Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm C (CN.13.02.2022)

BÀI ĐỌC I: Gr 17, 5-8

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Đây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15, 12. 16-20

“Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu Đức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Đức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Đức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ.

Nhưng không, Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.

Đó là lời Chúa.

Lời Chúa:  Lc 6, 17. 20-26

“Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.

Đó là lời Chúa.

——————–

Suy Niệm 1:                         Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

Rất Ngược Đời Mà Lợi Rất Lớn!

1. Những điều mà người đời thời nào cũng chạy trốn vì sợ gặp phải, thì Chúa Giêsu lại bảo là PHÚC !

Những điều mà người đời ai cũng muốn, ai cũng tìm có cho bằng được thì Chúa Giêsu lại bảo là KHỐN !

2. Ngẫm suy Lời Chúa hôm nay nhé :

“ Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,

Phúc cho anh em . . . là kẻ phải đói,

Phúc cho anh em bây giờ phải khóc,

Phúc cho anh em khi bị người ta ghét vì

danh Thầy. . . “

Tại sao như vậy mà lại bảo là phúc ? Thưa vì Chúa luôn bù lỗ cho ta và còn bảo đảm cho ta được gấp bội nữa cơ. Ngày xưa Phê-rô thấy Chúa không có của cải gì, bèn hỏi Thầy Giêsu rằng chúng tôi bỏ hết mọi sự mà theo Thầy thì chúng tôi được gì chứ ? Chúa Giêsu trả lời ngay : Được gấp trăm ở đời này và trên hết mọi thứ là được sự sống đời đời. Chúa Giêsu đã giữ lời hứa với Phêro. Chuyện này ai cũng biết rõ mà.

3. Suy gẫm tiếp Lời Chúa hôm nay :

“ Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có. . . vì đã

được an ủi rồi !

Khốn cho các ngươi đang được no nê, vì

các ngươi sẽ phải đói.

Khốn cho các ngươi đang được vui cười, vì

các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

Khốn cho các ngươi đang được người ta

ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng từng

được cha ông họ đối xử như thế “

Trong dụ ngôn anh Lazaro nghèo khổ và ông phú hộ thì chúng ta gặp thấy chữ “khốn” này. (Lc16,19-31). Cái đáng suy nghĩ là người phú hộ không đánh đập, xua đuổi hay chửi mắng người nghèo ngồi trước nhà mình, chỉ có điều là không giúp đỡ người nghèo trong khi ngày nào cũng mở yến tiệc linh đình trong nhà ! Sau khi chết thì anh nghèo đói Lazaro lại được phúc còn người phú hộ lại phải khốn !

4. Theo Phúc Âm Thánh Mattheu chương 25 thì ngày phán xét cuối cùng cái chuyện giúp đỡ người nghèo lại là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc thiên đàng: “ Vì xưa Ta đói các ngươi cho ăn , Ta khát các ngươi cho uống . . .”

Mình không biết là ai dạy, người Thượng có lời cầu nguyện trước khi dùng bữa ăn như thế này : Lạy Chúa, chúng con cảm ơn Chúa vì đã cho chúng con của ăn, nhưng xin Chúa cũng cho của ăn cho người đang phải đói khát. Amen.

5. “Cho thì có phúc hơn là nhận”.(Cv 20,35)

Chúa Giêsu dạy như vậy. Cho thì mình trở nên “nghèo” hơn, nhận thì mình trở nên “giàu” hơn chứ ? Nghèo mà lại phúc hơn giàu sao ? Ngược đời là như vậy !

Cái PHÚC ở đây là vì được Chúa ban lại rất lớn: gấp trăm, gấp ngàn và được hạnh phúc Thiên Đàng.

Lạy Chúa, xin cho con biết cho đi để con được nhận lãnh từ lòng quảng đại đầy yêu thương của Chúa. Amen

——————-

Suy Niệm 2:                         Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

Lối Sống Có Phúc

Lời Chúa trong hai Chúa nhật VI và VII trình bày những giáo huấn cốt lõi nhất trong sứ điệp Tin Mừng theo thánh Luca. Đó là giáo huấn của Chúa Giêsu về những người thực sự có lòng tin. Người có lòng tin thì sống theo bốn mối phúc (Chúa nhật VI) và thực hành bác ái mà đỉnh cao là biết yêu thương kẻ thù (Chúa nhật VII). Đây chính là bài giảng khai mạc sứ vụ của Chúa Giêsu, được trình bày trước một cử toạ đông đảo đến từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn. Họ là những người sống triền miên trong cảnh nghèo đói, bệnh tật và bị các thần ô uế quấy nhiễu. Họ tìm gặp Chúa Giêsu, mong được Người chữa lành mọi bệnh tật, xua trừ ma quỷ và đem lại bình an cho tâm hồn.

