Anh em sẽ là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.
Bài trích sách Đệ nhị luật.
16 Ông Mô-sê nói với dân rằng : “Hôm nay, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, truyền cho anh em đem ra thực hành các thánh chỉ và quyết định này. Anh em phải hết lòng hết dạ tuân giữ và đem ra thực hành các điều ấy.
17 “Hôm nay, anh em đã làm cho Đức Chúa tuyên bố rằng Người sẽ là Thiên Chúa của anh em, rằng anh em phải đi theo đường lối của Người, giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh, quyết định của Người, và nghe tiếng Người. 18 Hôm nay, Đức Chúa đã khiến anh em tuyên bố rằng anh em sẽ là dân thuộc quyền sở hữu của Người như Người đã phán với anh em, và rằng anh em sẽ giữ mọi mệnh lệnh của Người, 19 rằng Người sẽ cho anh em vượt mọi dân tộc Người đã tạo dựng, xét về vinh dự, danh tiếng và vinh quang, rằng anh em sẽ là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, như Người đã phán.”
Đ.Hạnh phúc thay
người noi theo luật pháp Chúa Trời.
1Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời.2Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.
Đ.Hạnh phúc thay
người noi theo luật pháp Chúa Trời.
4Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh,
truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.5Ước mong sao con hằng vững bước
theo thánh chỉ Ngài ban.
Đ.Hạnh phúc thay
người noi theo luật pháp Chúa Trời.
7Con thành tâm dâng lời cảm tạ
vì được biết những quyết định công minh.8Thánh chỉ Ngài, con xin tuân giữ,
xin Ngài đừng nỡ bỏ rơi con.
Đ.Hạnh phúc thay
người noi theo luật pháp Chúa Trời.
Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.

Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
___________________
Suy niệm 1: TGM Giuse Nguyễn Năng
Sứ điệp: Tình yêu thương đích thực không được đóng khung trong gia đình, họ hàng bạn hữu thân thuộc, nhưng cần phải được mở rộng tới hết mọi người, kể cả thù địch làm hại ta. Đó là giáo lý mới của Chúa Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang dẫn con đến đỉnh cao đời sống Kitô giáo trong tình bác ái yêu thương. Chúa Cha trở thành mẫu mực duy nhất cho loài người chúng con: Ngài luôn quảng đại ban ơn một cách “phung phí”. Con cảm tạ hồng ân Chúa, vì con không bao giờ xứng đáng với ơn lành Chúa ban. Dù con bất xứng yếu hèn và tràn đầy khuyết điểm…, nhưng Chúa vẫn một lòng yêu thương.
Chúa mời gọi con vươn mình tới nguồn thánh thiện của Chúa. Chúa muốn con nên hoàn thiện bằng cách thoát ra khỏi chính mình, vượt ra ngoài tình thương mến hạn hẹp trong gia đình, họ hàng thân thuộc, bạn hữu, để đi đến với tất cả mọi người, để tôn trọng, quý mến và yêu thương họ.
Nhưng Chúa ơi, yêu mến những người thân là dĩ nhiên, nhưng yêu mến những người con không ưa thật là khó! Và quý mến những kẻ làm hại con là một hy sinh quá lớn lao. Xin Chúa giúp con nhận ra rằng Chúa vẫn yêu thương họ và Chúa muốn con cũng thực hiện điều ấy. Xin cho con một trái tim quảng đại, biết hướng mở tới mọi người. Xin cho con biết mở tung cánh cửa tâm hồn để sẵn sàng đón nhận tất cả mọi người. Nhờ đó hằng ngày con vui sướng đọc lời kinh Chúa dạy với đầy đủ ý nghĩa: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
Ghi nhớ: “Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời”.
(Nguồn: tgpsaigon.net)
______________________
Suy niệm 2: Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
YÊU KẺ THÙ
Suy niệm:
“Tại sao anh lại bắn tôi khi cả hai chúng ta đều tin
vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất.”
