22.01.2023 – Mồng 1 Tết – Thánh Lễ Tân Niên

TẾT NGUYÊN ĐÁN – NĂM QUÝ MÃO

Mồng Một : Thánh lễ Tân Niên

Bài đọc 1: St 1,14-18

Phải có những vầng sáng … xác định các đại lễ, ngày và năm.

Bài trích sách Sáng thế.

14 Thiên Chúa phán : “Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. 15 Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất.” Liền có như vậy. 16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng : vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm ; Người cũng làm ra các ngôi sao. 17 Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, 18 để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.

Đáp ca: Tv 36,3-4.5-6.23-24.25-26 (Đ. x. c.5)

Đ.Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay.

3Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện,
thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn.4Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.

Đ.Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay.

5Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.6Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh,
công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ.

Đ.Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay.

23Chúa giúp con người bước đi vững chãi,
ưa chuộng đường lối họ dõi theo.24Dầu họ có vấp cũng không ngã gục,
bởi vì đã có Chúa cầm tay.

Đ.Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay.

25Từ nhỏ dại tới nay tôi già cả,
chưa thấy người công chính bị bỏ rơi,
hoặc dòng giống phải ăn mày thiên hạ.26Ngày ngày họ thông cảm và cho mượn cho vay,
dòng giống mai sau hưởng phúc lành.

Đ.Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay.

Bài đọc 2: Pl 4,4-8

Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em !

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

4 Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em ! 5 Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. 6 Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. 7 Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. 8 Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.

Tin Mừng: Mt 6,25-34

Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

25 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo lắng cho mạng sống : lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo lắng cho thân thể : lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao ? 26 Hãy xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? 27 Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không ?

28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào : chúng không làm lụng, không kéo sợi ; 29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết : ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin !

31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? 32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ: CGKPV 

Suy niệm 1: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

TÌM VỀ CỘI NGUỒN

 

Khởi đầu năm mới, dịp tốt để suy nghĩ chủ đề con người là khách lữ hành “homo viator” đi tìm cội nguồn.  Ai cũng thế, được sinh ra vào một thời gian cố định và một không gian cố định, tức có ngày sinh và nơi sinh.  Từ điểm xuất phát đó mỗi người đi mỗi hướng khác nhau theo nhu cầu riêng của từng người.   Điều lạ lùng là chúng ta thay đổi nơi chốn nhưng không thay đổi tuổi tác, tuổi tác vẫn bám sát chúng ta mọi nơi chúng ta đi qua.  Càng làm việc nhiều nơi khác nhau chúng ta càng có nhiều chỗ tạm trú, nhưng tuổi tác chỉ có một.  Con người có thay đổi chỗ ở mà không thay đổi tuổi tác.  Mỗi người có một lần đi vào thời gian và cứ thế chạy xuyên suốt thời gian cho đến khi tắt lịm.  Điều nầy cô đọng lại trên bia mộ bằng 2 chữ Sinh và Tử.

Cho đến hôm nay trong chúng ta kẻ thì U 90 người thì ở tuổi “teen” hoặc tuổi ấu thiếu nhi.  Nhưng có điều chắc chắn là không ai định cho mình số tuổi thọ, điều nầy cho thấy chúng ta không làm chủ thời gian, thời gian không thuộc về chúng ta, thời gian không do chúng ta sáng tác.  Vậy giải lụa thời gian tưởng chừng như vô tận từ đâu ra, ai cung cấp thời gian cho chúng ta hưởng dùng.

 

Từ đâu và từ bao giờ chúng ta đi vào thời gian.  Từ nơi âm u âm u Thiên Chúa tạo dựng nên tôi. (x. St 1, 26-31). Từ đó con người đi vào hiện hữu và bị thời gian chi phối, thời gian bám sát tôi theo suốt cả cuộc đời tôi.  Từ hư vô Thiên Chúa kêu gọi con người hiện hữu, Người gọi con người đi vào thế giới. Tuy  nhiên thời gian là gì?

Thời gian là thước đo tuổi đời. Thời gian được phân chia thành đơn vị giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm, thập niên, thế kỷ, thiên niên kỹ (1.000 năm).  Ai làm nên thời gian?   Chắc chắn không phải tôi làm nên thời gian, dù vậy tôi vẫn thường nói “tôi không có thời gian”, làm như thời gian là đồ vật cất giấu trong túi của tôi.  Tôi chỉ hưởng thụ thời gian, mà tôi không biết đó là một ân huệ của trời ban cho.

