Chiếu Soi Dân Ngoại (26.01.2020 – Chúa Nhật III TN – Năm A)

Khởi nghiệp rao giảng.  Sau khi được Gioan Tẩy Giả giới thiệu là Chiên Thiên Chúa, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng công khai về Nước Trời.  Sau biến cố Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê bắt cầm tù, Đức Giêsu lánh mặt, bỏ Nadarét đến xứ Caphácnaum, miền Galilê (phía Bắc), “thuộc địa hạt Dơvulun và Néptali … vùng tả ngạn sông Giođan …  Galilê, miền đất của dân ngoại!  Những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Bài Tin Mừng Mt 4, 12-29).  Bài Tin Mừng làm ứng nghiệm lời tiên tri Isaia : “Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (x. Bài đọc 1. Is 8,23b-9,3).  Chúng ta biết rằng thánh Mátthêu viết Tin Mừng cho người Do thái cho nên ngài thường trích dẫn Sách Thánh cựu ước để minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia phải đến để hoàn tất lời tiên tri nói về Đấng Cứu Thế. Nghĩa là minh chứng lời sấm của tiên tri Isaia nay hiện thực nơi bản thân Đức Giêsu.

Thánh Gioan Tẩy Giả hoàn tất cuộc đời mình trong ngục thất và bị chém đầu.  Thời đại Cựu ước hoàn tất với Gioan Tẩy Giả, thời đại  Tân ước mở ra với Đức Giêsu, Người kết thúc cuộc đời cũng tựa như số phận của vị Tiền Hô, bằng đổ máu trên thập giá. 

Đức Giêsu bắt đầu rao giảng tại vùng Galilê, ‘miền đất của dân ngoại’, cho thấy Đức Giêsu ưu tiên rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Tin Mừng của Chúa không dành riêng cho một dân tộc nào nhưng dành cho mọi người, không có sự phân biệt hay kỳ thị chủng tộc, màu da, tiếng nói hay lục địa.  Ngay từ đầu Đức Giêsu đã hướng về dân ngoại.  Nội dung lời rao giảng của Đức Giêsu lấy lại lời rao giảng của Gioan Tiền Hô, câu 17 viết : “Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng: ‘Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần’”. 

Chúng ta có thể hiểu Nước Trời hay Nước Thiên Chúa, là chính Đức Giêsu.  Một khái niệm thần học khó hiểu vì đó là một thực tại nhiệm mầu.  Người ta không thể hiểu Nước Trời tách rời khỏi Đức Giêsu và Giáo Hội.  Giáo Hội ở trong Nước Trời, tuy nhiên Nước Trời không đồng nhất với Giáo Hội vì Giáo Hội rao giảng Nước Trời, tức rao giảng Chúa Kitô chứ không rao giảng chính Giáo Hội.  Cả ba khái niệm đan quyện vào nhau.

 

Phần hai của bài Tin Mừng cho thấy hoạt động truyền giáo của Đức Giêsu.  Người di chuyển nhiều nơi, “đi dọc theo bờ hồ Galilê”,  kêu gọi hai anh em Anrê và Phêrô đang đánh cá, và đi xa hơn nữa, Người gặp hai anh em Giacôbê và Gioan đang vá lưới, Người kêu gọi và họ cũng bỏ nghề lưới cá đi theo người để “thành những kẻ lưới người như lưới cá”.  Đức Giêsu dạy giáo lý trong hội đường, “chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân”. 

 

Chúng ta không khỏi thắc mắc, tại sao Đức Giêsu không bắt đầu rao giảng tại Giuđê (miền Nam), là nơi có truyền thống tôn giáo lâu đời, có đền thánh Giêrusalem, lại là trung tâm văn hóa, hành chánh và thương mại của Do thái.  Điều đó cho thấy mặc dầu viết Tin Mừng cho người Do-thái, nhưng thánh Mátthêu nhấn mạnh đến việc Đức Giêsu ưu tiên hàng đầu truyền giáo cho dân ngoại.  Công cuộc rao giảng bắt đầu từ: “Galilê, miền đất của dân ngoại!”.  Ưu tư nầy được lặp lại qua các thế hệ, nhất là ngày hôm nay tại giáo phận truyền giáo Tây Nguyên.

 

Một điểm suy niệm khác, sự cộng tác trong truyền giáo là điều cần thiết, không ai đủ khả năng làm mọi công việc truyền giáo, cũng không ai độc quyền truyền giáo trong Giáo Hội, hay nói đúng hơn Giáo Hội không là của riêng ai, vì Giáo Hội là của Đức Giêsu Kitô.  Chính Người cũng đã kêu gọi từ đầu những con người đánh cá đơn sơ và chất phác cộng tác vào sứ mệnh truyền giáo.  Cơ chế nầy được thiết lập từ ban đầu qua lời kêu gọi của Đức Giêsu. Và từ đó truyền thống liên tục chảy từ Phêrô, từ tông đồ đoàn đến các giáo hoàng và giám mục đoàn.  Cơ chế và phẩm trật Giáo Hội khởi đi từ đó theo ý muốn của Đức Giêsu Kitô, Vị sáng lập Kitô giáo. Cho đến nay Giáo Hội luôn kêu mời sự cộng tác của tất cả Kitô hữu đem Tin mừng chiếu soi dân ngoại.

 

Có thể nói được rằng hôm qua Đức Giêsu cần đến con người để rao giảng Tin Mừng, thì hôm nay, Giáo hội là thân mình mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô cũng cần đến sự cộng tác của con người để mang Tin Mừng đến cho mọi người.  Đây là sự cộng tác cao quý của con người vào chính sứ mệnh của Đức Giêsu Kitô.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con có tâm hồn truyền giáo, biết hướng về anh chị em lương dân, biết chấp nhận nhau không chút kỳ thị trong khi xây dựng Giáo Hội của Chúa ở trần gian nầy. Amen

 

Louis Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum, Đức An

WGPKT(25/01/2020) KONTUM