Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm C (CN.20.03.2022)

BÀI ĐỌC I: Xh 3, 1-8a. 13-15

“Đấng hiện hữu sai tôi đến với anh em”.

Bài trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi”. Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: “Môsê! Môsê!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Chúa lại nói: “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”. Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”. Môsê thưa với Thiên Chúa rằng: “Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: “Tên Người là gì?”, con sẽ nói sao với họ?” Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta là Đấng Tự Hữu”. Chúa nói: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Đấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em”. Thiên Chúa lại nói với Môsê: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em”. Đó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ”.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 10, 1-6. 10-12

“Đời sống dân chúng đối với Môsê trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng ta”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa. Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa: Lc 13, 1-9

“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”. Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Đó là lời Chúa.

——————-

Suy Niệm 1:                              Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn

 

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TẶNG BAN CƠ MAY MỚI

 

Kính thưa quý ông bà anh chị em, có lẽ không có áng văn nào trong Thánh Kinh diễn tả tâm tình dạt dào của Chúa dành cho con người bằng lời Chúa trong sách Hôsê như sau: “Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập, Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập cho chúng đi. Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ. Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn. Qủa tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,1.4.8). Và cũng chẳng có áng văn Thánh Kinh nào mô tả sống động hành động yêu thương của Thiên Chúa cho bằng lời Chúa trong bài Xuất Hành hôm nay nói với Môsê: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai – cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than…Ta biết nỗi khổ đau của chúng, nên Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập” (Xh 3,7). Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, đã thấy, đã nghe, đã biết nỗi khổ của chúng ta và Ngài đã đến giải thoát. Nỗi khổ lớn lao nhất trói buộc con người là tội lỗi và công cuộc giải thoát của Thiên Chúa là giải thoát con người khỏi tội lỗi, vấn đề cốt lõi là con người có muốn được giải thoát không?

1. Nếu không ăn năn sám hối

Có lẽ nhiều người cho rằng câu hỏi muốn được giải thoát hay không là câu hỏi ngớ ngẩn, bởi ai mà chẳng thích được giải thoát? Nô lệ thì khát khao giải thoát. Thế nhưng, sẽ không ngớ ngẫn chút nào vì có rất nhiều người muốn được nô lệ, muốn trở lại thân nô lệ. Sau khi giải thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai- cập, Dân Do- thái đã chẳng mong mỏi được trở về Ai cập sống đời nô lệ đó sao, miễn sao được ăn thịt ở Ai cập. Có những thứ tội ta phạm như gắn chặt vào da thịt, khiến ta không muốn rời bỏ chút nào. Vẫn biết sức khỏe là quý, gia đình là quý, đức tin là quý nhưng giảm bớt giờ để dành cho gia đình và thờ phượng Chúa, khó quá! Bỏ rượu? Khó quá! Bỏ cờ bạc? Khó quá! Chúng ta cứ trì mãi trong các thứ nô lệ, thậm chí mạnh mẽ bảo vệ chúng là ý thích của tôi, là thói quen của tôi, là tự do của tôi… và không còn xem đó là tội lỗi nữa. Đức Pio XII rất sâu sắc nhận định, Tội lớn nhất trong thời đại này là mất ý thức về tội, phạm tội nhưng không cho rằng đó là tội, không nhận ra đó là nẻo ngõ đưa chúng ta tới sự chết. Vì thế, hôm nay Chúa Giêsu quả quyết, không phải những người bị Tháp Silôe đè chết hay những người bị quan philatô giết chết thì xấu hơn những người đang còn sống đây. Vì thế, “nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt” (Lc 13,5). Mọi người đều phải chịu đoán phạt, nếu không ăn năn hối cải. Lời cảnh báo này xuất phát từ tình yêu Chúa không muốn một ai trong chúng ta bị hủy diệt.

