Chúa Nhật IV Phục Sinh – Chúa Chiên Lành – Năm C (CN.08.05.2022)

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

Cầu Cho Ơn Thiên Triệu Linh Mục Và Tu Sĩ

BÀI ĐỌC I: Cv 13, 14. 43-52

“Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Có nhiều người Do-thái và tòng giáo theo các ngài, được các ngài khuyên bảo bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa. Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất”. Nghe vậy các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng. Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo và các thân hào trong thành bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: Kh 7, 9. 14b-17

“Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống”.

Bài trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên; họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế. Và một bô lão đã nói với tôi: “Ðây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ.

Ðó là lời Chúa.

Lời Chúa: Ga 10, 27-30

“Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.

Ðó là lời Chúa.

—————

Suy Niệm 1:                              Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn

SỐNG ĐỜI TẬN HIẾN LÀ ĐI SÂU VÀO TÌNH YÊU CHÚA

Hôm nay là ngày Giáo Hội kêu gọi cầu nguyện cho có nhiều người trẻ dám dấn thân bước theo đời sống ơn gọi tận hiến, dấn thân làm linh mục, tu sĩ theo tiếng Chúa gọi. Lời kêu gọi này càng khẩn thiết hơn vì tâm tình của Chúa thổ lộ với chúng ta hôm nay, đặc biệt với người trẻ và cha mẹ của họ: “Ta ban cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất” (Ga 10,28). Chúa nói trong bối cảnh Giáo Hội và xã hội, xét theo lẽ tự nhiên, không mấy thuận tiện cho những người dấn thân sống đời tận hiến.

1. Thách thức cho người trẻ dấn thân

Thử hỏi, trong bối cảnh hôm nay làm sao có người đi tu? Những tai tiếng xấu về các linh mục, giám mục phổ biến, làm sao hấp dẫn người trẻ đi tu được? Vai trò của linh mục bị xem thường, nếu không muốn nói bị khinh bỉ ngay trong một số tín hữu, làm sao hấp dẫn người trẻ đi tu được? phong trào chống giáo hội và bài giáo sĩ đang lan rộng. Thậm chí người ta  khủng bố tinh thần lẫn thể chất linh mục, tu sĩ, làm sao hấp dẫn người trẻ đi tu được? Nhiều cha mẹ xem quyết định đi tu của con cái là quyết định thảm họa, nhất là khi nó có tương lai sáng sủa về kinh tế, như vậy làm sao con cái đi tu được? Trong một bài khảo cứu gần đây, Đức Bênêdictô còn nhận định, người trẻ ngày nay bị đánh lừa từ ban đầu với chương trình thoạt nghe rất trách nhiệm, “giáo dục giới tính,” đoạn tiến tới chiếu những phim và hình ảnh khiêu dâm mà xem đó là thông thường, cuối cùng đưa người trẻ vào cạm bẫy của khoái lạc, tình dục và nghĩ rằng cuộc đời này không gì khác là thụ hưởng khoái lạc, Đức Bênêdictô còn đi xa hơn khi nói, có những thứ trang phục quần áo cổ động cho phong trào khiêu dâm, nên các trường học phải áp dụng đồng phục đứng đắn cho học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường học tập. Đó là chưa nói đến não trạng sống sao cũng được, sống sao cũng tốt. Đức thánh cha đau đớn tự hỏi làm thế nào người trẻ trong các hoàn cảnh đó có thể chấp nhận đi tu, tiếp cận chức linh mục và chấp nhận những đòi buộc của đời linh mục xem ra khác lạ với trào lưu hưởng thụ, khoái lạc và tục hóa?

Tuy nhiên, một hiện tượng xẩy ra, vẫn có nhiều người trẻ tại Việt Nam hăng hái đi tu, nhiệt thành dấn thân vào đời sống thánh hiến và linh mục. Ngoại trừ một vài giáo phận, hầu hết các giáo phận vẫn có nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ. Một câu hỏi được nêu lên: Tại sao trong bối cảnh người ta khinh bỉ người đi tu và giữa các trào lưu tục hóa mà nhiều người vẫn đi tu đông như thế? Chẳng lẽ họ không biết những thách thức đó sao? Thưa, những người trẻ đó biết, biết rõ, nhưng họ vẫn tiến bước. Vì sao?