Chính trong bối cảnh này, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành các bệnh nhân, xua ma đuổi quỷ, mà còn biết họ đang mong được Người giúp họ khám phá bản thân và ý nghĩa cuộc sống nên Chúa đã chia sẻ những điều cốt yếu nhất để họ biết cách sống hạnh phúc. Chúa khẳng định sống nghèo khổ, đói khát, phải khóc lóc và bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả…là cuộc sống có phúc. Bởi vì nếm trải những bất hạnh tột cùng này là đang nắm trong tay Nước Trời, có Thiên Chúa ở cùng và được lành phần thưởng lớn lao trên trời. Còn đáng buồn là cuộc sống giàu có, no nê, tươi cười hớn hở và được ca tụng. Bởi vì tất cả những thành đạt này không đưa vào Nước Trời. (Khổng thành Ngọc)

Trước một cử toạ nghèo khổ, bị bệnh tật giày vò và những bất hạnh không ngừng theo đuổi, Chúa Giêsu lên tiếng nói về hạnh phúc. Bốn mối phúc: khó nghèo, đói khát, khóc lóc, chịu bách hại nêu bật rằng hạnh phúc của người theo Chúa khi chấp nhận điều kiện khó nghèo với đức tin, hy vọng và yêu mến, thì trở thành công dân của vương quốc Thiên Chúa. Khó nghèo, đói khát và nước mắt, chịu ngược đãi, là những tình trạng ưu tiên để vào Nước Trời. Hạnh phúc thay ai chấp nhận những sự dữ ấy vì Đức Kitô và với Đức Kitô.

1. Phúc và hoạ

Rõ ràng bài giảng về các mối phúc của Chúa Giêsu có vẻ đi ngược lại với suy nghĩ của nhân loại. Những gì người ta cho là hạnh phúc như “giàu có, no nê, đầy đủ, vui cười, được ca tụng…” đến ngày mọi giá trị đều bị đảo ngược, sẽ phải “đói khát, khóc lóc, bị thù ghét…”. Những người mà Chúa Giêsu kể là có phúc thì thế gian cho là vô phúc. Những người Chúa Giêsu coi là vô phúc thì thế gian lại cho là có phúc. Có nhiều thứ người đời cho là hạnh phúc, nhưng thực chất là nguồn đau khổ, và ngược lại, hạnh phúc vẫn có thể có nơi những người ở trong tình cảnh mà người đời cho là bất hạnh. Bởi vì, các mối phúc Chúa Giêsu công bố không lệ thuộc một cách tất yếu vào hoàn cảnh sống hiện tại, nhưng được đặt trong viễn tượng Nước Trời.

Trong khi thánh Matthêu ghi lại 8 lời chúc phúc của Chúa Giêsu, thì thánh Luca chỉ ghi lại có 4 lời  “Phúc cho” và còn kèm theo 4 lời quở trách “Khốn cho”. Chẳng ai biết được phúc thật hay hoạ thật, nhưng người ta tin rằng trong phúc có hoạ và trong hoạ có phúc. Chỉ một điều chắc chắn trong Chúa mới có phúc thật.

Thánh Luca trình bày bốn mối phúc và bốn mối hoạ, đối chiếu nhau gần như hoàn toàn: nghèo khó đối lại với giàu có, đói khát đối lại với no đầy, khóc lóc đối lại với vui cười, bị ghét bỏ đối lại với được ca tụng.

Ba mối phúc đầu và ba mối hoạ đầu đi với nhau: nghèo, đói và khóc đối lại với giàu, no và cười. Đói và khóc là hậu quả của nghèo. No và cười là biểu hiệu của giàu. Hai hình ảnh nổi bật lên trong một thế tương phản: người nghèo, đói, khócngười giàu, no, cười.

Còn mối phúc thứ tư là những người bị ghét bỏ, bị loại trừ và bách hại vì Chúa, là những môn đệ của Chúa, họ chung số phận với các ngôn sứ. Mối hoạ thứ tư là những người được thế gian trọng vọng, là giới Kinh sư, Pharisiêu.

