Quà Tặng – CN XXXII Thường Niên – Năm B (CN.07.11.2021)

BÀI ĐỌC I: 1 V 17, 10-16

“Bà goá lấy bột làm một cái bánh nhỏ, rồi mang đên cho ông Êlia”.

Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, tiên tri Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và nói với bà rằng: “Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống”. Ðương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: “Xin cũng mang cho tôi một miếng bánh”. Bà thưa: “Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám: Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết thôi”. Êlia trả lời bà rằng: “Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói. Nhưng, với chút bột ấy trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng: ‘Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi cho đến ngày Chúa cho mưa xuống trên mặt đất’”. Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó hũ bột không cạn và bình dầu không vơi như lời Chúa đã dùng Êlia mà phán.

Ðó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Dt 9, 24-28

“Ðức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt nhiều tội lỗi”.

Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần; nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Ðức Kitô cũng hiến tế một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa:  Mc 12, 38-44

“Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”. Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm 1:     Linh mục Lu-Y Nguyễn Quang Vinh

Quà Tặng

Quà tặng là hình thái sinh hoạt xã hội mang tính giao lưu tỏ tình thân thiện của đôi bên ‘cho’ và ‘nhận’, quà tặng cũng là cách diễn tả câm lặng điều nội tâm muốn giải bày, như vậy quà tặng cũng là lời nói bất thành văn có khi lột được thâm ý sâu xa của người trao tặng.  Trong lãnh vực tôn giáo sự giao lưu với Đấng tối cao được thực hiện qua nhiều hình thái như dâng tiến lễ vật, cúng dường, bố thí, công quả …

Phụng vụ hôm nay nói đến quà tặng trong cả ba bài đọc.  Bài Đọc 1 (1V 17,10-16) nói đến bà góa Xarépta, trong nạn đói cực kỳ khốn đốn, bà đã dâng một chiếc bánh nhỏ cho tiên tri Êlia.  Bà đã dùng nhúm bột cuối cùng dành cho bà và con bà ăn trước khi chết, bà lấy bột đó làm bánh dâng cho người của Thiên Chúa và kết quả, đã có một phép lạ xảy ra: “Thế là bà ấy cùng với ông Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã không cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Êlia mà phán” (c.15-16).  Thiên Chúa đã không thua lòng quảng đại của bà góa nầy, bà cho tất cả cái sinh tồn của mình.

Bài Đọc 2 nói đến quà tặng vĩ đại, tức ơn cứu chuộc mà Đức Giêsu đem lại cho nhân loại bằng sự chết của Người : “Đức Kitô, đã tự hiến tế chỉ một lần để xóa bỏ tội lỗi muôn người (x. Dt 9, 24-28).  Cũng như bà góa Xarépta, Thiên Chúa lấy chính mạng sống mình làm quà tặng cho chúng ta.  Món quà tặng không thể nào lớn lao hơn được nữa, và chỉ có Thiên Chúa mới đủ quyền năng ban tặng nhân loại món quà vĩ đại nầy.  Bài Tin Mừng (Mc 12, 38-44) tường thuật việc bà góa nghèo hèn bỏ hai xu vào hòm cúng đền thờ, được Đức Giêsu phát hiện và ca khen là người dâng cúng hào phóng nhất, bởi vì bà “bỏ tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân (c.44). Bà tuyệt đối phó thác cho Thiên Chúa là nguồn sự sống của bà.

Quà tặng càng lớn, càng nói lên được giá trị của tình yêu dâng hiến.  Người Việt Nam thường nói “của ít lòng nhiều”.  Thành ngữ này thật đúng cho trường hợp của hai người phụ nữ được nhắc tới hôm nay, bà góa Xarépta và bà góa nghèo trong bài Tin mừng.  Giá trị đạo đức trước mặt Thiên Chúa không phải được đo bằng số lượng, vì vạn vật thuộc về Thiên Chúa, Người là chủ muôn loài muôn vật, thật vậy ‘Thiên Chúa muốn tình thương chứ không cần lễ tế’. 