2. Lòng thương xót Chúa tặng ban cơ may mới

Chúa kêu gọi ta ăn năn hối cải để được ơn tha thứ và để được sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ cảnh báo những mối nguy của sự lì lợm trong tội nơi chúng ta, mối nguy lớn nhất là bị hủy diệt, mà còn cho biết Thiên Chúa xót thương bằng cách cho chúng ta một cơ hội mới hoán cải đời sống để được tha thứ. Dụ ngôn cây vả không sinh trái vừa diễn tả tình trạng tệ hại nơi chúng ta, vừa trình bày sự nhẫn nại và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Cây vả được ưu ái trồng trong đất trồng nho, thế mà nó chẳng sinh trái, mặc cho người chủ mất công chăm bón và cho kết quả đã ba năm. Chặt nó đi là quyết định đương nhiên. Cây vả không trái đang tố cáo chúng ta đã nhiều năm lãnh bí tích Rửa Tội, nhiều năm lãnh bí tích hôn phối, nhiều năm được ơn thánh Chúa…, thế mà ta không sinh hoa trái thiêng liêng nào, chưa đưa được một người đến với Chúa, chưa thay đổi đời sống gia đình hay bản thân cho phù hợp ý Chúa để sinh hoa trái thiêng liêng. Phải thế không? Năm nào Chúa cũng chờ đợi hoa trái của bản thân và gia đình chúng ta, nhưng vẫn không tìm thấy ân sủng đâm chồi, nẩy lộc và sinh hoa trái trong đời sống chúng ta. Đó là tình trạng tệ hại nơi chúng ta.

Nhưng hôm nay, Chúa kêu gọi ta hoán cải và ban cho ta một dịp may mới để hoán cải: “Xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái” (Lc 13,8-9). Việc cho tội nhân dịp may một năm nữa xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi Ngài là Thiên Chúa ân sủng, Thiên Chúa của những dịp may thứ hai.

Và dịp may thứ hai chỉ có ý nghĩa đối với những ai mau hoán cải. Thánh Phêrô sau khi chối Chúa ba lần, ngài được Chúa cho cơ hội mới để sinh hoa trái và thánh nhân đã tận dụng cơ hội mới này để ba lần tuyên xưng yêu mến Chúa, thay cho ba lần chối Chúa. Thánh Phaolô từng đi bách hại các tín hữu, Ngài được Chúa cho cơ hội mới để làm tông đồ. Thánh nhân đã chộp ngay dịp may mới ấy để đi truyền giáo và đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng.

Còn chúng ta thì sao? Gia đình anh chị em ước ao đến với bí tích Hòa Giải để xưng tội và lãnh ơn tha tội chưa? Gia đình anh chị em đã bắt đầu thờ phượng Chúa trong gia đình chưa? Đã bắt đầu đọc lời Chúa cho nhau nghe chưa? Nếu chưa, hãy nghe lời Chúa hôm nay như cơ hội cuối cùng cho ta: “Xin cứ để nó lại năm nay nữa. May ra sang năm nó có trái.”. Xin Chúa cho chúng ta tận dụng cơ may Chúa ban hôm nay để cải biến đời sống và tận hưởng lòng Chúa xót thương.

————-

Suy Niệm 2:                              Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

THIÊN  CHÚA  HIỆN  HỮU

Cám dỗ cáo tội Thiên Chúa khi xảy ra tai ương hoạn nạn, con người trách móc Thiên Chúa quá xa cách, quá thinh lặng thờ ơ, thiếu quan tâm đến con người.  Xuyên suốt lịch sử nhân loại, chiến tranh, bệnh tật và thiên tai mù quáng liên tục hằn xuống trên nhân loại.  Tâm trí chúng ta không lý giải được căn nguyên tại sao sự Dữ xuất hiện, tại sao Cô-vít 19 xảy ra cho người lành và kẻ dữ, những sự kiện đó thường đưa đến hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa : ‘Giá như Chúa hiện hữu thì đâu có thế nầy!’ ‘Nếu có Chúa thì tại sao sự dữ xảy ra tồi tệ đến thế!’ ‘Nếu Chúa toàn năng sao Chúa không ngăn chặn thiên tai đó lại!

