Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm C (CN.17.09.2022)

BÀI ĐỌC I: Am 8, 4-7

“Chống lại những kẻ lấy tiền mua người nghèo”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”. Vì Giacóp kiêu căng, Chúa đã thề rằng: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng”.

Đó là lời Chúa..

BÀI ĐỌC II: 1 Tm 2, 1-8

“Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. Đó là điều tốt lành và đẹp lòng Đấng Cứu Độ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Đức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối), và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

Đó là lời Chúa

LỜI CHÚA: Lc 16, 10-13 hoặc 1-13

“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Œ“Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’. Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.

“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Đó là lời Chúa.

—————-

Suy Niệm 1:                             Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

 

KHÔN MÀ DẠI – DẠI MÀ KHÔN

1. Bài Tin Mừng hôm nay nói về người quản lý bất lương. Ai cũng biết chuyện này. Chúa Giêsu đã “dựng chuyện” để dạy chúng ta biết con người rất “lanh lợi” việc bất lương nhưng rất “ngu ngơ” chuyện đạo đức.

Người quản lý bất lương này khôn mà dại. Dại vì bịt mắt được con người nhưng không bịt mắt được Thiên Chúa bao giờ.

Có những người xem như dại mà lại khôn. Dại trước mắt người đời mà té ra lại rất khôn trước mắt Chúa Trời. Thánh Lu-y Gonzaga (1568-1591) đã cương quyết nhường ngôi vua cho người em để đi tu dòng Tên. Trên đường tiễn hoàng tử đi vào dòng, các bạn bè nói với cậu : Hôm nay người em của hoàng tử là người vui nhất vì sẽ được làm vua, nhưng Ly-y trả lời với các bạn: Tôi còn vui hơn em tôi vì tôi được dâng mình cho Chúa, đó là điều tôi hằng ước mong.

2. Xưa nay người ta hay nói ở đời có 3 cái “khổ” : Thứ nhất vợ dại trong nhà; Thứ hai nhà dột; Thứ ba nợ đòi. Không thấy ai nói “khổ” vì thiếu đạo đức hay thiếu lương thiện cả. Đời này mà sống bất lương thì kiếp sau sẽ vô cùng khổ sở vì gieo cái gì thì gặt cái đó. Tất cả các tôn giáo đều tin có kiếp sau. Tất cả các tôn giáo đều tin Thiên Chúa thưởng phạt công minh. Điều đáng quan tâm là có rất nhiều nhà bác học vĩ đại tin có Chúa ! Có ai dám bảo là họ “ngu” hay họ sai lầm không ?

3. Khi còn đi học thì có vị giáo sư bảo : Ở đời có 3 thứ “ngu” :

Một : Ngu mà không biết mình ngu là ngu.

Hai : Biết mình ngu mà không chịu học là ngu hơn.

Ba : Biết mình ngu rồi học được chút ít lại

tưởng mình biết hết mọi sự là ngu nhất.

Loại ngu thứ 3 này bây giờ là khá nhiều. Đó là đại họa cho đất nước.

4. Có 3 thứ “đại họa” cho một đất nước :

Một : Đức ít mà ân sủng nhiều. Không có

đức mà có nhiều “ô dù”, nạn COCC

( con ông cháu cha) ai cũng thấy.

Hai : Tài thấp mà địa vị cao. Có bằng cấp

thì mới có chức quyền, người ta đua

nhau có bằng và có cả bằng giả mua

bằng tiền thiệt, rồi được ngồi cao !

Ba : Công nhỏ mà bỗng lộc lớn.

Nhiều người có công lớn ai cũng thấy

nhưng không có xơ múi gì vì không

thuộc phe nhóm mình, trái lại có kẻ

không thấy có công gì nhưng được

cái này cái nọ vì đó là kẻ thuộc phe

nhóm mình.