Cái nhỏ nhặt bên ngoài không hẳn kém giá trị tâm linh bên trong.  Giá trị tinh thần đạo đức nằm nơi sự thiết thân của quà tặng đối với cuộc sống.  Cho đi ‘cái duy trì sự sống’ đòi hỏi con người cần phải có lòng yêu mến và sự quảng đại đầy tin tưởng.  Dâng hiến quà tặng cho Thiên Chúa mang lại sự thanh thoát tâm hồn cho thí chủ, giải thoát con người khỏi vấn vương của cải vật chất.

Điều đáng ghi nhận là vào thời tiên tri Êlia, đang lúc bà hoàng hậu Idaben đặt bà chỉ ngẫu tượng Ba-an cho toàn thể Ítraen tôn thờ, thì bà góa Xarépta lại đón tiếp người của Thiên Chúa là Êlia, và tiên tri đã chúc phúc lành cho bà.  Việc làm của bà góa này như lời loan báo mối phúc thật mà sau này theo chân Êlia, Đức Giêsu chúc phúc lành cho người đàn bà góa nghèo khổ, khi bỏ 2 xu vào hòm tiền dâng cúng đền thờ.  Vật chất và tâm linh không có cùng đơn vị đo lường như nhau, Thiên Chúa nhìn tận đáy tâm hồn của từng con người và thẩm định về họ.

Giống như bà góa thời Êlia, bà góa thời Đức Giêsu cũng đã dâng hiến tất cả của độ nhật làm quà tặng cho đền thờ, cả hai bà góa đều dâng chính sự nghèo khó túng ngặt của mình trong niềm tin và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa.  Họ dâng chính sự sống của họ.  Cho hết, không còn gì !  Thiên Chúa cũng đã làm như thế khi ban chính Con Một yêu dấu của mình làm giá chuộc tội thiên hạ.  Quà tặng nầy quá cao vời và tuyệt đối, không gì sánh bằng, vì Thiên Chúa không chỉ ban cho chúng ta những thứ dư thừa của Người, Người ban chính mình, Người không còn gì quý hơn để ban cho nhân loại ngoài đứa Con Độc nhất của mình.  Trong một tầm nhìn nào đó Thiên Chúa đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta, và Người được ví là người đàn bà góa cho sạch những gì bà có.

Con có gì để dâng hiến Thiên Chúa đây ? Tiền tài, của cải vật chất thuộc về trái đất, không thuộc về con.  Trí thức và tài năng chức vụ, thuộc hoàn cảnh.  Con cái và gia đình là tiến trình cuộc sống.  Thân xác con thuộc về cát bụi.  Linh hồn con là của Chúa.  Không gì thuộc về con cả, ngoại trừ thời gian con sống.  Phải vui sống hiến dâng cho Thiên Chúa giờ phút hiện tại.

Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi con bị trói chặt vào vật chất, không nhìn thấy anh em lâm cơn hoạn nạn đang cần cứu giúp.  Xin cho con biết bắt chước các bà góa nghèo trong Sách Thánh, biết cho đi mà không cần tính toán. Amen

 

————————–

Suy niệm 2:        Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”

   1/ Chúa phê phán lối sống “Nặng phần trình diễn” – Bộ áo xúng xính, thích được khen ngợi, chào hỏi, thích ngồi cỗ nhất, đọc kinh lâu giờ… nhưng lại tham lam bóc lột người nghèo, góa bụa…

   2/ Vấn đề công đức, người đời đánh giá theo số lượng: cảm phục, ca ngợi những người dâng cúng nhiều tiền… Chúa đánh giá không theo số lượng mà theo thành tâm thiện chí: Ít của mà thành tâm thì hơn là nhiều tiền mà thiếu thiện chí.

   3/ Phán quyết của Chúa chính xác vì Chúa thấy rõ tâm can: “Chúa đã biết con, Chúa đã dò xét con từ thuở đời đời xa rất xa” (Tv 138, 1). Loài người thường đánh giá sai… vì chỉ thấy vẻ bên ngoài thôi, không thể thấy tận đáy linh hồn.

   4/ Bà góa nghèo bỏ vào thùng 2 đồng tiền kẽm, chắc bà làm nhanh gọn, kín đáo lắm vì quá it… nhưng Chúa thấy hết nên nói với các môn đệ: “Bà góa nghèo này dâng cúng nhiều nhất vì những người giầu dâng tiền dư bạc thừa, còn bà này có mấy xu nuôi sống mình bà dâng hết” (thế là dâng cả mạng sống mình còn gì).