Đối tượng của phúc là người nghèo và người bị ghét bỏ vì Chúa. Đối tượng của hoạ là người giàu và người được thế gian ca tụng.

Giàu và nghèo, phúc và hoạ ở đâu? Không nên hiểu rằng giàu có ở đời này là không được hạnh phúc ở đời sau; nghèo khó ở đời này tất nhiên được hạnh phúc đời sau. Giàu có là phúc nếu đó là thành quả do con người cố gắng chuyên cần lao động cách chân chính. Nghèo khó tự nó chẳng bao giờ là phúc. Phúc của người nghèo chính là tinh thần của họ, một tấm lòng phó thác, không phàn nàn, không kêu trách, không bất mãn.

Cái hoạ của người giàu là khi họ tự mãn, tự kiêu, tự đắc về tài sức của mình mà quên mất Thiên Chúa. Cái hoạ cho người giàu là họ ích kỷ, keo kiệt, không biết dùng của cải chia sẻ cho người nghèo hay không biết dùng sự giàu có của mình mà mua sắm của cải Nước Trời. Cái hoạ của người nghèo là ghen tương, đố kỵ, tham lam.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Họa vô đơn chí,phước bất trùng lai”. Câu này có nghĩa “họa” đến với con người nhiều hơn “phúc”, vì họa không đi một mình, mà kéo theo dây chuyền. Khi “họa“ đến thì có dây chuyền, nhưng khi “phước” đã qua thì không trở lại.

Phúc hay hoạ cho người giàu cũng như người nghèo, không phải là chính sự giàu có hay nghèo khổ của họ, nhưng là tinh thần của họ biết đánh giá đúng và hành động đúng với cái giàu hay cái nghèo của mình.

Có bốn mối phúc thì cũng có bốn mối họa. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu “Họa phúc khôn lường”, không ai có thể biết trước họa hay phúc của mình. Nếu mình sống có đức, mặc nhiên sẽ có phúc, nếu ngược lại chắc chắn sẽ mang họa. Lời Chúa phân định rõ ràng phúc họa không phải là mơ hồ mà là một sự trả lẽ rạch ròi không thể lẫn lộn, một sự công bằng không thiên vị.

Ngay sau bốn mối phúc và bốn mối hoạ, Chúa Giêsu dạy: “Yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27) và hãy có: “lòng nhân từ như Cha là Đấng nhân từ”  (Lc 6,36). Với những điều dạy đó khi thực hiện trong đời, mối hoạ luôn sẽ được chuyển hoá thành phúc, và mối phúc này được ngay ở đời này và đời sau. Đời này được nối tiếp bằng đời sau, và chỉ có một con đường duy nhất cho mỗi người.Cả người giàu và người nghèo cùng đi, ai biết dùng cái giàu cái nghèo của mình để đạt được Nước Trời thì đó là hạnh phúc.

2. Phúc cho ai tin cậy vào Chúa

Trong bài đọc 1, tiên tri Giêrêmia xác tín: phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa. Con đường hạnh phúc thật là “biết đặt mọi niềm tin tưởng nơi Chúa, lấy Chúa làm tất cả, lấy Chúa làm nơi tựa nương tuyệt đối. Họ giống như cây được trồng bên bờ suối, đâm rễ sâu vào đất ẩm ướt; không sợ gì, khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi; không sợ gì, khi nắng hạn, vẫn sinh hoa kết trái”.

Trải dài trong Tân ước, các lời giảng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Người công bố hạnh phúc cho nhiều người. “Phúc cho ai không thấy mà tin”; “Phúc cho bà là người đã tin”; “Phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28), những kẻ tin tuy không thấy (Ga 20,29), những kẻ không vấp ngã vì Đức Giêsu (Lc 7,23; Mt 11,6). Phúc cho những cặp mắt đã nhìn thấy Đức Kitô (Mt 13,16); Phúc cho thân mẫu của Đấng Mêsia vì đã sinh hạ Đấng Cứu độ thế gian (Lc 1,48; 11,27), và đã tin vào những lời Thiên Chúa hứa (Lc 1,45); Phúc cho ông Simon Phêrô, bởi vì ông được Chúa Cha mặc khải cho biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mt 16,17); Phúc cho những kẻ tỉnh thức trông chờ Chúa đến (Lc 12,37-38; Kh 16,15); Phúc cho những tôi tớ trung thành và khôn ngoan (Mt 24,46; Lc 12,43); Phúc cho những kẻ thực hành việc thương xót tha nhân (Lc 14,14), khiêm tốn phục vụ anh em (Ga 13,17); Phúc cho ai kiên nhẫn chịu đựng những thử thách và chiến đấu cho đức tin (Gc 1,12.25; 5,11; 1 Pr 3,14; 4,14)…