Thời gian thuộc về Thiên Chúa
.  Ngài là An-pha và Ô-mê-ga, khởi đầu và kết thúc thời gian.  Thiên Chúa gõ nhịp thời gian và Ngài phân phối thời gian theo ý Ngài muốn cho mỗi người bằng đơn vị tuổi  tác.  Thời gian vật lý là quảng đời của con người.  “Thì giờ thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mất chẳng chờ đợi ai”.  Thiên Chúa không bị chi phối bởi thời gian, nghĩa là đối với Thiên Chúa một ngày hay ngàn năm cũng như nhau.

Hãy sống phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa như Thư 1 Phêrô viết: “Mọi lo âu hãy trút cả cho người vì người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7).  Vì không ai có thể làm chủ được thời gian, Đức Giêsu thách đố khi nói: “Hỏi có ai trong anh em nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (c. 27. Bài Tin Mừng Mt 6, 25-34).

Để gõ nhịp thới gian, Thiên Chúa sáng tạo ra tinh tú địa cầu, phân biệt ngày với đêm ngày, phân chia năm tháng thành các mùa Xuân Hạ Thu Đông.  “Thiên Chúa phán: ‘Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân biệt ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm …. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp’”(Bài Đọc 1. St 1, 14-18).

Thời gian là huyền nhiệm : “Trăm năm là ngắn một ngày dài ghê”.  Con người dùng thời gian cách vô tư mà không quan tâm mua sắm thời gian, không quan tâm mất mát thời gian, cũng không nghĩ rằng thời gian có hạn kỳ.  Thời gian như dãi lụa bất tận trên đó con người ghi lại lịch sử của đời mình.  Người Mỹ thường nói “thời giờ là tiền bạc” (time is money), đúng ra phải nói thời gian là hồng ân Thiên Chúa ban tặng.  Nhưng cũng có khi con người chạy đua nước rút với thời gian và la to lên rằng “Còn nước còn tát”, lúc đó thời gian trở nên giá trị quý hiếm, nhất là khi thấp thoáng thấy lưỡi hái của tử thần.

Thử tính sổ một năm qua, dù thành công hay thất bại, chúng ta vừa mới trải qua 365 ngày của năm Nhân Dần 2022, và đón chào 365 ngày năm Quý Mão 2023 đang trải rộng trước mắt chúng ta.  Hãy suy nghĩ để rút ra bài học kinh nghiệm và điều chỉnh cách dùng thời gian hợp lý, làm lợi cho bản thân và gia đình, bởi vì thời gian có kỳ hạn, nó chấm dứt như kẻ trộm đến bất thần.  Con người dù thành công đến đâu, danh vọng đến mấy đi chăng nữa mà không gặp được Đấng tạo nên thời gian khi chấm dứt cuộc đời, thì được kể là trắng tay.  “Được lời lãi cả và thế gian mà đánh mất linh hồn thì nào được ích gì”, lời của Đấng sáng tạo nên thời gian (Mt, 16, 26).

Thời gian thật khó hiểu, nó xâm nhập và đồng hành với con người không tách rời được, nó tham gia vui buồn với con người.   Những vui buồn của con người được viết trên dãi lụa thời gian.  Khi thời gian của mỗi người kết thúc cũng là lúc kết liễu cuộc đời, lúc đó vạn vật đều không còn ý nghĩa gì nữa đối với con người: chức vụ, quyền bính, danh lợi hay tài sản.

Trong cái nhìn đó triết gia Heidegger, người Đức, thế kỷ 20) nói : “Chính con người tạo nên thế giới”, nghĩa là thế giới chỉ có ý nghĩa đối với con người khi con người hiện hữu trong thời gian.  Cho nên thánh Phaolô khuyên chúng ta : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Thiên Chúa.  Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Bài Đọc 2. Pl 4, 4-8) nhất là trong những ngày đầu xuân, tạo cho nhau tình thân vì ở đâu có tình yêu thì ở đó có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Hãy tạ ơn Chúa về thời gian Chúa ban, 365 ngày của năm mới Quý Mão mở rộng trước mắt chúng ta như món quà hào phóng. Chúc anh chị em an khang hạnh phúc 365 ngày trong tình yêu của Thiên Chúa. Amen