5. Trở về lại với anh quản lý bất lương trong bài Phúc Âm hôm nay. Quả thật anh khôn ranh để cho được việc đời này mà anh không biết có đời sau. Có thể anh không tin có Chúa thưởng phạt nghiêm minh, nhưng không phải vì không tin có Chúa mà Chúa không có. Còn lâu ! Trong sách Thi Thiên 14,1 có nói: “ Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng : Chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc !” Đó cũng là trường hợp của anh quản lý trong bài Tin Mừng hôm nay vậy . Tham nhũng, hối lộ, buôn gian bán lận. . . đều là những tay quản lý bất lương cả.

Lạy Chúa, xin cho con tập cho biết trung tín trong việc nhỏ để có thể trung tín trong việc lớn mà Chúa giao cho con. AMEN

—————-

Suy Niệm 2:                          Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

CHỌN THIÊN CHÚA HAY TIỀN BẠC

Có triết gia định nghĩa con người là con vật có tôn giáo, thật vậy dù bán khai sơ đẳng đến đâu các bộ tộc mất hút trong rừng xanh cũng có thần linh của riêng họ.  Trong đời sống xã hội văn minh luôn có đơn vị kinh tế tiền bạc để thanh toán hàng hóa.  Con người sống với tiền bạc, nó như huyết mạch lưu thông sự sống, nó quan trọng và đầy hấp lực đến nỗi Đức Giêsu xếp tiền bạc ngồi ghế cao xấp xỉ với Thiên Chúa, đặt con người trong sự thách đố lựa chọn.

Chọn Thiên Chúa hay chọn tiền bạc, đó là vấn đề sống chết.  “Không ai có thể làm tôi hai chủ được” đó là chủ đề của phụng vụ Chúa nhật hôm nay.  Tự bản chất tiền bạc là một công cụ giao dịch và tạo thuận lợi cho đời sống kinh tế trong nhân loại.  Tuy nhiên khi tiền bạc không còn đóng đúng vai phục vụ nữa, không còn là công cụ nữa, nhất là khi con người săn lùng tiền bạc vì chính nó, lấy nó làm cùng đích thì tiền bạc trở nên ông chủ, lúc đó sức mạnh tiền bạc trở nên đàn áp, lừa dối, bất lương, phá hoại các mối tương quan khác và làm sụp đổ con người.  Nó là con dao hai lưỡi.

Tiên tri Amốt sống vào thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, đã lên tiếng chống lại những kẻ đàn áp người nghèo khổ thấp cổ bé miệng.  Hạng người giàu có tích lũy tiền bạc bằng bóc lột giới dân đen: “Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán” (x. Bài đọc 1. Am 8, 4-7).  Có minh triết cực đoan cho rằng không có đồng tiền nào là tuyệt đối trong sạch, không nhuốm bất công.

Một xã hội bất công, lấy lợi nhuận làm tiêu chí hành động, bất chấp giá trị đạo đức và tôn giáo. Thiên hạ lúc bấy giờ than vãn về những ngày lễ tôn giáo vì làm mất đi thời gian mua bán kiếm lời.  Đó là tội lỗi của thời đại: bậc thang giá trị bị đảo lộn, vật chất đứng cao hơn tinh thần, lương tháng đánh bại lương tâm, lợi nhuận vượt lên hàng ưu tiên.  Suy cho cùng, cái nhìn nhân học đi xuống, con người chỉ là phạm trù kinh tế để bóc lột nhau, và cái nhìn vật chất đi lên thượng tôn tiền bạc.

Tiền bạc ngồi vào ghế ông chủ tuyệt đối, nó trở nên tai họa.  Con người nhìn tha nhân như đối tượng kinh tế, lấy lợi nhuận làm tiêu chí hành động, từ đó sinh ra bao nhiêu việc làm sai trái: mực khô cao su, mì gói cao su, trứng gà làm bằng hóa chất, gạo ny-lon, miễn sao có lợi là được, các tin tức loại nầy gặp rải rác trên các xa lộ thông tin đại chúng.

