09.02.2024 – Thánh Lễ Tất Niên & Thánh Lễ Giao Thừa – Ngợi Khen Và Cảm Tạ

1. LỄ TẤT NIÊN

Bài đọc I: Is 63,7-9

Tôi xin dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì lòng nhân hậu lớn lao của Người.

Bài trích sách tiên tri I-sai-a

Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Ít-ra-en, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân. Người đã phán: “Thật, chúng là dân của Ta, là những đứa con không biết lừa dối!” Và đối với họ, Người đã là một vị cứu tinh, trong mọi cơn quẫn bách. Không phải là một sứ giả hay một thiên thần đã cứu thoát họ, nhưng là chính tôn nhan Người. Vì yêu mến và thương cảm, chính Người đã chuộc họ về, đã vực họ dậy và mang họ đi suốt thời gian quá khứ.

Đáp ca: Tv 135,1 và3.4 và 23.25-26

Đáp: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Xướng: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Chúa các chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Xướng: Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Chúa đã nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Xướng: Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Bài đọc II: 1Cr 1,3-9

Chúng ta mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô. Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng khiển trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Alleluia. Alleluia. Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả, thật danh Người chí thánh chí tôn. Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1,39-35.

“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần. Bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ca ngợi Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Người, thực từ đây thiên hạ muôn đời sẽ khen rằng tôi có phước, vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và Danh Người là thánh. Ðức từ bi Người tự đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người. Người đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Người lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ; người đói khát, Người cho no đầy thiện hảo, bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Người đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Người, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người, như Người đã phán cùng tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và miêu duệ ông tới muôn đời”.

……………………………….

2. LỄ GIAO THỪA

Bài đọc I: Ds 6, 22-27

“Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

Trích sách Dân Số.

Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: ‘Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con’. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

Đáp ca: Tv 120,1-2.3-4.5-6.7-8

Đáp: Ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời.

Xướng: Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời.

Xướng: Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!.

Xướng: Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.

Xướng: Ngày sáu khắc, vầng ô không tác họa. Đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi, Chúa gìn giữ bạn không khi bất hạnh, bảo vệ cho sinh mạng an toàn.

Xướng: Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.

Bài đọc II: 1 Tx 5, 16-24

“Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ cho tới ngày Chúa đến”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức. Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Đấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Đấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện. Thưa anh em, xin anh em cũng cầu nguyện cho chúng tôi nữa. Tất cả anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!

Câu xướng trước Phúc Âm

(Mùa Chay: bỏ Alleluia)

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel tổ phụ chúng con, Chúa đáng được chúc tụng; mọi tạo vật trên trời dưới đất đều là của Chúa. – Alleluia.

Phúc âm: Mt 5, 1-10

“Hãy vui mừng hoan hỉ, vì phần thưởng sung mãn dành cho các con trên trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy dân chúng thì Người lên núi. Người ngồi xuống và các môn đệ đến gần. Người liền mở miệng mà giảng dạy rằng: “Phúc thay những kẻ có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay những kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp. Phúc thay những kẻ than khóc, vì họ sẽ được an ủi. Phúc thay những kẻ đói khát công chính, vì họ sẽ được no đủ. Phúc thay những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được thương xót. Phúc thay những kẻ có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa. Phúc thay những kẻ gây hoà thuận, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ”.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

______________________

Suy niệm lễ Tất Niên 1: Lm Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CUỘC ĐỜI LÀ LỜI TẠ ƠN

 

Mượn lời tiên tri Isaia mở đầu suy niệm cuối năm: “Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, tôi dâng lời ca tụng Đức Chúa vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng ta” (Bài Đọc 1. Is 63, 7-9).

Tạ ơn, đội ơn, cám ơn là những từ ngữ diễn tả tâm tình tri ân của  con người đối với Thí Chủ.  Thí chủ có thể là Thượng đế cũng có thể là tha nhân đã làm phúc cho chúng ta.  Chúng ta dễ dàng chấp nhận rằng mỗi người là một tổng hợp các mối liên hệ từ gia đình cho đến xã hội, và chúng ta lớn lên trong sự nâng đỡ của tha nhân.

