Chúa Nhật II Phục Sinh – Kính Lòng Thương Xót Chúa – Năm C (CN.24.04.2022)

BÀI ĐỌC I: Cv 5, 12-16

“Số người tin vào Chúa ngày càng gia tăng”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, các Tông đồ làm nhiều phép lạ và nhiều việc phi thường trong dân, và tất cả mọi người tập họp tại hành lang Salômôn; nhưng không một ai khác dám nhập bọn với các tông đồ. Nhưng dân chúng đều ca tụng các ngài. Số những người nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng, đến nỗi họ mang bệnh nhân ra đường phố, đặt lên giường chõng, để khi Phêrô đi ngang qua, ít nữa là bóng của người ngả trên ai trong họ, thì kẻ ấy khỏi bệnh. Đông đảo dân chúng ở những thành phụ cận Giêrusalem cũng tuôn đến, mang theo bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Mọi người đều được chữa lành.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Kh 1, 9-11a, 12-13. 17-19

“Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, anh em của chư huynh, đồng phần chia sẻ sự gian truân, vương quyền và kiên nhẫn trong Đức Giêsu Kitô, tôi đã ở đảo Patmô vì lời Chúa và vì làm chứng Đức Giêsu. Một Chúa Nhật nọ, tôi xuất thần và nghe phía sau tôi có tiếng phán lớn như tiếng loa rằng: “Hãy viết những điều ngươi thấy vào sách và gởi đến bảy giáo đoàn ở Tiểu Á”. Tôi quay lại để xem coi tiếng ai nói với tôi. Vừa quay lại, tôi thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa bảy chân đèn bằng vàng đó tôi thấy một Đấng giống như Con Người, mặc áo dài và ngang lưng thắt một dây nịt bằng vàng. Vừa trông thấy Người, tôi ngã xuống như chết dưới chân Người; Người đặt tay phải lên tôi và nói: “Đừng sợ, Ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, Ta là Đấng hằng sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời. Ta giữ chìa khoá sự chết và địa ngục. Vậy hãy viết những gì ngươi đã thấy, những điều đang xảy ra và những điều phải xảy ra sau này”.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa: Ga 20, 19-31

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!”

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Đó là lời Chúa.

————–

Suy Niệm 1:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

ĐẤNG PHỤC SINH HÀNH XỬ ĐẦY LÒNG

NHÂN ÁI và THÂN TÌNH.

1. Chúa Giêsu đã phải chết rất đau đớn, rất sỉ nhục và rất cô đơn.

* Chết đau đớn vì bị đánh nhừ đòn. Thương tích đầy mình. Không còn ra hình tượng con người. Chết khát: Ta khát ! Chết đói : Rời phòng Tiệc Ly cho tới khi chết, đâu có được ăn gì ?

* Chết nhục : Bị khạt nhổ vào mặt. Bị nhạo báng. Bị nhục mạ. Bị đội mão gai giả làm mũ triều thiên để làm trò cười. Bị đánh giá còn thua tên trộm cướp Baraba. Bị chết treo trần truồng.

* Chết cô đơn : Những người thân là các môn đệ trốn hết. Có môn đệ bán thầy mình để lấy tiền. Có môn đệ chối thầy vì sợ liên lụy. “ Cha ơi ! Cha ơi ! Sao Cha đành bỏ con ?”

2. Phe chủ trương giết cho bằng được Giêsu là các vị thượng tế, các biệt phái. . . Mặc dù Philato quan toàn quyền Roma xác quyết Giêsu không có tội gì, nhưng vì sợ mất “quyền” nên đành phải để người vô tội chết oan ức.

3. Phe “trực tiếp” hành động là quân lính Roma. Làm theo lệnh. Đánh không nương tay. Rất tàn bạo. Một đám đông xúm nhau đánh một người. Những cú đánh làm máu thấm đỏ mặt đất. Ngã là đánh, đánh cho đứng dậy. . .