Trích đoạn sách Amốt chuẩn bị cho chúng ta đi vào tâm tình của bài Tin Mừng nói về người quản lý bất lương và gian lận sắp bị cho thôi việc.  Anh chuẩn bị bước đường mạt lộ mà vẫn được bạn bè đón tiếp.  Nếu anh ta được ông chủ khen ngợi, thì không phải vì sự lừa đảo của anh ta, nhưng là vì anh ta đã cắt đứt cái vòng địa ngục của tiền bạc, trả tiền bạc về cái chỗ của nó trong dòng chảy của những mối quan hệ : “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết:hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu” (x. Bài Tin Mừng Lc 16, 1-13). 

Làm chủ tiền bạc là cắt hết nọc độc của nó đi, đặt nó đúng vào vị trí của nó, đó là cách duy nhất có thể sử dụng được công cụ nguy hiểm nầy, là dùng tiền bạc để kiến tạo con người, tạo thuận lợi cho những cuộc gặp gỡ, tạo tình huynh đệ, biến nó thành đầy tớ giúp việc phục vụ cho một thế giới công bằng trong đời sống cá nhân và xã hội. 

Thời đại chúng ta hôm nay không khác thời đại của tiên tri Amốt bao nhiêu, có khi còn tệ hơn nữa, những gian lận rút ruột công trình hay thâm thủng ngân quỹ với quy mô lớn đến chóng mặt.  Tiền bạc làm đen tối lòng người (tài thị hắc nhân tâm), che khuất ánh sáng công lý, nó trở thành kẻ bất lương bởi vì nó biết ngụy trang và che chắn.  Tiền bạc tiềm tàng không danh tánh, không gương mặt rõ ràng xuất hiện, nhưng quyền lực của tiền bạc là địa ngục chết chóc, nó làm thất điên bát đảo, đổi trắng ra đen, khuynh đảo quốc gia, lừa thầy phản bạn.  Nó phá hoại các công ty, xí nghiệp, quốc gia và quốc tế.

Tiền bạc là thần Mammon, tức thần tiền tài, nó được thần thánh hoá dưới danh hiệu nầy. Chính vì vậy mà thánh Phaolô trong Thư Timôthê (Bài đọc 2.1Tm 2, 1-8) khuyên phải cầu nguyện cho các nhà cầm quyền vì chúng ta đều có mối liên hệ: “Hãy khẩn nguyện cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (câu 2).  Mối nguy hiểm đặt tiền tài vào chỗ nhất trong tôn giáo, nó khuynh đảo ngay cả những chức vị cao cấp trong xã hội.  Nó ve vãn và cám dỗ không trừ một ai.

Lạy Chúa Giêsu, ít có việc gì mà không cần đến tiền, vả lại hấp lực của tiền bạc không ai cưỡng lại được nếu không có cái nhìn hướng thượng, xin cho con có cái nhìn hướng đến trời cao để biết sử dụng tiền của đời nầy mà phục vụ lợi ích thiêng liêng như lòng Chúa mong muốn. Amen

——————

Suy Niệm 3:                          Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

 

Cửa Sổ hoặc Tấm Gương

Chúa Giêsu kể dụ ngôn người quản lý bất lương và kết luận: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Đây là một nhận định thực tế. Làm ăn ở đời người ta nhìn vào mối lợi, từ đó khôn khéo tính toán phương tiện để thực hiện. Còn con cái sự sáng thì khôn ngoan vì luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình.

1. Khôn Khéo Con Cái Đời Này

Chúa không khen hành động bất trung, không khen tội gian lận của người quản gia bất lương, nhưng Chúa khen tài khéo léo, tính toán, cách xoay xở của anh ta khi chủ cho thôi việc. Lời khen là dán cho cái lanh trí, có phương pháp hành động chứ không phải là cổ võ sự bất lương.