Đó là một câu trong lá thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô định gửi
cho anh Ali Agca, người đã ám sát ngài vào ngày 13-5-1981 tại Rôma.
Nhưng ngài đã đích thân thăm anh trong tù năm 1983, và đã tha thứ cho anh.
Vào Đại Năm Thánh 2000, ngài đã xin Tổng Thống Ý cho anh được ân xá.
Điều đáng nói là anh đã chẳng bao giờ công khai xin ngài tha lỗi.
“Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (c.43).
Thật ra Luật Môsê không dạy ghét kẻ thù,
nhưng ghét kẻ thù của Thiên Chúa là chuyện có trong các thánh vịnh.
“Lạy Chúa kẻ ghét Ngài làm sao con không ghét?…
Con ghét chúng, ghét cay ghét đắng,
chúng trở thành thù địch của chính con” (Tv 139, 21-22).
Đức Giêsu dạy các môn đệ yêu kẻ thù (c. 44),
Nhưng vào sau năm 70, kẻ thù của các môn đệ là ai?
Là quân xâm lược Rôma, là thế giới dân ngoại đang bắt đạo (Mt 10, 22).
Là những người đồng hương thuộc hội đường đang ngược đãi các Kitô hữu.
Là những ai không phải là anh em, nghĩa là những ai không tin Đức Giêsu.
Đức Giêsu mời ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên là chỉ yêu kẻ yêu mình.
Tình yêu Kitô vươn đến cả những kẻ ghét và làm hại mình nữa.
Hãy yêu kẻ thù, nhưng yêu lại không phải là một tình cảm tự nhiên.
Yêu là một thái độ của lòng nhân được diễn tả bằng những hành động cụ thể.
Yêu là cầu nguyện cho kẻ bách hại, là chào hỏi và chúc bình an cho họ.
“Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”,
Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố như thế sau khi hồi phục.
Yêu kẻ thù làm chúng ta được ơn trở nên con cái Cha trên trời (c. 45),
trở nên giống Cha là Đấng ban mặt trời và mưa cho kẻ bất chính.
Trở nên con cái Cha là tiến trình dài một đời,
xuyên qua những hành vi yêu thương vượt trên tự nhiên.
Cha yêu mọi người chẳng trừ ai bằng một tình yêu vô điều kiện.
Chúng ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha
nhờ yêu kẻ thù như Cha đã yêu họ (c. 48).
Kẻ thù cũng là anh em tôi, vì họ cũng là con được Cha yêu như tôi.
Chúng ta nên nghĩ đến những kẻ thù của mình, ở rất gần mình,
những người mình không muốn chào hỏi hay nhìn mặt, chỉ muốn nguyền rủa.
Tôi sẽ làm gì để bày tỏ tình yêu tha thứ đối với họ trong Mùa Chay này?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
đón nhận những người khác
là điều vượt quá sức con,
vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày
con không thể nào kính trọng kẻ khác được,
vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
có những ngày
mà yêu mến người khác
làm cho tim con đau nhói,
vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau
và những giới hạn của bản thân con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con
trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên lời Chúa nói :
“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là làm cho chính Ta”. Amen.
(Trích trong PRIER)
(Nguồn: WHĐ)
____________________
Suy niệm 3: Lm Giuse Đỗ Cao Bằng S.J
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44).
Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Nghe lời Chúa Giê-su nói trong đoạn Tin Mừng hôm nay quý vị có cảm giác thế nào? Phần tôi, tôi thấy thật sự thách đố. Làm sao tôi có thể “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi ” bản thân mình?