Bài học từ người Do thái, là sau khi vượt qua Biển Đỏ, việc đầu tiên ông Môsê làm là lập đàn tế lễ tạ ơn Thiên Chúa vì ơn giải phóng.  Họ cũng làm như thế khi đi vào Đất Hứa và nhiều lần dâng lễ tạ ơn như thế trong hành trình sa mạc, nhất là mỗi khi họ chiến thắng quân thù.  Từ khi vào dất hứa và từ ngày ăn sản phẩm nông nghiệp do tay mình sản xuất, người Do thái lập tục lệ dâng lễ Tạ Ơn Thiên Chúa sau mùa gặt, vì họ ý thức rằng mùa màng bội thu không phải do ý muốn của họ, nhưng tùy thuộc vào mưa thuận gió hòa của trời đất.

Dân xứ cờ hoa đã có thông lệ từ 1789, dân chúng dành trọn một ngày để Tạ Ơn, gọi là Thanks Giving, ngày nầy rơi vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư của tháng 11 hằng năm.  Họ thường ăn thịt gà tây, tục lệ nầy nhắc lại kỷ niệm của tổ tiên họ đã được cứu sống nhờ ăn loại chim nầy khi đặt chân lên vùng đất mới, tức nước Mỹ.  Vào ngày nầy họ thường tự nguyện góp tiền và số tiền có được đem giúp người  nghèo.  Một cử chỉ biểu tượng của lòng biết ơn: Tổng thống Mỹ có tục lệ  tha chết cho một con gà tây nhân ngày lễ tạ ơn, nó được chọn để nuôi được chăn nuôi cho đến khi tàn đời.

Tạ ơn là tiếng vọng lại ân sủng đã lãnh nhận từ Thượng đế qua hoàn cảnh hay qua bàn tay của tha nhân.  Lời tạ ơn cũng là phản ứng mang tính tôn giáo, nhìn nhận mình thấp hèn yếu đuối, đồng thời tuyên xưng quyền năng của thượng đế.  Thái độ của người trưởng thành là lòng biết ơn.  Đức Maria đã lên tiếng ca tụng hồng ân của Chúa ban cho chính bản thân Mẹ và cho dân tộc của Mẹ nữa:Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả … Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người … Chúa độ trì Ít-ra-en tôi tớ của Người(Bài Tìn Mừng Lc 1, 39-55).  Còn thánh Phaolô diễn tả tâm tình đội ơn Chúa: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về những ân huệ Người ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu.  Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện” (Bài Đọc 2. 1Cr 1, 3-9).

Người Việt Nam chúng ta cũng không thua kém gì về tâm tình tạ ơn Trời Đất, Đàn Nam Giao tại Huế là chứng tích lòng tri ân thượng đế của người dân Việt.  Thuở xưa vào mùa xuân các vua triều Nguyễn (bắt đầu với vua Nguyễn Gia Long 1806) nhà vua phải ăn chay 3 ngày trườc khi bước lên tế đàn Nam Giao, tức là đàn tế Trời Đất, vua thay mặt cho toàn dân dâng hương Tạ Ơn và cầu cho quốc thái dân an và cầu mưa thuận gió hòa cho ruộng vườn.  Đàn Nam Giao ngày nay vẫn còn đó như chứng tích lịch sử của lòng biết ơn Trời Đất.  Trong toàn cõi Việt Nam có nhiều Đàn Tế Trời, và đếm đến 98 lần tế đàn long trọng.

Chính Đức Giêsu cũng đã dâng lời đội ơn Cha trên trời, trước mỗi việc làm quan trọng, khi đứng trước nấm mồ Ladarô, trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, lời tạ ơn đã trở thành Kinh Nguyện Tạ Ơn trong thánh lễ.  Thánh lễ là lời kinh tạ ơn long trọng được Chúa Giêsu thiết lập và được truyền thống Giáo Hội lưu giữ và thực hiện mỗi ngày, chúng ta thường gọi là thánh lễ, đó chính là Kinh Nguyện Tạ Ơn.

Tạ Ơn cũng là dịp để Tạ Tội với Thiên Chúa và với anh em.  Một năm qua, nếu chúng ta trung thực với chính mình, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra mình bất toàn trong nhiều lãnh vực, trong giao tế, trong sinh hoạt cộng đoàn, nhất là trong thờ phượng Thiên Chúa, trong đóng góp xây dựng Giáo hội, trong tình yêu thương gia đình.