Suy niệm 1: Lm Tađêô Võ Xuân Sơn

CHÚA GIÊSU: ƠN CỦA MỌI ƠN LÀNH

Đối với dân Việt, Mồng Một Tết là thời điểm linh thiêng, là khoảng thời gian hạnh phúc hiếm có trong một năm sống giữa chúng ta với Chúa và với nhau, đến nỗi ai cũng nói nhỏ nhẹ với nhau, nụ cười luôn nở trên môi, lời chào chúc thường trực dành cho mọi người, kể cả người chưa một lần quen biết, vì sợ làm vỡ mất niềm hạnh phúc và bình an ngay từ giây phút đầu tiên của năm mới, như người ta sợ làm vỡ mất chiếc bình quý giá vậy. Đối với Kitô hữu, buổi đầu năm mới càng linh thiêng và quý báu hơn nữa, vì đây là lúc chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta ơn lành trong năm mới này. Có thể nói, trong mỗi chúng ta đang đầy ắp lời cầu xin, cả một lồng ngực chứa đầy niềm khao khát ơn Chúa cho năm mới. Chính niềm tin vào Thiên Chúa là nguồn mọi ân phúc đồng thời là cha nhân lành, khích lệ chúng ta nài xin Thiên Chúa ban tràn trề ân phúc cho thế giới, cho Hội Thánh, cho Giáo phận và Giáo xứ, cho mọi gia đình và mỗi người chúng ta trong năm mới này.

*Ơn gì cho năm mới?

Vậy, thưa anh chị em, rất cần mỗi chúng ta nhìn lại ơn gì chúng ta đang muốn xin với Chúa? Thinh lặng một chút và xin với Chúa đi (…). Khi xin ơn Chúa, chúng ta thường nghĩ tới ơn sức khỏe, ơn có công ăn việc làm, ơn luôn gặp may mắn và tránh được điều rủi ro, ơn gặp được người bạn đời có đạo, xin mau được đoàn tụ, tiếp đến xin ơn được bình an hòa thuận, ơn sống thánh thiện. v.v, xin ơn cho bản thân, xin ơn cho người khác. Chỉ vậy thôi sao?

Nếu chỉ vậy thì những ơn chúng ta xin đó chỉ là “chuyện nhỏ” đối với Chúa. Thử hỏi, Đấng tạo nên hình hài mỗi người và vũ trụ này, Đấng có quyền trên mọi sự lại không thể ban cho chúng ta ơn được việc làm, sức khỏe, ơn được may mắn và các ơn khác sao? Chuyện nhỏ! Con chim sẻ lo được gì? Bông huệ ngoài đồng lo được gì? Thế mà chúng vẫn sống vẫn đẹp và chỉ vẻ đẹp chân chất thanh thoát của loài hoa dại như hoa trinh nữ thôi cũng đủ làm cho đề tài con người ca ngợi và chẳng có thứ lụa là nhung gấm nào so sánh được với màu sắc và sự hấp dẫn tự nhiên của các loài hoa. Ai cho chúng vẻ đẹp đó? Chính Thiên Chúa ban chứ không phải con người ban cho. Bởi ngay cả con người dù tự hào hết sức về tài cán của mình vẫn không thể kéo dài đời mình, dù chỉ một gang tấc! Chúa khẳng định như thế. Tóm lại, những ơn chúng ta thường cầu xin Chúa chỉ là “Chuyện nhỏ” đối với Chúa. Chúa Giêsu nói, những người chưa biết Chúa vẫn thường cầu xin những ơn ấy.

Vậy ơn gì là ơn minh chứng chúng ta là Kitô hữu đang muốn ưu tiên nài xin để chúa ban cho chúng ta trong năm mới này? Có phải Chúa muốn chúng ta nài xin ơn cao cả hơn những ơn thuộc loại “chuyện nhỏ” kia để đem phúc lành đích thực cho chúng ta? Ơn đó là ơn gì vậy?