Phụng vụ Chúa nhật thứ ba mùa Chay kéo sự chú ý chúng ta về những hoạn nạn kiểu như vậy.  Bài đọc sách Xuất Hành gợi lên cảnh nô lệ cực nhọc của dân tộc Do thái tại đất Ai cập.  Còn bài Tin Mừng lại nói đến cảnh tàn sát của Philatô gây ra cho người Galilê ngay khi họ làm việc thờ phượng; và việc tháp Silôác đổ xuống đè chết 18 người tại Giêrusalem (x. Lc 13, 1-9).  Và ngày nay không thiếu gì những sự dữ liên tục đổ xuống chỗ này chỗ nọ, trước những sự kiện tang thương như thế con người  cảm thấy nhanh chóng làm quen với bất hạnh của tha nhân và có khi cảm thấy hả giận thốt lên ‘đáng kiếp’, ‘Chúa phạt đấy’, như thấy Chúa trả thù.  Thật ra Thiên Chúa luôn gần gũi con người trong mọi hoàn cảnh.

Trình thuật cuộc đào thoát của Môsê, ông mang tội chết vì giết người, ông chạy trốn nhà vua Ai-cập, tuy ông vốn có tính khí lãnh đạo, nhưng xem ra ông muốn an phận ẩn thân nơi quê vợ.  Ông cưới vợ và lập nghiệp, chăn chiên cho bố vợ, cho qua ngày đoạn tháng, đang khi đó đồng hương của ông đang kêu la dưới làn roi của cai tù Ai cập.  Nếu ông đã quên nỗi bất hạnh nầy của đồng bào, thì Đức Chúa nhắc nhớ ông tình liên đới qua biến cố bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi tại núi Khôrếp.  Thiên Chúa đã tự mặc khải mình như kẻ không chạy trốn trước cảnh khổ, như bụi gai không ngừng cháy, Người không ngớt yêu thương và đồng cảm với kẻ bị áp bức nô lệ và cưu mang kế hoạch giải phóng họ.  Người gọi Môsê cộng tác giải phóng dân.

Chính Đức Chúa khơi dậy nơi Môsê ý thức trách nhiệm và ý chí tự do: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ.  Phải, Ta biết các nỗi khổ của chúng” (Bài đọc 1. Xh 3, 7).  Và Chúa đã giao trách nhiệm cho Môsê giải phóng con cái Ítraen khỏi đất nô lệ.  Ông Môsê hỏi danh thánh Chúa là gì, Người nói: “Ta là Đấng Hiện Hữu”.  Đối với người Do thái tên là người, tên của một người gói ghém bản chất, chức năng và sứ mệnh của nhân vật đó.  Phẩm tính đầu tiên của Thiên Chúa là sự hiện hữu tất yếu của Người, nói đến Thiên Chúa là nói đến hiện hữu, Đấng tự mình mà có, Đấng tự hữu, Đấng hằng hữu.

Thiên Chúa của Kinh thánh luôn luôn là Thiên Chúa giải phóng, Người giải phóng dân khỏi nô lệ Ai cập, đây là biến cố nền tảng của đức tin nơi dân Do thái, họ biết đến Thiên Chúa giải phóng trước khi biết Người là Thiên Chúa sáng tạo.  Sách Xuất hành là đệ nhất trong Các Sách Thánh ghi lại biến cố nầy.  Biến cố  giải phóng sẽ không khép lại, không chấm dứt,  điều mà Thiên Chúa hôm qua đã làm, Người sẽ thực hiện hôm nay nữa, đó chính là bản chất sâu thẳm của Người.

Kinh nghiệm trong thường nhật cuộc sống, có khi chúng ta dễ dàng nhận ra sự can thiệp và phúc lành của Thiên Chúa ban cho, ngay cả khi chúng ta chưa mở miệng cầu xin.  Những câu nói dân gian như “người tính không bằng trời tính”, “hay không bằng hên”, “số được hưởng”, “Thiên hữu nhãn”(trời có mắt)”, “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”, tất cả muốn nói có sự xếp đặt nào đó đến từ Ông Trời.

Thiên Chúa hiện hữu, Thiên Chúa sáng tạo, Thiên Chúa giải phóng
. Thiên Chúa hôm qua toàn năng, mà hôm nay không còn toàn năng nữa, thì thiên chúa đó chưa thể được gọi là Thiên Chúa toàn năng.  Thiên Chúa hiện hữu, sáng tạo và giải phóng ngay trong hiện tại cuộc sống, Thiên Chúa đó mới thật sự là toàn năng.  Giải phóng dân tộc Do thái khỏi ách nô lệ Ai-cập là dấu chỉ nói cho chúng ta biết Người là Đấng giải phóng nhân loại.  Sự toàn năng của Thiên Chúa không bị thời gian giới hạn.  Hôm qua, hôm nay và mãi mãi là toàn năng mới thật sự là Thiên Chúa toàn năng.

