hành trình đức tin.  Khởi đầu con đường đức tin nơi người mù là việc lắng nghe thiên hạ đồn thổi về danh tiếng Đức Giêsu, rồi người mù tự ý van xin lòng thương xót Chúa, ông được gặp gỡ Chúa và đối thoại với Chúa, cuối cùng ông được Chúa chữa lành, người mù tiến bước theo Người. 

Con người đi tìm Thiên Chúa từ sự vô minh, rồi nghe nói về Người qua trung gian các tha nhân thường là thầy dạy giáo lý, người của Giáo hội và cuối cùng gặp được Thiên Chúa, và chấp nhận đi theo Người.  Đó là hành trình chung chung của phần đông nhân loại.  Đức tin cá nhân khởi đi từ đức tin cộng đoàn, hay nói đúng hơn đức tin cộng đoàn chảy tràn sang cá nhân.

Trên đường đi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang qua thành Giêrikhô, gặp một người mù tên là Batimê, ngồi bên vệ đường, nghe tiếng ồn ào đồn thổi anh lên tiếng xin Chúa: Lạy ông Giêsu, Con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi!”.  Đức Giêsu dừng lại đối thoại với người mù “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” và anh ta xin Người cho mình được sáng mắt: Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.  Đức Giêsu đã chữa anh khỏi mù và anh đi theo Người (x. Bài Tin Mừng Mc 10, 46-52).

Con đường anh mù kinh qua trước khi gặp Đức Giêsu là thế giới âm u, tương lai vô vọng, anh sống không sự nghiệp, sống nhờ vả vào bá tánh.  Anh bị gạt ra ngoài lề xã hội của thế giới những người lành mạnh, sống nhờ từ thiện của ‘ông đi qua bà đi lại’.  Đây là sự bất lực của anh trong sinh hoạt xã hội, là người thiểu năng anh sống bên lề xã hội, “anh ngồi ăn xin bên vệ đường”.  Tuy nhiên con đường đó lại trở nên nơi gặp gỡ Đức Giêsu, trở thành con đường khởi đầu hành trình đức tin, nghe biết có Đức Giêsu đi ngang qua đó, anh cất tiếng van xin cho dù bị “nhiều người quát nạt bảo anh im đi” (c. 48), anh càng gào to hơn, việc làm như muốn khẳng định đức tin và lòng cậy trông của mình.  Thật vậy đức tin không phải là ý kiến của đám đông nhưng là sự xác tín vào Con Thiên Chúa: Lạy con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”. 

Được Đức Giêsu lắng nghe và nhận lời cầu xin, anh mù mở hội trong lòng, anh bước từ cõi âm u sự chết sang thế giới chan hòa ánh sáng sự sống: “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu” (c. 50).  Anh bắt đầu một cuộc sống mới cùng với Đức Giêsu, một con đường đầy ánh sáng và sức sống mở rộng trước mắt anh, đưa anh ta đi vào đời sống xã hội của những người lành mạnh.  Anh bắt đầu hội nhập cộng đồng lành mạnh.  Ánh sáng đức tin dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa và hòa nhịp sinh hoạt với cộng đoàn.  Anh mù được chữa lành, anh đã xuất phát lại từ Đức Giêsu Kitô.

Người mù đó chính là thân phận của mỗi chúng ta!   Bất lực và bại liệt, ngồi bên vệ đường trong tội lỗi của chính mình.  Thật thế có khi con người bất lực không dứt khỏi yếu đuối của mình, không đứng dậy nổi khỏi chiếu bài bạc, không dứt bỏ nổi đam mê yếu đuối dìm chết mình, các thứ tứ đổ tường. 

Con người mù lòa trong thành kiến, trong sai lầm, Con người được mời gọi sống trong đức tin, nhưng rồi bị cản trở bởi ngoại cảnh, bởi đám đông chê cười, bởi thế lực của ‘thế giới người ta’.  Có khi Con người bị cám dỗ ngồi lì bên vệ đường an phận trong bóng tối, trong tư tưởng cố chấp, trong những pháo đài định kiến, những cố tật và an toàn giả hiệu của chiếc áo choàng đời thường.  Con người được mời gọi vất bỏ lại sau lưng chiếc áo choàng sợ hãi, nhát đảm để đứng phắt dậy, bước theo Đức Giêsu trong vui mừng và phấn khởi. 

Chủ đề con đường sáng đã được tiên tri Giêrêmia loan báo trong bối cảnh công bố tin vui hồi hương cho dân tộc lưu đày: “Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về,….  Trong chúng có kẻ đui người què … Ta dẫn đưa chúng tới dòng nước, qua con đường thẳng băng … Vì ta là một người Cha và Épraim chính là  con  trưởng” (Bài Đọc 1. Gr 31,7-9).  Con đường sáng là con đường tình yêu của Thiên Chúa đối với người mù, cũng là đối với nhân loại, con đường sáng là con đường sự sống, là con đường hạnh phúc, nơi Thiên Chúa gặp gỡ đối thoại và chữa lành con người.  Mỗi người có con đường riêng của mình, Thiên Chúa gặp con người ngay trên con đường họ đi, như Đức Giêsu đã gặp anh Batimê ngồi bên vệ đường ăn xin.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con sáng mắt để nhìn thấy chính mình mà chỉnh đốn đời sống tâm linh và nhìn thấy Chúa nơi anh em để yêu thương và phục vụ.   Xin cho con không ngần ngại xuất phát lại từ Chúa Kitô bước đi trên con đường sáng. Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum Giáo xứ Đức An
WGPKT(23/10/2021) KONTUM