Vài Nhận Định Sau 5 Tháng Tiến Trình Thượng Hội Đồng Ở Cấp Địa Phương

Đã tròn 5 tháng kể từ giữa tháng 10.2021, thời điểm bắt đầu tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2023 ở các giáo phận. Tôi muốn chia sẻ vài nhận định cho những ai quan tâm, căn cứ vào sự quan sát, lắng nghe và cảm nhận riêng của mình, với mục đích nói lên những gì mình cho là quan trọng liên quan đến sự kiện đầy ý nghĩa này của Giáo hội. Đây chỉ là ý kiến cá nhân, không dám mơ thuyết phục hết mọi người, tôi chỉ muốn đề cập đôi điều với hy vọng góp phần nhỏ bé làm sáng tỏ hơn một chút ý nghĩa của Thượng Hội đồng đang diễn ra…

1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG LẦN NÀY

Tôi xác tín rằng Thượng Hội đồng lần này, về tính ‘đồng hành đồng nghị’ hay ‘hiệp hành’ của Giáo hội, có một tầm quan trọng đặc biệt trong tầm nhìn cải tổ / canh tân Giáo hội của Đức thánh cha Phanxicô. Đức thánh cha là một giáo hoàng đến từ thế giới mục vụ, với khiếu phân định của một tu sĩ Dòng Tên dày dạn. Ngài nêu rõ ngay trong Tông huấn đầu tiên (Evangelii Gaudium) rằng Giáo hội ngày nay khẩn thiết cần một cuộc hoán cải mục vụ để chuyển hóa sứ mạng loan báo Tin Mừng. Công cuộc ‘hoán cải’ và ‘chuyển hóa’ này thiết yếu dựa vào đặc tính ‘đồng hành đồng nghị’ vốn thuộc bản chất của Giáo hội, trong đó mọi thành phần dân Thiên Chúa cùng tham gia và cùng trách nhiệm với nhau trong tinh thần hiệp thông, nhằm thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng cách đúng trọng tâm và hữu hiệu.

Tất cả điều nói trên giả thiết toàn thể Giáo hội với mọi thành phần trong đó phải đi ra, gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, và phân định. Như vậy, Thượng Hội đồng Giám mục lần này không nhắm làm việc trên một lãnh vực quan tâm chuyên biệt nào đó, mà nhắm khơi dậy và làm sống họat cái tinh thần ‘đồng hành đồng nghị’ hay ‘hiệp hành’ của Giáo hội, xét như chìa khóa chủ yếu quyết định sự thành công của cuộc canh tân mà Đức thánh cha mong muốn. Quả thực, có thể nói tất cả họat động và giáo huấn của ngài trong suốt 9 năm qua ở cương vị giáo hoàng đều nằm trong tầm nhìn canh tân này. Thượng Hội đồng đang diễn ra là một bước đi có ý nghĩa hết sức then chốt.

2. VIỆC CHỌN TỪ ‘HIỆP HÀNH’ VÀ GIẢI THÍCH NÓ

Ngay từ đầu, HĐGMVN đã lập ra từ ‘hiệp hành’ để dịch ‘synodal’ / ‘synodality’ (Anh ngữ). Một số người lên tiếng chất vấn và bày tỏ sự không đồng thuận. Có lẽ vì thế mà đã có những cố gắng giải thích nhằm bảo lưu việc sử dụng từ ‘hiệp hành’. Hẳn nhiên một từ ngữ mới luôn cần được giải thích. Và sự giải thích có sức thuyết phục sẽ giúp mọi người sáng tỏ hơn và dễ dàng chấp nhận hơn. Tôi cho rằng chữ nghĩa thì quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn chính là thực tại mà chữ nghĩa ấy muốn phản ảnh. Tiếc là cho đến nay những sự giải thích được coi là có thế giá lại tỏ ra khá lúng túng khi bảo vệ từ ‘hiệp hành’ bằng cách giảm trừ ý nghĩa của từ ‘đồng hành’! Chẳng hạn nói rằng ‘đồng hành’ chỉ là đồng hành từ xa, hoặc nói rằng ‘đồng hành’ chỉ giống như những người xa lạ đi chung trên một chuyến xe búyt!