Hình ảnh bụi gai đang cháy, nói lên sự hiện hữu và quyền năng Thiên Chúa chiến đấu cho công lý, bảo vệ người vô tội, tố giác bất công, căn nguyên của tội lỗi thế gian.  Người không truy tìm thủ phạm của những biến cố bất hạnh mà con người mong muốn hiểu biết nguyên nhân để thỏa mãn tính hiếu kỳ, nhưng Người mời gọi họ thay đổi não trạng và nhận thấy trách nhiệm liên đới mà sám hối ăn năn : “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Bài Tin Mừng,c.5).

Lạy Chúa Giêsu, bao nhiêu tai nạn thương tâm trên đường phố, bao nhiêu bệnh nhân gặp nơi bệnh viện, nỗi bất hạnh đó có thể đã xảy ra cho con!  Con tạ ơn Chúa vì con còn đứng vững trên đôi chân, con tự cảnh giác : ai đứng vững, coi chừng kẻo ngã.  Xin giúp con vượt qua mùa Chay cùng với Thánh thần. Amen

————-

Suy Niệm 3:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

HÃY SÁM HỐI THÌ SẼ ĐƯỢC CHÚA THA THỨ

 

1. Sám hối là gì ? Thưa là nhận thấy mình có tội với Chúa, hối hận và quyết tâm từ bỏ tội, rồi quay đầu trở về với Chúa.

2. Dân thành Ninive khi nghe ngôn sứ Giôna tuyên bố là Chúa sẽ đốt cháy thành sau 40 ngày vì tội lỗi của họ. Giật mình và sợ hãi. Từ vua quan cho đến dân thường và cả con loài vật. . . lo ăn năn chay tịnh. Và Chúa tha cho họ một cách dễ dàng đến nỗi nhà ngôn sứ Giôna cũng lấy làm khó chịu vì Chúa nói một đường làm một nẻo ! Đó vì do dân thành Ninive biết sám hối chứ không là toi đời rồi !

3. Dụ ngôn người con “hoang đàng” trong Phúc Âm ! Cùng đường hết lối rồi. Đi chăn heo thuê, muốn ăn thức ăn của heo mà cũng không được ăn . Rồi bò lết về nhà chỉ mong ông bố coi như kẻ làm đầy tớ thôi. Trời ơi ! Bỏ đường tội lỗi để quay về với Cha mình ! Không ai ngờ : Được người Cha ôm hôn thắm thiết, áo mới, dép mới, mang nhẫn, làm bê béo ăn mừng vì con Ta đã chết nay sống lại. Quá đã luôn ! Nhưng anh phải “đứng dậy mà về” cùng Cha mình. Chắc chắn anh con trai hư thân mất nết này không bao giờ dám nghĩ là Cha mình sẽ tha cho mình như vậy.

4. Anh trộm cướp giết người bị xử tử thập ác một lần với Chúa Giêsu đã khẳng định với “đồng nghiệp” của mình rằng thì là : Chúng ta đáng tội chết, chứ Ngài ( Chúa Giêsu) đâu có tội gì ? Rồi anh tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu : Khi nào Ngài về nước của Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi cùng ! Và anh đã nghe Chúa Giêsu phán ngay tức thì : Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với Ta. Quyền Lực của Đấng Cứu Chuộc cho những người hối cải là vô cùng vĩ đại. Vinh Quang của Thiên Chúa chính là sự tha thứ của Người.

5. Trở về với bài Tin Mừng hôm nay : Chúa Giêsu phán với dân chúng hôm đó, nói tới hai lần luôn : Lc 13 câu 3 và câu 5 : “Tôi nói cho các ông biết. . . Nếu các ông không chịu sám hối thì các ông phải chết thôi.

6. Sám hối cũng có nghĩa là từ bỏ việc xấu và thực hiện việc tốt. Hãy nghe ngôn sứ I-sai-a dạy : “ Hãy vứt bỏ tội ác của các ngươi. . . Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ. . . Tội các ngươi, dầu có đỏ như son cũng ra trắng như tuyết; có thẩm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông!” (Is 10,17-18).

