Thoát Khỏi Sự Mù Lòa Thiên Liêng(22.03.2020 – Chúa Nhật IV MC – Năm A)

     Bạn có nhận ra ánh sáng chân lý và sức mạnh của Thiên Chúa trong cuộc sống của bạn không? Thiên Chúa muốn loại bỏ những chướng ngại vật mà có thể cản trở chúng ta nhận biết ánh sáng chân lý và sự khôn ngoan của Chúa cho cuộc sống của chúng ta. Saolô, vị vua đầu tiên của Israel, thất bại trong việc nhận ra ánh sáng và sức mạnh của Thiên Chúa để cứu ông khỏi thù của ông. Thiên Chúa thay Saolô bằng Đavít, người con út trong tám người con trai của Jesse (1 Sm 16). Thiên Chúa nhìn thấy một điều gì đó nơi Đavít khi mà Jesse và các con trai khác của ông đã không nhận ra – một con người có trái tim như trái tim của Thiên Chúa, là người vui sướng khi làm những điều đẹp lòng Chúa (1 Sm 13:14). Đavít là một người đàn ông của sự dũng cảm và có cái nhìn, người đã đánh bại kẻ thù của ông và thống nhất dân tộc. Sức mạnh và sự thành công của ông không phải đến từ bản thân nhưng từ Thiên Chúa, Đấng xức dầu ông với sức mạnh và sự khôn ngoan của Thánh Thần.

     Điều gì có thể giữ chúng ta ra xa rời ánh sáng của sự thật, sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta? Tội lỗi làm chúng ta trở nên mù loà và là căn nguyên làm chúng ta vấp ngã và tiêu vong – không có khả năng đứng lên trong chính bản thân chúng ta hay bước đi trong sự tự do của tình yêu và chân lý của Thiên Chúa. Tội lỗi làm mờ tâm trí trong sự bối rối của lương tâm, và nó phát triển trong bóng tối, và chống lại ánh sáng chân lý của Thiên Chúa. Chỉ có ánh sáng của Thiên Chúa mới có thể khai mở bóng tối của tội lỗi và cho chúng ta bước đi trong con đường thánh thiện và bình an với Thiên Chúa.

Ánh sáng của thế giới

     Khi các môn đệ thấy một người đàn ông đã bị mù từ lúc mới sinh, họ hỏi Chúa Giêsu những tội lỗi nào đã làm cho anh ra mù lòa. Người Do Thái hiểu rằng bệnh tật là kết quả của sự điên rồ và tội lỗi của con người. Trong khi tội lỗi có thể dẫn đến sự suy yếu về thể chất, tinh thần và tâm linh, nhưng không phải tất cả bệnh tật đều là kết quả trực tiếp của tội lỗi. Bệnh tật có thể xảy đến với chúng ta với nhiều lý do. Chúa Giêsu trả lời rằng Thiên Chúa đã cho phép bệnh tật này vì một mục đích lớn hơn mà Thiên Chúa muốn biểu lộ là một dấu hiệu của sự hiện diện và quyền năng của Ngài. Sau đó Chúa Giêsu đã đưa ra lời tuyên bố mà chỉ có Chúa mới quyền thực hiện. Chúa Giêsu tuyên bố chắc chắn, Ta là ánh sáng của thế gian (Gioan 9: 5).

     Một cách rõ ràng, Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài là cội nguồn đích thực của sức mạnh và ánh sáng để duy trì cuộc sống và vượt qua bóng tối của tội lỗi, sự hoang mang, và mù lòa tâm linh. Phép lạ của Chúa Giêsu – là dấu lạ kỳ diệu của Ngài – đã khẳng định sự thật của thông điệp và lời tuyên bố của Ngài về thẩm quyền thiêng liêng và đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Một trong những dấu lạ lớn nhất của Chúa Giêsu là việc chữa lành của một người đàn ông đã bị mù từ khi mới sinh.