   Xin cho chúng con luôn sống dưới mắt âu yếm của Chúa, làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa và anh chị em mà thôi, không mầu mè, khoe khoang để được người đời khen ngợi… Vì Chúa biết rõ mọi sự, chẳng có gì mà Chúa không biết. Amen. “Thiên Chúa thấu suốt lòng các ông” (Lc 16,15).

***********

 “Con kiến đen, nằm trên hòn đá đen, mặt trời tối đen Đức Chúa Trời cũng thấy…” (bài ca sinh hoạt thiếu nhi.).

 

——————————

Suy niệm 3:        Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

Lòng tin và sự chân thành

Cấu trúc ba bài đọc Lời Chúa hôm nay là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt về lòng tin và sự chân thành.

Bài đọc 1 trích sách Các Vua kể chuyện bà goá thành Xarêpta. Thời ngôn sứ Êlia, khi Thiên Chúa làm hạn hán trên đất nước Do thái để phạt vua tôi của nước này, ngôn sứ Êlia được lệnh Chúa tạm lánh sang xứ Sarepta. Êlia xin bánh, dù bà goá không đủ bột làm bánh cho hai mẹ con nhưng với lòng tin cậy vào lời hứa của Thiên Chúa nên đã chân thành dâng chút bột và dầu ít ỏi làm bánh nuôi ngôn sứ. Chúa đã trả công bội hậu cho bà thoát cảnh đói khổ “hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Thiên Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất”.

Nơi bài đọc hai, tác giả thư Do thái trình bày một điều căn bản trong đức tin Kitô giáo “Đức Kitô đã tự hiến chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người”, điều chỉ có sự thành tín của Thiên Chúa mới thực hiện được.

Bài Tin mừng kể lại chuyện Đức Giêsu biểu dương tấm lòng thành của bà goá nghèo dù bà chỉ dâng hai đồng tiền kẽm.

Đức Giêsu thảnh thơi ngồi quan sát xem đám đông bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng ra sao. Người thấy một cảnh đối chọi thật chát chúa: có những người giàu bỏ thật nhiều tiền (thấy tay họ cầm và tiếng tiền kêu leng keng trong thùng!”), lại cũng có “một bà góa nghèo, đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma”. Phản ứng của Đức Giêsu thật đặc biệt: “Người liền gọi các môn đệ lại mà nói”. Lần trước “Người ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói” (Mc 9,35) là để sửa dạy các ông vì khi đi dọc đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn nhất, trong khi các ông không dám hỏi lại về những lời Người loan báo trong Cuộc Thương Khó. Hôm nay Người ngồi sẵn đó, Người gọi các môn đệ lại, chỉ cho các ông thấy bà góa nghèo này và nói. Tại sao hình ảnh bà góa này dâng cúng hai đồng kẽm, đáng giá một phần tư đồng xu Rôma, lại kéo sự chú ý của Người như thế? Nghe kỹ lời bình luận của Người: “Mọi người đều rút từ tiền bạc dư thừa của họ mà bỏ vào đó; còn bà góa này thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có thể nuôi sống bản thân mình”. Những người khác bỏ nhiều tiền vào thùng, nhưng rút từ tiền bạc dư thừa, chứ không phải tất cả tiền dư bạc thừa, nên tuy bỏ nhiều nhưng chưa đụng tới đời sống của họ. Còn bà góa này rút từ cái túng thiếu của mình, bỏ vào đó “tất cả tài sản, tất cả những gì bà có thể nuôi sống mình”. Số tiền này chỉ đủ mua bánh mì ăn một bữa.

Trong cuộc hỏi đáp với ông kinh sư, Người vừa đọc lại điều răn thứ nhất. Bây giờ Người bắt gặp bà goá nghèo này đang thực hành điều răn ấy triệt để. Điều răn bảo “yêu mến bằng tất cả trái tim, tất cả mạng sống và tất cả những gì người có”. Bà góa này túng thiếu, không có dư thừa, bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có thể nuôi sống mình, thế là bà đã yêu mến bằng tất cả những gì mình có, bằng cả mạng sống. Có yêu bằng tất cả trái tim hay không thì làm sao kiểm chứng được. Nhưng yêu mến bằng tất cả những gì mình có và bằng cả mạng sống thì chứng minh được, như bà góa này vừa làm. Đã yêu mến như thế thì chắc chắn là yêu bằng cả trái tim rồi.(x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).