Khôn khéo tựa như sự tinh khôn trong những việc làm của người quản lý bất lương biết hành động ngay không đợi chờ, biết sử dụng tiền bạc của cải để mua lấy bạn bè.

 – Khéo khi ăn cắp tài sản của chủ mà không bị phát hiện, đến khi có người tố cáo, chủ mới đuổi việc.

– Khéo vì anh ta biết giới hạn của mình: cuốc đất không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.

 – Khéo vì biết xoay xở, tận dụng chút quyền quản lý cuối cùng để có một chút bảo đảm cho tương lai. Gọi các con nợ của chủ đến làm văn tự lại: 100 thùng dầu ô-liu, viết lại 50 thôi; 1.000 thùng lúa viết lại 800 thôi… hai bên cùng có lợi mà.

– Khéo khi biết lo xa: liệu sao để khi mất chức thì có người tiếp đón, khi về hưu non thì đã có của dư của để, có nhà cao cửa rộng, có vườn tược…

– Khôn khéo của người quản gia không đồng nghĩa là một “bảo hiểm” đời sống anh ta mua được. Anh thất thế nên lấy gian dối mua ơn nghĩa, liệu người ta có biết ơn không? Lịch sử chứng minh nhiều con người độc ác trong các thể chế độc tài, cuối đời bị thất sủng, tìm cách quay về với nhân dân, thì dân nhân có đón tiếp họ không?

Hình ảnh của người quản lý khôn khéo bất lương này đầy dẫy trong xã hội hôm nay khi mà tham nhũng đã trở nên “quốc nạn”. Việt Nam đang điêu đứng vì quốc nạn tham nhũng… Người ta “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, có chút địa vị quyền lực thì lo thu ven cho cá nhân, tham ô, móc ngoặc. Sợ bị bại lộ, sợ bị tố cáo, sợ bị cách chức, sợ bị “về hưu non”, nên khôn khéo mua lấy bằng cấp, mua đất xây biệt thự, lập trang trại, mở sân sau… Người ta tìm mọi cách để có tiền của, có địa vị, có quyền lực, bất chấp tiếng nói lương tâm.

Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay sẽ thấy người đời thường chạy theo tiền bạc, của cải, địa vị, chức quyền. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó, Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng và họ làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.

Các ngôn sứ thời Cựu ước vẫn thường chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất công, áp bức, khinh dễ kẻ nghèo. Vào thế kỷ VIII tcn, Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm, địa vị; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực… Ngôn sứ Amos kịch liệt lên án. Ông quả xứng danh là nhà ngôn sứ của sự công bằng. Bản cáo trạng của vị ngôn sứ đối với những người quyền thế, giàu sang bất công vẫn luôn vang vọng và có hiệu lực cho mọi thế hệ.

2. Khôn Ngoan Con Cái Chúa

-Khôn ngoan của con cái sự sáng là luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Tiền bạc của cải không là điểm tựa. Vật chất không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Con cái sự sáng vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Giữa cái mau qua họ tìm gặp vĩnh cửu, họ làm việc vui chơi như mọi người, nhưng họ luôn để Thiên Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời họ.

– Con cái ánh sáng khôn ngoan sống chân thật và tín trung. Chân thật trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động; thực tâm thật tình trong cư xử; thật hiếu hạnh trong gia đình; thật tín nghĩa ngoài xã hội; thực trung thành trong niềm tin. Trung tín sống đức tin, trung tín trong lời hứa, có tinh thần trách nhiệm cao, trung tín trong việc nhỏ cho đến việc lớn. Trung tín với lời hứa Bí Tích đã lãnh nhận. Người chân thật là người trung tín với Thiên Chúa và anh em mình. Bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và “chỉ có sự thật mới giải thoát anh em”.