Chữa lành người đàn ông mù bẩm sinh

     Khi Chúa Giêsu tiến lại gần người mù, đầu tiên Chúa Giêsu đánh thức niềm hy vọng nơi anh ta – niềm hy vọng mà Thiên Chúa ban cho những ai tìm kiếm sự trợ giúp của Ngài. Sau đó Chúa Giêsu đã làm một điều hết sức đặc biệt cho người mù, để đồng cảm với sự đau khổ của anh và để lôi kéo đức tin của anh ta. Chúa Giêsu chạm vào mắt của anh mù với nước bọt của Ngài đã trộn với đất và truyền lệnh cho người mù đến rửa ở hồ Si- lô- am, gần với Đền Thờ. Hồ này với dòng nước tinh sạch là một trong những địa danh nổi tiếng của thành phố Giêrusalem. Nguồn nước của nó  xuất phát từ suối Gihon nằm ở thung lũng bên ngoài các bức tường của Giêrusalem. Hồ này được sử dụng như một nơi cho các nghi lễ thanh tẩy của những người đi lên đền thờ làm việc thờ phượng.

     Vào lễ Lều hàng năm, một trong những tư tế mang một bình vàng chứa nước từ hồ này và đổ nó trên bàn thờ trong đền thờ trong khi đọc : “Các ngươi sẽ múc nước tận nguồn ơn cứu độ” (Isaia 12:3). Tầm quan trọng của việc chữa lành người mù tại hồ Si-lô -am là gì? Nó chắc chắn là hơn là một sự kiện kỳ ​​diệu. Đó là một “dấu lạ” dẫn đến nguồn nước ban sự sống kỳ diệu mà Chúa Giêsu trao tặng qua những ân sủng và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần (Gioan 7:38).

Bạn có muốn Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên bạn sức mạnh đổi mới của đức tin, cái nhìn, và tình yêu chữa lành không?

     Người Pharisêu thì tỏ ra khó chịu với phép lạ của Chúa Giêsu trên hai khía cạnh. Thứ nhất, Ngài chữa lành người mù trong ngày Sa-bát, là điều mà họ coi là một vi phạm nghiêm trọng luật nghỉ ngơi của ngày Sa-bát. Thứ hai, làm thế nào mà một “tội nhân” và một “người vi phạm ngày Sa- bát ” lại có thể làm một công việc kỳ diệu của Thiên Chúa như vậy được! Người đàn ông đã tuyên bố được chữa lành bởi Chúa Giêsu không phải đã thực sự bị mù từ lúc đầu sao! Trái ngược với sự buộc tội, trên thực tế, tình trạng mù lòa của người này thì ai cũng biết, kể cả cha mẹ người mù cũng làm chứng tuyên thệ rằng anh ta đã thực sự bị mù từ khi mới sinh.

     Thành kiến ​​của các nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm cho họ mù lòa về ý định của Thiên Chúa vào ngày Sa-bát (để làm điều thiện hơn là làm điều ác) và Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Đấng được gửi đến trong thế gian từ Thiên Chúa Cha để mang lại tự do và ánh sáng cho dân Ngài. Các nhà lãnh đạo Do Thái đã cố gắng đe dọa người đàn ông được chữa lành và cha mẹ của anh ta bằng cách hăm dọa sẽ loại trừ họ ra khỏi thành viên của hội đường – hội đường địa phương của cộng đoàn thờ thờ phượng của người Do Thái. Người đàn ông này bị xa lánh bởi các nhà chức trách tôn giáo bởi vì anh ta đã tin rằng Chúa Giêsu chữa lành anh ta và là Đấng Cứu Thế.

Thoát khỏi sự mù lòa thiêng liêng

     Thánh Gioan Kim Khẩu, chú giải ​​về tường thuật này, nhận xét: “Người Do Thái (người Pharisêu) loại anh ta ra khỏi Đền Thờ, nhưng Chúa của đền thờ lại tìm thấy anh ta.” Nếu lời chứng của chúng ta về Chúa Giêsu và công việc cứu chuộc của Ngài trong cuộc sống chúng ta làm cớ cho bạn bè hay kẻ thù từ chối chúng ta, thì chúng ta lại được đến gần hơn với Chúa Giêsu. Thánh tông Đồ Phaolô cảnh báo chúng ta tránh xa những bóng tối của tội lỗi để chúng ta có thể bước đi trong ánh sáng của Đức Kitô (Ep 5: 8-12). Bạn có để cho bất kỳ điểm mù nào làm mờ cái nhìn của bạn về những gì Thiên Chúa ban tặng cho bạn và đòi hỏi nơi bạn không?