3. Hạnh phúc theo lời dạy của Chúa Giêsu

Hạnh phúc Chúa Giêsu nói đến dựa trên kinh nghiệm cứu độ. Người đời xem nghèo khó, khóc lóc, bị bách hại là bất hạnh, còn Chúa Giêsu dạy đó là hạnh phúc. Thế gian coi mệt nhọc, hiền hoà, công chính là vất vả, còn Chúa Giêsu lại gọi đích danh đó cũng là hạnh phúc. Chúa Giêsu công bố bằng lời và còn bằng chính đời sống của Người. Nếu mối phúc thứ nhất là nghèo khó thì Chúa đã khởi đầu đời sống bằng mối phúc ấy đến nỗi khi mệt mỏi “không có chỗ tựa đầu”. Và mối phúc thứ tư bị ghét bỏ bị sỉ nhục thì chính Chúa đã bị ghen ghét bị bách hại bị đóng đinh vào thập giá. Người nói bằng kinh nghiệm cuộc đời đi liền với ơn cứu độ.

Hạnh phúc Chúa Giêsu nói đến mở sang đời sống mai sau. Kết thúc mỗi mối phúc đều là một lời hứa, một phần phúc không thuộc trật tự trần thế mà thuộc trật tự khác. Đó là Nước Trời, là Đất Hứa, là phần thưởng, là xót thương, là hưởng kiến, là thoả lòng, là an ủi. Vế sau của mỗi phúc đều được khởi đầu bằng chữ “vì” khiến ta tự nhiên hình dung các mối phúc Chúa dạy vừa như một khởi điểm vừa như một đích điểm. Động từ dùng trong vế sau của các mối phúc hầu như đều ở thì tương lai. Tất cả các Mối Phúc đều có hai vế: vế thứ nhất là nhân, vế thứ hai là quả; vế thứ nhất là gieo, vế thứ hai là gặt; vế thứ nhất là mình vì người khác, vế thứ hai là người khác vì mình; vế thứ nhất là đau khổ, vế thứ hai là hạnh phúc. Các mệnh đề trong vế một phải hiểu ngầm là vì Chúa, vì tha nhân, nghèo vì tha nhân, hiền lành đau khổ vì tha nhân. Nếu không do tự nguyện vì Chúa, vì tha nhân thì sự nghèo, sự hiền lành, sự đau khổ, bách hại ta phải chịu đều là đau khổ chứ không phải là phúc đức.

Hạnh phúc Chúa Giêsu nói đến phải nỗ lực thực thi. Hạnh phúc đi liền với hồng phúc nên mỗi người phải nỗ lực thực hiện sao cho hạnh phúc trở thành hiện thực trong mỗi cuộc đời. Hạnh phúc là công ơn của Thiên Chúa nhưng lại là công khó của con người. Hạnh phúc là công trình của Thiên Chúa nhưng cũng là công trường còn dang dỡ mở ra cho sự đóng góp tiếp tay tiếp sức của tất cả mọi người. Hạnh phúc không như bông hoa có thể dễ dàng hái được ở bên đường, không giống như chiếc áo, chiếc xe đạp hay cái nhà có thể vẽ ra thành hình hài màu sắc có thể mua bán. Hạnh phúc là điều cảm thấy được trong tâm hồn, nó thuộc chiều sâu cõi lòng tuỳ thuộc thái độ sống đối với cuộc đời. Con người phải ra công chăm sóc vun trồng thì cây hạnh phúc mới đơm hoa kết trái. Hạnh phúc chính là khát khao được sống, được hiện diện, được yêu thương. Đi tìm hạnh phúc cũng là đi tìm sự sống. Sống là tồn tại, có tồn tại mới có yêu thương, có tương quan, có sinh trưởng. Đi tìm hạnh phúc cũng như đi tìm tình yêu. Khi người ta yêu nhau, mọi sự đều trở nên nhẹ nhàng, tốt đẹp: “yêu nhau yêu cả đường đi; yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng; yêu nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Hạnh phúc là tình yêu. Tình yêu nối dài những ước mơ, ước mơ thường hướng con người về hạnh phúc.Hạnh phúc chính là sự sống và là tình yêu. Tình yêu và sự sống như đôi cánh đưa con người bay vào khung trời hạnh phúc.