2. Quyết định đi sâu vào tình yêu Chúa là động lực mạo hiểm đời thánh hiến

Dựa vào sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày cầu nguyện cho ơn gọi năm 2019, chúng ta có thể trả lời:

Vì họ không giả điếc trước tiếng Chúa gọi. Thiên Chúa chọn gọi một số người đi tu, nghĩa là mời gọi đi sâu vào tình yêu của Chúa để tiếp tục ban cho mọi người được sự sống đời đời và không ai phải hư mất. Chúa đã chọn gọi Phaolô và Barnaba làm ánh sáng muôn dân và đem ơn cứu độ đến tận cùng thế giới, thì hôm nay, nhiều người trẻ cũng đã nghe đọc lời của Chúa đó là lời Ngài đang nói với họ, kêu gọi họ đi sâu vào tình yêu Chúa. Nếu tội lỗi là khước từ đi vào tình yêu của Chúa, thì đi sâu vào tình yêu của Chúa là cách thế muốn sống thân thiết với Chúa. Nhiều người trẻ hiểu rõ Chúa thương gọi họ, không phải Chúa xen mình can ngăn sự tự do của họ, nhưng Ngài đến và cho họ sáng kiến yêu thương của Ngài, cho họ một dự phóng lớn, nhìn thấy một chân trời nơi mẻ cá lạ lùng đang chờ đợi. Người trẻ hiểu rằng Chúa Giêsu không muốn họ cứ ôm khư khư chiếc lưới đứng trên bờ, nhưng tham gia vào giấc mơ lớn của Chúa, xuống thuyền ra khơi thả lưới. Tóm lại, bước đi quyết định của họ vào đời tu là khởi đầu cho một cuộc sống không giả điếc trước tiếng Chúa gọi.

Vì họ dám mạo hiểm đi tu. Tiếng gọi người trẻ đi tu là tiếng gọi từ người bạn Giêsu. Những người trẻ đi tu có nhiều bạn. Nhưng Chúa Thần Thần đưa họ vào tình thân đến nỗi họ được thôi thúc có một chọn lựa chung kết và táo bạo đó là chọn người bạn Giêsu. Trong Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống, Đức Phanxicô chia sẻ với người trẻ, khi chúng ta trao tặng món quà cho bạn mình, chúng ta trao cho họ cái tốt nhất mình có, món quà làm cho bạn mình vui thích. Cứ hình dung nụ cười trên khuôn mặt của bạn mình khi mở món quà ta tặng. Cũng thế, Chúa Giêsu cũng rất vui mừng khi nhiều người trẻ nghe tiếng gọi của Ngài và trao cho Ngài món quà mà Ngài thích là cuộc đời của người trẻ phục vụ cho sứ mạng: để mọi người được sống dồi dào và không ai bị hư mất. Nhiều người trẻ mạo hiểm đi theo Chúa vì xác tín Đức kitô phục sinh đang sống hôm nay trong ngày sống của họ đang mời gọi họ bước sát theo Ngài.

Vì vậy, người trẻ hôm nay cần lắng nghe tiếng Chúa nói trong cõi riêng của mình, đừng giả điếc như thể không nghe tiếng Chúa, đừng rút mái chèo lên để mặc thuyền đời trôi vô định, đừng cứ khư khư ôm lấy chiếc lưới tương lai sợ hãi đứng trên bờ khiến bao chương trình của Thiên Chúa nơi chúng ta và tương lai chúng ta bị tê liệt, khiến bao người chưa biết Chúa vẫn cứ ngóng trông; trái lại, cần mạo hiểm bước sát theo Chúa và để cho lời của Chúa “hãy theo ta” luôn hấp dẫn tâm hồn người trẻ. Để được như thế, mọi gia đình, mọi thành phần cần cầu nguyện cho giới trẻ và nâng đỡ họ ngay từ bây giờ chấp nhận trưởng thành trong việc “vác thánh giá đi theo Chúa”.

