Tha Thứ Hay Khủng Bố (09.3.2020 – Thứ Hai Tuần 2 MC)

Lời Chúa: Lc 6, 36-38
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ. Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án, hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ, hãy cho thì sẽ được cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Suy nim:

Phải chăng bạn biết và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho bạn qua máu của Chúa Giêsu Kitô đã được đổ ra cho bạn và cho những tội lỗi của bạn trên thập giá? Chúa Giêsu gánh lấy tội lỗi chúng ta trong chính Ngài và đóng đinh chúng vào thập giá để nhờ đó mà chúng ta có thể nhận được ơn tha thứ chứ không phải sự lên án, sự tự do chứ không phải là nô lệ cho tội lỗi, và ơn chữa lành vì vết thương gây ra bởi tội lỗi, bất công, và gian ác.

 Lòng thương xót của Thiên Chúa chắc chắn là không có giới hạn

Thiên Chúa Cha không bao giờ mệt mỏi khi thể hiện tình yêu và lòng thương xót kiên định của Người cho những ai tìm kiếm Người. Kinh Thánh cho chúng ta biết lòng thương xót của Người không bao giờ chấm dứt. “Tình yêu bền vững của Chúa không bao giờ vơi, lòng thương xót của Người không bao giờ có hồi kết, sáng nào Ngài cũng ban ân sủng mới; lòng trung thành của Người cao cả biết bao” (Ai Ca của Giêrêmia 3: 22-23). Phải chăng có điều gì đó kiềm hãm chúng ta trong việc trở lại đón nhận lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa? Sự giận dữ, oán giận, thái độ không muốn tha thứ hay không muốn xin tha thứ có thể kéo chúng ta khỏi quyền năng chữa lành và tình yêu thương xót là sức mạnh rửa sạch tội lỗi và án phạt, sợ hãi và giận dữ, kiêu ngạo và sự oán giận. Chúa Giêsu ban cho chúng ta sự tự do để bước đi trên con đường tình yêu và sự tha thứ, lòng thương xót và khoan dung.

 Hãy bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa Cha

Chúng ta được  mời gọi thương xót nhau giống như Thiên Chúa Cha chúng ta đã thương xót mỗi người chúng ta. Bạn có nhanh chóng tha thứ cho những người làm thiệt hại bạn hay làm cho bạn buồn rầu hay đau khổ, hoặc bạn có cho phép những ước muốn tệ hại và oán giận phát triển trong trái tim của bạn không? Bạn có cầu nguyện cho những người đã không còn nhận thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, sự tha thứ, sự thật, và công lý không?

Trong Cựu Ước, chúng ta thấy các ví dụ của Đanien, một người đàn ông của đức tin tuyệt vời trong đường lối công chính và lòng xót thương của Thiên Chúa, người đã cầu nguyện hàng ngày, không chỉ cho riêng mình, nhưng còn cho dân Chúa, cũng như cho những kẻ bắt bớ ông. Đanien đã “thẹn thùng” trước mặt Thiên Chúa vì ông nhận ra rằng dân Chúa đã được chọn bởi Thiên Chúa là dân Israel, bây giờ đã bị lưu vong do tội lỗi của họ và sự bất trung với giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với họ (xem Đanien 9: 4-10). Đanien đã không phán quyết về sự sa ngã và tội lỗi của dân Chúa, thay vào đó ông đã nài xin Chúa rủ lòng từ bi, tha thứ, và phục hồi dân ấy. Sự xấu hổ của chúng ta sẽ chuyển thành niềm vui và hy vọng nếu chúng ta xưng tội mình và kêu cầu tình yêu chữa lành và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đừng Xét Đoán

Tại sao Chúa Giêsu nói với các môn đệ “đừng xét đoán để họ khỏi bị xét đoán”? Chúa Giêsu biết tâm hồn con người quá rõ. Chúng ta đánh giá quá nhanh hoặc không công bằng bởi nhiều thúc đẩy lẫn lộn, bởi trái tim không trong sạch, và bởi đầu óc thành kiến. Trái tim phải được thanh tẩy trước tiên để phân định việc phán xét đúng với ân sủng và lòng thương xót chứ không phải với ước muốn bệnh hoạn và trả thù.