*Thiên Chúa ban Chúa Giêsu, Quà Tặng

Thưa đó là ơn được rước lấy Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu. Đó là ơn cao trọng Thiên Chúa ban cho chúng ta và đó là ơn chúng ta phải nài xin Chúa trong năm mới này. Thiên Chúa đã ban Chúa Giêsu, Con Một yêu dấu của Ngài, nên Ngài không thể ban thêm cho chúng ta ơn nào khác nữa, bởi trong Chúa Giêsu, Ngài đã ban hết ân phúc của Ngài cho chúng ta rồi. Vì thế Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Các con đừng lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì đây?… Cha các con thừa biết các con cần tất cả những thứ đó. Nhưng trước hết, Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ ban thêm cho” (Mt 6, 31-33). Những thứ “ban thêm cho” là những thứ phụ tùy trước ân phúc cao cả là được ban Mình Máu Chúa Giêsu. Mình Máu Thánh Chúa là ơn cao cả và là ơn duy nhất xứng với Thiên Chúa và xứng với chúng ta, đó là sự thân hữu Thiên Chúa mời chúng ta đi vào mối tương quan với Ngài. Đón rước Chúa Giêsu là đón nhận ân phúc viên mãn của Thiên Chúa. Anh chị em có bao giờ có kinh nghiệm đức tin như kinh nghiệm của Thánh Maximilian Kolbe với Chúa Giêsu Thánh Thể chưa? Thánh nhân đã thưa với Chúa Giêsu Thánh Thể rằng: “Lạy Chúa, Chúa đến với con và dưới hình thức của ăn đã hoàn toàn cho con được kết hiệp với Chúa. Máu Chúa đang chảy rần rần trong con. Linh hồn Chúa đang hòa thấm trong con, cho con sự gan dạ và nâng đỡ con. Ôi! Thật kỳ diệu. Có ai từng mơ tưởng như thế!”

Phải, chưa từng có ai mơ ước được Chúa ban chính Mình Ngài cho. Mẹ Maria đã phải ngạc nhiên vì ơn Chúa quá lớn lao như thế đối với Mẹ: “Việc đó xẩy ra thế nào được”? Mẹ không bao giờ dám nghĩ được dự phần trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ cũng chẳng dám mơ tưởng được Con Thiên Chúa làm người trong cung lòng của mình, thế mà Thiên Chúa đã ban ơn phúc cho Mẹ hơn Mẹ nài xin. Ơn Chúa ban cho chúng ta cũng vậy, hơn cả những gì chúng ta xin và Ngài đã ban ơn lớn nhất, trọn vẹn nhất, ơn của mọi ơn, đó là ban Chúa Giêsu, Con Một của Ngài cho chúng ta, đến mức Ngài không thể ban thêm ơn gì cho chúng ta nữa.

Xác tín rằng Thiên Chúa đã ban hết mọi ơn lành cho chúng ta trong Chúa Giêsu, thì mỗi kitô hữu cũng phải nhìn nhận rằng trái tim chúng ta đã quá chật hẹp trước ơn Chúa ban. Chúng ta chỉ xin những ơn vặt vãnh trong khi bỏ qua ơn trọng đại là xin được Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ xin những ơn lẻ tẻ nên chúng ta không biết cám ơn Chúa sau khi được rước Chúa. Đừng quên, sự dữ đầu tiên đến trong lịch sử loài người là hậu quả sự khước từ Thiên Chúa và Con Một Ngài là Chúa Giêsu. Đón nhận Chúa là đón nhận mọi ơn lành, đón nhận mọi điều chúng ta cầu xin trong năm mới này.

Chúng ta cầu xin cho trái tim của chúng ta được rộng mở đủ để khao khát Chúa. Chắc chắn Chúa không đập phá rào cản nơi trái tim chúng ta, nhưng vẫn hằng chờ đợi chúng ta chấp nhận Ngài vào gia đình và tâm hồn chúng ta để ta sống tình thân với Ngài và được mọi ơn lành Chúa ban. Mọi ơn lành đã được Thiên Chúa hoàn tất và tặng ban cho chúng ta trong tình yêu vĩnh cửu của Chúa là Chúa Giêsu. Nếu có điều không may mắn xẩy ra là vì chúng ta cứ giới hạn trái tim mình, giới hạn lời cầu xin mà không vươn đến Chúa và khát khao ơn của mọi ơn là Chúa Giêsu Thánh Thể, là Nước Trời đang hiện diện giữa trần gian.

Xin Chúa cứ dùng lời Chúa để thực hiện một cuộc giải phẫu lớn nơi trái tim chúng con ngay giờ này, nhờ đó trái tim con rộng mở biết khao khát tìm gặp Chúa là mọi nguồn ơn mọi ơn lành con xin trong năm mới này. Xin cho con nhớ lời Chúa dạy ngày đầu năm này: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”.