Bà góa đã dâng cúng với tất cả tấm lòng thành, với niềm tin và bằng lòng mến nồng nàn đối với Thiên Chúa. Bà dâng cúng hai đồng tiền kẽm, tuy nhỏ nhất nhưng đó là tất cả những gì thiết yếu cho cuộc sống của bà, như thế bà đã dâng cả mạng sống. Nhìn cung cách dâng cúng của bà, Đức Giêsu đã khen: “Bà góa nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người”. 

Chiêm ngắm hai thái độ, hai hành động của bà goá trong Cựu Ước và Tân Ước, họ có chung một điểm đó là tấm lòng chân thành khi cho đi và tâm hồn hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Kết quả là họ không mất gì cả mà được tất cả. Bà goá ở Xarépta được một hủ bột không cạn và bình dầu không vơi. Bà goá nghèo trong Tin Mừng tuy không biết kết quả sau này thế nào nhưng việc làm của bà lại đẹp lòng Thiên Chúa, như vậy đã đủ đối với một con người tin tưởng phó thác vào Chúa.

Đây là sứ điệp Lời Chúa gởi đến chúng ta hôm nay: Con hãy sống và hành động chân thành, nhiệt tâm và tin tưởng. Nếu con giúp đỡ ai, con hãy giúp đỡ cách thành tâm và hết lòng, theo khả năng con có thể. Nếu dâng cúng tiền của hay bất cứ điều gì cho Thiên Chúa và Giáo Hội, con hãy dâng cúng theo khả năng của con, nhưng phải dâng một cách thành tâm. Bởi vì trước mặt Thiên Chúa, của lễ cũng như số lượng của lễ hoàn toàn không quan trọng. Chính tâm tình con thảo và tấm lòng tin tưởng của con mới là điều Thiên Chúa muốn. Ðối với của lễ dâng cúng, không phải lễ vật và trị giá của nó, mà chính là sự chân thành và lòng tin của con mới là điều quan trọng và đáng kể.

Đối với Thiên Chúa, lễ vật dâng tiến không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, mà là với cả tấm lòng. Cách cho quý hơn của cho. Của cho kèm theo tấm lòng là của cho quý hóa nhất.

Yêu mến thì phải cho. Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho. Và cho chính cái mình quý nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất. Bà góa đã cho nhiều nhất vì đã cho cả tấm lòng.Xét về số lượng khách quan thì số tiền một phần tư xu so với năm, ba chục ngàn hoặc từng mấy trăm ngàn hay một triệu thì thật mỉa mai, thật tức cười. Nhưng với Chúa Giêsu hai đồng tiền nhỏ của người phụ nữ vô danh lại nhiều hơn hết. Điều có nghĩa là những công việc đạo đức và từ thiện, bác ái hơn nhau ở động lực và lý do hay mục đích chứ không phải ở số lượng. Giá trị của việc dâng cúng, việc bác ái không hệ tại ở số lượng của cải nhiều hay ít, có giá trị hay không, mà chính là tùy thuộc vào tấm lòng chân thành của người dâng cúng.Muốn của dâng trở thành một của dâng đích thực thì phải là của dâng do lòng hy sinh. Vấn đề không nằm ở số tiền dâng mà ở cái giá người dâng phải trả, không phải là tầm cỡ của lễ vật, nhưng là sự hy sinh. Mẹ thánh Têrêsa Calcutta nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”. Thiên Chúa nhận định giá trị về một con người không dựa trên những gì họ có mà dựa trên những gì họ đã cho đi. Ai không bao giờ biết cho đi mới thực sự là người nghèo khốn cùng. Chính lúc cho đi là lúc lãnh nhận.