Một năm đầy biến động qua đi với mùa dịch Côvít 19, lấy đi sinh mạng triệu người trên toàn thế giới, gây ấn tượng lo sợ nơi tâm trí nhân loại, chúng ta còn đứng vững được trên đôi chân là một hồng ân to lớn; xét cho cùng trong các quốc gia gặp khó khăn vì cơn dịch tể nầy, thì Việt Nam, được nhiều may mắn hơn.   Chưa kể đến động đất, sóng thần xảy ra tại Nhật Bản, hay chiến tranh giữa Hamas và Israel, giữa Nga và Ucraina.   Xin chấp tay cảm tạ đội ơn Chúa.  Đi kèm với lời tạ ơn là tâm tình sám hối nhìn nhận khuyết điểm năm qua và cầu xin ơn bình an cho năm mới.

Lạy Chúa một năm qua đi Chúa đã gìn giữ Giáo xứ được bình an, xin gia ân cho chúng con trước thềm năm mới được an lành để sống đạo, thờ phượng Chúa. Amen

 

Louis Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum, giáo xứ Đức An

____________________________

Suy niệm lễ Tất Niên 2:  Lm Tađêô Võ Xuân Sơn

TẠ ƠN LÀ BÀI CA KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

Kính thưa quý ông bà anh chị em rất thân mến, “Có một bài ca không bao giờ quên” là lời của một bài hát và bị người ta nhại lại: có một bài quên không bao giờ ca, đó là bài vô ơn. Đừng bao giờ ca bài vô ơn, mà hãy hát bài biết ơn đối với Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta không muốn quên ơn Chúa ban cho trong năm qua, nên ngày cuối năm và giờ này là thời gian cuối của năm cũ, chúng ta tụ họp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa, bởi như ngạn ngữ pháp có câu: lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim. Tuy nhiên, không thể có một tâm tình biết ơn chân thành nếu không biết mình đã nhận được ơn gì Chúa ban. Vậy, đặt mình trước mặt Chúa, chúng ta cứ trình bày với Chúa định lượng riêng của chúng ta về những ơn Chúa ban.

Chúng ta tạm lấy mốc từ thấp nhất là 1 đến cao nhất là 10 để định lượng ơn Chúa ban cho ta bao nhiêu trong năm qua. Cho thang điểm 9-10, vì trong năm qua Chúa đã ban cho ta một năm tốt lành, thành công trong việc làm ăn, trong sức khỏe để vượt qua mùa dịch bệnh, bình an trong gia đình, có những mối tương quan mới hữu ích. Cho thang điểm 7-8, vì trong năm qua ta được tốt hơn năm ngoái, khá bằng lòng. Cho thang điểm 5-6, vì chẳng có gì đáng chú ý trong năm qua, mọi sự trôi qua đều đặn. Cho thang điểm 3-4, vì trong năm qua không có gì phấn khởi, có đôi lần nằm bệnh viện; công việc không được suôn sẻ như ý muốn, gia đình có đôi lần bất hòa v.v. Cho thang điểm 1-2, vì người thân qua đời do nhiễm vi rút corona hay căn bệnh hiểm nghèo khác, bạn bè phản bội, gia đình bên bờ vực rã tan, nằm bệnh viện nhiều hơn nằm ở nhà v.v. điểm này dễ nảy sinh nơi chúng ta lúc này tâm trạng: Chúa ban ơn nhiều thì cám tạ ơn Chúa nhiều, Chúa ban ơn ít thì cám ơn Chúa ít, thậm chí không một mảy may biết ơn Chúa. Chúng ta đánh giá ơn Chúa ban theo cái nhìn của chúng ta.

Đến đây chúng ta nhớ đến thái độ của mười người phong cùi. Ai cũng được Chúa chữa lành bệnh cả, nhưng có đến chín người không cám ơn Chúa Giêsu. Có lẽ họ đã đánh thang điểm cho ơn Chúa chỉ là 1-2 nên không muốn trở lại cảm tạ ơn Chúa. Thánh Phaolô thì khác. Ngài viết: “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Chúa” (1Cr 15,10). Nhất là, biết ơn Chúa trong hoàn cảnh đầy thử thách là thái độ của người có đức tin. Vấn đề còn lại là chúng ta đã làm gì để sinh lợi những ơn Chúa ban, dù lượng định thang điểm ơn Chúa chỉ là 1-2, bởi “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Chúa”?