7. Mùa Chay là mùa hành động thiêng liêng chứ không phải mùa hô khẩu hiệu: muôn năm ! Muôn năm ở đâu đó, rồi về nhà vẫn tham lam, tham nhũng, tham đủ thứ. . . rồi chờ vào thiên đàng là không thể được.

Lạy Chúa ! Xin cho con thật tình sám hối và làm việc thiện để được ơn Chúa tha thứ.

—————

Suy Niệm 4:                             Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

 

SAI VÀ SỬA SAI

Phụng vụ Lời Chúa Mùa Chay hai tuần vừa qua nói về ý nghĩa của thử thách cám dỗ và vinh quang của Đức Kitô. Chúa nhật III, các bài đọc Kinh Thánh hướng về chủ đề ăn năn sám hối.

Ăn năn sám hối gồm hai giai đoạn. Ăn năn là cảm thấy ray rứt, bị giày vò vì lỗi lầm đã mắc phải. Cha Đắc Lộ giải thích: “Năn: thứ cỏ đắng; Ăn năn: ăn thứ cỏ đắng, theo lối nói ẩn dụ để chỉ sự thống hối” (Alexandre de Rhodes, Từ Điển Việt – Bồ – La, Roma, 1651). Ăn năn là nghĩ lại về bản thân mình, nhìn lại cuộc sống, nghĩ lại cách sống của mình trong nhiều môi trường khác nhau. Nghĩ lại và thấy mặt tốt mặt xấu của chính mình. Biết hối hận về những gì không tốt hay chưa tốt của bản thân, nơi cách mình sống. Con người vốn mỏng dòn yếu hèn và tội lỗi. Sám hối là quyết tâm thay đổi là thành tâm sửa chữa lỗi lầm, là cải thiện đời sống là canh tân tâm hồn là đổi mới tư duy là định hướng lại cách cư xử, là lên đường hoà giải với mình, với Chúa và với cộng đoàn.

Ăn năn sám hối là thấy sai và sửa sai.

Sai và sửa sai là một chuyện bình thường có tính quy luật. Bởi vì sai mà không sửa, sửa sai không kịp thời thì không những không có tiến bộ mà còn ngày càng lún sâu trong vực thẳm suy vong.Là con người, ai cũng có sai lầm, không trừ một ai. Chỉ có điều là có những người không có khả năng thấy được sai lầm, thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm, hoặc đã thấy mình sai lầm nhưng không chịu thừa nhận, hoặc có thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa, hoặc có sửa chữa mà cũng không quyết tâm cho đến cùng.

Từ xưa, các bậc minh triết đã cho rằng việc thấy được sai lầm của bản thân mình, có dũng khí để công khai thừa nhận và có quyết tâm sửa chữa những sai lầm đó là những dấu chỉ của một con người chân chính, trung thực, đáng cho mọi người tin cậy và kính trọng.

Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể hai sự kiện:

– Sự kiện vụ án Philatô giết người vô tội, Chúa Giêsu không ủng hộ những người quá khích trong cuộc đấu tranh của họ chống lại Roma. Sứ điệp của Người luôn rõ ràng và rất tập trung: “Thời giờ đã hoàn tất, Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy ăn năm sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15). Chúa Giêsu cảnh tỉnh: “Nếu các ngươi không sám hối thì cũng bị chết như vậy” ( Lc 13,3.5).

– Sự kiện tháp Silôa đổ xuống đè chết mười tám người ở Giêrusalem. Cũng như trong trình thuật người mù bẩm sinh (Ga 9,2–3), Chúa Giêsu giải thích rằng “không phải vì anh ta,không phải vì cha mẹ anh ta đã phạm tội, mà anh ta sinh ra đã bị mù loà”. Ngài khẳng định nơi đây rằng, không ai trong bọn họ là nạn nhân của trừng phạt. Thiên Chúa không tìm trừng phạt mà là nâng dậy. Tuy nhiên, mỗi người chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Nhân hai sự kiện thời sự, những người nổi loạn bị Tổng trấn Philatô giết và mười tám người bị tháp Silôa đè chết, Chúa Giêsu cảnh báo người đương thời phải sám hối. Ngài mạnh mẽ quả quyết: “Nếu các ngươi không sám hối thì các ngươi cũng sẽ chết như vậy”.

