Khinh Khi Người Bên Cạnh Là Đóng Cửa Trái Tim Của Thiên Chúa (21.3.2020 – Thứ Bảy Tuần 3 MC)

Lời Chúa: Lc 18, 9-14

Khi ấy, Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Suy nim:

Làm thế nào chúng ta có thể biết liệu lời cầu nguyện của chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa hay không? Ngôn sứ Hô-sê, người đã nói nhân danh Thiên Chúa, cho biết: “Ta khao khát tình yêu kiên định chứ không phải hy tế” (6: 6). Những lời cầu nguyện và những hy tế mà chúng ta làm cho Thiên Chúa thì không nghĩa lý gì hết đối với Chúa nếu như chúng không xuất phát từ tình yêu tận đáy lòng dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Làm sao chúng ta có thể mong đợi Thiên Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta nếu chúng ta không lại gần Người với sự khiêm tốn và với một trái tim thống hối để tìm kiếm sự thương xót và ơn tha thứ? Chúng ta luôn cần ân sủng và sự trợ giúp của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4: 6; Cn 3:34).

Thiên Chúa nghe lời cầu nguyện của người khiêm nhường

Chúa Giêsu nhấn mạnh sự cảnh báo này với một câu chuyện sống động về hai người cùng cầu nguyện. Tại sao Thiên Chúa chấp nhận lời cầu nguyện của người này và từ chối lời cầu nguyện của người kia? Thánh Luca cho chúng ta một gợi ý: khinh khi người thân cận là đóng cửa trái tim của Thiên Chúa. Bày tỏ thái độ khinh thị và xem thường người khác thì nặng hơn nhiều so với sự cố chấp. Nó khởi nguồn từ giả định rằng một ai đó đủ điều kiện để ngồi vào ghế phán xét và công khai làm nhục những người không phù hợp với các tiêu chuẩn và thực hành tôn giáo của chúng ta.

Câu chuyện của Chúa Giêsu đã làm bực bội những người Pharisêu nhiệt thành, là người xem ‘người thu thuế’ như kẻ không xứng đáng với ân sủng và ân huệ của Thiên Chúa. Làm thế nào mà Chúa Giêsu lại có thể hạ thấp một “người sùng đạo” và nâng một “tội nhân công khai” lên?

Dụ ngôn của Chúa Giêsu nói về bản chất của sự cầu nguyện và mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Dụ ngôn làm điều đó bằng cách tạo phân biệt hai thái độ rất khác nhau đối với việc cầu nguyện. Người Pharisêu, người đại diện cho những người tự hào về những lối thực hành tôn giáo của họ, lên mặt cười nhạo người khác. Mê muội với khả năng phán đoán của chính mình về sự tự hài lòng và tự khen ngợi mình, lời cầu nguyện đầy khoe khoang của ông đã chỉ tập trung vào những thực hành tôn giáo của ông chứ không phải là sự tốt lành, ân sủng và sự tha thứ của Thiên Chúa. Thay vì khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và xin lòng thương xót và sự giúp đỡ của Ngài, người đàn ông này đã ca ngợi bản thân mình trong khi khinh thường những người mà ông nghĩ là không xứng đáng.

Người Pharisêu cố gắng biện minh cho chính mình trước mặt Thiên Chúa và trước những người mà ông xem thường; nhưng chỉ có Chúa mới có thể biện minh cho chúng ta. Người thu thuế, người đại diện cho những người bị xem thường bởi những người sùng đạo, đã tự hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa và cầu xin lòng thương xót. Lời cầu nguyện của ông đã được Thiên Chúa nhậm lời vì ông đã thực sự đau buồn vì tội lỗi của mình. Ông tìm đến Thiên Chúa với lòng khiêm tốn hơn với sự kiêu ngạo.