Từ ‘đồng hành’, như vốn được dùng xưa nay, mang ý nghĩa hàm súc và sâu sắc hơn thế nhiều chứ! Đồng hành, theo nghĩa mật thiết nhất, bao hàm cả sự hiệp thông, liên can, liên đới, ngay cả cùng phân định và cùng trách nhiệm. Nếu chẳng vậy, chúng ta có ý gì khi nói hai vợ chồng là bạn đường (bạn đồng hành) của nhau, khi nói về việc đồng hành thiêng liêng, khi nói Thiên Chúa làm người và đồng hành với con người trong lịch sử, và khi nói người Công giáo đồng hành với dân tộc ở giữa lòng dân tộc, vân vân…? Vì thế, thiết tưởng nếu muốn biện minh cho từ ‘hiệp hành’, việc cần làm không phải là định nghĩa lại từ ‘đồng hành’ theo hướng giảm trừ ý nghĩa của nó – điều này chắc chắn gây hoang mang bối rối cho dân chúng một cách không cần thiết. Nhưng việc cần làm là chứng minh rằng từ ‘hiệp hành’ hàm chứa cái yếu tố được nhấn mạnh trong từ ‘synodality’ mà hai tiếng ‘đồng hành’ của chúng ta vẫn chưa đủ để lột tả hết với cùng sự nhấn mạnh. Sau đây sẽ đề cập ngay đến yếu tố đó.

3. Ý NGHĨA CỦA ‘SYNODALITY’

Rõ ràng, khi nói Thượng Hội đồng lần này là một ‘synod on synodality’ (Anh ngữ) thì nội hàm của ‘synodality’ phải có bao gồm ý nghĩa của từ ‘synod’ trong chính cụm từ ấy. Ý nghĩa đó là ‘thượng hội đồng’ hay ‘hội nghị’ của các giám mục. Đó là sự nhận hiểu theo trực giác ngôn ngữ. Có thể thấy ngay, nhiều người đã có lý khi gợi ý dịch ‘synodality’ là ‘đồng nghị’, theo nghĩa mọi người trong Giáo hội – không trừ ai – đều tham gia vào tiến trình Thượng Hội đồng. Một ‘synod on synodality’ là một thượng hội đồng hay hội nghị các giám mục về tính đồng nghị! Nghe khá ổn đó chứ. Và từ ‘hiệp hành’ ráp vào đây sẽ nghe lạc lõng hơn. Nhưng như thế vẫn chưa hoàn toàn chính xác, vì vẫn chưa hết chuyện…

Chuyện vẫn còn, vì ‘đồng nghị’ chỉ là nghĩa thứ hai trong hai nghĩa của ‘synod’ (σύνοδος trong tiếng Hy lạp) mà tài liệu của Ủy Ban Thần học Quốc tế đã chỉ ra (xin xem các số 3-7 của Tài liệu “Synodality trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội”, do UBTHQT biên soạn, được Đức Phanxicô ưng thuận và được Bộ Giáo lý Đức tin phê duyệt cho xuất bản). Còn nghĩa thứ nhất nữa! Và ý nghĩa thứ nhất của ‘synod’ (σύνοδος) qui chiếu đến những người ‘cùng đi Đạo’, tức ‘cùng nhau trên Đường’. Sách Công vụ Tông đồ gọi các tín hữu là những người ‘theo Đạo’ (x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22). Đạo là Đường, dĩ nhiên, và đó là chính Đức Giêsu Kitô! (x. Ga 14,6). Ta thú vị nhận ra rằng ngay từ đầu, các Kitô hữu Việt Nam đã tự gọi mình là người theo đạo, người bên đạo, người có đạo – và cả anh chị em ‘ngoại đạo’ cũng nhất trí gọi như thế, cho đến ngày nay… Vì đạo là đường, nên cùng đi đạo là cùng trên đường, tức đồng hành. Ta không ngạc nhiên khi người Công giáo Đài Loan dịch ‘synodality’ là tính ‘đồng đạo’. Họ đã dịch sát chữ: σύνοδος là ‘cùng trên đường’ hay ‘đồng đạo’. Còn ‘đồng hành’ thì cũng mang chính ý nghĩa ấy nhưng đã dịch hơi thóat chữ.