Người Do Thái thời xưa quen nghĩ “ác giả ác báo”. Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng, những nạn nhân ấy là “ác giả” cho nên bị “ác báo”. Chúa Giêsu khuyên, đừng hồ đồ suy đoán về người khác, nhưng mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở, hãy xét lại lương tâm mình để lo sám hối. Ngài không vạch lá tìm sâu, không tìm những nguyên nhân tôn giáo, chính trị, kỹ thuật, càng không được kết tội ai. Trước những tai họa đó, Ngài nhấn mạnh cho chúng ta điều phải lo nhất là cái chết đời đời. Qua dụ ngôn cây vả không sinh trái, Chúa Giêsu bảo mỗi người hãy tận dùng thời gian gia hạn mà Thiên Chúa đã ban cho mình để sớm lo sám hối. Điều quan trọng phải lo là xét tội mình, phải đấm ngực mình để sám hối và cải thiện chính mình.

Mùa Chay là mùa đặc biệt dành cho sự trở về của người biết thấy sai và sửa sai. Ăn năn sám hối bắt đầu từ nội tâm với những bước cụ thể sau đây.

– Ý thức tội lỗi. Trong thâm sâu của cõi lòng, mỗi người thấy mình có tội, nhận ra tội lỗi của mình. Bản thân phán xét chính mình, nhận điều xấu mình đã làm. Đối với nhiều người, bước đầu tiên này đã là khó. Nhiều người trong thời đại hôm nay dù đã làm bao nhiêu điều xấu, vẫn không thấy mình có tội. Họ đã đánh mất ý thức tội lỗi, và đó là nguy cơ lớn nhất của nhân loại ngày nay.

– Hối hận, đau buồn, ray rứt trong lòng vì những điều xấu mình đã làm. Sự đau buồn này là một liều thuốc đắng, chữa lành cho vết thương tội lỗi.

– Gặp gỡ Thiên Chúa trong tin yêu. Khi đã lỡ phạm tội, nhiều người rất hối hận, vì yêu Chúa nên quyết tâm trở về. Mỗi người gặp gỡ Chúa, thú nhận tội lỗi với Chúa và xin Chúa tha thứ. Chắc chắn Chúa tha thứ và ban lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an.

– Quyết tâm thú nhận tội lỗi của mình, không những với Chúa, mà còn với Giáo hội. Đến với Bí tích Hoà giải, biểu lộ sự chân thực của lòng thống hối.

– Thực sự sửa đổi đời sống. Dứt khoát với tình trạng tội lỗi mà mình đang mắc phải. Giai đoạn này đòi hỏi sự hy sinh, chiến đấu với chính mình, làm chủ được chính mình. Chính vì thế mà cần rất nhiều ơn Chúa trợ giúp.

Ăn năn sám hối là chiều kích nền tảng của đời sống đức tin.

Có nhìn nhận thân phận tội lỗi yếu hèn của mình con người mới nhận được ơn cứu độ và tình thương của Chúa. Có biết mình hay vấp ngã, con người mới dễ cảm thông với anh em. Như vậy, mến Chúa yêu người chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của sám hối mà thôi. Sám hối là việc làm mỗi ngày, vì không ngày nào lại không có lỗi; không lỗi nhiều thì cũng lỗi ít, không lỗi nặng thì cũng lỗi nhẹ, không lỗi trong hành động thì cũng lỗi trong tư tưởng, lời nói…. Sám hối cũng là việc làm liên lỉ thường ngày vì không ai biết trước được mình sẽ chết khi nào, cách nào… Dụ ngôn cây vả nói lên lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, đồng thời cũng nói lên tính cấp bách của việc sám hối. Ăn năn sám hối để đón nhận tình thương tha thứ của Thiên Chúa và giao hoà cùng anh chị em.

Mỗi biến cố xảy đến trong đời đều mời gọi con người ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa để đón nhận tình thương tha thứ của Ngài.