Lối sống có phúc được Chúa Giêsu trình bày trong bài giảng khai mạc cũng đã được các đấng công chính và các vị tiên tri chọn lựa và Giáo hội cũng đã không ngừng trung thành theo đuổi nhằm thực hiện hoá giáo huấn cốt lõi nhất trong sứ điệp Tin mừng của Chúa Giêsu.Thực hành lối sống có phúc, người tín hữu đang mở rộng biên cương của Nước Thiên Chúa trên trần gian.

Ngôi Lời Thiên Chúa làm người để giúp con người sống hạnh phúc. Sau khi sống lại, Người mở đường dẫn lối cho chúng ta đi về hạnh phúc viên mãn trong Thiên Chúa Tình Yêu và Sự Sống.Tin và yêu mến Chúa Giêsu là được sống hạnh phúc mỗi ngày trong niềm vui.

——————–

Suy Niệm 3:                         Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết

“Phúc cho anh chị em là những người nghèo khó,
vì nước Thiên Chúa là của anh chị em… ” 
(Lc 6, 20-26)

   1/ Cùng một nội dung Hiến chương Nước Trời hay Bài giảng trên núi hoặc Tám Mối Phúc Thật mà Thánh Matthêu diễn giải bằng tám lời chúc phúc còn Thánh Luca diễn giải bằng Bốn Mối phúcBốn lời quở trách.

   2/ Mối phúc Nghèo khó được đặt lên đầu vì tầm quan trọng và ý nghĩa bao quát của nó.

   3/ Phúc kẻ đang đói: Nghèo và đói luôn đi với nhau, có nghèo mới đói, đói vì nghèo…

   4/ Phúc kẻ khóc: Khổ thì mới khóc. Khóc tức là nghèo tiếng cười, ít vui thú..

   5/ Phúc kẻ bị ghét bỏ, khai trừ vì con người: Đó là nghèo tình yêu, sự quý trọng của thế gian: “Thế gian yêu những kẻ thuộc về nó” (Ga 15, 19).

   6/ Chúa báo trước rằng thế gian sẽ vui cười hả hê trong sự giầu có, sung túc mọi mặt của nó còn con cái Chúa sẽ phải khóc lóc trong cái nghèo khó vì nước trời, nhưng sẽ đến ngày (và ngày ấy không xa) thế gian sẽ phải khóc lóc nghiến răng muôn đời, còn con cái Chúa sẽ nhẩy mừng hớn hở muôn kiếp vì được chia sẻ sự giầu có, sung mãn vô cùng của Cha trên trời.

   Thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi đành mất tất cả (nghèo) để được biết Chúa Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3, 8).

***********

   Có Chúa Giêsu là có tất cả, không Chúa Giêsu là chẳng có gì. Tôi chọn Giêsu.

Tôi chọn Giêsu là nắng, tôi chọn Giêsu là mưa, cho tháng năm thôi những đìu hiu, giá lạnh khô cằn… (Ý Vũ). 

———————-

 

Suy Niệm 4:                         Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Chắc hẳn chúng ta quen với bài Tin mừng Bát phúc, bài trình bày các mối phúc thật, tức công bố những tiêu chí tâm linh hướng dẫn chúng ta đến với hạnh phúc đích thực, thứ hạnh phúc thâm sâu và viên mãn.  Tuy nhiên vỏ bọc văn phong làm chúng ta cảm thấy dội ngược và có phần hụt hửng,vì trong các mối phúc chẳng thấy mối nào vừa ý chúng ta cả.  Bài Tin mừng bát phúc thường được đọc trong lễ Các Thánh Nam Nữ, các vị thánh đa dạng được ám tàng ví như đã hoàn thành tốt một trong các tiêu chí của tám mối phúc vậy (Lc 6,17.20-26).

Thật ra, bài tám mối phúc thật mở đầu cho Bài giảng trên núi, là bài giảng đầu đời của Chúa Giêsu khi công khai rao giảng tin mừng cho muôn dân, bài giảng được gọi là hiến chương Nước Trời, quy định tư cách cần phải có của tất cả thần dân Nước Trời, được ví như hiến pháp của một quốc gia quy định luật lệ căn yếu của một nước, bó buộc toàn dân phải tuân giữ thế nào thì hiến chương Nước trời cũng được hiểu như vậy.                   