Một lần nữa, trong ý nghĩa thứ nhất này của synod (σύνοδος), từ ‘hiệp hành’ cũng được thấy lạc lõng hơn, nhất là khi ta nhớ rằng từ ‘đạo’ (trong ‘đồng đạo’) cũng như từ ‘đồng hành’ vốn vừa rất quen thuộc vừa phản ảnh quá tốt ý nghĩa thứ nhất của σύνοδος. Kết hợp nghĩa này và nghĩa thứ hai trên kia, tôi chọn cách dịch ‘synodality’ là tính ‘đồng hành đồng nghị’, để như một cụm từ tương đương với từ ‘hiệp hành’ của HĐGMVN. Nói ‘đồng hành đồng nghị’ thì tuy hơi dài nhưng đỡ phải quá nhọc công giải thích; còn nói ‘hiệp hành’ thì vì là từ mới nên cứ phải loay hoay giải thích, lại dễ lúng túng và làm cho việc giải thích không được thỏa đáng.

4. ‘TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH’?

Một ví dụ về hệ lụy của việc giải thích không thỏa đáng từ ‘hiệp hành’, đó là cách nói ‘tiến trình hiệp hành’, cụm từ này trong nhiều trường hợp dường như để dịch ‘synodal process’ của tiếng Anh. Thiết nghĩ như vậy là không chuẩn xác lắm.

Một tiến trình luôn bao gồm sự bắt đầu, sự diễn tiến và kết thúc. Nếu vậy, ‘synodality’ – vốn thuộc bản chất của Giáo hội – không phải là một tiến trình do ta khai mạc, xúc tiến trong một thời gian nào đó, rồi bế mạc! ‘Synodal process’ trong văn cảnh của Thượng Hội đồng lần này xem ra được hiểu là ‘tiến trình thượng hội đồng’ sẽ thích hợp hơn. Quả thực, tiến trình lần này khác biệt rõ so với tiến trình của các lần trước. Lần này tiến trình đi từ dưới lên, bắt đầu bằng giai đoạn ở cấp địa phương như đang diễn ra. Chính tiến trình ‘từ dưới lên’ này biểu lộ ý nghĩa ‘đồng nghị’, trong đó mọi người, đặc biệt những người thường ít được lắng nghe nhất, sẽ được thỉnh ý, và cách nào đó tiếng nói của họ sẽ đi vào cuộc hội nghị của các giám mục. Không phải chỉ là chuyện gói gọn trong hơn kém một tháng, trong đó các giám mục đại biểu xách va li qua Rôma dự các phiên thảo luận với nhau, đúc kết rồi về, rồi chỉ đạo xuống dưới!

Nhân tiện cũng nên xác nhận rằng chúng ta không ‘hướng tới một Hội Thánh hiệp hành’ hiểu như ‘hiệp hành’ là cái gì chưa có, còn ở tương lai phía trước. Bởi vì ‘hiệp hành’ (tức tính ‘đồng hành đồng nghị’) vốn thuộc bản chất của Hội Thánh kia mà! Nói ‘cho một Hội Thánh hiệp hành’ hoặc ‘vì một Hội Thánh hiệp hành’ sẽ chính xác hơn. Chẳng hạn, tiếng Anh dùng ‘for’ chứ không phải ‘toward’, và tiếng Pháp dùng ‘pour’ chứ không phải ‘vers’. Tuy nhiên, tôi cho rằng ở đây cách nói ‘hướng tới’ cũng có thể vo tròn và chấp nhận được.

Tương tự, rất nhiều cụm từ ‘cùng nhau cất bước hành trình’ được gặp thấy trong bản dịch Việt ngữ “Tài liệu Chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục”, để dịch ‘journeying together’ trong bản tiếng Anh. Vừa qua nghe đọc sách nhà cơm trong kỳ tĩnh tâm linh mục, tôi nhận ra mật độ xuất hiện dày đặc của nó. Cụm từ ấy nghe văn hoa, nhưng không được chỉnh chu, và có thể gây hiểu sai, bởi cùng một lý do đã làm cho cách nói ‘tiến trình hiệp hành’ và ‘hướng tới một Hội Thánh hiệp hành’ có vấn đề. Cất bước là bắt đầu đi, cũng như cất cánh là bắt đầu bay. Thế nhưng thực tế là ta đang đi chứ không phải bây giờ mới bắt đầu đi, và ta muốn khơi lên và làm sống họat đặc tính ‘đồng hành đồng nghị’ hay ‘hiệp hành’ của Hội Thánh, chứ không phải bây giờ mới sắm lấy nó. Thêm nữa, đặc tính này cần được khơi động mạnh mẽ cho toàn thể đời sống và sứ mạng của Hội Thánh hôm nay và mãi mãi, chứ không chỉ cho Thượng Hội đồng lần này mà thôi.