Xin Chúa cho mọi người trẻ, nhất là những người trẻ trong các giáo phận ít ơn gọi được thức tỉnh nghe tiếng Chúa gọi trong lòng họ, không phải như chú chim hoảng sợ vỗ cánh vụt đi, nhưng như đứa bé tỉnh thức thấy gương mặt của Cha nhân lành và nở nụ cười hạnh phúc ( phỏng theo Soren Kierkegaard).

————–

Suy Niệm 2:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

CHÚA CHIÊN LÀNH

Cầu cho ơn Thiên Triệu Linh Mục và Tu Sĩ.

 

1. “ Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít . . . “

( Mt 9, 37)

Số người tình nguyện đi tu nam cũng như nữ đã giảm sút, nhất là ở các nước bên trời Tây. Lòng người nguội lạnh; gia đình rất ít con ; sự lôi kéo hưởng thụ . . .Rất ít người muốn đi tu, cho nên bây giờ hàng năm có một ngày cầu nguyện cho ơn gọi tận hiến vì Nước Trời vào CN thứ 4 Mùa Phục Sinh. Chúa Giêsu đã kêu gọi như vậy cách đây đã 2.000 năm rồi : Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.

2. Một cái nhìn về Giáo Hội toàn cầu :

Thế giới đã có 7 tỷ 8 người. Công giáo được 1 tỷ 350 triệu. Tôn giáo đông nhất thế giới. Có 5.300 giám mục. Có 420 ngàn linh mục. Có 47 ngàn phó tế vĩnh viễn. Có 650 ngàn nữ tu. Có 50 ngàn nam tu. Công việc họ làm là không kể hết được : Trường học, nhà thương, phục vụ người nghèo khổ. . . Nhiều nơi bị cấm đoán vì sợ “bành trướng tôn giáo”, cái tôn giáo mà Chúa Giêsu mời gọi mọi người chúng ta loan báo ! Giáo Hội Công Giáo trong 2.000 năm qua không biết bao nhiêu người đã bị giết chết hay bị tù đày khổ ải vì công cuộc “loan báo” cái đạo này.

3. Một cái nhìn về Giáo Hội tại Việt Nam :

Dân số Việt Nam bây giờ là 100 triệu người. Có 7 triệu người Công giáo, theo bảng điều tra dân số của Nhà Nước 2019, thì đó là tôn giáo lớn nhất. Có 47 Giám Mục. Có 6.000 linh mục. Có 31 ngàn tu sĩ của gần 200 dòng tu. Có khoảng 10 ngàn nhà thờ trong cả nước. Trước năm 1975, Giáo Hội Công Giáo Miền Nam đã mở các trường tư thục, kể cả đại học, là rất nhiều, đã đào tạo được nhiều nhân tài về đạo đức, về kiến thức cho đất nước. Có các bệnh viện lớn nhỏ khắp nơi. . . Các trại cùi cho bệnh nhân phong từ Dak Kia Kontum ,Qui Hoà Qui Nhơn , Núi Sạn Nha Trang, Di Linh Lâm Đồng, Bến Sắn Bình Dương. . . là do Giáo Hội Công Giáo thành lập. Điều mà Chúa truyền cho các môn đệ là đi khắp thế giới loan báo Tin Mừng Tình Thương và đem Bình An cho mọi người.

Hiện nay cũng có Giám Mục người Việt ở Mỹ, ở Canada, ở Úc. Nghe nói có hàng ngàn linh mục, tu sĩ; có hàng triệu giáo dân người Việt trên khắp thế giới và nhiều nhất là ở Mỹ.

4. Một chút nhận xét về kẻ tu hành.

Đa số các tôn giáo đều có kẻ tu hành hoặc chức sắc. Thường thì có sắc phục riêng để mọi người biết kẻ tu hành đó thuộc tôn giáo nào. Người Á Đông rất có tâm tình với kẻ tu hành thuộc bất cứ tôn giáo nào. Mình là linh mục Công Giáo, khi qua bên Lào, Thái Lan hay Đài Loan, mình cảm nhận điều này khi đi thăm các chùa hoặc nhà thờ ở những nơi đó . Bên Âu Châu lại thấy có phong trào chống giáo sĩ ( anti-clerical), giáo sĩ đây mình nghĩ là giáo sĩ Công Giáo. Cũng có khi như vậy mà ít kẻ muốn làm “giáo sĩ “ ? ! Lỗi tại giáo sĩ không sống như lòng Chúa mong ước chăng ?!