4. Phe bỏ rơi Chúa là các môn đệ. Ông Simon bị ép buộc vác giúp, là người lạ. Bà Veronica lau mặt Chúa, là người lạ. Không có môn đệ nào “liều gan” nhào vô vác giúp thầy mình đang ngã lên ngã xuống. Họ ngã lòng, họ thất vọng, họ mất hết niềm tin. . . Trên cây thập ác nhìn xuống chỉ còn thấy Mẹ và người môn đệ yêu dấu là Gioan. “ Đây là con Bà . . . Đây là Mẹ con !”

5. Rồi Chúa gục đầu tắt thở . . .

Trời trở nên tối tăm. Bức màn lớn trong Đền Thờ Giêrusalem xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. . . Trời Đất giao hoà từ đó !

6. NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI NHƯ LỜI ĐÃ PHÁN !

ALLELUIA !

7. Kẻ chiến thắng đã hành xử rất nhân ái và rất thân tình với các môn đệ thân yêu của mình. Không trách móc, không la mắng, không một lời phàn nàn. . . “Bình an cho anh em.” “Đừng sợ!” “Thầy đây mà, không phải ma đâu”! “Anh em có gì ăn không ? “

Đồng hành với hai môn đệ về Emmau, “được” họ mời là ở lại cơm tối với họ . . . Rồi “bẻ bánh” . . . Sau đó thì thứ gì xảy ra ai cũng biết mà. “ Anh Toma ơi ! Đem tay lại đây, hãy sờ vào tay Thầy đây này. . . Đừng cứng lòng tin nữa nhé !” Thích nhất là Chúa Giêsu Phục Sinh dọn bữa cho môn đệ ăn trên bờ biển hồ. Có bánh và có cá nướng nữa. Bữa đó Thầy trò chắc là vui lắm lận. Nhân ái hết sức. Thân tình hết sức.

Chúa Giêsu Phục Sinh không hề nhắc tới những kẻ chủ trương giết Ngài, không hề đi gặp vị thượng tế, hay những kẻ đánh đập tàn nhẫn Ngài, hay quan Philato nhát gan không dám bênh vực người mà ông biết là vô tội. Chúa mà làm vậy, chắc là họ tái mặt bủn rủn tay chân liền ! Sức mấy mà không? Ngài đã xin Chúa Cha tha cho họ rồi mà. Ngài “thương xót” họ thật sự. Sự tha thứ là VINH QUANG của Thiên Chúa.

Hôm nay chúa nhật kính LÒNG THƯƠNG XÓT của Chúa. Thế giới hôm nay chiến tranh loạn lạc giết chóc tàn bạo, chỉ vì tham quyền, chỉ vì kiêu ngạo háo thắng, và chỉ vì không có lòng thương xót. Xin Chúa hãy đổ vào con tim của chúng con những tia sáng để làm cho lòng chúng con cũng biết “thương xót” anh em đồng loại của mình. AMEN

————–

Suy Niệm 2:                              Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn

 

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

NƠI ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Anh chị em thân mến,

Đức tổng giám mục Lori, tổng giáo phận Baltimore, thuật lại câu chuyện như sau: Một hôm, nghe biết một giáo xứ không cử hành lễ kính lòng Chúa thương xót, Đức Cha Lori gặp Cha xứ và đề nghị Cha cố gắng tổ chức Thánh lễ đó vì Giáo Hội đã quy định và đã được thánh Gioan phaolô II cổ võ. Cha xứ đã trình bày suy nghỉ của mình rằng lễ kính lòng Chúa thương xót như đang làm mất đi niềm vui của mầu nhiệm Phục Sinh, bởi van xin lòng Chúa thương xót là đi vào cuộc sám hối, một hành vi và tâm tình của mùa chay; còn bây giờ đang mùa vui Phục sinh! Nhận định như thế có nghĩa là Mùa Phục Sinh không còn cần lòng Chúa thương xót, không còn cần ăn năn hoán cải trở về hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa và lễ kính lòng Chúa thương xót không đem lại niềm vui. Có thật ngày mừng Chúa Phục Sinh là ngày nói lời tạm biệt với lòng Chúa thương xót hay đó là ngày lòng Chúa thương xót sống dậy trong nhân loại và trong mỗi người chúng ta?