Những người khiêm nhường nhận ra nhu cầu của họ đối với lòng thương xót và sự trợ giúp của Thiên Chúa

Dụ ngôn này vừa trình bày cơ hội và vừa là một cảnh báo. Tự cao dẫn đến sự tự lừa dối và mù lòa tâm linh. Khiêm nhường thật giúp chúng ta thấy chính chúng ta như chúng ta thực sự là trong mắt của Thiên Chúa, và khiêm nhường thật hướng chúng ta tìm đến sự trợ giúp và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa ngự trong tâm hồn của những người khiêm nhường, là người nhận ra tội lỗi của mình và thừa nhận lòng thương xót và ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn thống hối và khiêm cung (Isaia 57:15). Thiên Chúa không thể nghe thấy chúng ta nếu chúng ta tự cao tự đại và khinh rẻ người khác. Phải chăng bạn cầu xin sự thương xót của Thiên Chúa cách khiêm tốn và phải chăng bạn thể hiện lòng thương xót với người khác, đặc biệt là những ai bạn cảm thấy khó để yêu thương và tha thứ?

“Lạy Chúa Giêsu, ước gì tình yêu và chân lý của Chúa thay đổi cuộc sống của con – suy nghĩ nội tâm, ý định, và thái độ, hành vi bên ngoài, lời nói, và hành động của con. Ở nơi nào con thiếu bác ái, sự tử tế, và tính nhẫn nại,  thì xin hãy giúp đỡ con để ôm lấy tình yêu thương xót của Ngài và để con tìm kiếm lợi ích cho người bên cạnh con, ngay cả những người gây bất lợi, hay xúc phạm đến con. Ước gì con luôn yêu như Chúa đã yêu và tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ. “

Chỉ có người khiêm nhường là người yêu thương bản thân mình

“Bất kỳ ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống còn ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên.” – Luca 18:14

Lời cầu nguyện của người Pharisêu đã không làm đẹp lòng Chúa vì ông đã không khiêm tốn. Một dấu hiệu của sự thiếu khiêm nhường là so sánh mình với người khác. “Người Pharisêu đã ngẩng cao đầu cầu nguyện theo cách này:  Con tạ ơn Ngài, lạy Chúa, rằng con không giống như những người khác –tham lam, lừa đảo, ngoại tình – hoặc thậm chí như người thâu thuế này ‘” (Lc 18:11) .

Rõ ràng là đã hạ người khác xuống để làm cho mình đẹp hơn là một sự so sánh đầy kiêu ngạo. Nhưng, nó cũng trái với sự khiêm tốn, khi so sánh bản thân mình không tốt so với người khác. Để nghĩ rằng chúng ta là không tốt giống như một ai đó là đang không để tâm đến tính độc đáo của Thiên Chúa mà ban cho chúng ta, không nhìn thấy chúng ta theo cách mà Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn thấy chính mình, và đó không phải là khiêm tốn.

Khiêm tốn không phải là sự hèn hạ. “Hãy tự hào một cách khiêm tốn, và tự trọng đúng với giá trị của con” (Hc 10:27). Khiêm tốn là để nhận mình hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa và như người được cứu chuộc, được lựa chọn, cao quý, là tư tế, và vương giả (xem 1 Peter 2: 9). Do đó, so sánh mình tốt hơn hoặc kém hơn so với người khác điều không phù hợp với sự khiêm nhường.

Trong suốt Mùa Chay, và đặc biệt là trong Tuần Thánh, chúng ta tập trung vào cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Sự chiêm ngắm của chúng ta về Đức Kitô bị đóng đinh không phải làm cho chúng ta ghét bản thân mình vì tội lỗi xấu xa của chúng ta. Sự tập trung vào Chúa Kitô chịu đóng đinh của chúng ta  nên lấp đầy trong chúng với lời tạ ơn vì chúng ta được yêu thương và tôn trọng, chúng ta được xem rất quý giá bởi Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, khi con suy gẫm về Cuộc Khổ Nạn và đóng đinh Con của Cha, xin hãy gửi Chúa Thánh Thần đến dạy cho con ý nghĩa của sự khiêm tốn.

Xác tín: “Chúng ta phải biết Chúa, phải ra sức nhận biết Ngài; như hừng đông mỗi ngày xuất hiện, chắc chắn thế nào Người cũng đến, và sự phán xét của Ngài chiếu sáng như ánh sáng ban ngày!” – Hs 6: 3

Tác giả: Don Schwager

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Trần Quốc Bảo

Giáo Phận Kontum

WGPKT(20/03/2020) KONTUM