14.9.2022 – Thứ Tư XXIV Thường Niên. Suy Tôn Thánh Giá

Suy Tôn Thánh Giá. Lễ kính

BÀI ĐỌC I: Ds 21, 4-9

“Kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”.

Trích sách Dân số.

Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Ai-cập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”. Bởi đó Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”.

Môsê cầu nguyện cho dân. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.

Đó là lời Chúa.  .

BÀI ĐỌC II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.

Anh em thân mến, Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Đó là lời Chúa.

LỜI CHÚA: Ga 3, 13-17

“Con Người phải bị treo lên”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

“Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

Đó là lời Chúa.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKPV

Suy niệm:                         Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

 

VINH QUANG THẬP GIÁ

 

Thánh Giá được ghi trên trán người Kitô hữu khi chịu phép rửa tội, được kêu cầu vào khởi đầu buổi cầu nguyện, Thánh giá được treo trong cung thánh các nhà thờ, đặc biệt được khắc trên cây nến Phục Sinh, với 5 hột hương nhắc lại  các vết thương của Đức Giêsu, nến thường được đặt nơi cung thánh mùa Phục Sinh, được trưng bày trong lễ Rửa tội và lễ An táng.  Tự nó, cây nến phục sinh mang ý nghĩa biểu tượng tuyên dương Đức Giêsu Kitô sống lại, là ánh sáng thế gian, là niềm hy vọng sống lại của mọi người tín hữu Kitô.

Đêm canh thức Phục sinh nhắc nhớ biến cố vượt qua và được cử hành một cách rất trọng thể.  Trên cây nến phục sinh ghi niên hiệu, xác định Đức Giêsu Kitô phục sinh là An-pha và Ô-mê-ga (là 2 mẫu tự Hy-lạp đầu tiên và cuối cùng), Người là chìa khóa của lịch sử nhân lọai và là  ánh sáng cho mọi dân tộc. Ngưới chính là Đấng bị đóng đinh thập giá vào chiều ngày Thứ Sáu Thánh và đã sống lại vào sáng sớm ngày Chúa nhật Phục sinh sự việc cho thấy có sự đan quyện giữa vâng lời Cha và yêu thương anh em cho đến chết, thể hiện một tình yêu vô bờ bến.  Điều này làm cho con đường thập giá trở nên con đường cứu độ.  Tình yêu bước đi trên con đường khổ nạn.  Mầu nhiệm thập giá khó hiểu, các nhà đạo đức thường nói thế.

Khổ nhục thập giá và vinh quang phục sinh hòa lẫn với nhau.  Chúng ta không ngạc nhiên về hai thực tại thập giá và vinh quang như loại trừ nhau, lại được liên kết, đan quyện vào nhau hay sao ? 

Tin Mừng theo thánh Gioan làm chúng ta liên tưởng đến các biểu tượng của một lễ đăng quang huyền bí của Đức Giêsu: đăng quang ngày tử nạn, lên ngai vàng khi bước lên thập giá; đầu đội vương miện bằng vòng gai nhọn và tay cầm vương trượng là cây sậy!  Vương vị là bản án tử hình theo luật Rôma được đóng vào đầu cây thập giá INRI (Giêsu Nadarét Vua Do thái).  Sự việc xảy ra trên đồi Can-vê công khai trước mặt mọi người, có chính quyền và binh sĩ, có giáo quyền và tín đồ Do thái tham dự,  tử tội bị giết chết theo án lệnh của chính quyền Rôma đóng đinh thập giá.

Nhưng điều làm cho cái chết ô nhục trở nên huyền nhiệm, là Đức Giêsu dùng chính cái chết của mình mang lại ơn cứu độ cho muôn dân.  Thập giá trở thành nguyên nhân và là dấu chỉ chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, đem lại sự sống và chiến thắng sự chết.  Từ nay A-đam mới thế chân A-đam cũ và Cây thập giá đồi Can-vê thế chân cây biết lành biết dữ nơi địa đàng.  Ân sủng thế chân án phạt.  Biến cố tử nạn khai trương một thế giới mới, một nhân loại được cứu độ.

Cuộc chiến thắng nầy được tiên báo từ thời Môsê lang thang trong sa mạc, khi dân chúng bất trung phản loạn bị rắn lửa bò ra cắn chết.  Nhờ lời cầu xin và sự can thiệp của Môsê, theo lệnh của Thiên Chúa, một con rắn được đúc bằng đồng, treo cao lên trong sa mạc để những ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên con rắn đồng liền  được chữa lành (x. Bài Đọc 1. Ds 21, 4b-9). 

Không phải con rắn đồng làm phép mầu hay có sức ma thuật gì đâu.  Nhưng ngước nhìn con rắn đồng là biểu tượng cho lòng tin tuyệt đối đặt vào Thiên Chúa của sự sống và sự tha thứ.  Chính Đức Giêsu lấy dấu chỉ con rắn đồng áp dụng cho chính mình : “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (x. Bài Tin Mừng Ga 3, 13-17).  Dự ngôn nầy ám chỉ việc Đức Giêsu bị giết trên núi Sọ và được giương cao khỏi mặt đất cho mọi người trông thấy mà kêu khấn.  Ai tin thì được ơn cứu độ.

Lý do cái chết được bài Tin Mừng nói rõ : Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người.  Tình yêu đã làm thay đổi tất cả ý nghĩa của bản án thập giá.  Tình yêu đi trên con đường sự chết làm phát sinh nguồn ơn cứu chuộc.  Cho nên thập giá vừa mang ý nghĩa thất bại vừa mang ý nghĩa chiến thắng.  Thập giá và vinh quang phục sinh được ghi dấu trong suốt cuộc đời của người Kitô hữu, đến nỗi thánh Phaolô nói: vinh quang của ta là Thánh giá Chúa Kitô, nơi Người ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, và  sự phục sinh của ta.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Thập giá con thờ lạy Chúa, xin cho con biết chấp nhận con đường thập giá của chính mình, biết chấp nhận quy luật hạt lúa gieo vào lòng đất, mục nát đi để trổ sinh hoa trái theo gương của Chúa Kitô. Amen

WGPKT(11/09/2022) KONTUM