Khi khen tặng bà góa nghèo, có vẻ như Chúa muốn nói rằng “Hãy nhìn, đây là một mẫu gương của một người nghèo chân thành cho đi tất cả những gì bà có vì lợi ích chung”. Đóng góp vào việc xây dựng Giáo xứ là bổn phận của mọi tín hữu. Đối với Giáo Hội, người Kitô hữu có bổn phận sống bác ái, chia sẻ và góp sức xây dựng nhà Chúa, giáo họ, giáo xứ ngày càng khởi sắc, ngày càng đi lên, ngày càng tốt đẹp. Nói thì dễ, thực hiện nhiều khi cũng có những lấn cấn, khó nói, khó làm. Trong vai trò lãnh đạo giáo xứ, tôi muốn biểu dương những công việc và hy sinh của mọi thành viên. Họ là những vị hội đồng giáo xứ, những bà mẹ mỗi chiều 3 giờ đến nhà thờ đọc kinh lòng thương xót, những ca viên, giáo lý viên, các chú lễ sinh, nhóm quét nhà thờ, người giật chuông, ông bà cao niên đọc kinh sáng tối. Những hội viên caritas, hội giúp đỡ kẻ liệt, các giới các đoàn thể… Họ là những người phục vụ theo khả năng của mình. Không có họ, giáo xứ không sinh hoạt sống động. Những đóng góp của họ dù là tiền bạc, dù là công sức đều có giá trị trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội. Rồi còn có các bà goá, những người bệnh hoạn tật nguyền, những người lao động chân tay hay trí óc. Tất cả đều cống hiến để xây dựng Giáo xứ. Chắc chắn Chúa cũng nhìn đến công lao của mỗi người và cũng khen thưởng như khen thưởng bà goá: “Thầy bảo thật anh em, người này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”.

Có lẽ tài sản quý giá nhất chúng ta có là thời giờ của mình. Đôi lúc cho đi tiền của lại là điều dễ thực hiện hơn; cái khó là cho đi thời giờ, tài năng và khả năng của mình. Hãy biết cho đi. Thương yêu là cho đi. Càng cho nhiều là dấu càng yêu thương nhiều. Không chỉ cho đi những gì là vật chất mà còn những gì là tinh thần như một nụ cười, một cái nhìn thiện cảm, một lời nói vui vẻ hiền hòa, những lời an ủi chân thành…mà còn cho đi lời cầu nguyện trong đời sống siêu nhiên.

Trong tháng 11 này, chúng ta tưởng nhớ những người đã qua đời. Họ đang yên nghĩ, họ cần điều gì nhất? Họ cần đến lòng thương xót Chúa. Họ cần chúng ta nhớ đến họ bằng tình yêu thương của trái tim. Họ muốn chúng ta đừng quên họ nhưng hãy nhớ đến họ bằng kinh nguyện và thánh lễ.

Họ đã bước vào cõi thinh lặng ngàn thu. Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến và cầu nguyện. Họ muốn chúng ta cho họ những bông hoa tưởng nhớ, những nụ hoa cầu nguyện, những mật hoa bác ái, những hương hoa hy sinh.

Người Công Giáo được khuyến khích thực hiện những điều thiết thực, như xin Lễ, dự Lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức… để chuyển cầu cho những người đã ra đi mà còn đang vướng mắc một vài trở ngại nào đó khiến họ chưa hoàn toàn chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. “Cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (2 Mcb 12, 46; GH, 50). Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn” (GLCG, số 958). Những việc lành phúc đức cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc và ý nghĩa bởi vì thân nhân của chúng ta đã và sẽ còn được tưởng nhớ đến mãi.

Trên giường hấp hối, mẹ Monica đã nhắn nhủ con trai Augustinô: “Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh”.

Tháng 11, tháng cuối năm phụng vụ. Tại các nghĩa trang, người tín hữu thường đến thắp nhang, cắm cành hoa tươi, đọc kinh cầu nguyện trước phần mộ người đã qua đời. Người còn sống cầu nguyện cho người đã chết. Người đã an giấc ngàn thu nhắn nhủ người đang sống về lý lẽ cuối cùng của cuộc sống làm người. Bầu khí phụng vụ tháng 11 hướng về cùng đích của cuộc sống làm người. Đó chính là Cánh Chung.

Trong suốt tháng các linh hồn này, hãy chân thành và tin tưởng dâng mọi ý nguyện và những hy sinh của chúng ta để cầu nguyện cho người thân và mọi người quá cố. Ước gì những lời cầu nguyện và hy sinh ấy cũng nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng của chúng ta vào cuộc sống mai hậu, và nhờ đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống hàng ngày.

Link Video bài suy niệm: Lòng Tin Và Sự Chân Thành

WGPKT(06/11/2021) KONTUM