5. Ngày cầu cho ơn Thiên Triệu:

Không những phải cầu nguyện cho có người đi tu mà còn phải cầu nguyện cho những người tu hành sống như lòng Chúa mong ước.

Có một lần tĩnh tâm, vị giám mục giảng phòng nêu 7 điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxico mong ước nơi con người linh mục. Chắc bởi vì có 7 bài giảng cho nên chỉ được nghe 7 điều !?

* Điều thứ nhứt : Linh mục phải đồng hình, đồng dạng với Chúa Giêsu. Thấy linh mục là thấy Chúa Giêsu. Nghe linh mục nói là nghe Chúa Giêsu nói. . . Linh mục là một Giêsu khác, là bản sao của Chúa Giêsu. Mình nghe câu này lâu rồi : Sacerdos, alter Christus !

* Điều thứ hai : Linh mục phải sống hiền lành và khiêm nhường. Chúa Giêsu làm đủ thứ điều hay, mà không bảo các môn đệ học để trổ tài. Hiền lành và khiêm nhường đâu làm cho mình nổi danh được ? Mà Chúa Giêsu lại bảo hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường tự đáy lòng : Quia sum mitis et humilis “corde“! Nghe bài này mình suy nghĩ nhiều vì mình chưa thuộc bài !

* Điều thứ ba : Linh mục phải mang vào mình mùi chiên. Ý nói là phải gần gũi đàn chiên, phải vác con chiên lạc trên vai mình. Linh mục không phải ông “quan” để ăn trên ngồi trước và không chịu “trò chuyện” để cảm thông nỗi niềm của giáo dân .

* Điều thứ tư : Linh mục luôn phải biểu lộ trên gương mặt một niềm vui, bởi vì linh mục rao giảng Tin Mừng chứ không phải rao giảng tin buồn. Không ai muốn gặp một con người lúc nào gương mặt cũng nhăn nhó ? Mình có học bài học về 4 chìa khoá để thành công trong cuộc đời : Thứ nhứt là CƯỜI, thứ hai là CHÀO, thứ ba là CẢM ƠN, thứ bốn là XIN LỖI ! Không lẽ linh mục không muốn thành công trong việc cứu các linh hồn ?

* Điều thứ năm : Linh mục phải biết “cần” người cộng tác. Chính Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ làm việc với mình. Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ mình. Linh mục phải yêu thương và tôn trọng các đoàn thể trong giáo xứ. Tất cả mọi thành phần là người của Chúa và cho công việc của Chúa. Vì Chúa mà họ dấn thân. Cha phó không phải là cho cha sở mà chính là cho giáo dân được nhờ : Chỉ ban Bí Tích mà thôi thì chưa phải là mục tử chính hiệu, phải quan tâm đến người nghèo khổ, người già cả neo đơn thiếu thốn, trẻ em nhà nghèo không đủ điều kiện học hành . . . Các xứ đạo đông giáo dân linh mục chính xứ nên lo liệu cho có thêm linh mục để phục vụ. Có nơi làm không hết việc mà tỏ ra không cần cha phó !

* Điều thứ sáu : Linh mục phải biết chạnh lòng thương. Hôm đó giám mục giảng phòng đề cập đến Dụ Ngôn người Samari nhân hậu. Thầy tư tế, thầy Lêvi, toàn là bậc thầy trong Đền Thờ mà nghe tiếng người hoạn nạn kêu cứu đều bỏ đi tuốc luốc hết. Sao vậy ? Thưa vì không chạnh lòng thương. Người Samari “ngoại đạo “ lại biết “chạnh lòng “ ! Thật đắng lòng. Đây là Dụ Ngôn của chính Chúa Giêsu.