Con đường dẫn tới hạnh phúc có 8 nẻo dẫn về hạnh phúc đích thực, hạnh phúc của Nước Trời.   Cả hai tác giả tin mừng Matthêu (Mt 5, 3-12) và Luca (6, 20b-26) đều nói đến các mối phúc, tuy nhiên trong tin mừng Luca nói đến 4 lời chúc phúc và 4 lời nguyền rủa, đó là sự khác nhau giữa hai tin mừng, tuy vậy cả hai đều cho thấy nhãn quan cứu độ bằng con đường từ bỏ, con đường thầm lặng, con đường nhẫn nhục và hy sinh chịu đựng. 

Con đường hạnh phúc nầy khác hẳn quan niệm trần gian, thế nhân thường cho rằng hạnh phúc được xây dựng và được bảo đảm bằng của cải vật chất tiền tài, danh vọng, bằng quyền bính và bằng sức mạnh quân sự chính trị.  Ngôn sứ Giêrêmia cho thấy thấp thoáng một quan niệm hoàn toàn khác dẫn đến hạnh phúc, ông công kích thứ hạnh phúc bì phu:
Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức mạnh phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời Đức Chúa ! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ”. 


Và ngôn sứ ca tụng thứ hạnh phúc thâm sâu đạt thấu lòng người, ông mời gọi con người vượt qua vật chất đi vào sự kết hiệp với  Thiên Chúa: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân.  Họ như cây trồng bên dòng nước … không ngừng trổ sinh hoa trái” (Bài Đọc 1. Gr 17, 5-8). 
Ngôn sứ cũng cảnh giác chúng ta con đường hạnh phúc dựa vào sức mạnh trần gian, các phương thế nầy là cám dỗ miên trường đối với mỗi chúng ta và đối với cả Giáo Hội nữa.

Tám mối phúc thật đề cao đức khó nghèo, bằng tám nét bút Đức Giê-su phác họa nên chân dung tự thân của chính mình, mà người môn đệ chỉ cần thực thi một trong tám nét đó thì gặp được Đức Giêsu, tức là đạt đến hạnh phúc đích thực. Nghèo được hiểu không phải chỉ là từ bỏ vật chất mà thôi, nhưng còn từ bỏ sở hữu trí tuệ tư tưởng và chức vụ địa vị mình đang có, đó là con đường tự hủy ra không, con đường hạnh phúc nầy Đức Giêsu đã kinh qua và đã thành công. 

Thư Philíp đã ca tụng Đức Giêsu:Người không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang …Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và đã ban tặng cho Người danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Pl 2, 8-9).  Như thế khi đưa ra các tiêu chí hạnh phúc, Đức Giêsu đã thực hành chúng nơi chính bản thân mình, điều nầy cho thấy lời Người giảng dạy và việc Người làm ăn khớp sít sao với nhau .  Đức Giêsu đã nên gương cho chúng ta thực hiện con đường hạnh phúc tâm linh. 

Chắc hẳn khi phát biểu về tám mối phúc thật Đức Giêsu không lên án người giàu, vì giàu có hay nghèo khó không nhất thiết là một cái tội, tuy nhiên người giàu có thường vương vấn vật chất nhiều hơn và cũng ít tự do nội tâm so với kẻ khó nghèo, nguy cơ của người giàu có là dễ bị rơi vào lời nguyền rủa: “khốn cho các người là những kẻ giàu có”.

Thử hỏi ngày nay với tiến bộ vượt bậc của khoa học kỷ thuật, các quốc gia cũng chia ra nước nước giàu và nước nghèo, giàu có và sung túc vẫn là lý tưởng phải đạt đến, liệu Tám mối phúc thật có còn chỗ đứng không? Hay đã lỗi thời?  Nhìn xa hơn và cao hơn, các nước Âu châu, Canada và Mỹ châu con số tín hữu và nhà tu hành sụt giảm đến lo ngại, Á châu và Phi châu còn trụ vững.  Liệu có tìm ra một Phanxicô Khó khăn như thời Trung cổ chăng, một con người bỏ hết tất cả đi theo bà Chúa Nghèo.  Tám mối phúc thật luôn luôn là lý tưởng phảt đạt đến đối với Kitô hữu.

Lạy Chúa Giê-su xin cho con biết đi con đường khiêm hạ, biết kiên nhẫn đón nhận mọi hoàn cảnh trái ý, biết can đảm chiến đấu mà không sợ thương tích theo gương tự hủy ra không của Chúa. Amen

WGPKT(11/02/2022) KONTUM