Suy niệm 3: Lm Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

MỪNG NĂM MỚI


Ngày đầu năm được cho là ngày linh thiêng, ngày quyết định cho 365 ngày đang đến, vì thế lời ăn tiếng nói phải được cân nhắc, câu chúc tết và bì lì xì nhận được như dấu chỉ báo hiệu sự thuận lợi hay bất thuận lợi cho một năm sắp tới.  Đó là niềm tin bình dân của dân tộc Đông Nam Á này, những dân tộc ăn tết âm lịch.  Vào gìơ phút đầu xuân dân chúng đổ xô đi cầu tài lộc, cầu bình an, xin xăm, bói quẻ, hái lộc mong ước một năm mới an lành hạnh phúc.  Người công giáo không sống ngoài truyền thống dân tộc mình, không những thế họ còn có cái nhìn cao hơn nữa về tương lai trong sự phó thác cho Thiên Chúa: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc.  Mạng sống chẳng  trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (x. Bài Tin Mừng. Mt 6,25-34).  Người tín hữu thánh hóa 3 ngày Tết, ngày đầu năm mới.

Sống dưới sự quan phòng phó thác cho Thiên Chúa thì khác xa với liều mạng, hay khoán trắng cho Thiên Chúa.  Tinh thần phó thác là làm hết  khả năng của mình, sau đó người tín hữu để cho Thiên Chúa lo phần còn lại.  Phó thác không phải là khoán trắng “khoanh tay ngồi chờ sung rụng”, nhưng là tích cực làm việc hết sức mình, rồi đặt tất cả vào sự an bài của Thiên Chúa.  Điều này phù hợp với quan niệm thông thường: “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”.  Trong đó có sự đóng góp của con người và sự xếp đặt của Thiên Chúa.  Sự quan tâm của Thiên Chúa đối với tất cả mọi thụ tạo.  Chim trời và cá đại dương được Cha trên trời nuôi sống.  Bông hoa huệ không dệt vãi, mà vẫn sang trọng khoe sắc đến nỗi vua Salômon còn phải thua.

Những cách giảng dạy đầy hình ảnh rất thuyết phục của Đức Giêsu làm cho người tín hữu vững tin trong lao động, mắt họ nhìn xuống đất để lao động nhưng lòng hướng về trời xin ơn trợ giúp.  Như thế một phần của con người đầu tư và một phần của Thiên Chúa kiến tạo trong xây dựng thế giới vật chất này.  Một năm có 365 ngày và 6 giờ trải rộng trước mắt chúng ta.  Những gì sẻ xảy đến cho chúng ta vui hay buồn tất cả đều là ẩn số.  Người tín hữu suy niệm về tuổi tác của mình được thời gian gõ nhịp.  Thời gian không thuộc về con người, con người không sản xuất ra thời gian, con người lãnh nhận ân huệ thời gian của Thiên Chúa ban một cách nhưng không.  Hôm qua là quá khứ, ngày mai là tương lai, hai thời gian này không thuộc thẩm quyền của con người,  hiện tại con người đang sống và có thể quyết định theo ý mình.

Hạnh phúc cho ai biết quyết định phù hợp theo thánh ý của Thiên Chúa, hoà nhịp kế hoạch của mình với kế hoạch của Thiên Chúa.  Mỗi người đều có một lịch sử, lịch sử của thánh nhân và lịch sử của ác nhân giống nhau ở chỗ cả hai đều được viết bằng thời gian, thời gian của thánh nhân được sử dụng đẹp lòng Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, thời gian của ác nhân đi ngược với ý Thiên Chúa và phục vụ chính mình cách ích kỷ.

Công trình sáng tạo của Thiên Chúa được trao cho con người để con người tiếp tục kiến tạo và làm xinh đẹp vũ trụ.  Thiên Chúa dựng nên mặt trời với mặt trăng và “Người cũng làm nên muôn tinh tú.  Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất, và Người làm chủ ngày đêm…  Thiên Chúa thấy tốt đẹp” (x. Bài Đọc 1. St 1, 14-18).  Khi lao động con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.  Việc lao động không loại bỏ cầu nguyện, người tín hữu có thêm sức mạnh tinh thần khi cầu nguyện, rồi với ơn Chúa giúp, họ vạch ra những kế hoạch tương lai cho mình: “Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Thiên Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ” (X, Bài Đọc 2. Pl 4,4-8).

Lạy Chúa một mùa xuân nữa lại về, một chương trình sống trải rộng trước mắt chúng con  với 365 ngày, tất cả đều là hồng ân Chúa ban, con xin dâng lại cho Chúa với tấm lòng biết ơn sâu thẳm để xin Chúa hướng dẫn chúng con từ khởi sự cho đến hoàn thành. Amen

WGPKT(20/01/2023) KONTUM