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44) là một trong những ví dụ sống động để thực thi giới luật Yêu Thương của Thầy Giê-su. Và chính Người đã thực thi giới luật này khi Người cầu nguyện với Chúa Cha rằng “lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Phần tôi, tôi rất dễ giận hờn và để trong lòng những gì người khác làm phật ý tôi, xúc phạm đến tôi. Rất có thể trong những giờ phút được ở bên Chúa, lắng nghe lời Người khuyên dạy và thực lòng muốn thực thi lời bảo ban của Chúa. Thế nhưng, khi bước vào đời sống tương quan với mọi người, bước vào những giây phút lao động, làm việc, cộng tác với người khác, tôi dễ dàng quay trở lại với bản năng cạnh tranh ích kỷ và những bon chen hơn thiệt của thói đời, quên đi những gì Chúa mong muốn nơi mình và những gì mình ước ao nên hoàn thiện, chiều theo dục vọng và khát vọng được trọng dụng, được nể nang, được vinh dự và cao sang, v.v..
Con người là thế! Làm sao tôi có thể thoát ra khỏi “vòng kim cô” thù hờn và ganh ghét ấy? Trên đời này có ai thực thi được giới luật yêu thương như Thầy Giê-su chưa? Thực thi những điều Chúa khuyên dạy là đi ngược lại với bản tính tự nhiên trong con người chúng ta, đồng thời thách đố chúng ta không ít. Tại sao chúng ta cảm thấy khó yêu kẻ thù? Kẻ thù của chúng ta là ai?
Câu trả lời nằm trong câu chuyện Vua Saun tìm giết Đavít (x. 1 Sm 26:2-23). Chuyện kể rằng vua Saun đi tìm giết con rể của mình là Đa-vít, vì Đa-vít giỏi giang và có ảnh hưởng lớn trên dân nên sẽ đe dọa ngai vàng của vua Saun, và vì vua Saun nghe những kẻ nịnh hót vu khống Đa-vít có âm mưu hãm hại nhà vua. Trên đường đi tìm Đa-vít để giết hại thì trời xế chiều và màn đêm ập xuống nên vua Saun và ba ngàn quân lính phải dừng chân để ngủ nghỉ. Trong lúc vua Saun và lính tráng ngủ say (sử sách cho rằng Đức Chúa làm cho Saun và quân lính ngủ say) thì Đa-vít tiến đến lấy cây giáo và bình nước của vua Saun rồi rút lui. Avisai (cận thần của Đavít) xúi Đa-vít hạ gục vua Saun nhưng Đa-vít đã không làm như thế! Ở chương 24 trong sách Samuen quyển thứ nhất cũng kể lại câu chuyện Đa-vít tha mạng cho vua Saun. Đa-vít không giết vua nhưng cắt vạt áo vua để làm bằng chứng cho sự cao thượng của mình.
Qua câu chuyện này, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng “kẻ thù” của chúng ta là những người ganh ghét với chúng ta, vu khống chúng ta, tìm cách hãm hại chúng ta bằng mọi giá. Nói cách khác, “kẻ thù” không phải là người chúng ta ghét bỏ, ganh tỵ, hận thù… vì chúng ta được dạy phải yêu thương mọi người dù họ là ai.
Bên cạnh đó, chúng ta phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ vu khống hoặc hãm hại chúng ta là vì chúng ta mang hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1:27; Tv 8:6; 1 Cr 15:49). Như thế, khi thực hành Đức Ái Kitô giáo chúng ta trở nên như một Đức Kitô khác vì chính Đức Kitô đã sống và nêu gương cho chúng ta trước – “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34), thánh vương Đa-vít không chỉ tha thứ cho vua Saun (bố vợ) nhưng còn hứa sẽ không trả thù vua và dòng dõi vua sau này (x. 1 Sm 24:22-23), thánh Tê-pha-nô cũng đã làm như thế khi đối diện bản án tử – “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7:60).
Đây có lẽ chính là sự động viên sống động cho tâm hồn tôi khi cảm thấy chùn chân trước lời mời gọi thực thi giới luật yêu thương và “hãy nên hoàn thiện” của Chúa Giê-su.
Chúc quý vị cầu nguyện sốt sắng!
(Lm Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ – GP Kon Tum)
_________________________