Bài Tin Mừng hôm nay mô tả thái độ vô ơn của dân Israel đối với Thiên Chúa và cũng có thể mô tả thực trạng tâm hồn của chúng ta. Đất vườn nho màu mỡ xứng hợp để trồng cây nho, thế mà ông chủ đã hào phóng trồng cây vả vào trong đất trồng nho. Vậy mà cây vả không sinh trái nào, trở nên cây vô tích sự. Phản ứng bình thường là “chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?”, ông chủ có quyền đó. Nhưng Chúa Giêsu kể tiếp: “Xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi xin vun xới chung quanh và bón phân cho nó. May ra sang năm có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (Lc 13.6-9). Câu chuyện Chúa Giêsu kể kết thúc ở đây nhưng lại mở ra cho người nghe cơ hội chạm vào lòng yêu thương đầy nhẫn nại của Thiên Chúa. Ngài luôn hào phóng cho chúng ta cơ hội mới như năm mới sắp đến và vẫn trông đợi cuộc đời chúng ta sinh hoa trái đức tin, bình an, thánh thiện, hoa trái truyền giáo. Ngài vẫn rót tràn trề ân sủng Ngài là lời Chúa, các bí tích và cả một không gian giáo xứ, không gian gia đình rất thuận lợi cho việc sinh hoa trái thiêng liêng. Nói đến đây, không thể nào chúng ta quên lời cảm tạ Thiên Chúa, bởi ơn Ngài không như chúng ta đánh giá cho thang điểm theo tiêu chuẩn của chúng ta, nhưng cho đến lúc này chúng ta phải chân thành cảm tạ ơn Chúa, vì giờ phút này Chúa vẫn cho ta một cơ hội mới.

Vậy, tâm tình tạ ơn Chúa lúc này đòi hỏi chúng ta làm gì cho một năm sắp tới?

  • Thánh Phaolô chỉ dạy ta theo gương ngài: “Ơn Chúa ban cho tôi đã không vô hiệu” (1Cr 15,10). Ước gì đó là quyết tâm của chúng ta trong cơ hội mới Chúa ban hôm nay, đón lấy ơn Chúa ban và làm sinh lợi.

  • Thánh Phaolô còn dạy: “Hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Th 5,16). Tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh là điều đẹp lòng Thiên Chúa và là cách thể hiện đức tin vào Thiên Chúa. Ước gì mọi gia đình hằng ngày tụ họp nhau thờ phượng và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ước gì tạ ơn Chúa là bài ca không bao giờ quên của mọi người và mọi gia đình kitô hữu.

Trong tâm tình tạ ơn chúng ta thân thưa với Chúa:

    Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,

        Những ơn con thấy được,

   Và những ơn con không nhận là ơn.

       Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

   biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên

  Con thường đau khổ

 Vì những gì Cha không ban cho con,

và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

     Tạ ơn Cha

    Vì những gì Cha cương quyết không ban

Bởi lẽ điều đó có hại cho con,

hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

   Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha

  Dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

_______________________

Suy niệm lễ Tất Niên 3: Lm Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

ĐƯỢC TẠ ƠN CHÚA LÀ MỘT HỒNG ÂN

Biết ơn là một hành vi hết sức nhân văn của con người ở mọi thời và mọi nơi. Ai càng biết ơn nhiều bao nhiêu, người đó càng trở nên người hơn bấy nhiêu. Vì thế, khi ta nhận được một ân huệ nào đó của ai, ta thường nói lời cám ơn. Người không biết cám ơn là người sống chưa trưởng thành đủ.

Chiều tối hôm nay, chúng ta quy tụ nhau tại nơi đây để cử hành thánh lễ tất niên. Gọi là tất niên, vì đây là thời điểm kết thúc 365 ngày của năm cũ. Nhìn lại, trong suốt một năm qua, chúng ta lãnh nhận biết bao ơn lành đến từ Chúa. Vì thế, thái độ tạ ơn là điều rất chính đáng và phải đạo để dâng lên cho Chúa trong thánh lễ hôm nay.

Kinh Thánh dạy cho con người biết phải tạ ơn

Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy đây đó, rất nhiều chỗ nói về thái độ biết ơn cần phải có của con người đối với Thiên Chúa.

Chẳng hạn như trong Thánh Vịnh, chúng ta bắt gặp câu: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 136); hay: “Lạy Chúa, xin dâng lời cảm tạ, vì Ngài đã nghe lời miệng con xin” (x. Tv 138); và “Hãy dâng Chúa bài ca cảm tạ, gảy khúc hạc cầm mừng Thiên Chúa chúng ta” (Tv 147).