Ephrem xứ Syria (306-373 AD), một tác giả và thầy dạy khôn ngoan của Kitô Giáo tiên khởi, giải thích lời kêu gọi của Chúa Giêsu về việc đừng xét đoán:

Đừng xét đoán cách bất công, để nhờ đó bạn không bị xét xử liên quan đến sự bất công. Với sự xét đoán mà bạn đánh giá thì bạn sẽ bị phân xử. Điều này thì giống như cụm từ “hãy tha thứ, bạn sẽ được thứ tha.” Vì một khi ai đó đã xét xử phù hợp với công lý, thì anh ta nên tha thứ cho phù hợp với ân sủng, để khi bản thân anh ta được xét xử phù hợp với công lý, thì anh ta có thể xứng đáng với sự tha thứ nhờ ân sủng. Như một sự lựa chọn, đó là bản án của các thẩm phán, những người tìm kiếm sự trả thù cho chính mình, Ephrem nói: “Đừng lên án.” Nghĩa là, không tìm cách trả thù cho mình. Hoặc, đừng xét đoán dáng vẻ bên ngoài và quan điểm và sau đó lên án, nhưng hãy khuyên nhủ và răn bảo. (giải thích về Tatian’s Diatessaron 6.18B.)

“Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Ngài mang lại tự do, tha thứ, và niềm vui. Xin hãy biến đổi trái tim con với tình yêu của Ngài để không có gì có thể làm cho con mất bình tĩnh, náo động sự bình an, lấy đi niềm vui của con, hoặc làm cho con cay đắng đối với bất cứ ai.”

Tha Thứ Hay Khủng Bố?

 “Hãy tha thứ, và bạn sẽ được thứ tha.” – Luke 6:37

Nhiều người đàn ông khôn ngoan và phụ nữ sáng suốt qua dòng lịch sử đã đi đến kết luận hợp lý rằng chúng ta phải tha thứ một cách đầy thương xót cho những người đã phạm tội nghịch cùng chúng ta. Nếu không có sự tha thứ, thì sự trả thù và không thế tránh khỏi sự dâng trào của xung đột đến mức tiêu diệt những người yếu thế trong cuộc xung đột. Nếu không có sự tha thứ, thì các gia đình và / hoặc sắc tộc thiểu số bại trận chờ đợi trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, để xây dựng sức mạnh hoặc có cơ hội để trả đũa. Trong thực tế, chúng ta tha thứ cho chúng ta hoặc sinh ra khủng bố.

 “Sai lầm là con người, tha thứ là Thiên Chúa.” Con người chúng ta không có sức mạnh để tha thứ. Chúng ta dường như cam chịu để tiêu diệt lẫn nhau khi chúng ta tạo ra một thế giới của sự khủng bố. Tuy nhiên, Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ chúng ta. Ngài không chỉ truyền dạy cho chúng ta tha thứ, nhưng đã làm cho nó thành hiện thực để chúng ta thông phần bản tính Thiên Chúa (xem 2 Phêrô 1: 4) và do đó có quyền năng của Người để tha thứ.

Mùa Chay này, chúng ta có thể bắt đầu thoát khỏi thế giới của chủ nghĩa khủng bố bằng cách đón nhận sức mạnh của Thiên Chúa, tha thứ cho tất cả những ai đã phạm tội nghịch cùng chúng ta, thậm chí cả kẻ thù cay đắng của chúng ta. Cái chết và Phục sinh cứu độ của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta trong Ngài làm cho phép lạ của sự tha thứ trở nên hiện thực. Khi chúng ta làm mới lại việc rửa tội của chúng ta trong ngày lễ Phục Sinh, chúng ta đừng mở ra những bi kịch và kích động hành vi bạo lực. Hãy sống Phép Rửa Tội của bạn về sự tha thứ trong Chúa Giêsu.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin hãy làm cho con thành sứ giả hòa bình (Matthew 5: 9) trong Chúa Giêsu, Bình an của con. (Ep 2:14).

Xác Tín: “Con thưa cùng Ngài, lạy Chúa, Thiên Chúa của con, và thú nhận, ‘Đức Chúa là Đấng vĩ đại và tuyệt vời, Chúa là Đấng giữ giao ước của lòng thương xót Ngài đối với những người yêu mến Ngài và tuân giữ các điều răn của Ngài! Chúng con đã phạm tội.” Đn 9: 4-5

Tác giả: Don Schwager

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Trần Quốc Bảo

Giáo Phận Kontum

WGPKT(08/03/2020) KONTUM