1. Chúa kitô phục sinh là lòng Chúa thương xót

Nếu những ngày trước biến cố Vượt Qua là chuỗi ngày nhân loại phản bội tình yêu của Chúa, thì những ngày mừng biến cố Vượt Qua (Khổ nạn- chết- phục sinh) của Chúa Giêsu là thời kỳ lòng thương xót của Chúa được biểu lộ cho nhân loại. Rõ ràng, trong cuộc tạo dựng, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho nhân loại khi tạo dựng con người trong tình yêu của Ngài; thì nay trong cuộc cứu độ, Thiên Chúa tỏ bày hiển nhiên lòng thương xót của Ngài dành cho nhân loại. Điều đó muốn nói, có sự khác biệt giữa tình yêu và lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ là tình yêu của Ngài, bởi lòng thương xót còn là tình yêu không được đáp đền. Hay nói cách khác, lòng thương xót của Thiên Chúa là cách thế Thiên Chúa bày tỏ tình yêu cao độ cho con người: vừa hiến thân mình cứu độ con người bởi không muốn một ai hư mất, vừa ban ơn tha thứ cho ngay cả những người chưa biết đáp đền tình yêu của Ngài. Ví thế, sáng sớm ngày Phục Sinh là thời điểm lòng thương xót của Thiên Chúa bày tỏ cụ thể trong Chúa Giêsu kitô cho mỗi người đang cần được cứu độ.

Trong Chúa Giêsu kitô chịu chết và sống lại, lòng thương xót của Chúa minh chứng mạnh hơn sự dữ và sự chết. Ngài tha thứ cho chúng ta là những tội nhân và đưa chúng ta đi từ cõi chết vào cõi sống đời đời. Đó là lý do các tín hữu vui mừng trong ngày Chúa sống lại. Thánh Tôma hiểu rõ điều này, nên đã muốn chạm bằng được vào thân thể của Đức kitô Phục Sinh, nhất là chạm vào vết thương trên thân thể của Chúa, vừa là dấu vết tội lỗi của con người, vừa là dấu biểu lộ lòng Chúa thương xót. Chạm đến Chúa Giêsu là chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôma ước muốn như thế và Chúa Giêsu cũng kêu mời kêu mời Tôma cũng như kêu mời mọi người: “Hãy đưa bàn tay con ra và chạm vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27).

2. Chạm vào Thương Tích Đấng Phục Sinh là Chạm vào Lòng Thương Xót của Chúa.

Mặc dù các tác giả Tin Mừng không tường thuật chi tiết thánh Tôma có đưa bàn tay vào vết thương cạnh sườn của Chúa hay không, dường như chi tiết đó không còn quan trọng cho bằng khi gặp gỡ Chúa Giêsu, trái tim đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu phục sinh chạm đến trái tim đầy thương tích của Tôma để chữa lành. Tôma cần được tha thứ, trái tim Tôma cần được chữa lành và Tôma đã được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Phục Sinh. Nếu Chúa Giêsu không sống lại, lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ là một thứ tình cảm ủy mị, dù đẹp đẽ, nhưng không có khả năng tha thứ và đem lại sự sống. Một khi Chúa Giêsu sống lại, lòng thương xót của Chúa cũng sống lại tha thứ và ban sự sống cho mọi người. Vì thế, khi chứng nghiệm lòng Chúa thương xót tha thứ và đem lại sự sống, trái tim thánh Tôma được chữa lành và hớn hỡ tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Như Đức Hồng y Henry Newman đã nói, đó là lúc “trái tim nói với trái tim.”

