14.09.2024 – Lễ Suy Tôn Thánh Giá – Nhờ Con Của Người

Bài đọc 1: Ds 21,4b-9 

Ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.

Bài trích sách Dân số.

4b Trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn. 5 Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê rằng : “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống ? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.”

6 Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết. 7 Dân đến nói với ông Mô-sê : “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi.” Ông Mô-sê khẩn cầu cho dân. 8 Đức Chúa liền nói với ông : “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” 9 Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.

Đáp ca: Tv 77,1-2.34-35.36-37.38 (Đ. x. c.7b)

Đ.Anh em đừng lãng quên những việc Thiên Chúa làm.

1Dân tôi hỡi, này nghe tôi dạy bảo,
lắng tai đón nhận lời lẽ miệng tôi.2Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ,
công bố điều huyền bí thuở xa xưa.

Đ.Anh em đừng lãng quên những việc Thiên Chúa làm.

34Khi Chúa giết họ, họ mới đi tìm Chúa,
mới trở lại và mau mắn kiếm Người,35mới nhớ rằng : Thiên Chúa là núi đá họ ẩn thân,
Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cứu chuộc họ.

Đ.Anh em đừng lãng quên những việc Thiên Chúa làm.

36Miệng họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người ;37còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó,
chẳng trung thành giữ giao ước của Người.

Đ.Anh em đừng lãng quên những việc Thiên Chúa làm.

38Nhưng Người vẫn xót thương, thứ tha không tiêu diệt,
nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí.

Đ.Anh em đừng lãng quên những việc Thiên Chúa làm.

Tung hô Tin Mừng:
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Muôn lạy Chúa Ki-tô,

chúng con tôn thờ và chúc tụng Chúa,

đã dùng cây thập giá

mà cứu chuộc trần gian. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Ga 3,13-17

Con Người sẽ phải được giương cao.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

______________________________

Suy niệm 1: TGM Giuse Nguyễn Năng

Sứ điệp: Thập giá là biểu tượng của thất bại và sự chết. Nhưng khi được giương cao trên thập giá, Chúa Giêsu đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới: Thập giá trở thành vinh quang của Thiên Chúa và ban ơn cứu độ cho loài người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhìn lên thập giá Chúa, con hiểu được phần nào tình Chúa yêu con. Vì tình yêu mà Chúa chấp nhận khổ hình thập giá: Thập giá đồng nghĩa với tình yêu, đường tình yêu cũng là đường thánh giá.

Lạy Chúa, thập giá đời con có thể là những giờ phút tâm hồn khô khan chán chường. Thập giá đời con có thể là bổn phận nặng nề vất vả. Thập giá đời con có thể là sức khỏe suy nhược, công việc thất bại. Thập giá đời con có thể là những người trong cùng một mái gia đình: vợ, chồng, cha mẹ, con cái trở thành gánh nặng cho nhau. Thập giá là đau khổ muôn hình vạn trạng.

Lạy Chúa, con không chối từ những thập giá ấy, nhưng vui lòng chấp nhận, vì con tin rằng: con đường thập giá không phải là đường cùng, nhưng hướng mở tới một chân trời mới. Thập giá nặng nề và vướng mắc chông gai, nhưng thập giá luôn loan báo một cuộc đổi mới. Chúa đã dẫn con đến sự sống, nhưng bắt đầu khởi hành từ thập giá. Xin Chúa gắn chặt thập giá đời con vào thánh giá Chúa, để con biết yêu mến thánh giá Chúa trong đời thường. Xin Chúa giúp con luôn tin tưởng nơi thánh giá Chúa, và xin giúp con can đảm nhận lấy những thánh giá trong cuộc đời. Xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu nhiều hơn nữa để con đủ sức vác thánh giá đến cuối đường con đã chọn, vì thánh giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu, hy vọng và sự sống. Amen.

Ghi nhớ: “Con Người phải bị treo lên”.

(Nguồn: tgpsaigon.net)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

PHẢI ĐƯỢC GIƯƠNG CAO

Suy niệm:

Nhiều người ngoài Kitô giáo cảm thấy sợ

khi vào nhà thờ, nhìn lên thánh giá,

thấy một người bị đóng đinh, máu chảy đầm đìa.

Tại sao lại thờ một người khủng khiếp như vậy?

Một số nơi đã đặt tượng Chúa Phục Sinh trên thánh giá.

Hẳn nhà thờ sẽ tươi hơn, ít gây sốc hơn,

mầu nhiệm phục sinh được nổi bật hơn…

Nhưng chúng ta vẫn không được quên Chúa chịu đóng đinh.