Tâm tình tạ ơn chúng ta còn tìm thấy ngay trong bài đọc I hôm nay. Tiên tri Isaia đã nhắc lại cho dân về những ân tình mà Thiên Chúa đã vì yêu thương mà ban tặng cho con người, ngài nói:

“Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Itraen, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Is 63, 7).

Sang bài đọc II, thánh Phaolô cũng nhắc cho dân về tình yêu và lượng hải hà mà Thiên Chúa ban nơi Đức Giêsu. Hơn nữa, chính thánh nhân là người đã cất cao lời tạ ơn Chúa thay cho con cái của mình: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu”. Đây là hành động nêu gương cho cộng đoàn của ngài về thái độ biết ơn Chúa (x. 1 Cr 1,3-9). Thánh nhân còn mời gọi: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” vì “đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18).

Đỉnh cao của thái độ tạ ơn chính là ơn cứu chuộc. Tâm tình này đã được Giáo Hội đưa vào Kinh tiền tụng IV như sau: “Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”.

Tuy nhiên, muốn tạ ơn cho xứng đáng, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thái độ tạ ơn của Mẹ Maria và của chúng ta

Khi ý thức được thân phận tôi hèn nơi mình, nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương và trao ban một ân huệ lớn lao là được trở thành Mẹ Thiên Chúa ngang qua việc cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu. Ngay lập tức, mẹ đã coi đây là ân huệ lớn lao không chỉ cho riêng Mẹ, nhưng cho toàn thể nhân loại qua muôn ngàn thế hệ, vì thế, Mẹ đã cất lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Lời tạ ơn này phải là lời tạ ơn kiểu mẫu cho hết mọi người ở mọi nơi.

Thế nên, ngay lúc này, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria để: Tạ ơn Chúa vì hồng ân sự sống, hồng ân Đức Tin; tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã làm nơi mình và tha nhân; Tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu giúp, bênh đỡ ta khỏi muôn điều ác hại.

Như vậy, hành vi tạ ơn của chúng ta không chỉ dừng lại nơi thánh lễ hôm nay, mà nó phải kéo dài trong suốt cuộc đời của mình. Nó cũng không dừng lại ở khía cánh nhất thời, nhưng phải liên lỷ; nó không chỉ dược cất lên lúc thuận buồm xuôi gió, lúc ăn nên làm ra, lúc thoát khỏi bệnh tật hiểm nguy…mà là trong mọi hoàn cảnh.

Vì thế, tâm tình tạ ơn không có tính thời vụ theo kiểu buôn bán, cũng chẳng phải lâm thời theo kiểu nay người mai ta, nhưng tâm tình tạ ơn phải như nhịp đạp con tim, hơi thở linh hồn…

Khi tạ ơn như thế, chúng ta dễ nhận ra ơn lành của Thiên Chúa trên cuộc đời, và hơn nữa, luôn được bàn tay của Thiên Chúa phù trợ trở che.

Trong giờ phút linh thiêng huyền nhiệm này, chúng ta hãy thành khẩn xin lỗi Chúa vì biết bao lần chúng ta để cho thái độ vô ơn ngự trị trong tâm hồn. Đã biết bao lần chúng ta bị ảnh hưởng và đi đến những tuyên bố trắng trợn rằng: những gì tôi có là do công khó của tôi, do tự nhiên có, chứ đâu có bàn tay can thiệp gì của Thiên Chúa.

Xin Chúa tha thứ những tội lỗi ấy cho chúng ta. Và giờ đây, chúng ta hãy cùng với chính hy tế của Đức Giêsu trên bàn thờ để dâng lên Thiên Chúa trong tâm tình tạ ơn, để Ngài ban nhiều ơn lành cho chúng ta.

Đây chính là tâm tình và sứ điệp của Lời Kinh tạ ơn Magnificat mà Đức Trinh Nữ Maria đã cất lên trong bài Tin Mừng chúng ta vừa đón nghe. Amen.

Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)

________________________

Suy niệm lễ Giao Thừa 1: Lm Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

HÃY THỰC HÀNH BÁT PHÚC ĐỂ TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN

Lẽ đất trời có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Và đây là giây phút thiêng liêng và tuyệt đẹp, trời đất giao hòa, âm dương đan dệt vào nhau, mỗi người đều cảm thấy như có một cái gì đó thôi thúc, nhưng cũng có một cái gì đó níu kéo lòng ta, chúng ta đang ở vào thời khắc cũ giao lại, mới đón lấy, năm cũ sang năm mới.