Đây cũng là kinh nghiệm đức tin của thánh Faustina khi được thị kiến với Chúa Giêsu và nghe Chúa nói: “Từ mọi thương tích của Ta, tình thương sẽ như những dòng suối trào đổ vào các linh hồn.” Chúa Giêsu cho thánh Faustina biết, lòng thương xót của Chúa là nền tảng cho bí tích Giải Tội, “ở đó phép lạ cả thể nhất xẩy ra và được tái diễn không ngừng. Để lãnh nhận phép lạ này, không cần các cuộc đại hành hương hay cử hành những nghi thức bề ngoài; điều thiết yếu là lấy đức tin mà đến quỳ dưới chân vị đại diện của Chúa và tỏ lộ cho Ngài sự đau đớn của mình, và phép lạ lòng thương xót sẽ được biểu lộ đầy đủ. “Thì ra, lòng thương xót Chúa không hề giới hạn nơi những phép lạ chữa lành hay xin ơn trần thế, mà lòng Chúa thương xót bày tỏ trước hết qua ơn tha thứ tội lỗi và đem lại cho tín hữu sự hăng hái của người môn đệ.

Vậy, khi kính lòng thương xót Chúa trong tuần lễ Phục Sinh này, chúng ta xin Chúa cho mọi tín hữu được siêng năng chạy đến chạm vào trái tim Chúa, chạm vào lòng thương xót của Chúa trong bí tích Giải Tội, ở nơi đó, chúng ta được cảm nghiệm lòng Chúa xót thương tha thứ và phục hồi lại cuộc đời người môn đệ Chúa.

“Hãy đưa bàn tay con ra và chạm vào cạnh sườn Thầy”. Xin cho con mạnh dạn như thánh Tôma, lao vào Chúa và chạm đến lòng Chúa xót thương.

————–

Suy Niệm 3:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

THÁNH THẦN VÀ ƠN BÌNH AN

 

Vào buổi chiều của ngày thứ Nhất trong tuần, ngày Chúa Sống Lại:  Nhóm tông đồ sợ hãi, thu mình vào trong phòng tiệc ly và khoá trái cửa lại, họ chỉ lo lắng cho mình được thoát chết, và bổng chốc Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra đứng giữa họ, mang lại cho họ sự bình an.  Ơn Bình An là quà tặng đầu tiên của Đấng Phục Sinh, khai mào thời đại mới, thế giới mới.  Đức Giêsu hiện đến phá vỡ bế tắc cho các tông đồ, Người hóa giải sự căng thẳng và giải thoát các vị khỏi ưu phiền lo lắng.  Đấng phục sinh đến lấp đầy niềm hy vọng sống còn rất mong manh nơi các môn đệ.  Thật vậy Đức Chúa Chúa Phục sinh lấp đầy hố sâu ước vọng nơi con người, ước vọng trường sinh.

Thánh Gioan tổng kết các sự kiện hôm đó: Chúa Phục sinh bất thần đến, ban bình an, ban Thánh thần, ban ơn tha tội và sai các tông đồ ra đi.  “Chúa Giêsu đến đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em’ … Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.  Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.  Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha’” (Bài Tin Mừng. Ga 20, 19b-23).  Qua trích đoạn Tin Mừng nầy cô đọng lại nơi đây ba khía cạnh của mầu nhiệm sống lại: Chúa phục sinh, Chúa lên trời và Chúa Thánh thần hiện xuống.

Và dường như Đức Giêsu cấp tốc thông ban cho các tông đồ và thế gian tất cả hồng ân phục sinh ngay khi Người gặp lại các môn đệ.  Người không giữ gì lại cho riêng mình, Người vội vàng ban Thánh Thần khi xuất hiện cho nhóm mười một: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.  Như buổi ban đầu sáng tạo, Người làm cử chỉ tạo dựng mới trên các tông đồ. 