5. LẮNG NGHE VÀ PHÂN ĐỊNH

Đi ra, gặp gỡ, lắng nghe, và phân định là những gì cụ thể và thực tiễn mà các cộng đoàn và các giáo phận đang làm. Cẩm nang (Vademecum) nhấn mạnh rằng ai cũng được lắng nghe, không ai bị loại trừ và không ai bị bỏ lại đằng sau. Tháng 10 năm 2023, các giám mục đại biểu sẽ mang các kết quả của tiến trình này về Rôma để tiếp tục lắng nghe, phân định và đúc kết với nhau.

Có thể thấy, đây là chuyển động theo chiều hướng tản quyền nhiều hơn, chiều hướng mà Đức thánh cha Phanxicô đã nêu ra trong Tông huấn Evangelii Gaudium của ngài (x. số 16). Lắng nghe và phân định, Giáo hội sẽ không tự qui chiếu về mình vì Giáo hội là mầu nhiệm mặt trăng (mysterium lunae), và các mục tử trong Giáo hội cũng không tự qui chiếu về mình.

Lắng nghe và phân định giả thiết niềm xác tín rằng Chúa Thánh Thần nói qua mọi người, đặc biệt những người vốn dễ bị quên lãng và không có tiếng nói trong cộng đoàn. Có người thắc mắc rằng làm sao lắng nghe được những ý kiến trái chiều, những ý kiến không thể chấp nhận được. Tôi cho rằng Chúa Thánh Thần vẫn nói điều gì đó qua những ý kiến hay nguyện vọng dở hơi nhất. Ví dụ, đứa con nói với cha nó: “Cha à, con ghét cha, và nhà mình ngột ngạt quá, con sắp bỏ nhà đi bụi đời đây!” Người cha, nếu biết lắng nghe và phân định, chắc chắn sẽ nghe được điều gì đó rất quan trọng mà Chúa Thánh Thần nói với mình qua lời nói thẳng thắn của đứa con… Ông sẽ có những điều chỉnh cần thiết, ngay cả chỉnh đốn triệt để nơi chính ông và nơi đời sống gia đình, để đứa con thấy mái nhà mình là nơi đáng sống, đáng dấn thân và đáng lãnh trách nhiệm trong tư cách người con…

TẠM KẾT

Một phần của bài viết này đã đề cập đến các từ ngữ. Song bạn thấy đó, tranh luận về từ ngữ không phải là điều chủ yếu mà tôi nhắm đến. Ngôn ngữ là chìa khóa của văn hóa (language is the key to a culture). Điều tôi muốn tiếp cận là ‘văn hóa’, ở đây là cách nghĩ, cách nói, cách làm xét như là sự hưởng ứng Thượng Hội đồng đang diễn ra. Tôi mong ước mọi người chúng ta, trong Giáo hội, thực sự chia sẻ thao thức của Đức thánh cha Phanxicô về cuộc canh tân, cải tổ Giáo hội mà ngọn gió Thánh Thần đang tăng tốc. Tôi mong ước những anh chị em tín hữu lâu nay thấy mình ở bên rìa Giáo hội vì lý do nào đó, nay mạnh dạn bày tỏ những cảm nghĩ sâu xa nhất của mình cho các mục tử. Và tôi mong ước hai tiếng ‘hiệp hành’, nếu được bảo lưu sử dụng chính thức như hiện nay, sẽ được hiểu và thực hiện đúng trọng tâm của nó – và nhiều năm sau nó vẫn sống được chứ không chết yểu.

Lm. Giuse Lê Công Đức (18.3.2022)
Nguồn facebook: Le Cong Duc Lm
WGPKT(18/03/2022) KONTUM