Không có cái chết ấy thì cũng chẳng có ơn cứu độ.

Không có thánh giá thì cũng chẳng có phục sinh.

Khi suy tôn thánh giá,

chúng ta không suy tôn hai thanh gỗ xếp hình chữ thập.

Chúng ta suy tôn chính Ðấng đi đóng đinh vào thánh giá.

Ngài là Ðấng vô tội, là Con Thiên Chúa làm người,

là “Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).

Chúng ta cũng không suy tôn đau khổ và cái chết,

nhưng chúng ta suy tôn Tình Yêu:

Tình Yêu của Cha dám trao cho thế gian người Con Một,

Tình Yêu của Con dám sống hết mình cho Cha và anh em.

Ðau khổ và cái chết

là cái giá phải trả cho một tình yêu.

Tình yêu lớn nhất là tình yêu hiến mạng.

Thập giá là một thất bại của Tình Yêu.

Quà tặng của Cha bị loài người từ khước:

Người Con yêu dấu bị làm nhục và đóng đinh.

Quà tặng của Con bị loài người rẻ rúng:

Con chẳng đáng giá bằng tên sát nhân Baraba.

Thiên Chúa thất bại vì Ngài khiêm tốn.

Ngài để cho con người có tự do chối từ.

Ngài đau đớn lặng thinh khi Con Ngài hấp hối…

Nhưng thập giá lại là một thành công của Tình Yêu.

Nơi thập giá, tội ác con người lên đến cao điểm.

Cũng nơi thập giá, Tình Yêu Thiên Chúa lên đến tột cùng.

Và Tình Yêu đã thắng tội ác, sự sống thắng sự chết,

ánh sáng thắng bóng tối, tha thứ thắng hận thù.

Cha không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá,

nhưng đưa Ngài ra khỏi nấm mồ hiu quạnh.

Thất bại của thập giá đã biến thành chiến thắng.

Thập giá trở thành Thánh Giá đem lại sự sống đời đời.

Thánh Giá đã trở nên biểu tượng của Kitô giáo.

Thánh Giá có mặt cả trên nến phục sinh.

Thánh Giá ở trên thân xác ta, mỗi lần ta làm dấu,

nhưng Thánh Giá còn ở với người Kitô hữu suốt đời:

“Ai muốn theo Tôi hãy vác thánh giá mình mà theo Tôi”.

Ðừng sợ hãi tránh né dù đau đớn xót xa.

Ðừng kéo lê, bạn sẽ thấy thánh giá nhẹ hơn và sinh trái.

Hãy hôn kính Thánh Giá của mình, của quê hương, của Giáo Hội,

dù chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được mầu nhiệm.

Ước gì chúng ta thấy được ý nghĩa của khổ đau

nhờ tin tưởng nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,

đó là ơn nhận ra Thánh Giá của Con Cha

trong mọi nỗi khổ đau của đời con,

và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh Giá,

bao lâu tuỳ ý Cha định liệu.

Xin đừng để con trở nên chua chát

nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ

với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ

và lòng khát khao nóng bỏng

có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ

của những người đã yêu mến Cha,

đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,

tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con

nói lên lòng tin của con

vào những lời hứa của Cha,

lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,

và lòng mến mà con dành cho Cha.

Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,

và yêu Cha chỉ vì Cha,

chứ không mong phần thưởng.

Ước gì Thánh Giá trở nên mẫu gương cho con,

là ánh sáng cho đêm tăm tối,

nhờ đó con không còn coi khổ đau

như một tai họa hay một điều vô lý,

nhưng như một dấu chỉ cho thấy

con đang thuộc về Cha mãi mãi. Amen.

(Karl Rahner)

(WHD)

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

SUY TÔN THÁNH GIÁ

Thánh giá là biểu tượng cao quý và được tôn trọng nhất trong thế giới Kitô giáo, đến nỗi không có cơ sở tôn giáo nào trong Giáo hội mà không được ghi dấu Thánh giá.  Thánh giá không những là biểu tượng mà còn là dấu chỉ tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa cứu độ.  Thánh giá khởi đầu mọi lời cầu nguyện, mọi việc làm dù lớn nhỏ, riêng tư hay cộng đồng. Tuy nhiên Thánh giá vừa là biểu tượng của đau khổ và sự chết vừa là biểu tượng vinh quang của Chúa Kitô: “Vinh quang của ta là Thánh giá Đức Kitô, nơi Người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta”.