Trong giờ phút huyền nhiệm này, mở ra những ngày mới, giúp con người hy vọng, cậy trông và tín thác vào Đấng tác tạo cả đất trời. Đấng ấy là Cứu Chúa của chúng ta. Việc chúng ta phải làm trước tiên không gì thích hợp bằng là hướng tâm hồn lên Chúa là nguồn mạch mọi ơn phúc, để xin Ngài giáng phúc thi ân cho mọi người, mọi nhà, hầu tất cả được sống bình an và yêu thương trong sự quan phòng của Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót và thứ tha.

Lời Thánh vịnh 133, 3 mới đẹp làm sao: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion” (Tv 133, 3). Lời nguyện dưới đây lôi kéo chúng ta về với Chúa, Đấng là Alpha và Ômêga, là Nguyên thủy và là Cùng đích: “Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh danh thánh” (Lời Ca nhập lễ).

Lời Môsê ngỏ với Aaron và các con ông Aaron như sợi dây lôi kéo phúc lành và bình an của Chúa xuống cho dân: “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Chúa và Chúa sẽ chúc lành cho chúng (Ds 6n 22,27). Tác giả Thánh Vịnh nói cho chúng ta biết lý do tại sao phải hướng lòng lên Chúa và van xin Ngài: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 120, 1-2). Nếu như khi xưa thánh Phaolô đã khuyên tín hữu Thêxalônica, nay ngài cũng khuyên chúng ta: “Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,16).

Trước thềm năm mới, mỗi người chúng ta đều mang trong mình những những tâm tư và ước muốn. Ưu tư nhìn lại quá khứ, hy vọng hướng tới tương lại. Vậy giờ đây chúng ta có những tâm tình nào, ước muốn gì, chờ đời gì và nhất là nói gì với Chúa? Chắc chắn một điều là ai cũng xin Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, rộng ban cho một năm mới phúc lộc dồi dào, và lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa.

Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau đó là chúc được bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn, mà người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.

Về phía Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, nên Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Ngài vui khi nhìn thấy chúng ta mạnh khoẻ, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cha mẹ nào mà không vui khi thấy con cái mình lớn lên, khôn ngoan, khoẻ mạnh? Huống chi là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, không để chúng ta hư không đời, mà lại sinh ra ta cho ta được làm người… lại cho Ngôi Hai Xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát ta khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời. Lời Chúa trong Thánh lễ Giao thừa minh chứng rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc (x. Mt 5, 1-10).

Cứ vào giây phút linh thiêng Giao thừa năm cũ chuyển giao sang năm mới, chúng ta lại có dịp nghe đọc đoạn Tin Mừng nổi tiếng của thánh Matthêu, đầy ấn tượng và hết sức ngạc nhiên, là Bài Giảng Trên Núi hay còn gọi là Bát Phúc mà Chúa Giêsu đã công bố núi (x. 5, 1-12).

Bước sang năm mới, ai cũng mong ước những điều tốt đẹp mới từ con người đến cả tâm tư, để sống vui và hạnh phúc. Thì đây, với đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu cung cấp chúng ta một mô hình sống nếu làm theo thì sẽ trở thành những người thực sự hạnh phúc.

Phải nói thật rằng, hạnh phúc chắc chắn là mục tiêu tất cả chúng ta tìm kiếm trong cuộc sống. Nếu hỏi người khác xem họ kiếm tìm hạnh phúc cho mình như thế nào, chắc sẽ có những câu trả lời rất khác nhau. Có người cho rằng, hạnh phúc ở trong gia đình, người khác cho rằng ở sức khỏe, nghề nghiệp, nhưng người khác lại tìm kiếm hạnh phúc nơi bạn bè, vui chơi và giải trí… người tiêu sài lại tìm kiếm hạnh phúc trong việc mua bán.

Tám Mối Phúc mà Chúa Giêsu trình bày, xem ra không giống với quan niệm về hạnh phúc của con người hôm nay. Cụ thể như: Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10).