    Chúa Giêsu luôn sẵn sàng chữa lành chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi bóng tối của tội lỗi và sự lừa dối. Không có bệnh tật nào, cho dù là thể chất, tinh thần, tình cảm, hay tâm linh mà Chúa Giêsu không đồng hóa. Isaia nói tiên tri rằng “Người Tôi Tớ Đau Khổ sẽ mang thương tích vì tội lỗi của chúng ta và bởi vết thương của Ngài, mà chúng ta sẽ được chữa lành” (Isaia 53:5). Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự mù lòa thiêng liêng do tội lỗi và Ngài khôi phục chúng ta với con người trọn vẹn, thân xác, tâm trí, linh hồn và con tim.

     Thánh Agustinô, trong bài chú giải về đoạn Tin Mừng này, nhận xét: “Nếu chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa của phép lạ này, chúng ta sẽ thấy rằng người đàn ông mù là toàn thể nhân loại … bạn đã biết, tất nhiên, ai là “Đấng Được Sai Đến.” Nếu Ngài không được sai đến, thì không ai trong số chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi.”

     “Lạy Chúa Giêsu, nhân danh Ngài, người mù đã được nhìn thấy, kẻ què được đi, và kẻ chết được sống lại. Xin đến với cuộc sống của chúng con và hàn gắn những vết thương trong tâm hồn tan nát của chúng con. Xin hãy cho chúng con đôi mắt đức tin để thấy vinh quang và trái tim của lòng dũng cảm của Ngài để chúng con mang lại vinh quang cho Chúa trong tất cả những gì chúng con nói và làm.”

Người Mù Chân Thật

     “Những người Pharisêu đang ở đó với Chúa Giêsu nghe vậy, liền lên tiếng: ‘thế ra cả chúng tôi cũng đuôi mù hay sao?’ “-Gioan 9:40

Chúa Giêsu nói với người Pharisêu rằng họ bị mù. Chúa Giêsu gọi họ người hướng dẫn mù lòa và người khờ dại (Mátthêu 23:16, 17, 24, 26). Chúa Giêsu gọi các tông đồ mù lòa khi Ngài kêu lên: ” Lòng anh em ngu muội thế? Anh em có mắt mà không thấy?” (Máccô 8: 17-18) Chúa Giêsu gọi là toàn bộ hội thánh ở Lao-đi-ki-a mù lòa (Kh 3:17).

     Chúa Giêsu có thể gọi chúng ta là mù lòa về tinh thần trong lúc này. Làm thế nào chúng ta nhận ra sự đánh giá của Chúa Giêsu về tình trạng của chúng ta? chúng ta sẽ trở nên giận dữ, hoặc chúng ta sẽ tạ ơn Ngài vì đã nói sự thật cho chúng ta không? Người Pharisêu đã tức giận với Chúa Giêsu khi Ngài gọi họ mù lòa. Họ mù nơi chính bản thân họ (xem Isaia 29: 9). Họ phẫn nộ về người đàn ông được chữa khỏi bệnh mù và ném anh ta ra khỏi hội đường (Gioan 9:34). Họ thậm chí đã cố gắng áp đặt sự mù lòa ấy cho tất cả mọi người. Người Pharisêu trở nên mù đến nổi họ đã trở thành bóng tối (xem Ep 5: 8).  Như bóng tối, họ ghét ánh sáng (Gioan 3:20). Họ ghét Chúa Giêsu, “Ánh Sáng của thế gian” (Gio- an 9: 5), và yêu cầu đóng đinh Chúa Giêsu.

     Sự mù lòa thiêng liêng là suy hóa. Nó biến thành bóng tối và bạo lực. Chúng ta phải thừa nhận sự mù lòa thiêng liêng của chúng ta (2 Cr 4: 4) và xin Chúa Giêsu chữa lành chúng ta. Nếu không, chúng ta sẽ làm tổn thương và thậm chí đóng đinh Đấng Chữa Lành chúng ta (xem Dt 6: 6) và những người mà Ngài đã chữa lành khỏi mù lòa tâm linh. Hãy để Chúa Giêsu chữa lành bạn từ bị mù thân xác đến sự mù lòa tâm linh của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Cha, trong Chúa Nhật Mùa Chay hôm nay, xin hãy dò xét trái tim con và giải thoát con khỏi sự mù lòa trước khi nó trở nên tệ hại hơn.

Xác Tín: “Người phàm chỉ nhìn thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng.” -1 Sm 16: 7

Tác giả: Don Schwager

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Trần Quốc Bảo

Giáo Phận Kontum

WGPKT(20/03/2020) KONTUM