Vua Ðavít phạm tội ngoại tình với bà Bát Seva là vợ của tướng Urigia. Sau khi phạm tội, nhà vua cố tình che đậy tội lỗi của mình. Nhà vua sai chồng bà đang ở ngoài mặt trận về nhà với vợ. Tuy nhiên tướng Urigia nhất định không chịu về nhà vì ông là một tướng lãnh chiến trường, muốn sống chết với binh sĩ ngoài mặt trận. Giấu giếm bằng cách này không được, vua Ðavít lại toan che đậy tội lỗi của mình bằng cách lập kế và để cho vị tướng Urigia bị chết ngoài trận địa. Thiên Chúa sai ngôn sứ Nathan đến để thức tỉnh lương tâm của nhà vua. Ðavít liền ăn năn hối lỗi, trở về với Chúa. Nhà vua thốt lên: Tôi đã đắc tội với Thiên Chúa (2Sm 12,13). Vua tỏ lòng ăn năn sám hối và viết nên Thánh vịnh 51: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài…Nhưng ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ” (c 3-6).

Kinh nghiệm đầu tiên mà Thánh Phêrô chia sẻ cho cộng đoàn Giáo Hội sơ khai là: anh em hãy sám hối. Ba lần chối Thầy vì yếu đuối bản thân chứ không phải vì không yêu mến Thầy. Phêrô đã biết lỗi lầm đó và ngài đã ăn năn bằng những giọt nước mắt sám hối chân thành. Phêrô đã sửa sai lầm bằng chính sự can đảm, thái độ hiên ngang,bằng một tình yêu nồng nàn với Thầy trong sứ vụ Tông Đồ của mình.Đối với Phêrô, sám hối là bước đi thứ nhất của hành trình lãnh nhận Thánh Thần. Không có sám hối thì không có ân huệ Thánh Thần. Đó là kinh nghiệm bản thân và cũng là gương sáng của Thánh Phêrô : “đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,3). Gương sáng của Thánh Phêrô trước hết là gương sám hối, thấy sai và sửa sai đến cùng. Ngài muốn chia sẻ bài học thấm thía ấy với những người đang cùng mình giữ trọng trách mục tử. 

Thánh Phaolô cũng bằng chính kinh nghiệm cuộc đời mình đã chia sẻ rằng : sám hối là làm hoà lại với Thiên Chúa. Phaolô, người lãnh đạo nhiệt thành bắt bớ Đạo Chúa, được ơn sám hối, đã sửa sai lỗi lầm, từ đó ngài làm hoà với Chúa để nên Tông Đồ dân ngoại. Theo Thánh Phaolô, tội lỗi đã phá huỷ những liên hệ hài hoà giữa con người với Thiên Chúa, sám hối là tái lập những liên hệ ấy. Thời gian sám hối là thời Thiên Chúa thi ân, thời Thiên Chúa cứu độ.    

Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sai lầm bản thân, về sự đỗ vỡ, sự bất hoà. Hai người bạn trở nên lạnh nhạt, hai người tình bỗng hoá xa lạ, hai vợ chồng trở thành dửng dưng. Đỗ vở bất hoà sinh ra hiểu lầm, đau khổ, tiếc nuối. Khi đỗ vở, phía nào thấy sai để sửa chữa, phía nào yêu nhiều hơn sẽ chủ động tìm cách làm hoà, hàn gắn lại. Không ai không phạm sai lầm. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ đối xử với sai lầm của mình như thế nào mà thôi.  

Sám hối và canh tân, nhận ra sai lầm và sửa đổi không chỉ là việc làm trong Mùa Chay mà là suốt đời người.

Ðể có thể ăn năn sám hối, chúng ta phải cầu xin cho được ơn biết kính sợ Chúa, không phải sợ mà không dám đến gần Chúa, nhưng sợ làm điều mất lòng Chúa như sách Huấn ca dạy: “Kính sợ Chúa là bước đầu của khôn ngoan” (Hc1,14). Ơn biết kính sợ Chúa là cần thiết để được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu chí thánh! Chúa là Ðấng nhân từ hay thương xót.Chúa ghét tội, nhưng lại thương kẻ có tội.Xin dạy con biết khiêm tốn nhận ra tội lỗi mình và khơi dậy tâm tình ăn năn sám hối hầu được Chúa thương tha thứ. Amen.

WGPKT(18/03/2022) KONTUM