Người mục tử chính hiệu phải biết chạnh lòng thương. Khi Ta đói các ngươi cho ăn hay không cho ăn thì sẽ như thế nào thì chắc chắn các thầy tư tế bây giờ đều biết cả mà !

* Điều thứ bảy : Linh mục phải “lên đường”

Đức Thánh Cha Phanxico muốn các linh xông pha lên đường. Ngài thích các linh mục trầy xước vì chiến đấu hơn là các linh mục xanh xao an toàn trong tháp ngà. Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi chớ không phải ở nhà cho yên. Thầy sai chúng con đi như những con chiên giữa sói rừng . . .

6. Xin thưa cùng mọi người :

Bảy điều Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước nơi con người linh mục, không có điều nào “cấm kỵ” cho người giáo dân cả. Người Kito hữu mà “trang bị” cho mình bảy thứ “vũ khí” tối tân này thì Chúa và các Thiên Thần cùng các Thánh trên trời đều sẽ vỗ tay vui mừng.

Lạy Chúa ! Ngày cầu nguyện ơn Thiên Triệu linh mục và tu sĩ, xin Chúa ban thêm thợ gặt cho cánh đồng bao la bát ngát mà lúa đã chín. Xin Chúa cũng ban cho các thợ gặt đang lao nhọc gặt hái trên cánh đồng này được lòng hăng say quên mình để cho mọi người được ơn Cứu Độ như lòng Chúa mong ước. AMEN

————–

Suy Niệm 3:                       Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

CHÚA CHIÊN NHÂN LÀNH

Người mục tử vác chiên trên vai là hình ảnh đẹp dịu dàng và thân thiện xuyên suốt lịch sử Cựu ước, trở thành chủ đề lớn trong mầu nhiệm cứu độ, qua hình ảnh người chăn chiên, Đức Giêsu bộc lộ bản chất của Cha và đồng thời là của chính Người.  Chính Thiên Chúa là vị mục tử, Đấng gầy dựng nên đàn chiên, tức Dân của Thiên Chúa và chăn dắt dưỡng nuôi họ.  Chính Người đã hướng dẫn và giải thoát họ khỏi đất Ai cập, săn sóc họ trong hành trình sa mạc 40 năm.  Trải qua các thể chế xã hội như chế độ Tổ phụ, Tiên tri, Quan án và Vua, Thiên Chúa đã huấn luyện, đào tạo Dân tuyển chọn.  Chính Thiên Chúa có sáng kiến thần linh nầy, Người đi bước trước trong công trình đào tạo, huấn luyện và cứu chuộc dân Thiên Chúa.

Hình ảnh người mục tử được dùng để mô tả ‘Người được thiên chúa sai đến’, tức Đấng Cứu Tinh, Đấng Mêsia, điển hình bài thánh vịnh quen thuộc với chúng ta: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.  Trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ …”.  Thiên Chúa đã chọn các Tổ phụ Ápraham, Ixaác, Giacóp, Môsê, và một số các tiên tri, tất cả họ đều xuất thân từ đồng cỏ đi theo đàn súc vật.  Những mục đồng là những người đầu tiên đón nhận tin vui cứu độ.  Mục từ, đàn chiên và đồng cỏ như ám hương vào con người của Đức Giêsu.  Người Mục Tử có mùi chiên như lời Giáo hoàng Phanxicô diễn tả.

Để giới thiệu mình cho mọi thời đại, Đức Giêsu tìm đến Kinh thánh, Người tiếp tục nói với các thế hệ: Ta là người Chăn chiên tốt lành.  Người minh hoạ căn cước của chính mình bằng dụ ngôn Con Chiên Lạc, để nói lên sự quan tâm hàng đầu của Thiên Chúa săn sóc dân, cứu chuộc dân bằng tình yêu không biên giới và vô điều kiện.  Sự từ chối đón nhận Tin Mừng của Dân Do thái là cơ hội mở cửa hướng về lương dân, mà sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay nói đến, một thời điểm quan trọng trong lịch sử rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc. 