Người thổi hơi và ban sự sống mới, sự sống của chính Đấng phục sinh, đó chính là chiến thắng trên sự dữ và thần chết.  Thuật trình làm nhớ đến trang đầu của cuộc sáng tạo, khi vũ trụ còn uông mang chưa nên hình dạng, Thần khí Chúa ban lượn trên uông mang, khởi từ đó Thiên Chúa bắt đầu công cuộc sáng tạo vũ trụ và vạn vật trên trời dướt biển, sinh vật trên mặt đất, và muông thú trên rừng.

Chúa Thánh Thần chính là nguồn mạch chữa trị tâm hồn, mang ơn cứu độ đến cho hết mọi người, là nguồn suối bình an cho thế giới.  Sự tạo dựng mới nầy được tiếp tục thực hiện qua tay các Tông đồ: “Hồi ấy nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các Tông đồ … Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông lẫn đàn bà rất đông … Người ta còn khiêng  cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố, đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó …  Tất cả đều được chữa lành” (Bài đọc 1. Cv 5, 12-16).  Như mạch suối hằng sống phát sinh từ Chúa Kitô phục sinh, chảy tràn sang các tông đồ làm Giáo hội lan tràn đến muôn dân.

Đức Giêsu cũng không quên chứng minh về căn cước của bản thân mình, khi trình cho các tông đồ thấy các vết thương, các dấu đinh, tất cả nói lên chiến tích của cuộc giao tranh giữa sự sống và sự chết vừa xảy ra.  Các vết tích nơi thân xác Đức Giêsu là những chứng cứ của việc trao ban sự sống, Người đã chết cho người mình yêu, là bằng chứng lòng trung thành của Người thực thi ý muốn của  Thiên Chúa “xin đừng theo ý Con một vâng theo ý Cha”.  Đó là dấu chỉ của tình yêu vô điều kiện và không biên giới. 

Vinh quang ngày Chúa nhật phục sinh và khổ nạn ngày thứ Sáu Thánh không phải là hai sự kiện đặt song hành bên nhau nhưng là hai mặt không tách rời của mầu nhiệm Vượt Qua, cả hai việc nầy có khả năng chinh phục kẻ cứng lòng tin như Tôma. Một khi đã liên kết ý nghĩa của hai sự kiện lại với nhau, ông Tôma nhận ra Đức Giêsu bị đánh bầm dập ngày thứ Sáu Thánh chính là Chúa Kitô phục sinh của ngày sống lại, ông đã sụp lạy và tuyên xưng: “Lạy chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. 

Ý nghĩa câu tuyên xưng : “Lạy chúa của con”: tức lạy ông chủ của con (dominus meus).  “Lạy Thiên Chúa của con” tức lạy Đức Chúa Trời của con (Deus meus).
Nghĩa là từ lâu Tôma gọi Đức Giêsu là ông chủ  (Dominus), nhưng nay ông chủ đó lại là Thiên Chúa (Deus).  Lời tuyên xưng của Tôma: Lạy ông chủ của tôi xưa kia, nay là Thiên Chúa của tôi.  Ông tuyên tín Đức Giêsu lịch sử và Đức Giêsu Kitô phục sinh là một đấng duy nhất, tức là ông xác tín Đức Giêsu đã chết nay sống lại thật rồi.  Trong tiếng Việt khi nói đến chúa Trịnh, chúa Nguyễn, thì không ai coi các vị đó là thần thánh gì cả, mà coi họ chỉ là lãnh chúa một vùng miền nào đó.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, việc Chúa sống lại không làm cho con chạy thoát cảnh đời đang sống, nhưng dạy con đường vào vinh quang phải ngang qua cửa hẹp như Chúa đã đi. Lạy Chúa con tin, xin Chúa hãy thêm đức tin cho con. Amen.  Allêluia.

 

WGPKT(22/04/2022) KONTUM