Sứ điệp của Chúa Giêsu dành cho những ai muốn sống khiêm nhường, khao khát công chính, quan tâm đến tha nhân. Chúa Giêsu nói rõ cho chúng ta về mối phúc cuối cùng: “Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 10). Thánh Basil nói rằng “hạnh phúc không phải do ước muốn, giầu có, quyền lực mang lại cho con người. Những thứ đó không làm cho chúng ta hạnh phúc”.

Thiên Chúa là nguồn mọi ơn phúc, và chỉ một mình Chúa Giêsu là Ðấng có phúc tuyệt hảo, Ngài cũng muốn chúng ta có được hạnh phúc đích thật nên đã vạch ra cho chúng ta con đường Tám Mối Phúc Thật để tất cả chúng ta đi theo mà trở thành phúc nhân.

Trước thềm năm mới, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, là ‘Đấng đầy ơn phúc’, giúp con cái Mẹ trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)

________________________

Suy niệm lễ Giao Thừa 2: Lm Giuse Nguyễn Văn Hữu

PHÚC LỘC VÀ BÌNH AN CỦA CHÚA

Trong giây phút ‘giao thừa’ linh thiêng, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chúng ta quy tụ trước tôn nhan Chúa, khẩn xin phúc lành của Người và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp, mọi sự may mắn thành công.

Các bài đọc lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay cũng mang đến cho chúng ta những lời cầu chúc phúc lộc, bình an:

1. Sách Dân số: “Nguyện xin Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!

2. Thư thứ nhất gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca của thánh Phaolô: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạnh bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm.”

3. Tin mừng thánh Mathêu, Chúa Giêsu chúc phúc:

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

Phúc thay ai hiền lành,

Phúc thay ai sầu khổ,

Phúc thay ai khao khát nên người công chính,

Phúc thay ai thương xót người,

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,

Phúc thay ai xây dựng hoà bình,

Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính.

4. Khi đọc và suy ngẫm những phúc lộc mà lời Chúa cầu chúc cho chúng ta hôm nay, chúng ta được Chúa mời gọi hãy sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh.

Người lạc quan là người đặt cược những phúc lộc và bình an của mình và thế giới này dưới sự bảo trợ của Thiên Chúa là Cha toàn năng (x. Ds 6,27).

Người lạc quan là người không bao giờ dập tắt Thần Khí và luôn cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì theo đuổi, còn điều nào xấu thì loại bỏ (x. 1Tx 5,19-22).

Người lạc quan là người cầu nguyện không ngừng và tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh (x. 1Tx 5,17-18).

Người lạc quan là người mau chóng hãy thắp lên ngọn lửa ấm nồng, nhất là ngọn lửa tình thương giữa trời đông tiết giá, chứ không ngồi co ro kêu lạnh.

Người lạc quan là người can đảm và nhẫn nại để vượt qua những thử thách, khổ đau và bất hạnh, chứ không ngồi đó mà kể khổ, phàn nàn, kêu ca.

Người lạc quan là người tích cực trồng hoa trên những nẻo đường cuộc sống đầy hoang vu cỏ dại, chứ không thụ động ù lì mong tìm hoa thơm cỏ lạ.

Người lạc quan là người mau mắn thắp sáng niềm tin yêu và hy vọng giữa đêm đen mịt mù, chứ không ngồi một chỗ mà nguyền rủa bóng tối.

Tóm lại: Người lạc quan là người thấy ‘phúc trong hoạ’, tìm ‘ngọt trong sầu than’, vui ‘xuân trên đông tàn’. Người sống lạc quan như thế là người tạo lập hạnh phúc cho mình và cho người khác ở đời này và cả ở đời sau.

Chúa Giêsu đã sống đầy đủ các mối phúc trong cuộc đời của mình, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào Người vẫn lạc quan tin tưởng vào tình yêu của Chúa Cha và hành động theo sự hướng dẫn của Thần Khí.

Các mối phúc đã hoạ lại dung mạo đích thực của Chúa Giêsu. Các thánh là những người đã sống theo tinh thần của Chúa cách triệt để. Ngày hôm nay, các ngài đang được vui hưởng hạnh phúc đích thực và viên mãn trong Nước Trời.

Cầu chúc cho mỗi người chúng ta trong năm mới này luôn sống lạc quan, vui tươi, bình an và hạnh phúc trong tình thương và quan phòng của Thiên Chúa là Cha Đức Giê su Ki tô, Chúa chúng ta. Amen

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)

WGPKT(08/02/2024) KONTUM