Giáo hội sơ khai từ buổi đầu đã quan tâm đến dân ngoại, “Thánh Phaolô và thánh Banaba mạnh dạn lên tiếng:… vì anh em đã khước từ Lời Chúa …  Thì đây Chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Bài đọc 1. Cv 13, 46).  Kết quả cho thấy, Thánh Gioan viết thị kiến về dân ngoại: “Tôi là Gioan, tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữHọ đứng trước Con Chiên, tay cầm lá thiên tuế” (Bài đọc 2. Kh 7, 9).  Dĩ nhiên đây không phải là sự chế tài hay ép buộc, dồn con người vào thế bí phải thờ lạy Thiên Chúa, nhưng là sự tự do lựa chọn đi theo Chúa : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27).  Bước theo Chúa Kitô (Sequela Christi) là chủ đề thần học quen thuộc khi suy niệm về đức tin, bước theo là đi theo trong đối thoại, trong lắng nghe và trong thi hành ý Thiên Chúa.

Đức tin khởi đầu bằng tai nghe, lời rao giảng Tin Mừng thấu đến tai, vang vọng đến con tim rồi được tâm trí ưng thuận và chấp nhận .  Chấp nhận đức tin chỉ có thể khởi sự bằng kinh nghiệm sống, như thánh Âu-tinh nói: “Con sẽ không tìm kiếm Ngài nếu con đã không gặp Ngài”.  Thật vậy, không ai đi tìm cái mà mình đã không biết trước đó, từ nơi thẳm sâu tâm hồn, con người đã có ý tưởng mung lung về Thiên Chúa và con người khởi công đi tìm chân lý đó, cho nên có triết gia đã định nghĩa con người là con vật có tôn giáo. 

Thật vậy, một cách nào đó cho chúng ta hiểu rằng đức tin đi tìm lý trí.  Nghĩa là con người đã sẵn mầm móng đức tin, sau đó con người đi tìm lý giải cho đức tin của mình nhờ lý trí soi sáng đức tin,  như thế đức tin đi tìm lý trí, chuyện nầy thường xảy ra nơi người tín hữu, họ được ban đức tin ngày chịu phép Rửa tội, sau đó khi lớn lên họ mới tìm hiểu về đức tin;  nhưng cũng có khi lý trí đi tìm đức tin, trường hợp này thường xảy ra nơi người trí thức, hay nơi nhà bác học, họ dùng đầu óc suy luận để khám phá ra Thượng đế, lý trí đi trước đức tin.

Hôm nay ngày cầu nguyện cho Ơn gọi thiên triệu.  Đa dạng ơn gọi trong Giáo Hội đều là những cách thức khác nhau đáp lại tiếng mời gọi của vị Mục Tử Nhân Lành.  Và chính Thánh Thần nơi anh em lương dân, tác động và làm cho họ nhận ra tiếng Chúa mời gọi họ qua lời rao giảng của người tông đồ.  Chỉ Thánh Thần mới nhận ra tiếng nói của Thánh Thần, như chiếc máy thu thanh có khả năng bắt được làn sóng của đài phát thánh.  Trong việc truyền giáo, người thừa sai là dụng cụ trong tay Thiên Chúa, nhà truyền giáo là cơ duyên khơi dậy sự gặp gỡ giữa cá nhân và Thiên Chúa. 

Một nhà giảng thuyết nọ hài lòng với bài thuyết giáo của mình, hỏi người phụ nữ tới xin cha cho xưng tội.  Vị giảng thuyết rất vui tưởng lời giảng của mình có hiệu quả.  Ngài hỏi bà, lời nào đánh động bà mà bà trở lại?  Bà ngỡ ngàng trả lời, bài giảng của cha con chẳng nghe gì cả vì trời nắng gắt, cái loa lại rè rè, cha bị cảm, nên khi cha hắt xì hơi, con nghe tiếng thét như âm thanh của quỷ sứ từ địa ngục phát ra, con lo sợ quá nên con trở lại.

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, xin cho con biết yêu mến và lắng nghe lời  Chúa qua tiếng nói của Giáo Hội, xin cho các mục tử của Chúa ngày càng giống Chúa hơn trong yêu thương và phục vụ. Amen. Allêluia!

WGPKT(06/05/2022) KONTUM