Có sự mâu thuẫn lớn gói trọn nơi mầu nhiệm Thập giá và biết nói sao cho hết ý nghĩa thâm sâu mầu nhiệm cứu chuộc nầy.  Cho nên Giáo hội cho chúng ta mừng mầu nhiệm Chúa hiển dung vào ngày 6 tháng 8, tức 40 ngày trước lễ Suy tôn thánh giá, như sự nâng đỡ đức tin để khỏi thất vọng trước cái chết, đó còn là lời khẳng định chiến thắng chung cuộc của Chúa Kitô giáo, áo Người hôm đó chói lọi chính là ánh sáng phục sinh.

Con người trên dương gian được so sánh với dân Ít-ra-en hành trình trong hoang địa, họ chưa hiểu hết ý nghĩa đau khổ là sự thanh luyện và giáo dục, nên đã than van kêu khóc oán trách Thiên Chúa, rắn lửa xuất hiện cắn chết họ, họ quay trở lại với Thiên Chúa và Người đã cứu họ: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột.  Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Bài Đọc 1. Ds 21, 4b-9).  Chắc chắn con rắn đồng không có sức ma thuật để cứu chữa họ, nhưng lòng tin vào Thiên Chúa đã cứu sống họ.  Biểu tượng con rắn đồng trong Cựu ước là hình bóng cứu độ, mà ngàn năm sau được thể hiện trên thập giá bởi Đức Giêsu Con Thiên Chúa.

Thiên Chúa toàn năng đã có thể dùng một hình thức cứu độ khác dễ hơn, việc nầy không nằm ngoài tầm tay của Thiên Chúa, nhưng Người đã dùng con đường đau khổ và cái chết để nói lên quyền năng và lòng thương xót vô biên của Người.  Đây là mầu nhiệm sâu thẳm, đến nỗi trong thánh lễ, sau lời truyền phép, chủ tế chỉ biết giới thiệu: “Đây là mầu nhiệm đức tin”, rồi cúi sâu mình thờ lạy. Ý muốn nói là ngôn ngữ trần gian không đủ để diễn tả ý nghĩa cái chết thập giá được cử hành cách bí tích trên bàn thờ, mà việc cử hành nầy có hiệu nănglà hiện tại hóa và hồi niệm việc Chúa chết trên đồi Can-vê xưa.

Đức Giêsu đã lấy độc để trị độc, cái độc Dữ đó chính là Thần Chết mà nhân loại không một ai có thể thoát khỏi cái chết ngoại trừ một mình Đức Giêsu mà thôi.  Đức Giêsu đã tự nguyện mang lấy cái chết trên thân xác mình và đã chiến thắng tử thần, Người đã chết để cứu chuộc con người khỏi cái chết.  Đây là mầu nhiệm tự hủy được thánh Phaolô hết lời ca tụng Đức Giêsu qua thư Phi-líp-phê:

Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúađã hoàn toàn trút bỏ vinh quang … sống như người trần thế … hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập tự.  Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban cho Người danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu …Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Bài Đọc 2. Pl 2, 6-11).  Thập giá Chúa được tôn thờ từ khởi thủyKitô giáo và được các tông đồ đem trồng khắp nơi trên địa cầuqua muôn vàn thế hệ, nơi nào có thừa sai Kitô giáo đặt chân đến là nơi đó được ghi dấu thánh giá, như dấu chỉ chúc phúc và cứu độ.  Điều nầy được Chúa Giêsu khẳng định: “Như ông Mô-sê đã giương con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Bài Tin mừng. Ga 3, 13-17).

Người Kitô hữu không phải là kẻ bệnh hoạn thích tìm đau khổ cho chính mình hay cho tha nhân.  Khi suy tôn thập giá của Chúa Giêsu, người Kitô hữu suy tôn tình thương cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại.  Tuy nhiên tình thương đi trên con đường đau khổ và đồng nhất với nó, gây nên hiểu lầm rằngngười Kitô hữu yêu mến sự Dữ.  Suy cho cùng đau khổ luôn là sự Dữ, mà sự Dữ không có giá trị tích cực, có chăng là giá trị đạo đức,nghĩa là đau khổ chỉ có giá trị khi con người biết hiệp thông đau khổ mình chịu với đau khổ của Chúa Giêsu trên Thập giá.

Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Chúa vì Chúa đã dùng thập giá mà cứu độ nhân loại, xin cho con nói được như khẩu hiệu giám mục Kontum Phaolô Kim: “xin hãy làm cho tôi say mê Thánh giá Chúa”. Amen

Louis Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum, chính xứ Đức An Pleiku

WGPKT(13/09/2024) KONTUM