– Khôn ngoan của con cái Chúa là khôn ngoan Thập Giá: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 22-25). Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà thương chủ nọ”. Không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc. Chúng ta tự hỏi chủ nào đang thống lĩnh đời tôi ? Ước gì tôi luôn tự do, chọn lựa làm tôi trung cho Chúa mà thôi.

3. Cửa Sổ hoặc Tấm Gương

Một người Do thái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh ta đến bên cửa sổ và hỏi:

– “Ông hãy nhìn qua cửa sổ và cho tôi biết ông thấy gì”.

Không một chút do dự, người giàu có trả lời:

– “Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại”.

Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự:

– “Nào, bây giờ thì ông thấy gì trong tấm gương ?”

Người giàu có liền trả lời:

– “Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi.”

Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học. Ông nói:

– “Này nhé, tấm gương soi mặt được làm bằng kính. Kính được phủ ở phía sau bằng một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đằng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ ông đã thấy được những người khác, thấy được cảnh vật…”.

Nếu tấm kính linh hồn bị lòng tham lam, ích kỷ như lớp bạc mỏng phủ lấp thì ta sẽ chỉ thấy có bản thân mình. Chỉ mình ta mới đáng kính đáng trọng, chỉ mình ta là trung tâm để mọi người phục vụ. Tâm hồn con người khi trong suốt không bị che chắn bởi tham, sân, si, sẽ nhìn thấy mọi người là anh em, nhìn thấy những điều hay, những điều tốt, những gì đáng quý, đáng mến nơi tha nhân. Tâm hồn trong sáng đó nhờ biết mỗi ngày soi vào Chúa Kitô, sống theo lời dạy của Ngài.

Sự khôn ngoan đích thực đúng như lời Thánh Phaolô trong thư gởi Timôthê: “Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm 6,18).

Của cải vật chất chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, chúng ta sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.

Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp đạt tới đích là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy người ta ra xa Chúa để tìm kiếm những sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải khôn ngoan chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất.

Lạy Chúa, con chỉ là người quản lý trong đời. Sự sống của con đâu thuộc về con. Con chỉ quản lý để sử dụng theo ý Chúa thôi.

– Chúa ban cho con sự sống với biết bao ân huệ, tài năng, sức khoẻ, con không sử dụng đúng, con là quản ký kém cỏi.

– Khi con không chia sẻ, cảm thông, vật chất miếng ăn, manh áo, tinh thần như nụ cười, sự hiểu biết cho đồng loại, con là quản lý xấu xa.

– Khi con sử dụng các ân huệ Chúa ban, sức khoẻ, tài năng để phạm tội, con là quản lý bất trung.

Con muốn làm người biết quản lý đời mình.

Con đâu muốn mất hạnh phúc khi làm quản lý xấu xa.

Con muốn là người quản lý trung thành như tháp chuông thức dậy mỗi sáng.

Con muốn là quản lý tài ba, nhưng con yếu đuối. Con muốn quản lý đời con theo ý Chúa, nhưng con yếu lòng. Trong cái vụng về của con, xin Chúa ban ơn.

Con đi về đâu khi chiều tà xế bóng nếu con là quản lý bất trung?

Con có thể đã là quản lý phung phí cuộc sống ân sủng Chúa ban như người quản gia kia. Con cũng có thể bồn chồn lo lắng tương lai vì không biết đi về đâu như người quản gia kia. Ôi, lạy Chúa, xin cho con ném lại những bất trung con phạm như lời kinh sám hối. Xin cho con ném lại những bất chính con làm như Giakêu: “…Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).

Ông Giakêu đã được nghe: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông…” (Lc 19,5).

Xin cho con cũng nghe được Chúa nói với con như thế.

Những hành vi quản lý bất trung con phạm, con xin ném lại như tấm lòng ăn năn đền tội của con. (trích: Dụ ngôn trong Phúc âm, tập 3, trang 62-63).

Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.

WGPKT(17/09/2022) KONTUM